‘Ba mẹ ơi, con không thích đi học’

(minh họa: Jordan Whitt/Unsplash)

Khi con gái của Michele Myers lên Lớp Năm, cháu bé nói với mẹ mình rằng cháu không thích cô giáo của mình. “Con gái tôi nói, bất cứ hành động nào của cháu đều bị cô giáo la rầy, bực bội, khó chịu, thế là cháu không thích đi học nữa,” Myers chia sẻ.

Phản ứng tức thời của một số phụ huynh thường là phẫn nộ với giáo viên con mình. Tuy nhiên, Myers, trợ lý giáo sư về giáo dục tiểu học tại Wake Forest University, lại có cách ứng xử khác. Cô hỏi giáo viên của con gái mình xem có cách gì để cải thiện quan hệ “thầy trò”, giúp con cô thoài mái, vui vẻ đi học?

Myers nói: “Tôi muốn cô giáo biết cả hai chúng tôi đang cùng giải quyết chuyện này. Không phải tôi đang chống lại cô giáo hay cô ấy chống lại tôi. Cả hai cần phải làm việc cùng nhau vì lợi ích chung của con gái tôi, là học trò của cô giáo.”

Michele và Linda C. Mayes, giáo sư về tâm thần học nhi khoa và tâm lý học tại Yale Child Study Center, là đồng tác giả cuốn sách “The Educator’s Guide to Building Child & Family Resilience” cho biết, để một đứa trẻ tận dụng tối đa thời gian học ở trường một cách hiệu quả, điều quan trọng là cháu bé phải có mối quan hệ tốt với các thầy cô giáo của mình.

Myers nói: “Một đứa trẻ sẽ học được nhiều điều hơn từ người hay quan tâm đến chúng. Trẻ em cảm thấy mình được hiểu, được lắng nghe và được đánh giá cao và chúng có một vị trí quan trọng trong lớp học.”

Trong một lớp học. (minh họa: CDC/Unsplash)

Vậy làm cách nào để kiểm tra xem con bạn và giáo viên có hòa hợp với nhau hay không?

Khi hỏi các cháu, phụ huynh đừng nên hỏi những câu “Yes, No question”, mà hỏi như: “Trong lớp, cô giáo và con thân thiết với nhau như thế nào? Có giống như con và dì Anna không?” Nghe câu trả lời của các bé và đừng đánh giá ngay cảm giác của trẻ. Câu trả lời của con bạn có thể bị ảnh hưởng bởi những gì chúng đã làm ngày hôm đó, trái ngược với việc chúng thực sự cảm thấy thế nào về mối quan hệ nói chung.

Mayes nói: “Nhìn chung, con bạn sẽ cảm thấy tốt hơn nếu bạn không hỏi chúng những câu hỏi trực tiếp. Trẻ em vẫn đang phát triển khả năng nhận thức để có được những suy nghĩ phức tạp. Chúng thường gặp khó khăn với những câu hỏi có câu trả lời mang nhiều sắc thái.”

Cô cho biết trẻ em cũng thường nghĩ nếu bị hỏi như vậy, có thể là chúng đang “có vấn đề” với giáo viên của mình. Cô nói: “Bất cứ khi nào tôi đặt câu hỏi trực tiếp với các con của mình, tôi nghĩ chúng đang hiểu câu hỏi của tôi như là một lời la mắng, có chuyện gì đó không hay ở trường. Đó không phải là điều mà tôi muốn các cháu cảm nhận.”

Myers đưa ra các ví dụ về những câu hỏi mở, như: “Điều thú vị nhất mà cô/thầy giáo của con đã dạy cho cả lớp hôm nay là gì nào, kể cho ba/mẹ nghe được không?”; “Hôm nay con đã được thầy/cô giáo dạy điều gì mà con mới nghe lần đầu?”; “Đến lớp hôm nay, con thích nhất là được học môn gì nào?”; “Lúc nãy con kể cho ba/mẹ nghe chuyện hai bạn Andrew và Jenny cãi nhau trong lớp, thế cô giáo/thầy giáo giải quyết thế nào vậy con?”

Bạn hãy cẩn thận lắng nghe câu trả lời của bé nhé. Thông thường, trẻ sẽ nói cho bạn biết chúng cảm thấy thế nào về cô giáo/thầy giáo của mình, ngay cả khi bạn không hỏi rõ ràng.

Dấu hiệu con trẻ gặp khó khăn với giáo viên

Myers nói: “Nếu con bạn đi học về và phàn nàn rằng giáo viên của chúng “dữ quá,” thì đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy có điều gì đó cần được giải quyết. Nhưng cũng có thể là bé chỉ im lặng, không bô lô ba loa như mọi ngày khi bạn hỏi ngày hôm đó của con diễn ra như thế nào, hoặc giáo viên của cháu đã dạy cho lớp điều gì. Nếu con bạn không muốn nói về trường lớp, điều đó cũng có nghĩa là chúng đang không vui.”

Nếu bạn cảm thấy con mình không hòa hợp với giáo viên, thì cách giải quyết tốt nhất là hỏi giáo viên xem bạn và cô giáo/thầy có biết điều đó không, và làm sao để cải thiện tình hình, nhằm mục đích giúp con trẻ cảm thấy việc đi học không phải là một cực hình, như Myers đã làm, nghĩa là không vội “về phe” con trẻ, mà phải tìm hiểu rõ ngọn ngành trước khi kết luận và tìm giải pháp khắc phục.

Bằng cách luôn tò mò về cuộc sống hàng ngày của con, bạn sẽ giúp các cháu vượt qua mọi xích mích mà chúng có thể gặp phải với giáo viên hoặc bạn bè trong lớp.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Em phải sống
Cắm xong ba nén nhang, tôi liếc nhìn bức hình của anh trên bàn thờ. Đại uý Nguyễn Tường Lân trong chiếc áo trận bạc màu, mất ngày 25 Tháng…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: