Hà Tĩnh vs. Nghệ An và cuộc đua tranh ném tiền qua cửa sổ

Cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, nối Nghệ An và Hà Tĩnh khánh thành Tháng Ba 2021 – Ảnh: Tuổi Trẻ

Cửa Hội là tên cây cầu trên sông Lam, nối liền hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, được khánh thành Tháng Ba 2021.

Cùng với cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2, cầu Cửa Hội là cây cầu thứ ba bắc qua sông Lam, nối liền hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh. Cụ thể cầu Cửa Hội nằm ở phần hạ lưu sông Lam, nối thị xã Cửa Lò (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Tổng chiều dài tuyến hơn 5.2km, trong đó phần cầu dài hơn 1.7km. Chiều rộng cầu nhịp chính 18.5m, cầu dẫn 16m. Tổng mức đầu tư của dự án là 950 tỷ đồng ($39,852,500), trong đó ngân sách trung ương 450 tỷ đồng (chiếm 47%), ngân sách địa phương 500 tỷ đồng (Nghệ An và Hà Tĩnh mỗi tỉnh góp 250 tỷ đồng).

Điểm nhấn của cầu Cửa Hội là ở nhịp chính sử dụng kết cấu dây văng đúc hẫng cân bằng Extradosed – công nghệ thi công cầu hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay.

Giao thông trên cây cầu Cửa Hội trong ngày khánh thành – Ảnh: Tuổi Trẻ

Ngày 15 Tháng Tám 2023, tỉnh Nghệ An quyết định trích ngân sách 20 tỷ 459 triệu đồng để làm hệ thống điện trang trí cầu Cửa Hội, đoạn phía thị xã Cửa Lò.

Mục tiêu của dự án là để tạo điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch của hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh bằng cách kéo dài thời gian hoạt động tham quan, ngắm cảnh về đêm của du khách.

Dự án có tổng cộng tám gói thầu, trong đó có bảy gói thầu theo hình thức chỉ định thầu. Riêng gói thầu số 5 (thi công, lắp đặt và thiết bị) giá trị hơn 18.4 tỷ đồng sẽ được đấu thầu rộng rãi trong cả nước.

Dự kiến thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu vào Quý III/2023, thực hiện hợp đồng trong sáu tháng.

Khi trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vương Đình Nhuận, Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình giao thông Nghệ An, cho biết: “Hệ thống chiếu sáng cầu Cửa Hội sẽ được tách thành hai dự án độc lập, mỗi tỉnh sẽ tổ chức thực hiện các công việc trên địa giới hành chính của mình”.

Thị xã Cửa Lò của Nghệ An hay huyện Nghi Xuân của Hà Tĩnh đều không phải là địa danh du lịch nổi tiếng nên chỉ có khách bộ hành địa phương tản bộ trên cầu Cửa Hội – Ảnh: Tuổi Trẻ

Trước việc đầu tư 20 tỷ đồng làm hệ thống điện trang trí cầu Cửa Hội của Nghệ An, người dân bày tỏ băn khoăn có cần thiết hay không, trong khi nguồn thu ngân sách tỉnh Nghệ An hằng năm không đủ chi?

Hồi Tháng Tám năm ngoái, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Tĩnh cũng có báo cáo gửi Ủy ban tỉnh Hà Tĩnh đề xuất về sự cần thiết phải đầu tư hệ thống điện chiếu sáng và đèn trang trí cầu Cửa Hội.

Lúc đó, theo tính toán của Sở này thì tổng mức đầu tư dự án khoảng 70 tỷ đồng, gồm hệ thống điện trang trí trên cầu 60 tỷ đồng và điện chiếu sáng đầu cầu phía huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là 10 tỷ đồng.

Khi Nghệ An công bố phê duyệt dự án hơn 20 tỷ đồng làm đèn trang trí trên phần cầu phía Nghệ An thì chiều 18 Tháng Tám, Ủy ban tỉnh Hà Tĩnh cũng công bố dành ngân sách hơn 45 tỷ đồng để làm hệ thống điện trang trí cầu Cửa Hội phía Hà Tĩnh.

Trong đó bao gồm hệ thống điện trang trí cầu Cửa Hội và đèn chiếu sáng đường đầu cầu phía huyện Nghi Xuân. Nguyên nhân số vốn dự án của Hà Tĩnh nhiều hơn Nghệ An do chiều dài cầu và phần đèn chiếu sáng đường đầu cầu phía Hà Tĩnh nhiều hơn chiều dài cầu Cửa Hội phía Nghệ An.

Giải thích việc phải đầu tư hơn 65 tỷ đồng làm đèn trang trí cầu Cửa Hội, đại diện hai Sở Giao thông Vận tải Nghệ An và Hà Tĩnh cho hay cầu Cửa Hội được thông xe hồi Tháng Ba 2021 đến nay nhưng về đêm vẫn thiếu đèn trang trí, không tạo điểm nhấn cho cây cầu nối hai tỉnh.

Con số đầu tư hơn 65 tỷ đồng (hơn $2,726,750) làm điện trang trí cầu Cửa Hội của Nghệ An và Hà Tĩnh khiến độc giả bàn tán xôn xao.

Đầu tư gần $3 triệu để làm hệ thống đèn trang trí cho một cây cầu để phục vụ cho cư dân địa phương, vốn còn nghèo, có cần thiết không? – Ảnh: Tuổi Trẻ

Sống gần cầu Cửa Hội, độc giả Lê Trọng Danh bày tỏ mong muốn: Hiện tại cầu chỉ có đèn chiếu sáng chứ không có đèn trang trí, chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương lắp đèn trang trí như cầu Rồng (Đà Nẵng) để thu hút khách du lịch đến tham quan.

Trả lời, độc giả Nguyễn Việt Trung thẳng thắn: “Đà Nẵng là thành phố du lịch và dòng sông Hàn chảy trong lòng thành phố, nơi có những cây cầu độc đáo và cuộc sống về đêm nhộn nhịp nên rất cần trang trí những cây cầu.

Ở địa phương không có thế mạnh du lịch ven sông, ven biển, nằm chệch khỏi trung tâm hay những nơi ít người tản bộ, ít du khách, thì nên bỏ qua việc trang trí chiếu sáng nghệ thuật”.

Độc giả Phúc Nguyễn rất thực tế khi bình luận: “Hiện nay, một số tỉnh có nguồn thu ngân sách địa phương không đủ chi, phải dựa vào trợ cấp của ngân sách trung ương, nên thường tranh thủ đầu tư nhiều dự án “hoành tráng” và “lãng phí”.

Hậu quả, là sau khi dự án hoàn thành thì tiền đâu để duy trì bảo dưỡng, sửa chữa… vì những chi phí này phát sinh rất lớn cho những năm sau?”

Độc giả Ton Vo nêu vấn đề: “Thứ nhất chi phí hàng chục tỷ có hợp lý? Thứ hai bóng led ngoài trời tuổi thọ không cao như quảng cáo là 100,000 giờ mà chân linh kiện rất dễ oxy hóa và mục hỏng nên thời gian sử dụng thực tế không quá 18 tháng, tức mỗi năm đều phải chi hàng chục tỷ cho việc trang trí thì có quá phí không?

Thứ ba chủ trương tiết kiệm điện, nhưng với số lượng led cực lớn thì nó vẫn tốn rất nhiều điện!”.

Độc giả Hoàng Trường Giang kết luận: “Hai tỷ đã thấy lãng phí rồi chứ đừng nói tới 20 tỷ. 20 tỷ là đủ xây một trường tiểu học có quy mô 15 phòng học rồi đấy. Đáng nói là Hà Tĩnh và Nghệ An vẫn đang còn là tỉnh nghèo”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: