Tự biên tự diễn, tại sao Putin cần trò hề bầu cử?

Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh: Getty Images)

Từ ngày 15 đến 17 Tháng Ba 2024, Nga sẽ tổ chức bầu cử tổng thống. Đây là cuộc bầu cử tổng thống lần thứ tám ở đất nước này. Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin sẽ tranh cử lần thứ năm. Hiện có 15 cá nhân – sáu ứng cử viên tự ứng cử (độc lập) và chín đại diện đảng – đã nộp hồ sơ lên ​​Ủy ban bầu cử trung ương để đăng ký tranh cử. Tuy nhiên, chẳng cần phải đợi kết quả, Putin sẽ tiếp tục ngồi ghế tổng thống.

“Có Putin thì có Nga; nếu không có Putin thì không có Nga,” phát ngôn viên đương nhiệm của Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin – nhân vật cực kỳ trung thành của Putin – từng tuyên bố vào năm 2014. Vyacheslav Volodin nhấn mạnh đến một chế độ chuyên chế, một chế độ mà trong đó đất nước được coi là tương đương với lãnh tụ và ngược lại. Khi Vyacheslav Volodin phát biểu những lời trên, Kremlin đang chìm đắm trong niềm hân hoan dâng trào sau khi Moscow sáp nhập Crimea.

Vài năm sau, ý tưởng “nước Nga là Putin và Putin là nước Nga” bắt đầu được hệ thống hóa, trong cuộc “cải cách Hiến pháp” năm 2020, nhằm thiết lập lại giới hạn nhiệm kỳ tổng thống và củng cố chế độ độc tài. Rồi đến năm 2022, khi bắt đầu thực hiện “chiến dịch đặc biệt” ở Ukraine, ý nghĩa của khái niệm “nước Nga là Putin và Putin là nước Nga” càng trở nên rõ ràng, khi bộ máy tuyên truyền Kremlin nhấn mạnh rằng cuộc chiến của Putin là cuộc chiến của Nga, và nói rộng hơn, là một cuộc chiến liên quan đến tất cả người Nga.

Dù vậy, Putin vẫn cần một cuộc bầu cử để mang lại tính hợp pháp cho sự “thiên thu trường trị” của ông – và cho cuộc chiến không hồi kết của ông. Đó là lý do mà vào Tháng Ba 2024, Putin sẽ “tranh cử tổng thống” lần thứ năm kể từ năm 2000. Và bởi cuộc “cải cách Hiến pháp” năm 2020, đây cũng có thể không phải là lần cuối cùng. Theo Hiến pháp điều chỉnh, Putin sẽ có thể tranh cử thêm một lần – vào năm 2030 – có nghĩa là ông có thể cầm quyền cho đến năm 2036, khi ông 83 tuổi.

Bất luận thế nào, Putin vẫn cần bầu cử, ít nhất để chứng minh cho thế giới thấy nước Nga có bầu cử dân chủ và Putin được dân chúng tín nhiệm. Ngoài việc nâng tính hợp pháp cai trị của ông, lá phiếu còn là bằng chứng để chứng tỏ rằng phe đối lập – thông qua kết quả “long trời lở đất” có thể đoán trước – vẫn chỉ là một thiểu số nhỏ bé và không thể “đi ngược lại ý chí áp đảo” của người dân Nga.

Hơn nữa, bằng cách bỏ phiếu cho Putin vào năm 2024, người Nga sẽ hợp pháp hóa cuộc chiến của ông, dù chẳng ai biết kết cục cuộc chiến Ukraine như thế nào. Cuộc bỏ phiếu Tháng Ba 2024 chẳng khác gì một kiểu tung hô vạn tuế đại đế Putin. Người dân chỉ đơn giản bỏ phiếu đồng ý cho sự lựa chọn thực sự duy nhất hiện có. Về mặt kỹ thuật, đây là một hình thức thể hiện dân chủ hợp pháp, như được ghi trong Hiến pháp.

Lá phiếu “bầu cho” Putin giúp ông chủ Kremlin củng cố câu chuyện của ông về “ý nghĩa cuộc chiến (Ukraine)”. Vladimir Putin thường nói, “vấn đề Ukraine” không phải do chúng ta gây ra, mà là, Nga đã bị phương Tây tấn công, và để đáp lại, chúng ta phải thực hiện một “cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc” để giải phóng nước Nga và các dân tộc khác bị phương Tây bắt quỳ mọp làm nô lệ. Do vậy, khi thành bị vây, pháo đài quốc gia bị hãm, thần dân phải nhất tề sát cánh bên vua. Logic này đạt được ít nhiều hiệu quả. Vô số người Nga đã tin như vậy. Cùng với nó là lập luận rằng nước Nga đang đấu tranh cho một “thế giới đa cực công bằng hơn”, Nga là một “nền văn minh nhà nước”…

Trong thực tế, người Nga lâu nay hiểu rằng “bầu cử dân chủ” ở đất nước họ chỉ là trò hề. Họ đã quá quen với một nước Nga được cai trị bởi một Putin. Làn sóng bất mãn không phải không có, đặc biệt đối với những gia đình có con em chết trận ở Ukraine. Tuy nhiên, với phần lớn người dân, chỉ cần chính phủ thường xuyên ca ngợi tình hình kinh tế ổn định là đủ. Thực tế nước Nga không trải qua sự sụp đổ kinh tế như được phương Tây dự báo cũng đủ để tạo ấn tượng tốt về sự điều hành quốc gia của Putin. Kremlin cũng liên tục nêu bật chính sách đối ngoại “thành công”, rằng Nga được “đa số thế giới”, từ châu Á, châu Phi đến Mỹ Latin ủng hộ cuộc đối đầu với phương Tây.

Trong khi đó, các phương tiện truyền thông chính thức của Nga khi đưa tin về hoạt động quân sự luôn có nhấn mạnh đến thành công này đến thành công khác của “người của chúng ta” ở tiền tuyến (Ukraine). Trong những câu chuyện tường thuật từ chiến trường, không có tổn thất nghiêm trọng nào, chỉ có hành vi anh hùng và chiến thắng. Những báo cáo thành tích này giống như những thống kê về thành tựu nông nghiệp thời Liên Xô: Mùa màng luôn được gặt hái thành công và tâm lý người dân khắp nơi chỉ có một cảm giác duy nhất là hài lòng.

Cần nhấn mạnh, ở những quốc gia độc tài/cộng sản như Trung Quốc và Nga, nơi người dân quen sống với nguồn thức ăn tuyên truyền, họ rất dễ được thuyết phục bởi những luận điểm dối trá. Trong thời kỳ hòa bình, tỷ lệ tín nhiệm dành cho Putin thường thấp trong khi lại tăng vọt vào những thời điểm Putin thực hiện những chiến dịch “yêu nước” như cuộc chiến Gruzia năm 2008 và việc thôn tín Crimea. “Chiến dịch đặc biệt” (xâm lược Ukraine) cũng không ngoại lệ.

Cho đến nay, sự mệt mỏi vì chiến tranh vẫn chưa chuyển thành sự bất mãn nghiêm trọng hoặc giảm tỉ lệ ủng hộ dành cho chế độ. Theo Trung tâm Levada, sự ủng hộ của người dân dành cho Putin, cũng như đối với chiến tranh và quân sự, nhìn chung vẫn ổn. Putin duy trì được tỷ lệ tán thành khoảng 80%. Về lý thuyết, sự thờ ơ của đa số ủng hộ chiến tranh cho thấy Putin có thể tiếp tục cuộc chiến kéo dài không xác định.

Hầu hết người dân Nga đều có những kỳ vọng rất thấp. Họ từ lâu quen sống với câu thần chú: “Điều quan trọng là mọi chuyện không nên tệ hơn nữa”, dù có thể trong thực tế họ không nhận thức được tình hình đã tệ hơn và tệ nhiều hơn ở mức độ nào. Hơn nữa, cho dù chế độ có thắt chặt kiểm soát thì việc thay đổi lãnh đạo không phải là ưu tiên hàng đầu của công chúng Nga. Các cuộc thăm dò ý kiến ​cho thấy nhiều người lo ngại về sự thay đổi ở cấp cao nhất. Họ đã “quen sống” với Putin, rằng “nước Nga là Putin” và ngược lại. Một lần nữa, lá phiếu Tháng Ba 2024 sẽ cho thấy điều đó. Putin sẽ cho thế giới thấy điều đó, một lần nữa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: