Ông Biden và Trung Quốc

HIẾU CHÂN

Trên các mạng xã hội ở Việt Nam từ lâu đã lưu truyền “huyền thoại” chỉ có Tổng thống Donald Trump mới là người quyết liệt chống Trung Quốc, ngược lại, ông Joe Biden, nguyên Phó Tổng thống, ứng cử viên đảng Dân Chủ, là người “khấu đầu” trước Bắc Kinh. Do vậy, người Việt nhiệt tình ủng hộ ông Trump “chống Trung Quốc” và lo ngại khi ông này thất cử. Sự thực thế nào?

Nhà báo John Pomfret, nguyên trưởng văn phòng báo The Washington Post tại Bắc Kinh, tác giả sách về quan hệ Mỹ-Trung từ năm 1776 đến nay, cho rằng nhận định đó không đúng, dù thừa nhận đối xử với Trung Quốc như thế nào là bài toán khó cho chính quyền của ông Joe Biden.

Ông Pomfret dẫn lại lịch sử cho thấy gần đây hầu như tổng thống Mỹ nào trong thời gian tranh cử cũng đều lên án Trung Quốc mạnh mẽ nhưng rồi khi cầm quyền lại trở nên hòa dịu với Bắc Kinh. Cựu Tổng thống Bill Clinton cáo buộc các tổng thống tiền nhiệm đã chiều chuộng “các nhà độc tài, từ Bagdad tới Bắc Kinh”; cựu Tổng thống George W. Bush gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”. Nhưng rồi chính hai vị tổng thống này đã ban hành những chính sách hết sức có lợi cho Trung Quốc như cấp quy chế tối huệ quốc (most favored nation, MFN) để hàng hóa Trung Quốc nhập cảng vào Mỹ được ưu đãi về thuế, hậu thuẫn cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) – điều kiện quyết định để kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt bậc suốt mấy chục năm qua. Tổng thống Donald Trump đã có nhiều nỗ lực kết thân với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều lần ngợi khen ông Tập bằng những lời ca tụng tận mây xanh. Thái độ của ông Trump đối với ông Tập chỉ thay đổi sau khi đại dịch cúm Vũ Hán hoành hành và gây tổn thất trầm trọng cho nước Mỹ.

Ông Joe Biden khi còn là Phó Tổng thống đã thích khoe rằng ông dành thời gian với Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều hơn với bất kỳ nhà lãnh đạo quốc tế nào. Hai ông Biden và Tập đã có nhiều bữa cơm cùng nhau, tổng cộng tới 25 tiếng đồng hồ, đã bay cùng nhau 24.000 dặm, thậm chí còn cùng nhau làm mì sợi để truyền hình quay phim! Ông Biden từng nói sự thân thiết với ông Tập giúp ông nhìn thấu tâm can nhà lãnh tụ cộng sản này và “hiểu chúng ta đang chống lại cái gì”! Thế nhưng khi ra tranh cử tổng thống Mỹ mới đây, ông đã không tiếc lời lên án Trung Quốc và công khai gọi Tập Cận Bình là “thằng du côn cướp của giết người” (a thug).

Vậy nên, khó mà xác định dứt khoát một tổng thống Mỹ thân hay chống Trung Quốc.

*

Nhìn chung, các chính phủ Mỹ hoạch định quan hệ với Trung Quốc dựa trên quyền lợi của người Mỹ, trên quan điểm của đa số dân Mỹ và cách nhìn nhận Trung Quốc nói chung, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói riêng.

Quan điểm của người Mỹ về Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây, nhất là từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền tối cao của đảng Cộng sản Trung Quốc. Một cuộc thăm dò dư luận của tổ chức Pew Research thực hiện hồi tháng 07-2020 ghi nhận 73% người Mỹ có thái độ tiêu cực (negative) với Trung Quốc, mức cao nhất kể từ khi Pew bắt đầu thăm dò chủ đề này năm 2005, khi đó chỉ có 35% người Mỹ ác cảm với Trung Quốc.

“Tôi nghĩ, trong đảng Dân Chủ có sự đồng thuận rộng rãi rằng ông Trump đã khá chính xác khi chẩn đoán cung cách cạnh tranh ăn cướp của Trung Quốc”

Kurt Campbell, quan chức hàng đầu về châu Á trong chính quyền Obama, hiện là cố vấn cao cấp của ông Joe Biden

Sự thay đổi của dư luận ảnh hưởng tới thái độ của các chính trị gia và hiện nay, xu thế chống Trung Quốc đã đạt được sự đồng thuận của các nghị sĩ và dân biểu thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, ở cả Thượng viện và Hạ viện. Hàng loạt luật và nghị quyết trừng phạt các công ty và quan chức Trung Quốc có hành động đàn áp ở Tân Cương, Hồng Kông, Biển Đông được Quốc hội Mỹ thông qua với đa số tuyệt đối trong thời gian gần đây là một minh chứng.

Trong chốn riêng tư, các cố vấn chính sách của ông Joe Biden tỏ ý tán thành nhận định của chính phủ Trump rằng Trung Quốc đang lăm le “hất cẳng” Mỹ để trở thành siêu cường lãnh đạo toàn cầu. “Tôi nghĩ, trong đảng Dân Chủ có sự đồng thuận rộng rãi rằng ông Trump đã khá chính xác khi chẩn đoán cung cách cạnh tranh ăn cướp của Trung Quốc,” ông Kurt Campbell, quan chức hàng đầu về châu Á trong chính quyền Obama, hiện là cố vấn cao cấp của ông Joe Biden và dự báo sẽ giữ trọng trách về ngoại giao trong chính quyền Biden, nói với báo Wall Street Journal hồi tháng Chín. 

Về phần mình, ông Biden đã trình bày quan điểm trên tờ Foreign Affairs số tháng 3-4/2020: “Hoa Kỳ cần phải cứng rắn với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc được tự tung tự tác (has its way), họ sẽ tiếp tục đánh cắp công nghệ và tài sản trí tuệ của nước Mỹ, của công ty Mỹ. Họ sẽ tiếp tục sử dụng trợ cấp để tạo cho các công ty quốc doanh của họ lợi thế không công bằng – và vượt lên thống trị các công nghệ, các ngành công nghiệp của tương lai”.

Rõ ràng, ông Joe Biden không có con đường nào khác hơn là tiếp tục chính sách ngoại giao cứng rắn đối với Trung Quốc đã được ông Donald Trump khởi động. 

*

Thế nhưng, phong cách ngoại giao cũng như chính sách đối với Trung Quốc của ông Trump và ông Biden có nhiều chỗ khác nhau. Ông Trump, trong bốn năm qua, thích đơn thương độc mã đối phó với Trung Quốc – và cả những quốc gia nào mà ông cho là lợi dụng nước Mỹ, kể cả các đồng minh lâu đời. Ông đơn phương phát động thương chiến, trực tiếp đàm phán với Bắc Hàn, đơn phương rút ra khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, hiệp ước P5+1 về chương trình hạt nhân Iran, kể cả rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới, bất chấp lời can ngăn của các đồng minh châu Âu.

Trái với ông Trump, ông Biden ngay từ khi tranh cử đã đề cao chủ nghĩa đa phương – một phiên bản mới của chính sách ngoại giao Obama. Ông chú trọng tới việc xây dựng mối liên kết với các đồng minh và đối tác để giải quyết những vấn đề đối ngoại của Mỹ và của thế giới. “Phương thức hữu hiệu nhất để đối phó với thách thức [Trung Quốc] là xây dựng một mặt trận thống nhất các đồng minh và đối tác của Mỹ để đương đầu với các hành vi lạm dụng và vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, ngay cả khi chúng ta hợp tác với Bắc Kinh trên các lĩnh vực mà lợi ích của chúng ta hội tụ [với họ] như biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh sức khỏe toàn cầu,” ông Biden viết trên Foreign Affairs. 

“Phương thức hữu hiệu nhất để đối phó với thách thức [Trung Quốc] là xây dựng một mặt trận thống nhất các đồng minh và đối tác của Mỹ để đương đầu với các hành vi lạm dụng và vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, ngay cả khi chúng ta hợp tác với Bắc Kinh trên các lĩnh vực mà lợi ích của chúng ta hội tụ [với họ] như biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh sức khỏe toàn cầu,”

JOE BIDEN, Ứng cử viên tổng thống Mỹ

Ai cũng biết, “ba cây chụm lại nên hòn núi cao” nhưng xây dựng liên minh là chuyện nói dễ làm khó vì trong thế giới đa cực hiện nay, lợi ích an ninh và kinh tế của các quốc gia đan xen vào nhau mật thiết khiến cho các nhà lãnh đạo khó mà lựa chọn dứt khoát đứng về bên này hoặc bên kia như trong thời Chiến tranh Lạnh. Ở châu Á chẳng hạn, các nước Đông Nam Á, hay Nam Hàn, Nhật Bản đều trông cậy vào cây dù an ninh của Mỹ để kiềm chế tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh nhưng cũng đều phụ thuộc vào nền kinh tế có quy mô khổng lồ của Trung Quốc. Các nước EU cũng vậy, họ có thể chia sẻ hệ giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền với Mỹ nhưng khó mà yêu cầu EU “tách rời” (de-coupling) khỏi Trung Quốc về thương mại và đầu tư. Thêm vào đó, sức thu hút và uy tín quốc tế của Mỹ đã suy giảm trầm trọng trong mấy năm qua do chính sách tự cô lập “nước Mỹ trước hết” cũng như tính khí đồng bóng sớm nắng chiều mưa của nhà lãnh đạo Donald Trump. Nhiều nước đã công khai nói rõ họ không thể tiếp tục tin cậy các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ.

Ông Biden nói rất hùng hồn: “Chúng ta sẽ chứng tỏ cho thế giới rằng Hoa Kỳ đang chuẩn bị lãnh đạo trở lại – không chỉ bằng tấm gương của sức mạnh của chúng ta mà cả sức mạnh của tấm gương của chúng ta”. Tấm gương Mỹ đã mờ đi suốt bốn năm qua, đặc biệt là những rối loạn sau cuộc bầu cử vừa qua, và khôi phục sự sáng láng trở lại không phải là chuyện một sớm một chiều.

*

Trung Quốc là một đối thủ đầy thủ đoạn và xảo quyệt. Không chỉ là quốc gia chuyên chế, độc tài độc đảng đông dân nhất hành tinh mà với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một khối dân số hàng tỷ người gắn bó với nhau bằng một thứ chủ nghĩa dân tộc Đại Hán, lại được dẫn dắt bởi một đảng Cộng sản có năng lực thích nghi cao, đổi màu da nhanh như tắc kè khi môi trường chung quanh thay đổi, Trung Quốc có nhiều lợi thế để đối phó với Mỹ và thế giới bên ngoài. Vả lại, đảng Cộng sản Trung Quốc không bị kiềm chế bởi những định chế và quy trình rối rắm của chế độ dân chủ tự do, giúp cho việc ban hành quyết định cũng như huy động nguồn lực xã hội của Bắc Kinh diễn ra nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn.

Nhìn lại ngoại giao Trung Quốc có thể thấy một thủ pháp lặp đi lặp lại là Bắc Kinh luôn thả con tép, bắt con tôm. Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ một chút gì nếu không được bù đắp bằng một thứ khác, có giá trị hơn. Lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông đồng ý với Tổng thống Richard Nixon sẽ gây sức ép buộc Hà Nội ký Hiệp định Paris 1973 và tạm gác vấn đề thâu tóm Đài Loan theo yêu cầu của Mỹ, bù lại Washington phải giúp Bắc Kinh chống Liên Xô để giành vị thế “Anh Cả Đỏ” của khối Cộng sản quốc tế. Từ đó trở đi, tình báo Mỹ làm việc chặt chẽ với Trung Nam Hải, nhất cử nhất động của Liên Xô, cả về quân sự và kinh tế, đều được báo cáo chi tiết và kịp thời với Bắc Kinh.

Thời Tổng thống Barack Obama, Cố vấn An ninh Quốc gia Susan E. Rice chủ trương mềm mỏng với Bắc Kinh trong các vấn đề như Biển Đông, đàn áp nhân quyền, cung cách thương mại có tính cướp bóc để đổi lấy việc Trung Quốc hợp tác trong một số lĩnh vực khác như ngừng tấn công tin học (cyberespionage) và giải quyết chương trình hạt nhân Bắc Hàn. Khi Tập Cận Bình đổ quân bồi đắp bảy đảo đá chiếm được của Việt Nam ở Trường Sa, chính quyền Obama đã không có động tác ngăn cản nào; khi người Uighur theo Hồi giáo bị đàn áp ở Tân Cương, Washington vẫn không có ý kiến phản đối. Bù lại, tại cuộc họp báo chung ở Tòa Bạch ốc ngày 25-09-2015, Tập Cận Bình “long trọng cam kết” Trung Quốc sẽ không bao giờ quân sự hóa các đảo ở Trường Sa, chấm dứt việc tấn công tin học các công ty và chính quyền Mỹ. Cam kết đó hão huyền tới mức nào thì bây giờ ai cũng thấy. Phải đến cuối nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama, chính phủ Mỹ mới bắt đầu trấn áp các hoạt động tấn công tin học của Trung Quốc, phản đối yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông và siết chặt việc cấp giấy phép cho đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ Mỹ.

“Chúng ta sẽ chứng tỏ cho thế giới rằng Hoa Kỳ đang chuẩn bị lãnh đạo trở lại – không chỉ bằng tấm gương của sức mạnh của chúng ta mà  bằng sức mạnh của tấm gương của chúng ta”.

JOE BIDEN, Ứng cử viên tổng thống Mỹ

Tổng thống Donald Trump đã cố gắng thoát ra những chính sách mềm mỏng với Bắc Kinh kéo dài hàng chục năm qua vài đời tổng thống Mỹ. Ông phát động thương chiến với Trung Quốc nhắm mục tiêu buộc Trung Quốc phải tạo lập sân chơi bình đẳng cho các công ty Mỹ và công ty nước ngoài nói chung, bãi bỏ việc trợ cấp bất hợp pháp các công ty quốc doanh, chấm dứt việc cưỡng bức chuyển giao công nghệ và ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ; nói chung là buộc Trung Quốc phải thay đổi cung cách điều hành kinh tế và tiền tệ, từ đó cân bằng cán cân thương mại Mỹ-Trung. Nhưng, do Tập Cận Bình “nắm thóp” ông Trump cần giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, cần phiếu cử tri các bang nông nghiệp như Iowa – nơi Tập có một thời gian sinh sống và nghiên cứu – nên Bắc Kinh đã đưa ra miếng mồi “tăng mua nông sản Mỹ lên 200 tỷ Mỹ kim trong hai năm” để dụ ông Trump ký hiệp định thương mại giai đoạn 1, tạm thời không còn nhắc tới yêu cầu đòi Trung Quốc bãi bỏ trợ cấp cho doanh nghiệp quốc doanh hoặc chấm dứt cung cách thương mại không công bằng nữa. Một năm trôi qua, Trung Quốc đã không thực hiện đầy đủ cam kết mua nông sản, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vẫn tăng đều, tháng sau cao hơn tháng trước, mà không ai còn nhắc tới việc buộc Bắc Kinh thay đổi chính sách thương mại nữa.

Ông Biden sẽ đối đầu với Trung Quốc về kinh tế và công nghệ, không để Bắc Kinh “tự tung tự tác” như hiện nay, nhưng ông cũng cần Bắc Kinh hợp tác trong các lĩnh vực “biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh sức khỏe toàn cầu” như bài viết của ông đã dẫn ở trên. Giải quyết thế nào mối mâu thuẫn giữa hợp tác và đối đầu mà không rơi vào cái bẫy ngoại giao cổ lỗ mà hiệu quả của Bắc Kinh quả là một bài toán khó cho ông Biden.

*

Theo tin của giới quan sát chính trị, một số nhà ngoại giao cao cấp trong chính phủ Obama/Biden có thể sẽ quay lại phục vụ trong chính phủ Biden/Harris sau ngày 20-01-2021.

Các nhà ngoại giao này từng giả định rằng Tập Cận Bình sẽ thúc đẩy các chính sách tự do hóa thị trường đã manh nha ở Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình tới Hồ Cẩm Đào. Họ cũng tin rằng, một khi Trung Quốc tự do hóa, tuân thủ các luật lệ toàn cầu, hội nhập với thế giới thì nước Mỹ sẽ có lợi ích. “Sẽ là lợi ích của chúng tôi nếu Trung Quốc tiếp tục thịnh vượng” là phát biểu của TNS Joe Biden khi ông đến thăm Bắc Kinh năm 2011. Thực tế, sau khi lên nắm quyền năm 2012, Tập Cận Bình đã quay ngoắt lại, tập trung củng cố quyền lực, đảo ngược các chính sách tự do, đàn áp những người bất đồng chính kiến, hạn chế kinh tế tư nhân để thúc đẩy kinh tế quốc doanh, gia tăng cường độ ăn cắp công nghệ và thực hiện chính sách ngoại giao chó sói. Các chính trị gia Dân Chủ Mỹ bắt đầu vỡ mộng và hối hận đã không phát hiện sớm hơn bản chất độc tài chuyên chế và dân tộc chủ nghĩa của Tập Cận Bình và chính quyền Trung Quốc.

Mang tâm trạng vỡ mộng ấy vào việc tính toán một sách lược đối phó với Trung Quốc, hy vọng bộ sậu của ông Biden sẽ không lặp lại một chính quyền Obama phiên bản 2.0; sẽ hoạch định được một chiến lược sâu sắc, mạnh mẽ và nhất quán để đối phó với Trung Quốc – không mềm yếu như thời Obama,  cũng không bất nhất như thời Trump – và giải bài toán thuộc loại nhức đầu nhất của thời đại.

Xem thêm:

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: