Những ông bà chủ của xe chở bệnh nhân ‘không đồng’

“Alo, tôi là Tác, xe chở bệnh nhân 0 đồng, xin nghe” là câu trả lời điện thoại quen thuộc của ông Tác trong hơn 20 năm qua – Ảnh: VietnamNet

Với đặc thù có rất đông bệnh nhân nghèo, Việt Nam có một mô hình từ thiện không nước nào có là những chiếc xe chở bệnh nhân ‘0 đồng’ (không đồng).

Ở Sài Gòn, chỉ cần vào bệnh viện Ung Bướu, Chợ Rẫy thường xuyên là sẽ biết các bệnh nhân nghèo lấy cơm “o đồng” ở đâu, khi hồi phục hoặc trở nặng phải về quê thì họ sẽ phải cầu cứu ai để có chuyến xe “0 đồng”,…

Chuyện giúp nhau trong lúc hoạn nạn đã thành lẽ thường, khi người dân không thể trông chờ vào chính sách an sinh xã hội của chính quyền.

Chỉ có người miền Nam mới nghĩ ra cách gọi tinh tế, và thương yêu như vậy. Cho đi, nhưng không để người nhận mặc cảm là nhận của bố thí. Một người giải thích: “Họ (bệnh nhân) vẫn trả tiền cho chúng tôi đấy chứ! Giá của những chuyến xe như thế là 0 đồng!”

VietnamNet ngày 3 Tháng Chín 2023 đã kể chuyện về ông Nguyễn Văn Tác (53 tuổi, ngụ xã Trung Hưng, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ), người lập đội xe cứu thương chở bệnh nhân 0 đồng ở đây hơn 20 năm qua.

“Alo, tôi là Tác, xe chở bệnh nhân 0 đồng, xin nghe” là câu trả lời điện thoại quen thuộc của ông, mỗi khi nghe thân nhân người bệnh cầu cứu.

Cho dù đang phụ vợ là bà Phạm Thị Diễm (53 tuổi) – chủ một cửa hàng tạp hóa gần chợ, thì khi nhận điện thoại xin chuyến xe 0 đồng của bất kỳ bệnh nhân nào, ông Tác cũng bỏ đó mà đi giúp. Ủng hộ công việc thiện nguyện của chồng, bà Diễm không bao giờ cằn nhằn ông.

Sau một số câu hỏi để xác thực thông tin cũng như tình trạng của người cần hỗ trợ, ông Tác tạm biệt vợ, chạy ra xe cứu thương. Khi đón và chở người đàn ông bị bệnh nặng từ xã Trung Hưng lên bệnh viện đa khoa Cần Thơ xong, ông mới quay về với công việc thường ngày.

Niềm vui nhất của nhóm ông Tác là chở được bệnh nhân khỏe mạnh sau khi chữa trị về quê của họ – Ảnh: VietnamNet

Xuất thân trong gia đình nông dân, gia đình ông Tác có bảy anh chị em, ông là con thứ hai trong gia đình. Khi lấy vợ, đôi vợ chồng cùng mở cửa hàng tạp hóa gần chợ.

Theo rủ rê của bạn bè, cứ mỗi tháng ông Tác tham gia nấu cơm từ thiện tại bệnh viện đa khoa Cần Thơ một tuần. Trong một tuần đó, ông và bạn thức từ 5 giờ sáng, người đi chợ, người chuẩn bị, người nấu. Ông nhớ lại: “Lúc đó mỗi phần cơm đều có món mặn, món xào và canh, thực đơn thay đổi mỗi ngày để bệnh nhân không chán ăn”.

Gần 10 năm trời nấu cơm từ thiện, tiếp xúc với người nhà của nhiều bệnh nhân, ông nghe được câu chuyện có bệnh nhân vì không có tiền thuê xe cứu thương mà bỏ lỡ thời gian vàng điều trị, bị di chứng suốt đời hay thậm chí mất mạng.

Đầu năm 2000, ông thành lập nhóm “Xe 0 đồng” với 10 thành viên đều biết lái xe, đang làm tài xế hoặc làm nông, với mục tiêu giúp đỡ bệnh nhân nghèo đến (hoặc rời) bệnh viện miễn phí. Nhóm của ông dùng tiền túi thay nhau mua nhiên liệu và không thu đồng nào từ bệnh nhân.

Lần mua chiếc xe cứu thương đầu tiên, bà con trong xóm đã hùn nhau giúp ông. Người ít góp vài chục ngàn, người nhiều góp cả triệu đồng đem tới nhà để chung tay với ông.

Nhận của hàng xóm 35 triệu đồng, ông mua lại chiếc xe cứu thương cũ, bỏ thêm 30 triệu đồng tân trang. Từ đó, dù nắng hay mưa, dù ngày hay đêm, chỉ cần có người gọi điện thoại cần giúp đỡ là các thành viên của nhóm thay nhau lên đường.

Các thành viên nhóm “Xe 0 đồng” của ông Tác làm tài xế vận tải hành khách và làm nông – Ảnh: VietnamNet

Chiếc xe cứu thương của nhóm ông Tác hoạt động chủ yếu trên địa phận Cần Thơ – Long Xuyên (tỉnh An Giang) và Sài Gòn. Thế nhưng một lần, ông Tác nhận cuộc gọi từ một phụ nữ ở Thái Bình gọi đến cầu cứu ông giúp đưa thi thể con trai bị tai nạn giao thông và tử vong trong một bệnh viện ở Hà Nội về quê.

Không hiểu sao, ông thấy thương mà nhận lời giúp, dù biết chặng đường đi ra Hà Nội rồi về Thái Bình xa diệu vợi. Ông gọi thêm hai thành viên trong nhóm rồi sửa soạn lên đường. Quãng đường dài 1,800km, cả ba thành viên thay nhau lái xe suốt hai ngày, hai đêm thì đến Hà Nội.

Ông Tác kể với VietnamNet: “Hoàn tất các thủ tục, chúng tôi chở thi thể nạn nhân về tới nhà. Lúc ra xe định quay về Cần Thơ, bỗng có người dúi vào tay tôi xấp tiền mệnh giá 500,000 đồng bảo trả tiền dầu, không rõ là bao nhiêu nhưng cả ba anh em đều từ chối”.

Thấy cả nhóm ông không nhận tiền, người nhà và hàng xóm của thanh niên vừa mất chia nhau đứng dọc hai bên đường, cúi đầu cảm ơn khi chiếc xe của nhóm ông đi qua, làm ông và hai người bạn vừa ngỡ ngàng, vừa ngậm ngùi.

Không chỉ giúp chở bệnh nhân nghèo miễn phí, ông Tác còn tham gia hiến máu tại bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ, đều đặn đến nay đã có hơn 50 lần hiến.

Vài năm gần đây, khi các bác sĩ thấy số lượng tiểu cầu của ông bị cao nên khuyên ông đi hiến tiểu cầu vì rất nhiều người cần mà hiếm người cho, thế là ông chuyển sang hiến tiểu cầu.

Tâm nguyện của người đàn ông quê Cần Thơ không chỉ dừng ở đó mà còn mong muốn được hiến tạng sau khi chết, thế nên ông Tác còn có tấm “Thẻ đăng ký hiến tạng” trong người.

Làm việc thiện nguyện với ông Tác chính là niềm vui và lẽ sống. Điều đó thật khó hiểu đối với một số người, nên họ thường cho là ông có tính “bao đồng” hoặc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.

Nhóm “Xe 0 đồng” ở Thanh Chương, Nghệ An bao gồm một thợ sửa xe, hai tài xế và một nhân viên văn phòng – Ảnh: Người Đưa Tin

Thanh Niên ngày 27 Tháng Hai 2023 và Người Đưa Tin ngày 27 Tháng Ba 2023 cũng kể câu chuyện về nhóm “Xe 0 đồng”, chuyên nhận chở miễn phí người nghèo đến (và rời khỏi) bệnh viện, bao gồm bốn thành viên ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Nhóm này do ông Nguyễn Phùng Úy (41 tuổi, xóm Dương Nam, xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương), một người thợ sửa xe gắn máy, thành lập.

Năm 2018 khi sắm được chiếc xe hơi cho gia đình, thỉnh thoảng ông nhận vận chuyển để kiếm thêm tiền. Trong những lần vận chuyển người bệnh nhập viện, thấy một số gia đình quá nghèo, ông tội, không lấy tiền công, vì nghĩ dù mình chưa giàu nhưng còn khấm khá hơn rất nhiều gia đình nghèo.

Năm 2021, ông quyết định dùng xe hơi của nhà mình vận chuyển miễn phí bệnh nhân nghèo ở trong vùng và các xã lân cận. Vì xe của ông không phải xe cứu thương nên ông Úy phải trải tấm nệm ở ghế sau làm giường cho họ nằm. Bình oxy thì để ở ghế phụ phía trước, người nhà bệnh nhân ngồi giữ.

Hằng ngày, ông Úy vẫn nhận sửa xe gắn máy, khi có điện thoại cần giúp là ông đóng cửa tiệm, lái xe đi. Đầu 2022, ông Úy công khai số điện thoại trên Facebook cá nhân và kêu gọi những người khác có điều kiện tham gia nhóm “Xe 0 đồng”. Không lâu sau, có thêm sáu người khác là những tài xế taxi ở cùng huyện tình nguyện tham gia, bầu ông Úy là “đội trưởng”.

Các thành viên của nhóm chia nhau phụ trách các xã lân cận nơi họ sinh sống. Hễ có người gọi cần giúp, ai ở gần nhất thì chở. Nếu người đó bận thì ông hay người khác thay, bất kể giờ giấc. Không chỉ chở bệnh nhân nghèo miễn phí trong địa phận Nghệ An mà thỉnh thoảng nhóm “Xe 0 đồng” còn nhận yêu cầu ra tận Hà Nội.

Hiện nay nhóm “Xe 0 đồng” chỉ còn lại bốn người, ngoài ông Úy còn có ông Trần Văn Cường, ông Nguyễn Đình Mạnh và bà Trần Thị Ngọc Dịu. Họ đều cư ngụ tại huyện Thanh Chương, sống bằng nghề sửa xe gắn máy, tài xế, nhân viên văn phòng… cuộc sống chưa phải là khá giả nhưng đều có chung ý nguyện “không đợi đến khi giàu mới giúp người khác”.

Cả nhóm đều sử dụng xe nhà để vận chuyển bệnh nhân, khoang xe nhỏ hẹp nhiều bất tiện nhưng hằng tháng vẫn đảm trách từ 20 – 50 chuyến xe miễn phí. Ông Úy chỉ có ước mơ là sắm được chiếc xe cứu thương cũ chở bệnh nhân cho họ nằm đỡ mệt, nhưng chi phí đến 500 – 700 triệu đồng thì nhóm của ông mới chỉ góp được 160 triệu đồng, chưa đủ.

Khác với ông Tác là được vợ đồng lòng ủng hộ, sự khó khăn của gia đình ông Úy (vợ là giáo viên mẫu giáo, con trai đầu thường đau ốm, còn phải phụng dưỡng cha mẹ già) khiến gánh nặng kinh tế đè nặng trên vai ông.

Nhiều lần tham gia chở bệnh nhân miễn phí, ông Úy phải giấu vợ, nhưng rồi như ông bộc bạch: “Không phải mong cầu gì nhưng từ ngày chở bệnh nhân miễn phí, bệnh tình con trai tiến triển tốt hơn nên vợ tôi thôi không càu nhàu nữa”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: