‘Dân anh chị’ trong làng

Tranh vui của HS Ngân Hà đăng trên một tờ báo xuân năm 1958.

Như một quy luật, nơi đâu có đông dân cư, việc làm ăn sôi nổi, nhiều dịch vụ mở ra, là nơi thị tứ có mua bán… thế nào cũng có những người trong giới anh chị, người sống ngoài lề xã hội tụ đến để kiếm ăn mà không phải bỏ công sức lao động ra. Họ có thể xuất thân từ những người nông dân bị mất ruộng đất, từ tầng lớp dân nghèo thành thị bị ức hiếp rồi bất mãn, hoặc là những người lười biếng làm việc, kiếm cách cướp của trắng trợn hay thành trộm đạo đào tường khoét vách.

Làng Phú Nhuận đầu thế kỷ 20 còn là vùng đất bán thị bán nông, nhưng do vị trí áp sát thành phố Sài Gòn chỉ cách nhau một hai cây cầu nên có lợi thế để phát triển, cũng dễ là nơi dung thân của giới giang hồ khi cần trốn tránh các truy đuổi, chỉ cần bước qua ranh giới Sài Gòn – Gia Định là dễ lẩn trốn. Bên cạnh đó, sau khi sân bay Tân Sơn Nhứt được hình thành, các dịch vụ dọc các con đường huyết mạch như đường Paul Blanchy (kéo dài từ Hai Bà Trưng xuống đến ngã tư Phú Nhuận hiện nay) phát triển.

Giới nhà giàu tìm về xây biệt thự, nhà vườn. Chợ Xã Tài dần phồn thịnh, các tiệm quán mọc lên dọc theo con đường này, dãy tiệm hát ả đào từ hẻm Đội Có chạy lên ngã ba Lò Đúc hình thành một khu phố đông vui với các tiệm phở, tiệm nước xúm xít. Ở đâu có mật là có ruồi bu vào nhiều.

Theo nhà văn Sơn Nam, vào những năm 1920, ở Phú Nhuận nổi lên nhóm Ba Nhạn, Tư Lượng, Năm Tây. Các nhóm du côn bên kia Cầu Kiệu (Tân Định), Bà Chiểu, Bà Quẹo muốn đến thì phải kiêng nể “anh chị địa phương”. Phong cách nhóm anh chị này khá đặc biệt. Về trang phục, thích đội nón nỉ nhập cảng, thường là hiệu Flê-sê (Flechet) màu đỏ hoặc màu nâu; mặc áo “xá xẩu” lụa trắng cổ đứng, hai túi trên, hai túi dưới, tay rộng, quần thì có miếng lưng khá rộng tra vào, để khi nịt (với sợi dây nịt da) thì kéo lên, bẻ trở xuống cho khỏi tuột. Lưng quần còn dành để cất dấu võ khí bén, hoặc củ chì. Đám này đã thương lượng trước về tiền hối lộ cho cò bót.

Thỉnh thoảng, có lính tới thì được nhận tiền, cho ăn uống, rồi ra đi chớ không dám bắt bớ. Người cầm đầu ngồi thường trực ở quán cà phê, dành sẵn một vài bàn để thết đãi bạn bè. Các tay đàn em đến các sòng, gìn giữ trật tự, khi thấy tiền xâu đã khá lớn thì gom lại, ra quán, nạp cho đàn anh, nạp ít thì bị khiển trách. Đã xảy ra cuộc tranh chấp đẫm máu khi các “anh chị” từ Bà Quẹo kéo xuống để truất phế, lấn chiếm địa bàn. Thường là đẫm máu, làng lính chẳng dám can thiệp. Lắm khi hẹn phục thù nơi vùng đất hoang vắng, phía ngã tư Phú Nhuận hoặc Lăng Cha Cả.

Mười năm sau, số “anh chị” cũ đã già, tốp khác tiếp tục giành ảnh hưởng, tổ chức sòng bạc. Nói chung, giới giang hồ nói trên gây rối xã hội, khoe khoang chống Tây, đồng thời cũng lấn hiếp người lương thiện. Gặp chủ xe đò nào đem tiền bạc mua chuộc, họ trở thành tay sai đắc lực ngay. Hồi thế chiến thứ nhất, một số “anh chị” tự xưng chống Tây đã tình nguyện qua Pháp làm lính thợ, làm cu li để đánh nước Đức mà chẳng biết ở đâu; chẳng qua là thích đi nước ngoài để thỏa mãn máu giang hồ, tìm không khí lạ.

Đến năm 1933, có một vụ cướp tại Phú Nhuận, mà người chủ mưu là Sơn Vương (tên thật là Trương Văn Thoại, sinh 1908), một nhà văn mà cũng là một tướng cướp. Ông này được xếp trong số người thụ án lâu nhất Việt Nam thời Pháp thuộc với tổng cộng các bản án của chính quyền Pháp gồm 79 năm tù, trong đó có 32 năm tù giam biệt xứ và 34 năm khổ sai biệt xứ tại Côn Đảo. Năm 1968, sau 34 năm ngồi tù, Sơn Vương được ân xá và được đưa về đất liền. Ông tiếp tục nghề văn, cộng tác với một số nhật báo tại Sài Gòn. Sau năm 1975, ông lui về sống ẩn dật tại một con hẻm nhỏ ở Sài Gòn với nghề bốc thuốc Nam và đến năm 1984, trở về sống tại quê nhà Gò Công và mất tại đó năm 1987.

Câu chuyện Sơn Vương cướp ở Phú Nhuận được tường thuật trong tờ Hà Thành ngọ báo, số 1789, ra ngày 22 Tháng Tám 1933 với tựa đề “Như chuyện chiếu bóng: Sơn Vương một tay nửa du côn, nửa văn sĩ thuê ô tô đi cướp ở Phú Nhuận”.

Bài báo cho biết Sơn Vương xuất thân nguyên là nhân viên chạy giấy của Đông Pháp thời báo, rồi sau dịch truyện để soạn tuồng cải lương, được “Tín Đức thư xã” nhận xuất bản. Từ đó Sơn Vương thể hiện mình là văn sĩ, có khi khoe mình là chí sĩ cách mạng. Sau, có lẽ nghề văn không khá, có lúc Sơn Vương làm một gánh mì tự đứng bán ở ga Nancy (nay là đường Nguyễn Văn Cừ), có căng tấm vải đề chữ “Mì Sơn Vương”. Bán mì một độ cũng khá nhưng không hiểu vì sao ông biến mất, cho đến khi bị báo loan tin ông bị bắt vì vụ cướp này.

Chiều thứ bảy trước đó, Sơn Vương đến ga-ra Tư Lung mướn xe Chevrolet Ce 4 chi phí tính theo giờ. Lên xe, Sơn Vương bảo người tài xế chạy lại đường hẻm Pellerin (nay là đường Pasteur) rước thêm hai người nữa cùng đi, lên Xuân Trường (khu du lịch nổi tiếng ở xã Linh Xuân thời Pháp thuộc) rước thêm hai người, trở về Thủ Đức rước thêm một người. Cả thảy sáu người thành một toán cướp.

Tụ tập xong, Sơn Vương bảo xe chở về Phú Nhuận. Tới nơi, Sơn Vương ra lệnh cho xe ngừng, để một người ngồi lại trên xe, còn mình và bốn người khác bận áo mưa và mang mặt nạ đi vào xóm cách đó vài trăm thước. Họ vào nhà một ông chức sắc đạo Cao Đài là ông giáo Kiệt. Bấy giờ, chủ nhà đang ngồi tụng kinh, Sơn Vương chĩa súng thẳng mặt ông giáo, tự xưng là cộng sản, tổ chức đang cần tiền làm việc, nên phái đến hỏi vay ông ta một số bạc 2000 đồng bạc Đông dương, nếu không chịu đưa thì bắn nát đầu. Trong khi Sơn Vương giơ súng sáu dọa ông chủ nhà, bốn người kia chia ra bao vây và trông chừng người nhà.

Ông chủ nhà sợ hãi, phải mở tủ lấy ra 20 tờ giấy một trăm đồng đưa cho họ. Nhận tiền, cả đám kéo nhau ra xe hơi, nội xóm không ai hay biết.

Tuy nhiên, anh tài xế nhà xe đã tinh ý sinh nghi ngờ đám khách này. Có điều không thể chở khách mà bỏ nửa chừng, nên anh cũng đi tới cùng cho biết rồi sẽ tính. Xe chạy về tới chỗ ngã tư Bà Chiểu thì toán cướp giơ dao và súng ra, bảo tài xế phải trao tay lái cho một người trong bọn cầm, nếu không thì bắn chết. Người tài xế vốn là người có học ít nhiều, nguyên là dân thầy mất việc xoay ra lái xe. Do đã có ý nghi ngờ từ trước, anh ta đã chuẩn bị đối phó. Thấy họ buộc trao tay lái, anh ta nói: “Việc các ông làm đã êm rồi, giờ nếu đòi cầm tay lái rủi có chuyện trắc trở giữa đường mà biện lính kêu lại xét hỏi, có phải là đổ bể việc ra không? Vả lại các ông đâu biết cầm tay bánh, cũng không thạo nghề và chắc tay bằng tôi, vậy xin các ông cứ tin nơi lòng ngay thật của tôi là hơn”.

Nghe mấy lời có lý lẽ, đám Sơn Vương không đòi trao tay lái nữa, giục chạy nhanh ra phía Sài Gòn. Lúc chạy tới Đất Hộ (Đa kao), anh tài xế ngó đằng xa thấy người cảnh sát Tây liền lặng lẽ tắt đèn xe, cốt cho viên cảnh sát thổi còi bảo ngừng lại biên phạt. Không dè anh ta đã tắt đèn xe mà cảnh sát cũng không kêu. Bấy giờ cấp thiết quá, anh ta liền cho xe đâm vào gốc cây bên đường rồi la lên:

– Au Secours! Pirates! (Cứu với, hải tặc! (?!)

Vừa kêu, anh ta vừa cúi mọp mình xuống chỗ tay lái để trốn, nhằm khỏi bị nhóm cướp túng thế mà bắn mình. Cảnh sát nghe kêu chạy lại, bọn cướp nhảy xuống xe nhào đến đánh với cảnh sát rất dữ dội. Rồi có lính tới tiếp chiến, đám cướp kiếm đường tẩu thoát, chỉ còn một mình Sơn Vương bị bắt tại trận, trong mình còn 1.100 đồng bạc, một khẩu súng sáu và cái mặt nạ. Về bót bị tra khảo gắt, Sơn Vương phải khai hết đồng đảng. Qua hôm sau, cả năm người kia cũng bị bắt nốt.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo La Dépêche tình cờ gặp Sơn Vương lúc anh ta bị bắt, Sơn Vương nói:

– Tôi muốn kiếm một món tiền để đi tìm em tôi mất tích đã gần sáu năm. Ông tưởng tôi làm ở nhà in Đức Lưu Phương một tháng trăm đồng mà lại cần tiền đến thế ư?

– Thế còn súng sáu?

– Súng ấy là súng trẻ con chơi đó, thế mà đã được việc cho tôi. Ông Kiệt có trong tủ sắt 10 vạn bạc, tôi chỉ xin có hai ngàn, thế là may cho ông đó. Chắc ông nghĩ thế nên khi tôi làm xong thủ đoạn, ông còn bắt tay tôi và tiễn tôi ra tận ngoài vườn. Sơn Vương kết thúc câu chuyện, nói rằng trò chiếu bóng đã xui anh ta làm chuyện đó.

Dấu vết của giới du đãng giang hồ ở Phú Nhuận thể hiện nhiều trên báo chí, các tờ nhật báo như Sài Gòn, Lục tỉnh Tân văn, Công Luận, Đuốc Nhà Nam… Trong các vụ án, du đãng không chỉ là những người cướp bóc, mà có khi là những người cậy thế để hiếp đáp người khác. Báo Sài Gòn số 380, ra ngày 23/08/1934 viết về cái chết oan ức của anh Trần Văn Toàn, chỉ mới 32 tuổi. Anh Toàn làm công cho hãng Limonade Phương Tuyền đường Tổng đốc Phương trong Chợ Lớn. Lúc 3 giờ chiều ngày 21 tháng 7, anh theo xe chở hàng giao cho bạn hàng ở chợ Xã Tài.

Anh chỉ giao hàng, không có ý đem hàng ra đó mà bán vì chợ đã tan nên không chịu trả tiền chỗ khi bị yêu cầu. Ai ngờ nhóm người thu tiền góp chợ vây lại đánh anh ta một trận. Anh vẫn tỉnh táo như bình thường sau đó, kể cả khi bị lính kêu lên phạt mỗi bên 5 cắc. Nhưng khi xe của anh chạy về tới chợ Cầu Ông Lãnh, thì Toàn hộc máu rồi dần bất tỉnh. Người lái xe hoảng sợ cho xe chạy riết về Chợ Lớn đưa Toàn vào nhà thương Chợ Rẫy để bác sĩ cứu cấp, lúc đó đã 5 giờ chiều. Theo khám nghiệm, Toàn bị đánh chấn thương não quá nặng, không thể cứu nổi. Anh chết dưới tay bọn nhân viên góp chợ quá hung hãn, để lại vợ và năm đứa con thơ ấu trong cái cảnh nghèo đói tại Chợ Lách (Vĩnh Long).

Tháng 4 năm 1938, một vụ trộm xảy ra với một nhân vật có tiếng ở Phú Nhuận là ông Louis Vidal, một người Pháp lấy vợ Việt và sau ra làm hương cả làng Phú Nhuận. Sự việc được đưa lên báo Điển tín, số 960, 8 Tháng Tư 1938. Mấy ngày trước đó, bỗng dưng ở Phú Nhuận xảy ra nhiều vụ trộm, mất đồ nhiều nhất là nhà ông Louis Vidal làm việc ở Bưu điện. Nghi ngờ trộm ở chỗ khác tới đây làm ăn, mỗi đêm thầy xếp bót là Đội Quới cùng lính tráng đi tuần rất gắt. Đến ngày 7 Tháng Tư, lúc hai giờ rưỡi sáng, thầy Đội Quới cùng hai anh lính Chấn và Ơn vừa đi tới cổng xe lửa số 10 (trên đường Nguyễn Kiệm hiện nay) bỗng dưng bị ngọn đèn của hai người lạ mặt gần đó rọi tới. Thầy đội Quới bèn rọi đèn lại thì thấy hai tên nọ dường như vứt bỏ mớ đồ gì đó.

Tranh vui của HS Ngân Hà đăng trên một tờ báo xuân năm 1958.

Nghi là gian phi, thầy đội liền bảo họ ngừng lại, yêu cầu trình giấy thuế thân. Cả hai giả lả: “Thôi mà cha! Khéo làm rộn thì thôi”. Xem giấy xong, thầy đội liền bảo hai anh lính Chấn và Ơn soi đèn tìm kiếm mớ đồ của họ vừa liệng ra. Té ra đám này muốn phi tang đồ nghề là một xâu chìa khóa, một cây xà beng nhỏ, dụng cụ dùng để cạy cửa và mở tủ. Bọn chúng không thể chối cãi, bị điệu đi. Về bót, họ khai là Nguyễn Văn Hích và Nguyễn Văn Phải từ Chợ Lớn đến tạm tá túc nhà bà Giáp ở Phú Nhuận hơn 20 ngày rồi. Trong mình chúng còn vài cắc bạc, hai cái giấy tờ xe đạp. Xét nhà bà Giáp, nhà chức trách tịch thu luôn hai chiếc xe kiểu đua hiệu Acteon. Tên Hích đã có hai tiền án về ăn trộm.

Tuy nhiên, có lúc thần công lý phải chịu thua. Ở đây, nhân vật chính là người vừa bắt vụ trộm nói trên. Trước đó, trong vùng có mấy vụ nhân viên nhà nước bị tấn công, như chuyện tên Mười Đâu giết chết anh lính tên Đua và đâm thấu phổi viên Cai Triều tưởng nguy đến tánh mạng. Sau đó là vụ ông cò ở Bà Điểm bị hạ sát. Tất cả thủ phạm đều bị trừng trị nên dân chúng tạm yên tâm. Ai ngờ chiều tối thứ Bảy ngày 2 Tháng Bảy năm 1938 lại xảy ra một vụ đổ máu mà nạn nhân chính là thầy Đội Quới, xếp bót Phú Nhuận. Thầy Quới bị ba tên côn đồ chém ngã ở khu “Cây Xoài cơm” thuộc làng Tân Sơn Nhứt, ngang nghĩa trang Bắc Việt.

Vụ này được đăng trên báo Điển Tín, số 1035, 4 Tháng Bảy 1938 với tiêu đề “Máu đổ tại Tân Sơn Nhứt: Đội Quới, xếp bót Phú Nhuận bị chém ngã giữa đường”. Theo bài báo, người ta đã xầm xì với nhau: “Lại một người chức việc bị bọn côn đồ “hạ” nữa. Phải giải quyết cái nạn đó thế nào mới được!”. Trước đó một tuần, trường nữ học Gia Định bị bọn trộm rinh mất cái máy may, nhà chức trách chưa tìm ra manh mối.

Chiều thứ Bảy, sau khi nhận được lệnh của ông cò Voisin phái đi Tân Sơn Nhứt điều tra vụ trộm nầy, thầy đội Quới liền kêu xe thổ mộ đi làm phận sự. Lấy ăng-kết xong xuôi, lúc đó cũng gần 6 giờ chiều, thầy ngồi xe thổ mộ mà trở về, vừa tới ngang nghĩa trang Bắc Kỳ thì bị ba tên đứng đón nơi đây xốc tới chém. Một mình không thể đương cự được, thầy đội Quới liền nhảy xuống xe chạy, bọn chúng rượt theo chém bồi vào lưng mấy nhát nữa cho đến khi thầy ngã xuống bất tỉnh, bọn chúng mới tẩu thoát. Thầy bị cả thảy chục nhát dao, nặng hơn hết là nhát dao nơi trán ăn thấu vào nên sau đó nằm mê man bất tỉnh.

Sau, điều tra ra mới biết đám côn đồ hạ thầy đội Quới đây là các tên Ba, Đùm, Kị… đều là dân làng Tân Sơn Nhứt, làm nghề lái xe thổ mộ song cũng là những tay anh chị thất thời. Chúng căm thù vì bị thầy Quới hỏi giấy thuế thân, biên phạt xe đậu sai phép trước đây nên âm mưu giết thầy để rửa hận. Một ngày trước đó, chúng đã gặp nhau ở Sài Gòn để bàn cách tấn công thầy. Một thủ phạm bị bắt sau đó vài giờ, ba tên nữa còn trốn tránh. Riêng thầy Đội bị thương nặng phải vô nhà thương cứu chữa.

Cuộc sống ngày xưa của Phú Nhuận, quanh hàng tre xanh trên đường Lò Rèn, xóm Mả Đỏ, Xóm Mả Đen, Suối Đen, xóm Vườn Mít, cây Xoài Cơm… vẫn có những tên trộm cướp, du côn đe dọa cuộc sống êm ả và bình yên của những cư dân vùng đất hiền lành này.

Phạm Công Luận

(trích trong sách Hồi ức Phú Nhuận – công ty sách Phương Nam và NXB Thế Giới xuất bản Tháng Tám-2023)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: