Uyên Thao: Sục sôi chữ nghĩa

Share:
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Uyên Thao: Sục sôi chữ nghĩa
/

Người đàn ông cao gầy, giọng nói ấm áp, đài từ mạch lạc, chỉ vào những thùng sách to nặng vẫn còn nguyên keo dán: “Nhà in vừa gửi đến, còn việc của tôi là ở kia”, ông hướng bàn tay đến chiếc bàn nhỏ cạnh cửa sổ. Trên bàn là những cuốn sách đang gói dang dở. “Tôi gói lại rồi mang ra bưu điện gửi cho độc giả,” ông nói.

Bước chân ông chậm, nhưng chắc. Đôi mắt vẫn còn đóm lửa tinh anh phản chiếu tinh thần chính nghĩa, ý chí sắt thép của tờ Sóng Thần một thời từng làm điên đảo các viên chức quốc gia vào những năm cuối của nền Đệ Nhị Cộng Hoà. Nếu không biết về ông, sẽ khó mà tin người trước mặt tôi – nhà báo, nhà văn Uyên Thao, sẽ tròn 90 tuổi vào năm sau.

Cuộc đời trầm luân của ông – người từng sống qua “hai chế độ nhà tù” vì ngòi bút của mình chính là nhân chứng cho một nền báo chí trước 1975 và cả vận mệnh văn hoá của một dân tộc.

Súng và viết

Lâu rồi, người ta có vẻ không còn nhớ tên thật của ông, Vũ Quốc Châu. Từ ngày ông bước vào nghiệp viết lách (năm 1951), người ta biết đến ông với những bút danh như Hạ Lan, Hoàng Hà, rồi đến Uyên Thao, sau này. Theo lời ông kể, “Uyên Thao” là ông ghép từ tên của người anh (Uyên) và một nhà thơ ông cảm mến (thi sĩ Thao Thao). Tuổi trẻ của ông là năm tháng rực lửa dấn thân với chữ nghĩa. Mặt trận của ông mãi mãi là mặt trận “không tiếng súng”, không có gì thay thế được.

Từ ngày ông bước vào nghiệp viết lách (năm 1951), người ta biết đến ông với những bút danh như Hạ Lan, Hoàng Hà, rồi đến Uyên Thao, sau này. (Ảnh: Kalynh)

Từ năm 1953 đến 1955, vì không chịu nổi cảnh đứng nghiêm nghe lệnh các sĩ quan Pháp, ông chọn núi Bà Đen theo lệnh gọi nhập ngũ. Mỗi khi phải ra trận, dù hiểu rõ nguyên lý “nếu địch không chết thì mình chết”, nhưng ông vẫn “không thể kéo cò súng”.

“Tôi cứ nghĩ kẻ tôi bắn cũng có vợ con, cha mẹ. Những người đó không có tội, không có lỗi gì. Sau mỗi trận đánh kết thúc, tôi như người mất hồn” – ông kể lại, vết hằn thời gian khắc sâu hơn trên gương mặt.

Khoảng cuối năm 1955, ông được một vị chỉ huy hiểu câu chuyện, rút ông ra khỏi Trung đoàn 60, giao cho ông “sống” với cây bút. Từ đó, ông là một nhà báo xông pha nhiều năm ở mặt trận với vai trò là đặc phái viên ở các tiền đồn Vùng 1, Vùng 2. Ông làm việc cho Đài Phát Thanh Quốc Gia Sài Gòn, cộng tác với nhiều tờ báo. Số phận một lần nữa bắt ông khoác áo lính vào cuối năm 1970. Năm đó, ông đã ngoài 20 tuổi. Cái cảm giác “thấy mình như chiếc lá lìa cành mặc cho gió cuốn trôi” bủa vây ông trong những tuần lễ đầu trở lại cuộc sống quân ngũ. Nhưng rồi, điều kỳ diệu, hay như đã nói, mối duyên kỳ ngộ đã giúp ông có thể trả quân phục, súng đạn, rời quân trường theo lệnh của Cố Vấn Đặc Biệt Phủ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Mối duyên kỳ ngộ thứ hai đó là ký giả Văn Lang Trần Văn Ân.

Đầu năm 1971, ông thực sự được rời xa cây súng. Cuối năm 1971, sau nhiều cố gắng, ông ra mắt tờ báo Sóng Thần, bắt đầu giai đoạn bi – hùng đầy máu lửa trong cuộc đời làm báo của Uyên Thao.

Một đời “giấy bút lầm than”

Năm 2001, khi đã định cư ở Hoa Kỳ, vào một ngày mùa Đông Tháng 12 ở Virginia, nhà báo Uyên Thao ghi lại trong tạp ký Giấy Bút Lầm Than: “Ngày 31-10-1974, lệnh thiết quân luật được ban bố tại Sài Gòn. Lực lượng Cảnh Sát với mặt nạ, khiên mây và lăm lăm súng trên tay dàn ra trấn đóng khắp các ngã tư. Nhiều đường phố vắng ngắt. Hình ảnh này chắc chắn sẽ được ghi mãi trong mọi hồi ức về hoạt động báo chí. Có lẽ đây là lần đầu tiên và cũng là lần độc nhất trong lịch sử báo chí thế giới, chiến xa và súng đạn được đưa ra trực tiếp đối đầu với người cầm bút: Ngày đó chính quyền đưa nhật báo Sóng Thần ra Tòa. Lệnh thiết quân luật được ban bố không do tình trạng chiến tranh mà nhắm ngăn chặn và trấn áp mọi giới quần chúng tới pháp đình bày tỏ thiện cảm với tờ báo cũng như với giới cầm bút nói chung.”

Năm 2022, cũng vào những tháng cuối năm, trong căn hộ ông đã sống suốt 23 năm ở Virginia, ông kể lại những tháng ngày chiến đấu ở mặt trận thông tin, chữ nghĩa với niềm kiêu hãnh và cả ê chề.

Tờ báo vừa chào đời thì mùa Hè đỏ lửa 1972 bùng nổ do Hà Nội đưa quân vượt Bến Hải. Sóng Thần của Uyên Thao lúc đó thật sự là một “cơn sóng thần” phủ khắp mọi miền, tỉnh thành đất nước. Theo đúng thời cuộc và cả vận mệnh đất nước, tờ báo phủ đầy những cái chết oan khiên, những hồn ma vất vưởng “sống có nhà nhưng thác không có mồ”; những thân thể tan nát thịt da, ruộng vườn bị đạn bom phá huỷ. Ông minh định: “Thực tế đặt tờ báo vào thế không thể giữ vai trò thông tin thuần tuý mà cần đóng góp phần chia gánh oan khiên đè nặng thân phận người dân do tham vọng độc quyền thống trị của Hà Nội.”

Một bản phát hành của Nhật Báo Sóng Thần. (Ảnh: Tài liệu trên trang Tiếng Quê Hương)

Một người bạn của ông, Giáo sư Nguyễn Văn Lục nhìn nhận hoàn cảnh ra đời của Sóng Thần như thế này: “Miền Nam rơi vào tình thế mất còn với nhiều xáo trộn. Chính quyền Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu xem ra bó tay trước áp lực của người Mỹ và tỏ ra thất thế, yếu kém về quân sự trong việc đương đầu với cộng sản.”

Những bản tin như “Cộng sản dùng súng phóng hoả đốt cháy cả một làng ở vùng Quảng Đức” được tờ soạn tường thuật cho thấy việc đốt cháy một làng không đáng kể bằng việc bắn chết không còn một người nào của làng đó, từ con nít đến đàn bà hơn 200 mạng người. Thế nhưng, cũng với giọng từ tốn, như thể đã thấm nhuần bản chất của câu chuyện, ông kể lại: “Khi nhóm ký giả của Sóng Thần có mặt, trước mắt chúng tôi vương vãi đầy xác chết. Khi chúng tôi loan tin đó, lẽ ra chính quyền phải hỗ trợ để tố cáo tội ác của cộng sản, nhưng ngược lại, họ nói rằng Sóng Thần làm điều đó là đánh giá sai khả năng của quân đội, chẳng khác nào tố giác sự bất lực của quân đội và cấm đăng bản tin đó.”

“Nực cười” (theo từ của ông) hơn là một câu chuyện khác của năm 1972, khi cộng sản đưa quân đánh sang Bến Hải, người dân phải bỏ chạy từ Quảng Trị về Huế. Chỉ trên một đoạn đường ngắn có cả trăm ngàn người dân bỏ chạy. Họ vừa đi, vừa chạy, vừa kêu gào than khóc. Trong khi đó, pháo binh cộng sản vẫn tiếp tục pháo kích. Đạn bom, hoả châu như mưa rơi trên đầu người. Báo chí quốc tế có mặt lúc đó ước lượng cả chục ngàn người chết. Nhưng đó là những xác chết từ vài tháng trước. Đầu Tháng Bảy, khi quân đội VNCH bắt đầu đánh ngược lại để chiếm Quảng Trị, tờ báo Sóng Thần đã chứng kiến hàng trăm ngàn xác chết ngổn ngang trên mặt đường. Có những xác chết bị bắn không phải chỉ một lần; có những xác chết đã thối rữa, đầy vết cắn của loài thú hoang dã.

Tháng Bảy năm 1972, chiến dịch “Sống, mái nhà – thác, nấm mồ” khởi diễn, kêu gọi cả nước chung tay giúp những người xấu số chạy giặc đang vất vưởng đầu đường xó chợ một mái ấm; giúp những xác người ngổn ngang dưới nắng mưa một nấm mồ yên ả, theo đúng tinh thần người Việt Nam. Người đầu tiên phản đối khi báo Sóng Thần công bố chiến dịch trên là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. “Ông ấy đã cho người đến bảo với tôi là dừng việc đó lại không được làm nữa. Nếu tôi tiếp tục làm là tôi nhục mạ, kết án ông không lo được cho dân chúng,” nhà báo Uyên Thao kể lại.

Chiến dịch hốt xác người kết thúc vào Tháng Ba năm 1973 với hơn 2,000 ngôi mộ được xây lên, còn số xác người hốt được thì không thể đếm xuể. Cũng kể từ đó, cái tên Uyên Thao và tờ báo Sóng Thần trở thành hai cái tên tử thù cần huỷ diệt. Sự không hoà hợp giữa một chính quyền đương thời và cơ quan báo chí, cụ thể là Uyên Thao lên đến đỉnh điểm giữa lúc phong trào “Nhân dân chống tham nhũng” của linh mục Trần Hữu Thanh ra đời, với tiêu chí: Chống tham nhũng để cứu nước và kiến tạo hòa bình bằng cách liên kết mọi thành phần Dân tộc sau cuộc phân hóa 1963.

Sau khi đăng một bức hoạ ở mục “Hí Độc Diễn” diễn tả mức nguy hại khi tệ nạn tham nhũng lan tràn, Uyên Thao và báo Sóng Thần bị chính quyền Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đưa ra toà ngày 31 Tháng Mười năm 1974. Trước đó, Sóng Thần còn đăng cả bản tin về việc những người ở Bộ Thông tin do Hoàng Đức Nhã làm Tổng trưởng đã thuê một nhóm du côn để bắn chết ông với số tiền là nửa triệu Mỹ kim.

Ông ra toà ngày 31 Tháng Mười năm 1974. Tháng Giêng năm 1975 Sóng Thần bị rút giấy phép, kết thúc một thời kỳ vẫy vùng lẫm liệt của những cơn sóng thần khắp miền đất nước, và đồng thời đánh dấu một chương tăm tối của nền báo chí trước 1975.

Địa ngục trần gian

Khoảng ba tháng sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, Uyên Thao phải trả giá cho một niềm tin rất “bay bổng” của ông bằng 10 năm tù của cộng sản. Ông cho rằng “cuộc chiến chưa chấm dứt, chưa biết ai là người thắng cuối cùng” nên quyết định không ra đi. Nhưng, thay vì “người miền Bắc sẽ bừng tỉnh khi chiêm ngưỡng được cuộc sống ở miền Nam” như ông nghĩ, thì Uyên Thao bị dí súng vào lưng và bắt đi theo lệnh của “an ninh K.9”. Chuyến đi đó mãi đến cuối năm 1986 ông mới được trở về.

Nhưng, cũng chưa thực sự là trở về. Tuy đã “ra tù” nhưng ông không được về với gia đình. Quyền công dân bị tước đoạt trắng trợn. Ông phải ở một nơi được chỉ định, đó là chùa Pháp Hoa, cạnh Đại Học Vạn Hạnh. Các sư sãi ở đó toàn là công an. Sáng đi trình diện. Chiều tối đi trình diện. Khác với 11 năm ở trại tù, đó là ông phải tự lo cơm nước. Để có được bữa ăn, công việc mà nhà nước “giúp” ông, đó là đi hốt rác ở Quận Gò Vấp.

Con đường đi của ông lúc đó chỉ từ Quận 3 đến bãi rác Gò Vấp để thu xương heo, xương bò bán cho một công ty chế tạo thức ăn gia súc. Vài đồng kiếm được, ông mua ổ bánh mì, chia làm hai để ăn trong một ngày.

Tiếng nói của ông đều đều, nhưng đã không còn trầm bổng như cuộc đời trầm luân của ông. Vết thương đã liền da nhưng chưa bao giờ thôi nhức nhối. Cuộc sống địa ngục trần gian bủa vây nhà báo Uyên Thao – “mặt sắt đen sì” một thời của tờ Sóng Thần trong suốt những năm đó. Có người thương ông cơ cực, nhường ông chỗ bán vé số để kiếm ăn thay cho bới rác ở Gò Vấp, ông vẫn phải “xin phép” chính quyền và nhận được câu trả lời: “Cái thứ như anh tha bắn là phúc.” Thế là, hằng ngày, ông lại đến bãi rác Gò Vấp.

Nghiệp viết cào cấu, chữ nghĩa sục sôi, nhưng thế sự không như mong muốn. Để “qua cơn nghiện”, Uyên Thao phải viết tiểu thuyết dã sử – cái mà chính ông sau này gọi là “chẳng có gì”. Rồi lén lút nhờ gửi đi cho bạn bè ở hải ngoại.

Cuối năm 1999, với sự giúp đỡ của nhà văn Hoàng Hải Thuỷ, bà Khúc Minh Thơ và ông John McCain đặc biệt là sự can thiệp của Bộ Ngoại Giao Mỹ, gia đình nhà báo Uyên Thao đặt chân đến Hoa Kỳ, kết thúc những tháng ngày khổ ải trên chính quê hương mình.

Những năm tháng ‘sục sôi chữ nghĩa’ trên xứ người

Trong những tháng năm trải qua hai chế độ nhà tù và kiếp sống “không phải con người” ấy, ông đã nhìn thấy một mặt trận bị bỏ trống, bị quên lãng từ thưở xa xôi ở miền Nam, nhìn thấy “chúng ta” đã bỏ rơi không nuối tiếc một mặt trận có tầm quan trọng tối thượng trong cuộc chiến trường kỳ.

Đôi mắt của ông như có lửa. Gương mặt gày gò, khắc khổ của ông co dãn theo từng câu chữ: “Chúng ta có thể sẵn sàng chiến đấu chống cộng sản bằng súng đạn hay những thủ đoạn chính trị, nhưng về mặt trận văn hoá hay mặt trận tuyên truyền thu phục tâm lý quần chúng thì mình chẳng bao giờ làm. Chỉ có phía cộng sản làm chuyện đó. Họ dồn nhiều phương tiện, nhiều khả năng của mọi người vào lãnh vực đó. Họ viết lách, sáng tác, làm đủ mọi thứ nhằm phục vụ một mục đích, đó là ca ngợi. Còn mình thì ai muốn làm gì thì làm.

Tôi hỏi ông về vai trò của “Hai mươi năm văn học miền Nam” nằm ở đâu trong mặt trận đó?” Ông trả lời: “Văn nghệ, văn học ở miền Nam đã tạo được một vị trí nhất định của nó, được rất nhiều người làm, rất nhiều sáng tác bay bổng lãng mạn, thơ mộng, nhưng hoàn toàn không liên hệ gì với cuộc đấu tranh. Đó là điều rõ ràng, và nhiều khi còn có tác dụng ngược.”

Ngày sang Mỹ, nhà báo Uyên Thao xấp xỉ 70. Ngọn lửa chữ nghĩa lại bùng cháy song hành với nhận thức về giới hạn tuổi tác. Ông không thể phủ nhận năng lực bản thân sau hơn 10 năm tù đày khổ ải. Ông chỉ dám nghĩ – “mình phải bắt đầu thực hiện một phần nhỏ của chuyện đó”.

Cuối năm 1999, Uyên Thao bắt đầu liên lạc với bạn bè để bắt đầu lại cuộc đấu tranh “không phải chỉ xuất hiện từ năm 45, mà nó khởi từ cuối thế kỷ trước rồi,” theo lời ông nói.

Người ủng hộ thì ít, nếu không muốn nói là không có. Người phản đối thì ngay bên cạnh. Họ phản đối vì thực tế trong xã hội Mỹ lúc đó, cộng đồng Việt “có ai đọc tiếng Việt đâu mà in sách tiếng Việt làm gì?” – theo lời của hoạ sĩ Ngọc Dũng, một người bạn của ông.

Nhà báo Lê Thiệp, người gắn bó với ông khi ở Sài Gòn giải quyết bằng cách thương thảo với ông: “Cả cuộc đời anh tù đày cực khổ quá nhiều rồi. Em sẽ chi cho anh nửa triệu đô với điều kiện anh chỉ ngồi đó, an hưởng sức khoẻ.”

Nhưng “mặt sắt đen sì” của tờ Sóng Thần ngày đó vẫn mãi là “Thiết diện phán quan” mà anh em đã gọi ông. Ông nhắc lại câu trả lời của mình khi ấy: “Anh qua đây không phải để xin tiền em. Trước đây, Đỗ Ngọc Yến có nhã ý đưa tên anh vào danh sách sáng lập báo Người Việt và được hưởng cổ phần. Anh đã từ chối, và bây giờ cũng từ chối. Anh qua đây để làm việc.”

Thế là, “một xu tôi cũng không có”, ông cười nói. Ngày xưa, ông cho ra đời một tờ báo mà một đồng xu dính túi cũng không có. “Chỉ có một tấm lòng, một lý tưởng tranh đấu chống tham nhũng bất công xã hội và sự hăng say” như lời Nguyễn Văn Lục đã nói. Ngày nay, ông lao vào xây dựng Tủ sách Tiếng Quê Hương với những đồng tiền ông có được từ các chương trình phúc lợi xã hội Mỹ dành cho người cao tuổi.

Năm 2002, ông bị phát hiện ung thư bao tử. Bệnh viện cho biết ông chỉ còn từ sáu đến tám tháng để buồn vui với thế nhân và khóc cười cùng hoa cỏ. Ông càng cố gắng gom hết sức cùng lực kiệt để đánh cuộc chiến văn hoá này. Chính người từng mạnh mẽ phản đối ông lao vào cuộc chiến là nhà báo Lê Thiệp đã kêu gọi bạn bè thân hữu ở hải ngoại góp tiền, góp sức, cùng ông ra trận.

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ bao tử, thần chết đã không nhận ông làm bạn. Vì thế, Tủ sách Tiếng Quê Hương đã tồn tại 22 năm với 90 đầu sách xuất bản. Cuộc đời gông cùm khổ ải trong nhà tù cộng sản được vẽ lại bằng máu qua “Hoả Lò” của Nguyễn Chí Thiện. Lời trăn trối qua “Hồi ký của một thằng hèn” của nhạc sĩ Tô Hải. Những sự thật nhơ nhuốc, ghê tởm trong xã hội đầy rẫy ‘Mối Chúa” của Tạ Duy Anh. Đó là những cây viết ngày xưa, ngày nay bị nhấn chìm trong cùng một chương đen tối của cuốn sách lịch sử chế độ. Họ được cất lên tiếng nói qua “mặt trận không tiếng súng”, Tủ sách Tiếng Quê Hương.

Một sự thật mà nhà báo Uyên Thao ngậm ngùi chấp nhận: “Số người đọc chỉ nằm trong một nhóm rất nhỏ”. Trả lời cho lý do này, ông nói một phần lớn do “tính tìm hiểu không phải đặc trưng của người Việt Nam”. Từ những năm 1945, Uyên Thao đã tự vấn về thói quen giải trí, về mục đích sống, về cách thụ hưởng niềm vui của người Việt. Ông nhớ, chính ông đã đọc được một bản thống kê về số đầu sách một người dân Nhật đọc trong một năm, từ 30 đến 50 sách. Riêng người Việt Nam, một năm một người đọc một nửa cuốn sách.

“Mình chỉ nói những điều theo bản năng của mình, nói những gì mình thích. Nhưng điều mình thích hay ghét đôi khi nó chả là gì cả. Người dân mình vẫn sống theo bản năng chứ không sống theo cái sai và cái đúng. Chúng ta không đặt vấn đề ở việc đi tìm cái đúng và cái sai. Đó là nhược điểm tai hại nhất của chúng ta,” ông nói.

Hai mươi hai năm, ông cần mẫn đọc từng bản thảo. Có những cuốn ông phải đọc trên hai lần, kiểm chứng các chi tiết, biên tập, rồi quyết định in ấn.

Nhà báo Uyên Thao bên cạnh tủ sách Tiếng Quê Hương trong căn hộ nhỏ của ông. (Ảnh: Kalynh)

Căn hộ ông đang sống từ ngày rời Việt Nam đến nay, không có gì ngoài sách. Tủ sách, thùng sách, bàn sách. Sách từ ngoài cửa vào đến tận nhà bếp. Sách bên phải, bên trái. Sách trong từng câu chữ ông nói ra. Nơi này, thật sự là một pháo đài, một tổng hành dinh của “mặt trận văn hoá” – cụm từ ông mô tả về cuộc đời “Giấy bút lầm than” của mình.

Hôm nay, ông không hút thuốc lá 555 như lần gặp ông bốn năm trước. Ông đã “tự cai” được khá nhiều, ngày chỉ còn năm điếu. Tuy cẩn thận cho rằng, “tôi già rồi, trí nhớ quên trước quên sau”, nhưng chỉ cần bắt đầu với năm từ “Tủ sách Tiếng Quê Hương”, thì thước phim lịch sử về một giai đoạn của dân tộc lại tuần tự tuôn ra khỏi máy quay, rõ nét, sắc sảo và khúc chiết.

Cuộc đời trầm luân của ông, nhà báo Uyên Thao, người từng sống qua “hai chế độ nhà tù” vì ngòi bút của mình chính là nhân chứng cho một nền báo chí trước 1975 và cả vận mệnh văn hoá của một dân tộc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: