Từ Hải Dương 981 tới Hướng Dương Hồng 10

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc tại Đối thoại an ninh quốc phòng Shangri-La lần thứ 20, đầu Tháng Sáu 2023 (TTXVN)

Là người Việt Nam ai cũng biết từ ngàn xưa cho tới nay Trung Quốc là nước lân bang nhưng luôn muốn thôn tính đất nước của mình và gây biết bao thống khổ lầm than cho dân tộc. Từ những vua chúa thời xa xưa cho tới thời các Tổng bí thư ngày nay, chưa có hoàng đế hay lãnh đạo nào của Bắc Kinh từ bỏ lòng tham muốn biến nước Việt nhỏ bé thành chư hầu của họ.

Những năm gần đây người Việt trong và ngoài nước chứng kiến khá nhiều việc ứng xử của chính quyền Việt Nam đối với hành vi lấn áp của Trung Quốc, điển hình nhất là hai lần Bắc Kinh công khai xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Hai lần cùng một hình thái nhưng ứng xử lại khác nhau, đến nỗi có người cho rằng Việt Nam ngày nay đã là chư hầu của Trung Quốc chứ không còn độc lập hay toàn vẹn lãnh thổ như sách giáo khoa luôn nhồi nhét vào đầu học sinh.

Lần thứ nhất, ngày 2 Tháng Năm 2014, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía Nam, cách đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam khoảng 120 hải lý về phía Đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982.

Đối phó với vấn đề này là sự lên tiếng đồng loạt của báo chí, truyền thông trong nước kéo theo phản ứng tích cực của nhiều nước khắp thế giới trước hành động thăm dò để xâm lược của Trung Quốc. Trong thời gian ấy ông Nguyễn Tấn Dũng đang giữ chức Thủ tướng và ít nhất ông đã hai lần chống đối công khai.

Ngày 11 Tháng Năm 2014, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar, Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên công khai tố cáo Trung Quốc về việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng hơn 80 tàu hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế. Tiếp theo sau đó, ngày 22 Tháng Năm, tại Philippines, Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục làm Bắc Kinh phẫn nộ khi tuyên bố:

“Chúng tôi đã hết sức chân thành, thực tâm, thiện chí và kiềm chế, nhưng câu trả lời hiện nay là Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, rồi liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam. Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói… Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Sau câu phát biểu nảy lửa đó, người dân Việt Nam chừng như lấy lại sức phản kháng của dân tộc, một không khí hào hứng chống Trung Quốc ngày ngày xuất hiện trên các trang mạng xã hội, những đóng góp của người dân vào vấn đề này rất cụ thể và đa dạng, nhìn chung những kẻ chụp mũ và dư luận viên không xuất hiện để đàn áp như những ngày trước đó.

Chín năm sau, 2023, Trung Quốc lặp lại việc mà trước đây họ bị chống đối. Tàu Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc bắt đầu hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 7 Tháng Năm, gần các lô dầu khí mà Việt Nam cùng Nga khai thác. Tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 (Xiang Yang Hong 10) của Trung Quốc và đoàn tàu hộ tống gồm tàu hải cảnh và dân quân biển đã công khai hoạt động chỉ rời khỏi vùng biển Việt Nam sau 28 ngày liên tục đi lại trong vùng nước này.

Phản ứng trước việc này chỉ xảy ra ở một cơ quan duy nhất của Việt Nam đó là phát biểu “quan ngại” hiếm hoi của người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ngoài ra báo chí và các cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đều im lặng không hề lên tiếng như lần trước. Đáng chú ý hơn, sau khi Hải Dương Hồng 10 vào vùng biển Việt Nam, ngày 28 Tháng Năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác chính phủ viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, nơi có hài cốt của những người lính hy sinh trong cuộc chiến 1979 với Trung Quốc. Tuy nhiên, báo chí nhà nước Việt Nam không hề đề cập tới tên Trung Quốc trong suốt bài tường thuật về lễ dâng hương tưởng niệm của người đứng đầu chính phủ.

Tệ hơn nữa ngày 3 Tháng Sáu 2023 tại Đối thoại Shangri-La, Việt Nam hoàn toàn im lặng khi Mỹ, Nhật tố cáo sự leo thang tại Biển Đông trước diễn đàn nhưng Việt Nam lại gặp riêng Trung Quốc để xác định “phe” mà mình đang đứng. Tờ Quân Đội Nhân dân Việt Nam đưa tin: Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, trưởng đoàn Việt Nam, đã có cuộc gặp với Thượng tướng Lý Thượng Phúc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Tại cuộc gặp, ông Phúc khẳng định quan hệ hợp tác quốc phòng song phương thời gian qua được lãnh đạo các cấp quan tâm thúc đẩy, “ngày càng đi vào thực chất”, là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc; hai bên sẵn sàng phối hợp triển khai các hoạt động hợp tác quốc phòng trong năm 2023 vào thời gian phù hợp.”

Nếu tiếp tục nhìn lại quá khứ người dân sẽ thấy bao điều thú vị lẫn đau lòng. Nguyễn Tấn Dũng dù là một Thủ tướng tham nhũng hạng nhất nhưng ít nhất đã tỏ ra không sợ Trung Quốc như tuyệt đại đa số cấp trung ương như hiện nay. Bài học chống Trung Quốc đã hiệu nghiệm: Hai năm sau khi chống Trung Quốc, ông Dũng bị áp lực phải rời khỏi Bộ chính trị sau khi hết nhiệm kỳ Thủ tướng.

Người ta còn nhớ, Tháng Mười 2012 ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghẹn ngào vì không kỷ luật được đồng chí X, tức ông Nguyễn Tấn Dũng. Sau khi ông Dũng tuyên bố “viển vông” vào năm 2014, một năm sau đó, 2015, ông Tập Cận Bình đến Việt Nam gặp Trương Tấn Sang, cả hai cam kết là “láng giềng tốt” và nhất trí duy trì hòa bình ở Biển Đông. Một năm sau, 2016, ông Dũng về Kiên Giang làm người “tử tế”.

Bàn tay Trung Quốc nhúng vào chính trường Việt Nam rất rõ sau khi ông Dũng về hưu vì phát biểu chống Trung Quốc. Có lẽ vì nguyên do này mà nhiều đời lãnh đạo về sau ông Dũng không ai dám công khai chỉ trích Trung Quốc nữa. Rõ ràng đây là thành quả mà ông TBT Nguyễn Phú Trọng muốn: Mượn tay Trung Quốc đốt thanh củi lớn nhất mà bản thân ông không thể đốt được.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: