Tha hồ mua hàng trả góp

“Mua lấy ngay, trả tiền sau” (mua trả góp) là một “thuận lợi” rất lớn đối với nhiều người mua sắm bị eo hẹp về tài chính, đặc biệt trong thời đại dịch. Nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với cả người mua lẫn các công ty kinh doanh dịch vụ này với sự hỗ trợ của ngân hàng thông qua ứng dụng mua trả góp.

Những điển hình

Lissette Monzon, 54 tuổi, một giáo viên tiếng Anh dạy trung học ở tiểu bang Florida, vẫn cảm thấy có chút tội lỗi về “cơn điên cuồng mua sắm” mà cô đã sa vào cách đây 3 năm.

Tháng Mười, 2018, Monzon đã mua một đôi bốt Valentino giá $700 sau khi cô nhìn thấy ảnh chụp nữ diễn viên Blake Lively mang đôi giày màu hoa cà này ở Paris, Pháp. Monzon mê mẩn đến nỗi nhất quyết phải có được nó. “Đôi giầy tốn của tôi rất nhiều tiền và tôi đã phải chắt bóp mới trả hết” – cô tâm sự.

Vì không có sẵn tiền, Monzon phải thanh toán cho đôi giày mình thích bằng cách sử dụng Klarna, một ứng dụng mua hàng trả góp đang bùng nổ hiện nay, nó cho phép người dùng mua sản phẩm và trả làm nhiều đợt sau đó, thường không phải chịu lãi suất. Dù Monzon không gặp khó khăn gì trong 6 đợt trả góp, nhưng khoản chi tiêu “vượt trần” này là không phù hợp vì nó lấy mất cơ hội của những khoản chi tiêu khác cần thiết hơn.

“Chính cách mua sắm dễ dàng đã đẩy tôi vào con dốc trơn trượt mà nếu không thể ngừng tôi sẽ lao xuống đáy vực. Một triệu năm nữa tôi cũng sẽ không bao giờ mua một món hàng đắt như thế – cô bộc bạch – Nợ nần khiến bạn ngủ cũng không ngon giấc. Có lúc tôi kêu lên: Ôi Chúa ơi, con đã làm gì vậy? Con đã làm gì để rơi vào hoàn cảnh này?”. Tuy nhiên, dù không hài lòng với việc mua đôi giày đắt tiền, Monzon cho biết cô vẫn phải tiếp tục mua trả góp trong mùa Giáng sinh và Năm mới “vì không thể mua bằng cách nào khác với đồng lương giáo viên eo hẹp”.

Joshua Bivugire, 22 tuổi, một nhân viên cửa hàng công nghệ ở thành phố Auckland, New Zealand tâm sự: “Mua trả góp đã trở thành cuộc khủng hoảng đối với tôi vào Giáng sinh năm ngoái, dù tôi không bao giờ trễ hạn. Nhưng tôi đã vượt quá làn ranh đỏ khi sử dụng đến ba ứng dụng (ba dịch vụ) cùng lúc dù lúc đầu chỉ định mua một chiếc áo khoác!”.

Là một nhạc công bán thời gian, Bivugire sử dụng ba ứng dụng Afterpay, Humm và Zip để mua hàng sau khi mất việc làm. Anh đã mua bộ micrô, máy tính, đèn phòng thu giá khoảng $2,026. Afterpay có thưởng cho những khách hàng liên tục thanh toán đúng hạn và vì Bivugire luôn làm như vậy nên đôi khi anh ta được tặng miễn phí đợt thanh toán đầu tiên của sản phẩm. “Không bỏ ra xu nào mà hàng đã trao tay khiến tôi bị thôi thúc chi tiêu nhiều hơn. Và dây chính là lúc bạn rơi vào bãi lầy” – anh nói.

Nở rộ trên toàn cầu

Trên thế giới, hàng trăm triệu người từng sử dụng các dịch vụ mua trước, trả sau. Một số công ty hoạt động trong ngành công nghiệp trị giá $100 tỷ này chỉ tính lãi trên món hàng, số khác tính phí trả chậm. Nhưng tất cả đã mang lại một cải tiến quan trọng so với cách mua hàng truyền thống: Người mua có thể ngay lập tức sở hữu sản phẩn họ cần, và ngân hàng hỗ trợ các công ty kinh doanh mua trả góp sẽ thanh toán trước cho họ. Các công ty này cho biết họ đang cung cấp một giải pháp thay thế an toàn hơn và dễ tiếp cận hơn thẻ tín dụng.

Nhưng một số người bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo các dịch vụ mua trả góp có thể khuyến khích người dùng chi tiêu nhiều hơn mức họ có thể trả trong tình hình không có biện pháp nào để ngăn người mua tiêu tốn quá nhiều so với khả năng tài chính và mang nợ vào thân.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp “mua trước trả sau” vẫn tiếp tục bùng nổ, với những lời chào mời xuất hiện lan tràn trên các trang web internet. Dịch vụ Klarna của Thụy Điển đã tăng gấp đôi số khách hàng đăng ký ở Mỹ lên 20 triệu người trong từ Tháng Sáu, 2020 đến Tháng Tám năm nay. Số người dùng app ở Vương quốc Anh cũng tăng 36% từ Tháng 10, 2020. Hiện có hơn 90 triệu người dùng Klarma đang hoạt động trên 20 quốc gia. Đối thủ của nó ở Mỹ là Affirm cũng tăng hơn gấp đôi số người dùng kể từ Tháng Chín, 2020. Công ty (đã lên sàn chứng khoán vào Tháng Một năm nay và công bố quan hệ đối tác với Amazon vào Tháng Tám) cho phép khách hàng Mỹ chia nhỏ các khoản thanh toán (trả góp) cho các món hàng giá cao hơn $50.

Mùa Hè qua, Square, một đối thủ khác tại Mỹ đã mua lại công ty Afterpay của Úc với giá $29 tỷ. Nhiều người mua chuyển sang mua trả góp để thoả mãn những thứ cần mua trong kỳ nghỉ. Theo nghiên cứu của công ty phần mềm Salesforce, tổng giá trị “mua ngay, trả sau” trong Tuần lễ Điện tử (từ ngày 23 đến 29 Tháng 11) trên tòan cầu đã tăng 29% so với năm ngoái.

Dịch vụ thanh toán online PayPal cho biết khối lượng giao dịch thông qua dịch vụ mua trả góp “Buy in 4” đã tăng 400% trong ngày Black Friday so với năm 2020. Sử dụng dịch vụ mua trả góp có thể rẻ hơn thẻ tín dụng, nhưng các nhà quan sát cảnh báo phương thức thanh toán này thiếu các biện pháp bảo vệ cơ bản.

Nhiều công ty không thực hiện kiểm tra tín dụng bên ngoài trước khi gia hạn các khoản vay hoặc không liên lạc với nhau để bảo đảm người dùng không vay cùng lúc nhiều dịch vụ. Người dùng cũng bỏ lỡ một lợi ích quan trọng: Trả góp đúng hạn cũng không tạo được lịch sử tín dụng “đẹp”, vốn rất cần khi họ cần tiếp cận các khoản thế chấp và vay ngân hàng trong tương lai. “Mua ngay, trả sau” chưa được dùng nhiều như thẻ tín dụng nhưng đang tăng tốc.

Tại Vương quốc Anh, gần 8 triệu người đã chi khoảng $5.3 tỷ để mua trả góp trong chín tháng đầu năm nay (theo trang web tài chính cá nhân Credit Karma), ít hơn nhiều so với khoảng $77 tỷ ghi nợ trên thẻ tín dụng (credit card). Năm 2020, có khoảng 95% người trưởng thành Mỹ có ít nhất một thẻ tín dụng (theo công ty tính điểm tín dụng Experian). Khảo sát của Credit Karma cho thấy 44% người Mỹ cho biết họ từng sử dụng dịch vụ “mua trước, trả sau”.

Ý kiến của các công ty kinh doanh “mua trước, trả sau”

Anthony Eisen, Giám đốc điều hành của Afterpay – được gọi là Clearpay ở Vương quốc Anh và châu Âu – cho biết đã có các biện pháp bảo vệ 16 triệu người dùng, kể cả khuyến khích thói quen chi tiêu có trách nhiệm. Khách hàng phải thanh toán làm bốn đợt cách nhau hai tuần và có thể phải chịu phí nếu trả chậm, nhưng không được vượt quá 25% giá trị đơn hàng. “Chúng tôi không đẩy người tiêu dùng vào nợ nần ngập đầu mà chỉ muốn cung cấp cho họ một công cụ nữa để mua sắm với sự cân đối tài chính. Nếu họ quản lý việc chi tiêu của mình tốt hơn, lợi ích của dịch vụ sẽ tốt hơn”.

Nhưng các biện pháp bảo vệ được các công ty thẻ tín dụng sử dụng để ngăn chặn việc khách hàng vướng phải các khoản nợ không thể kiểm soát – chẳng hạn như thực hiện kiểm tra tín dụng người nộp đơn – không phải là “tiêu chuẩn” của các dịch vụ mua ngay, trả sau. Trong khi Affirm kiểm tra tín dụng bên ngoài đối với người dùng thì Afterpay lại không, mà chỉ đánh giá khả năng thanh toán của người dùng dịch vụ (sẽ tạm ngưng tài khoản nếu trễ một lần thanh toán). Vinod Ramachandran, người đứng đầu bộ phận sản phẩm tiêu dùng của Affirm cho biết: “Chúng tôi chỉ chấp thuận những người mà chúng tôi tin rằng có thể trả nợ dễ dàng”.

Nhu cầu mua trả góp đã tăng vọt trong những tháng gần đây. Klarna cho biết tổng giá trị giao dịch trên app của nó đã tăng lên $57 tỷ trong Quý 3, từ $35 tỷ của cùng kỳ năm ngoái (hiện Klarna là công ty khởi nghiệp giá trị nhất châu Âu, được định giá $46 tỷ). Tuy nhiên, công ty được ngân hàng SoftBank hỗ trợ này vừa báo lỗ tín dụng ròng $317 triệu trong 3 quý đầu năm 2021, cao hơn năm ngoái 80%. Nhưng thua lỗ là do Klarna mở rộng thêm chín thị trường mới trong hai năm.

Alex Marsh, Giám đốc điều hành hàng đầu của Klarna tại Vương quốc Anh, nói: “Chúng tôi thực hiện kiểm tra tín dụng người dùng, gửi cho khách hàng lời nhắc thanh toán và sử dụng các đại lý thu hồi nợ như biện pháp cuối cùng. Không gặp trực tiếp, không có thừa phát lại, mà chỉ qua điện thoại và email với khách hàng, khuyến khích họ liên hệ với chúng tôi để thống nhất kế hoạch thanh toán”.

Khi một khoản thanh toán bị trễ quá 120 ngày, Affirm sẽ chuyển khoản đó cho đại lý đòi nợ để họ làm việc với khách hàng. Có lúc Afterpay cũng nhờ cơ quan thu hồi nợ, nhưng Eisen cho biết công ty chưa bao giờ phá sản hoặc đưa khách hàng ra tòa. Tuy nhiên, sự gia tăng của “mua ngay, trả sau” sang cả các nhu cầu thiết yếu như tiền thuê nhà và chăm sóc sức khỏe đã gây ra mối quan tâm trong các nhóm bảo vệ người mắc nợ.

Ý kiến người tiêu dùng

Nhưng nhiều người dùng xem loại hình mua trả góp ít rủi ro hơn so với mua bằng thẻ tín dụng. Rudi Schulz, 28 tuổi, kỹ thuật viên xử lý nước sống ở Austin, Texas, thuộc số đó. Tháng Tư, 2020, anh mua một máy tính xách tay trị giá $1,200 thông qua app Affirm. “Do nhiễm Covid, tôi bị mắc kẹt trong căn phòng nhà mình nhiều ngày, và chiếc máy tính mới vừa nhận là thứ duy nhất giúp tôi tỉnh táo trong hai tuần cách ly – anh nói – Tôi không gặp khó khăn với khoản góp $97 hàng tháng. Tôi đã trả hết toàn bộ – cộng với $300 tiền lãi – trong Tháng 10. Tốn thêm ít tiền nhưng đáng giá”.

Nếu Schulz chờ đợi và tiết kiệm tiền, anh không thể có máy tính để dùng trong một năm rưỡi qua. “Tôi thích sử dụng phương thức mua trả góp, kể cả trên PayPal, hơn là dùng thẻ tín dụng”. Nhiều người cho rằng đa số khách hàng “mua trước, trả sau” là phụ nữ trẻ thuộc thế hệ Z, tức nhóm người thích tiêu tiền vào quần áo.

Nhưng thực tế cho thấy, người dùng đa dạng hơn và độ tuổi thay đổi nhanh chóng. Theo công ty tư vấn Cornerstone Advisors, tại Mỹ, 41% Millennials (26-40 tuổi) đã sử dụng dịch vụ này, so với 36% của Gen Z (21-25 tuổi). Klarna cho biết khách hàng trung bình của nó trên toàn cầu là 36 tuổi. Nhưng ở Vương quốc Anh, nhóm phát triển nhanh nhất là từ 41-56 tuổi. Afterpay đưa ra tuổi trung bình của người dùng châu Âu là 37.

Marsh nhận định: “Thật là sai lầm khi cho rằng những người tiêu dùng trẻ thiếu kinh nghiệm không hiểu biết về tài chính trong khi họ thực sự là khách hàng thông minh, biết nắm lấy các lựa chọn cách mua rẻ hơn, tiện hơn”. Gareth Shaw, người đứng đầu bộ phận tiền tệ tại công ty tài chính Which? khẳng định: “Chọn mua trước, trả sau không liên quan đến nhóm tuổi mà chủ yếu đến hoàn cảnh cuộc sống. Người tiêu dùng có thể được hưởng lợi từ việc mua trả góp, đặc biệt là những người đang gặp khó khăn tài chính nên không thể mua ngay thứ mình cần”.

Nhà sản xuất chương trình Bron Davies, 25 tuổi, sống tại Cardiff, xứ Wales đồng ý: “Nhờ tận dụng mua trước, trả sau trong thời gian qua nên tôi cảm thấy như… không có Covid! Tôi mua quần áo, mặc thử và có thể trả lại mà chỉ phải chịu ít chi phí”. Tại một số thời điểm, Davies có từ năm đến 10 khoản mua trước chưa thanh toán với tổng trị giá khoảng $265/tháng. “Rất OK dù tôi cảm thấy có lúc… hơi mất kiểm soát. Mua dễ bao giờ cũng tiềm ẩn nguy hiểm. Biết được điều nay bạn sẽ tiết chế. Tôi vẫn sử dụng Klarna để mua hàng, nhưng sẽ thận trọng hơn”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: