Vu Lan chùa Bát Nhã: ‘Người không thể trả hết ơn được, đó là cha và mẹ’

Nghi thức Bông Hồng Cài Áo trong lễ Vu Lan chùa Bát Nhã. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

SANTA ANA, California (NV) – Với chủ đề “Tâm Tình Dâng Cha Mẹ,” chiều Thứ Tư, 30 Tháng Tám, đúng ngày Rằm Tháng Bảy Âm Lịch theo truyền thống hằng năm là mùa Vu Lan báo hiếu của những người con Phật, chùa Bát Nhã đã long trọng tổ chức Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu.

Ba hồi chuông trống bát nhã vang rền cung nghinh chư tôn đức đi một vòng quanh chùa, tiến vào lễ đài, bên hai hàng các em Gia Đình Phật Tử cung đón.

Buổi lễ này, Hòa Thượng Thích Nguyên Trí, viện chủ, vì bệnh duyên nên không thể quang lâm chứng minh. Do đó, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu, tổng thư ký Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, viện chủ chùa Phật Đà và tu viện Pháp Vương San Diego, dâng lời cầu nguyện: “Chúng con thành tâm đảnh lễ chư đại tăng và trân trọng kính mời toàn thể chư vị thiện nam tín nữ Phật tử hãy nhiếp tâm hộ niệm, cầu an cho Hòa Thượng Thích Nguyên Trí, viện chủ chùa Bát Nhã, luôn được khỏe mạnh bình an để làm nơi nương tựa, là bóng cây che chở cho hàng tứ chúng đệ tử Phật. Nhờ công đức của chư đại tăng và tứ chúng cầu nguyện, xin cầu nguyện cho hòa thượng viện chủ chùa Bát Nhã vô lượng an khang, cát tường như ý.”

Cung thỉnh chư tôn đức tăng ni quang lâm lễ đài Vu Lan tại chùa Bát Nhã. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Sau đó, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu, trưởng ban tổ chức, thay lời hòa thượng viện chủ chùa Bát Nhã chào đón chư tôn đức tăng ni đã quang lâm chứng minh, và chào đón chư thiện nam tín nữ Phật tử: “…Hiếu thảo là một khả tín cao đẹp của con người nói chung, nói riêng là những người con của mẹ, con của cha, của họ hàng làng nước. Hiếu thảo là đức tính được thể hiện qua lòng kính trọng từ ngàn xưa trong mỗi gia đình, họ hàng thân tộc. Những ai là người con hiếu thảo sẽ được xã hội con người luôn tôn thờ quý kính. Xin nhắn nhủ rằng tất cả chúng ta là người con Phật, là người Việt Nam, hãy đề cao và phát huy tinh thần hiếu thảo cao đẹp này để xứng đáng là người con của mẹ Việt Nam, người cha Việt Nam, giống nòi Phật Việt.”

Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu dâng lời cầu nguyện. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Những đóa hoa mùa Vu Lan hiếu hạnh được các em Gia Đình Phật Tử chùa Bát Nhã dâng lên cúng dường. Tiếp đến là nghi thức Bông Hồng Cài Áo, với niềm hạnh phúc vô bờ khi những ai còn song thân tại thế, hoặc nỗi buồn khi hoa trắng cài lên áo những người đã mất cha mẹ, mất những gì thương yêu nhất trên đời, trong khi nhạc phẩm “Bông Hồng Cài Áo” trỗi lên trong những tiếng sụt sùi rơi lệ!

Ca sĩ Khánh Nguyên, Phật tử chùa Bát Nhã, đọc lời cảm niệm mùa Vu Lan: “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan tuyệt hảo, duy chỉ có trái tim của người mẹ là vĩ đại hơn hết. Tôi đón lễ Vu Lan nơi cửa Phật, gởi nguyện cầu báo hiếu đến mẹ cha. Sẽ cài lên ngực áo một đóa hoa, thấy tâm cảm sao mà trống vắng quá. Lặng nhìn ai đang cài bông hoa trắng, tôi biết em buồn, buồn cả thiên thu. Xin gởi đến những bà mẹ thân yêu muôn thuở của chúng ta và hãy chắp tay tưởng nhớ dâng lên nhân mùa Vu Lan hiếu hạnh.”

Ca sĩ Khánh Nguyên đọc lời cảm niệm Vu Lan. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tiếp đến chư tôn đức tăng ni cử hành lễ, đọc thời Kinh Vu Lan, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu xướng lễ, Thượng Tọa Thích Thông Lý tụng bài Sám Vu Lan và hồi hướng, trong khói hương trầm lan tỏa.

Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Tuyên, viện chủ tổ đình Minh Đăng Quang, Santa Ana, đệ tam pháp chủ Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới, ban lời pháp ngữ: “…Phải có vô cùng phước báu mới được mang thân người, gặp được chánh pháp, được hội hiệp với các bậc thượng thiện nhân cùng về đây cùng nhau tu tập, cùng nhau chuyển pháp luân, phát nguyện hành đạo cứu đời. Thật vô cùng hạnh phúc, Đại Lễ Vu Lan báo hiếu nương theo chánh pháp của Phật để cứu đời. Ngày Vu Lan chỉ một niệm chúng ta chuyển tà kiến trở thành chánh kiến, Phật và Tổ gọi là ‘Giải Đảo Huyền’ thực hành được điều đó là thành tựu được ‘Đại Pháp Vu Lan,’ để tất cả mọi người đều được thực hành chánh pháp.”

Hòa Thượng Thích Minh Tuyên ban đạo từ trong lễ Vu Lan. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ni Sư Thích Nữ Huệ Chiếu, trú trì chùa Bát Nhã, dâng lời cảm niệm chư tôn đức, và chư Phật tử “…Trong Kinh Tương Ưng Bộ, Đức Phật dạy các tỳ kheo về công lao to lớn của mẹ: ‘Này các tỳ kheo, sữa mẹ mà các thầy đã uống trong suốt quá trình cuộc sống luân hồi, đã nhiều hơn nước trong đại dương.’ Đã biết về mẹ nhưng còn tình cha cũng vô cùng, Đức Phật lại dạy: ‘Này các tỳ kheo, Như Lai nói có hai hạng người không thể trả hết ơn được, đó là cha và mẹ…”

Sư Cô Diệu Liên do ước nguyện đã từ lâu, nay mới đủ nhân duyên được thọ giới Sa Di Ni với Hòa Thượng Thích Thiện Long, viện chủ chùa Phật Tổ, Long Beach.

Ni Sư Thích Nữ Huệ Chiếu, trú trì chùa Bát Nhã, dâng lời cảm niệm chư tôn đức. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cô Nguyễn Hoàng Minh Hoàng, pháp danh Tâm Pháp Hải, con gái Sư Cô Diệu Liên, chia sẻ: “Thật hạnh phúc vô biên khi thấy mẹ vẫn còn mạnh khỏe, được đi chùa cùng mẹ và bà vẫn tinh tấn đi làm công quả ở chùa. Trong mùa lễ Vu Lan, em vẫn còn có mẹ cùng đi chùa, đó là niềm hạnh phúc nhất. Ở nơi đâu cũng vậy, người mẹ Việt Nam đã hy sinh rất nhiều, khi có con rồi mình mới hiểu được công lao của mẹ, như lời Phật dạy, cho dù có cõng mẹ đi quanh núi Tu Di suốt cả đời cũng không thể trả hết công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha.”

Cô Hạnh Minh Đinh Thị Xuân Mai, liên đoàn phó Gia Đình Phật Tử chùa Bát Nhã, chỉ huy các em Gia Đình Phật Tử chùa Bát Nhã sắp xếp theo thứ tự bông hồng cài áo theo các màu, cho hay các em về đây thật đông mùa Vu Lan, và có những lớp học tiếng Việt hằng tuần, mỗi Chủ Nhật từ 9 giờ 30 phút sáng cho đến 2 giờ 30 phút chiều, dạy từ lớp Mẫu Giáo cho đến lớp Năm. Ngoài ra còn có lớp dạy Phật pháp cho các em.

Cô Nguyễn Hoàng Minh Hoàng (trái) gặp mẹ, sư cô Diệu Liên, tại lễ Vu Lan chùa Bát Nhã. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cô Quỳnh Giao, huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, dạy tiếng Việt thiện nguyện ở chùa Bát Nhã, cho hay: “Hồi nhỏ em may mắn ở California, được đi đến các ngôi chùa theo truyền thống Việt, thường tổ chức những lễ Vu Lan hay Phật Đản. Em muốn hai con mình biết hướng về cội nguồn, biết hiếu kính ông bà cha mẹ, đó là lý do hai con em tham gia Gia Đình Phật Tử. Em đưa các con đi lễ để các cháu biết ý nghĩa của ngày Vu Lan, là truyền thống của người Việt Nam như biết hiếu kính, lễ phép với ông bà cha mẹ. Điều quan trọng nữa là đến chùa để học biết tiếng Việt.”

Chư tôn đức niệm hương trong thời Kinh Vu Lan. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Lễ Vu Lan kéo dài với chương trình văn nghệ cúng dường, do các ca sĩ Hồ Quốc Việt, Thúy An, Tuyết Minh, Thùy Linh, bé Miya, Minh Hùng… và Phật tử được mời các món chay tinh khiết do nhà chùa khoản đãi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: