Kinh tế Nga nhìn qua quả trứng gà

Giá trứng ở Nga cho thấy nhiều điều về nền kinh tế nước này (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu/ Getty Images)

Nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu bị thiếu hụt những tháng gần đây trong khi giá hàng hóa tăng vọt là những gì đang xảy ra ở Nga. Hình ảnh người dân Nga từ Belgorod đến Siberia xếp hàng dài bắt đầu gợi nhớ đến thời Xô Viết. Trứng là thứ hàng tăng giá nhanh nhất. Tổng thống Vladimir Putin thậm chí phải xin lỗi, cho rằng “cú sốc trứng” không phải lỗi của chính phủ.

Tháng Mười Hai 2023, chủ trang trại gia cầm Gennady Shiryaev, mệnh danh “Vua trứng”, đã suýt chết bởi ám sát, ngay sau khi chính quyền bắt đầu điều tra trang trại của ông. Cụ thể, ngày 27 Tháng Mười Hai, Shiryaev đang lái chiếc BMW 4×4 gần nhà máy sản xuất trứng ở Voronezh, miền Trung nước Nga thì bị một tay súng phục kích và bắn hai phát. May mà không trúng. Cảnh sát vẫn chưa đưa ra động cơ vụ ám sát. Kênh tin tức Mash Telegram nói rằng Gennady Shiryaev bị tấn công bởi “những người dân địa phương không hài lòng với việc tăng giá” các sản phẩm được cung cấp từ trang trại Tretyakskaya của đương sự.

Hai ngày trước khi Gennady Shiryaev bị ám sát, chính quyền đã mở cuộc điều tra nhằm vào ông, cùng hai nhà sản xuất/cung cấp trứng khác, vì tội tăng giá. Trứng ở Nga đã tăng giá hơn 50% trong ba tháng qua, khiến người dân ngày càng phẫn nộ. Việc tăng giá cũng khiến Kremlin lo lắng, vào thời điểm chưa đầy ba tháng trước cuộc bầu cử tổng thống mà Vladimir Putin muốn cho thế giới thấy uy tín của ông tiếp tục bao trùm và cuộc chiến của Nga ở Ukraine vẫn được người dân “ủng hộ”. Kremlin phải liên tục trấn an và phủ nhận tình trạng thiếu trứng, cùng lúc khẩn cấp mua hàng tấn trứng từ nước ngoài và miễn thuế nhập khẩu để kiềm giá. Họ cũng ra lệnh cho cơ quan an ninh FSB bắt bất kỳ ai tích trữ trứng.

Giới phân tích cho rằng giá năng lượng cao và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến việc nuôi gà và sản xuất trứng trở nên đắt đỏ. Vô số video quay cảnh người dân xếp hàng từ rạng sáng để mua trứng từ xe tải đã được đăng lên mạng xã hội. Theo dữ liệu công bố ngày 18 Tháng Giêng 2024, đằng sau mức giá trứng tăng vọt (tăng khoảng 60% vào Tháng Mười Hai so với một năm trước) là sự hội tụ các yếu tố đặc trưng cho thấy những khó khăn của nền kinh tế Nga.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã gây tổn hại cho ngành chăn nuôi gia cầm, làm xáo trộn chuỗi cung ứng các thiết bị nông nghiệp vốn trước đây nhập từ châu Âu. Đồng rúp yếu khiến việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm thú y cũng đắt đỏ hơn, trong khi tình trạng khủng hoảng lao động khiến một số nhà cung cấp không có đủ người làm nông. Trong khi đó, chi tiêu chính phủ bùng nổ đã làm tăng lương, thúc đẩy nhu cầu về thực phẩm và các hàng hóa khác. Tất cả điều đó khiến cú sốc tăng giá trứng là biểu hiện của sự mất cân bằng hình thành ngày càng rõ trong nền kinh tế chiến tranh của Nga. Năm 2023, Nga đã sống sót với mức tăng trưởng đáng nể, nhờ đẩy mạnh sản xuất quân sự; và nhà nước cấp các khoản vay trợ cấp cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc chi xài mạnh tay đã khiến nền kinh tế trở nên quá nóng. Kết quả là lạm phát hàng năm đã tăng lên 7.4% vào năm 2023, gần gấp đôi mức dự báo của ngân hàng trung ương. Các chương trình thế chấp của chính phủ lại gây ra tình trạng bong bóng nhà đất. Giới nghiên cứu kinh tế dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất và các biện pháp trừng phạt tiếp tục tác động. Alexandra Prokopenko, cựu quan chức ngân hàng trung ương Nga, hiện ở Berlin, cho biết: “Chính phủ Nga chẳng khác gì một nhóm lính cứu hỏa chạy từ đám cháy nhỏ này sang đám cháy nhỏ khác với một chiếc xô nước. Họ không thể loại bỏ những vấn đề lạm phát tiềm ẩn”.

Cuộc khủng hoảng trứng cho thấy Nga đang nỗ lực cân bằng các nhu cầu kinh tế xung đột nhau, từ việc tài trợ cho chiến tranh, xoa dịu sự bất bình người dân đến việc giữ cho nền kinh tế cân bằng, đặc biệt vấn đề ổn định giá cả. Alexandra Prokopenko nói: “Đó là một bộ ba bất khả thi. Việc đạt được hai mục tiêu đầu đòi hỏi phải chi tiêu mạnh hơn, dẫn đến lạm phát cao, cản trở việc đạt mục tiêu thứ ba.”

Lạm phát là mối lo ngại lớn đối với Putin trước cuộc bầu cử tổng thống dự kiến ​​diễn ra vào Tháng Ba 2024. Việc trấn áp các đảng đối lập và tất cả phương tiện truyền thông độc lập dĩ nhiên sẽ bảo đảm cho Putin giành chiến thắng dễ dàng; tuy nhiên, Kremlin coi bầu cử là một cách để hợp pháp hóa quyền cai trị của Putin, đòi hỏi một mức độ ủng hộ nhiệt tình thực sự của quần chúng.

Trong khi đó, bối cảnh hiện tại chỉ khiến cử tri liên tưởng đến tình trạng thiếu lương thực thời Liên Xô khi hàng dài người xếp hàng rồng rắn chờ mua nhu yếu phẩm. Một số siêu thị ở Siberia và Crimea bán trứng riêng lẻ với giá khoảng 12 rúp, tương đương $0.13/quả.

Giữa Tháng Mười Hai 2023, Moscow cho biết Nga nhập 1.2 tỷ quả trứng từ “các nước thân thiện” và trứng nhập được miễn thuế trong sáu tháng đầu năm 2024. Ilia Zaroubine, một sinh viên 21 tuổi, cho biết: “Trước đây, tôi mua trứng với giá 70 rúp ($0.78) một tá. Bây giờ, chúng có giá từ 130 đến 140 rúp ($1.45 đến $1.56) – cao gấp đôi”. Elizaveta Chalaïevskaïa, một người hưu trí 76 tuổi, nói: “Tôi bị sốc! Thật kinh khủng với những gì đang xảy ra. Không chỉ đối với trứng mà còn đối với tất cả sản phẩm”.

Nga đã tăng đơn đặt hàng trứng từ Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus và Azerbaijan. Giới chức trách cũng tiến hành điều tra chống độc quyền đối với các nhà sản xuất trứng và thịt gà, trong đó có trang trại gia cầm Tretykovskaya ở vùng Voronezh thuộc sở hữu của vua trứng Gennady Shiryaev. Tháng Mười Hai 2023, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất cơ bản lên 16%, cao hơn gấp đôi so với mức trước đó vào Tháng Sáu, nhằm hãm đà tăng của giá tiêu dùng. Focus Economics, nơi thu thập dự báo của các ngân hàng, dự kiến ​​tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội Nga sẽ giảm xuống 1.4% trong năm nay, từ mức gần 3% năm 2023.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: