Gucci bách niên, 1921-2021

Ảnh: Unsplash
Share:

Ngày nay, có cô gái, quý bà nào nhận mình là một fashionista mà không biết đến Gucci. Năm nay, đánh dấu 100 năm ngày hình thành công ty thời trang gia đình “House of Gucci”. Câu chuyện Gucci là câu chuyện thành công của một người đàn ông Ý đã bỏ nhà đi xa lập nghiệp để thoát nghèo!

SỰ KHAI SINH CỦA HAI CHỮ “G” ĐAN KẾT NHAU

Năm 1891, tại thành phố Florence, chàng Guccio chào đời. Dòng họ nhà cậu bé, Gucci, thuộc tầng lớp trung lưu, làm ăn khá giả với nghề thuộc da. Bố của Guccio là một nghệ nhân thủ công sành sõi về cách làm cho miếng da bò trở thành vật liệu giá trị dành cho trang phục, trang sức và trang trí. Nhưng rồi vào giữa những năm 1890, gia đình gặp thử thách, túng bấn khiến cậu bé Guccio sớm phải chào tạm biệt, hôn mama mình để đi xa kiếm việc làm.

Can đảm và chịu học hỏi, năm 1877, Guccio Gucci là nhân viên trực bên thang máy phục vụ khách tại Savoy Hotel, một khách sạn ngay ngay trung tâm thủ đô London của nước Anh. Trong cabin nhỏ bé của thang máy, chẳng cần phải tò mò chi nhưng Guccho vẫn nghe đủ các bí mật mà các ông các bà giàu sang phú quý và quyền uy thố lộ cho nhau. Thời gian làm việc tại đây chính là lúc “hạt giống” thời trang chất lượng hoàn hảo được gieo vào trí não của anh.

Vì sinh ra và lớn lên trong gia đình chuyên ngành da, nên da cứ như bám quyện vào máu mà chảy trong người nên Guccio để mắt quan sát túi xách, dây thắt lưng, hành lý của các vị khách giàu có. Anh đặc biệt chú ý đến những chi tiết về đường kim, mũi chỉ, nét cắt và ráp nối các khúc da, tinh vi, hoàn mỹ của những món hàng da chất lượng tốt nhất thời ấy. Nẩy ra trong đầu anh là ý tưởng thành lập cơ sở làm đồ thời trang da mang chính tên của mình. Cùng thời ấy, giới thượng lưu không ngớt bàn tán về hai môn thể thao là polo và đua ngựa, nên Guccio càng rõ hơn rằng để chiếm được sự tin yêu của giới khách sành điệu và nhiều tiền anh cần làm cho sản phẩm của mình có một tí gì liên quan đến ngựa!

“House of Gucci” (trái sang, trên xuống):

– Ông Guccio Gucci; Aldo Gucci; Roberto, Giorgio và Maurizio Gucci – ảnh: Hulton-Deutsch Collection/CORBIS/Corbis/ Getty Images; MAOUS/Gamma-Rapho/Getty Images)

– Những sản phẩm Gucci thập niên 1980 (ảnh: Denver Post/Getty Images)

– Một cửa hàng Gucci tại Washington DC thập niên 1970 (ảnh: Thomas J. O’Halloran/PhotoQuest/Getty Images)

Trong suốt 20 năm tiếp theo, Guccio tiếp tục “chìm đắm” trong thế giới đồ da deluxe dành cho du hành, đặc biệt yêu thích hàng của công ty Anh H. J. Cave & Sons. Anh suy tính tìm đường thâm nhập ngành thời trang da. Năm 1921, House of Gucci ra mắt thị dân Florence, Ý, dù mới chỉ là một công ty nhỏ, làm chủ và quản lý theo kiểu gia đình nhưng đã rõ hướng phát triển là thiết kế và sản xuất những loại vật dụng bằng da dùng cho các kỵ sỹ và hành lý du lịch deluxe. Cửa hàng đón khách tại Via Della Vigna Nuova (Đường cây nho mới).

Đối với Guccio Gucci thì việc lập công ty, mở cửa hàng là đỉnh điểm của một đam mê đã ấp ủ trong suốt thời gian làm việc tại London. Còn đối với thương hiệu Gucci thì chuyện có showroom mới chỉ là bước mở đầu. Ngay sát cạnh cửa hàng là xưởng sản xuất, nơi thao tác ngày đêm của những thợ thủ công tài hoa nhất toàn vùng Tuscany thời ấy. Từng năm trôi qua, thương hiệu Gucci càng được nhiều người biết đến như là công ty làm hàng da hoàn hảo. Từ danh thơm ấy, ông Guccio mạnh dạn phát triển thêm nhánh sản xuất túi xách tay, giày, áo quần bằng tơ lựa và len thêu móc.

Suốt thập niên 1930, tuy nền kinh tế Ý và châu Âu nói chung yếu do ảnh hưởng khủng hoảng để lại của Đệ nhất thế chiến nhưng nhà Gucci vẫn phát triển. Aldo, con trai lớn nhất trong sáu người con của ông Guccio, sinh năm 1905, gia nhập công ty vào năm 1933, với nhiệm vụ đầu tiên được giao là thiết kế logo chính thức cho nhà Gucci. Aldo chẳng có khó khăn gì mà không hoàn thành được, vì chỉ cần lấy hai chữ cái “G” của tên và họ của bố mà đan chéo vào nhau là đã có ngay một logo dễ nhớ. Hai chữ G đan kết nhau nay là một trong những logo được nhiều người nhận biết nhất trên thế giới!

Ảnh: Unsplash

“BÙNG NỔ” THỜI HẬU CHIẾN

Năm 1939, tiếng súng lại nổ khắp châu Âu, nước Ý dưới sự thống trị của nhà lãnh đạo phát xít Benito Mussolini, trở thành một thành viên trong khối Trục với Hitler. Hội các quốc gia, tiền thân của Liên Hiệp Quốc, ban lệnh cấm vận đối với Ý. Cuộc chiến khiến mọi thứ vật liệu khan hiếm, nhà Gucci rất khó khăn, không tìm được nguồn da để làm hàng mà có hàng thì cũng chẳng thể xuất khẩu đi đâu. Chả nhẽ đóng cửa, dẹp tiệm? Gucci quyết định thay nguyên vật liệu, không còn da thì làm đồ thời trang bằng đủ các loại vải sản xuất bởi chính các cơ sở trong nước, kể cả đay, cói và vải bố! Để sản phẩm bằng vật liệu vải bố của mình nổi bật khác hàng của các cơ sở đối thủ, Gucci cho thiết kế hình viên kim cương với đường sọc hai màu xanh lá cây và đỏ – cũng là hai màu chủ đạo của gia đình. Và thế là đã ra đời mẫu “diamante” nay vẫn thấy trên nhãn hai chữ G đan chéo tạo ra bởi anh con trai cả Aldo!

Sau khi chiến tranh kết thúc vào Tháng Năm 1945, nhà Gucci tiếp tục với nghề thiết kế đồ da truyền thống nhưng cũng có sử dụng những nguyên vật liệu đã “dùng tạm” trong thời bom đạn. Đến đầu thập niên 1950 thì họ đã lột xác từ một công ty nhỏ ở Florence mà trở thành một nhà sản xuất hàng Ý có uy tín, có tầm ảnh hưởng trong thế giới thời trang châu Âu. Một cơ sở lớn đã được khánh thành tại Kinh thành Rome từ năm 1938, một cửa hàng ngay trên đường phố chính Montenapoloene tại Milan đón khách từ năm 1951. Và đến năm 1953 thì đích thân ông Aldo Gucci đã có mặt tại Mỹ để khai trương cửa hàng Gucci, ngay trong Savoy Plaza Hotel ở New York City, như để nhắc đến nơi ông tổ Guccio Gucci từng làm nhân viên quèn trước đó nửa thế kỷ nhưng bên London! Tuy nhiên tin buồn tiếp đến ngay sau tin vui, hai tuần sau ngày khai trương, ông Guccio Gucci qua đời!

Ảnh: Christian Vierig/Getty Images; Venturelli/WireImage; Chris Moore/Catwalking/Getty Images; Catwalking/Getty Images)

Ông tổ GG ra đi, liệu Gucci có tiếp tục trụ được với thử thách của dòng đời hay không? Aldo và em trai Rodolfo thay bố lo điều hành công ty. Nếu như GG là nhãn của “ông tổ” thì Gucci trở thành gã khổng lồ ngành thời trang kinh doanh cực tốt như hiện nay lại là kỳ tích của Aldo. Một trong những sản phẩm mang đậm dấu ấn Gucci là horsebit loafer, loại giày dễ mang, đế mềm, nhẹ mà ngày nay được gọi là “giày lười”, do chính ông Aldo thiết kế vào năm 1953 với một chi tiết gây khác biệt nhưng nâng tầm nhận biết và giá trị: Đó là mẩu kim loại gợi đến hình ảnh khúc sắt kẹp vào giữa hàm ngựa.

Trong những năm 1950 và 1960, các shop Gucci sang đẹp tiếp tục xuất hiện ở London, Palm Beach… Shop trong Savoy Plaza Hotel ở New York City được chuyển ra phố thời trang deluxe đắt tiền là Fifth Avenue… Hàng Gucci được giới thượng lưu thời mới yêu thích, từ Đệ nhất Phu nhân Jackie Kennedy đến nam danh ca Mỹ da đen Sammy Davis Jr. Danh thơm Gucci khi ấy đã trồi lên ngang hàng cùng với những Louis Vuitton và Chanel! Thập niên 1970 cũng chứng kiến nhà Gucci phát triển thêm nhánh thiết kế áo quần thời trang.

Thời trang Gucci trên catwalk – ảnh: Emma McIntyre/Getty Images; David Crotty/Patrick McMullan/Getty Images;

KHỦNG HOẢNG RỒI LẠI NỔI HƠN

Nhưng dòng sông không lúc nào hiền hòa, trôi êm, Nhà Gucci bắt đầu thời khủng hoảng khi Maurizio, con trai của Rodolfo chính thức nắm quyền điều hành khi ông Rodolfo qua đời năm 1983. Chuyện chẳng tin được nhưng đã xảy ra: Thằng cháu sa thải ông bác ruột Aldo, người đã dẫn dắt Gucci đi từ thành công này đến thành công khách trong suốt nửa thế kỷ. Và càng đáng trách hơn nữa vì Maurizio không tài giỏi như bác và bố để rồi vào năm 1988, dưới sự điều hành của ông, công ty gia đình làm ăn rất bết bát, cạn sạch thanh khoản.

Thời trang đường phố (street style) của Gucci – ảnh: Christian Vierig/Getty Images; Hanna Lassen/Getty Images
Gucci hiện diện khắp thế giới với 487 cửa hàng; 17,157 nhân viên và đạt doanh thu $8.2 tỉ năm 2020 (ảnh: Unsplash)

Maurizio quyết định bán phần vốn lớn cho Investcorp, một tập đoàn đầu tư ở Bahrain, rồi sa thải luôn cả những anh em họ với mình (con của Aldo). Năm 1993 thì bán nốt cổ phần của mình nên công ty gia đình Gucci chỉ có danh mà không còn quyền lợi gì! Và chuyện kinh khủng đã xảy ra vào năm 1995 khi ông Maurizio Gucci bị người vợ cũ thuê người ám sát chết. Biến cố năm ấy cũng chính thức đặt dấu chấm hết cho hình thức công ty gia đình Gucci. Tuy nhiên, sau này Gucci càng nổi hơn, nhờ tài thiết kế của Tom Ford, một chàng trai Mỹ sinh quán ở tiểu bang Texas được tuyển vào làm hồi năm 1990. Thời hoàng kim của Gucci với Tom Ford là phần hai của chuyện Nhà Gucci mà năm nay làng thời trang thế giới mừng khai sinh bách niên thương hiệu thời trang lừng lẫy này.

ĐỌC THÊM:

Nhà Gucci: Lật lại hồ sơ “góa phụ đen” giết chồng

Gucci Love Parade trên Đại lộ Danh vọng Hollywood

100 năm ra đời Chanel No. 5

Hoa hồng 100 cánh và 100 năm Chanel No.5

10 siêu mẫu giàu nhất thế giới

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: