Richard Marcinko và huyền thoại Navy SEAL Team 6

Khó có thể kể hết những bài báo, phim ảnh và sách vở viết về biệt đội dữ dằn nhất quân đội Hoa Kỳ: Navy SEAL Team 6, nơi qui tụ toàn lính thiện chiến và lì lợm có thể nói là số một quân đội Mỹ. Chính họ là những người thực hiện chiến dịch bắn chết trùm khủng bố Osama Bin Laden. Người thành lập Team 6 là Richard Marcinko. Ông vừa từ trần ngày 25 Tháng Mười Hai 2021 tại nhà riêng (Fauquier County, Virginia) ở tuổi 81.

Huy hiệu Team 6

Richard Marcinko (sinh ngày 21 Tháng Mười Một 1940) là vị chỉ huy đầu tiên của biệt đội Team 6 huyền thoại. Mệnh danh “chiến binh lì”, sinh tại Lansford (Pennsylvania), người gốc Slovakia, Marcinko tốt nghiệp Học viện Hải quân Admiral Farragut rồi gia nhập Hải quân Mỹ năm 1958 (sau đó lấy thêm bằng cử nhân quan hệ quốc tế tại Trường nghiên cứu sinh Hải quân và thạc sĩ chính trị Đại học Auburn).

Trong cuộc khủng hoảng con tin tại Teheran (52 công dân Mỹ bị bắt làm con tin trong 444 ngày từ Tháng Mười Một 1979 đến Tháng Một 1981 trong cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran), Marcinko là một trong hai biệt kích hải quân được đưa vào Nhóm hành động khủng bố (Terrorist Action Team – TAT) với mục đích giải cứu con tin (nhưng bất thành).

Sau thất bại trên, Hải quân Hoa Kỳ nhận thấy nhu cầu bức thiết lập ra một nhóm chống khủng bố hoạt động thường trực và họ yêu cầu Marcinko thiết kế và phát triển nhóm trên. Thế là Marcinko trở thành vị chỉ huy đầu tiên của đơn vị mới mà ông đặt tên là “SEAL Team 6”. Thời điểm đó, Hải quân Mỹ chỉ có hai đội SEAL và Marcinko đặt như vậy để các nước khác tin rằng quân đội Hoa Kỳ có nhiều nhóm SEAL (đến nay, lực lượng SEAL đã phát triển đến 9 nhóm, từ Team One đến Team Ten – không có Team Nine)… Những tay biệt kích đầu tiên của Team 6 được đích thân Marcinko chọn từ các nhóm biệt kích khác của quân đội Mỹ. Marcinko chỉ huy Team 6 từ 1980-1983.

Sau khi rời Team 6, Marcinko được Trung tướng Hải quân James “Ace” Lyons biệt phái thành lập một đơn vị đặc nhiệm nữa, đặt tên là Naval Security Coordination Team OP-06D (tức lực lượng biệt kích Red Cell), gồm 12 biệt kích thiện chiến được Marcinko chọn từ Team 6 và một tay từ lực lượng Marine Force Recon (cũng thuộc thành phần đặc nhiệm). Trong các cuộc thao tập, biệt kích Red Cell đã làm nổi gai ốc với kỹ năng có thể đột nhập bất kỳ địa điểm nào được xem là an toàn nhất, từ tàu ngầm, tàu chiến đến thậm chí chuyên cơ Air Force One và chuồn đi không để lại chút dấu vết! Sau khi giải nghệ, Marcinko làm chuyên gia quân sự cho một số hãng thông tấn và viết quyển Rogue Warrior (1993) kể về đời biệt kích của mình…

Trong cuốn tự truyện Rogue Warrior, Marcinko mô tả mẹ là người “thấp lùn và trông giống người Slav” còn cha thì “hay ủ rũ, với tính khí khó chịu”. Ông kể rằng tất cả những người đàn ông trong gia đình đều là thợ mỏ. “Họ được sinh ra, làm việc trong hầm mỏ, rồi họ chết… Cuộc sống rất đơn giản nhưng đầy khó khăn và nghèo khó, đến nỗi hầu hết đều không thể mua nổi đôi ủng để đi làm”. Marcinko bỏ học trung học, nhập ngũ vào Hải quân năm 1958; và năm 1967 được đưa đến chiến trường Việt Nam, nằm trong hàng ngũ lực lượng biệt kích Team 2. Từ năm 1974 đến năm 1976, Marcinko là sếp Team 2. Richard Marcinko nhận được nhiều huân chương trong đó có bốn Ngôi sao Đồng, một Ngôi sao Bạc và một Anh dũng bội tinh do quân lực VNCH trao tặng.

Dù chỉ huy Team 6 chỉ vài năm (từ 1980-1983) nhưng Richard Marcinko đã xây dựng được một mô hình biệt kích chưa từng có trước đó trong quân đội Mỹ. Trong tất cả lực lượng biệt kích của quân đội Mỹ, Team 6 là nhóm tinh túy nhất, chuyên được sử dụng trong các nhiệm vụ đặc biệt và tuyệt mật. Họ là những ngôi sao “chiến” nhất của những ngôi sao. Tên chính thức là Nhóm phát triển chiến tranh đặc biệt hải quân (DEVGRU), Team 6 được chọn từ các nhóm biệt kích khác thuộc Thủy quân Lục chiến Mỹ mà vốn dĩ tất cả đều trải qua chương trình huấn luyện cực kỳ khắc nghiệt, thử thách đến tận cùng sức chịu đựng của thể chất. Lính Team 6 có thể nói phiên bản hoàn hảo đặc biệt nhất của quân đội Mỹ. Họ thành thục tác chiến trên bộ (thâm nhập lãnh thổ mục tiêu, thu thập tin tình báo, bắn tỉa bách phát bách trúng…) lẫn dưới nước. Và họ làm được mọi thứ, từ giải cứu con tin đến cài mìn phá một chiếc tàu ngầm…

Một bộ phim về Team 6

Lính Team 6 theo mô hình Richard Marcinko xây dựng, nói cách khác, không phải là “phàm nhân”. Họ là siêu nhân. Gần như không có kỹ năng gì mà họ không làm được, từ việc nhảy khỏi máy bay phản lực và chờ đến giây cuối cùng mới bung dù, đột kích vào phòng tuyến địch, trốn tù, đến giết người bằng mọi công cụ – từ sợi dây dù đến con dao nhựa cắt bánh. Họ là những “người máy” với thần kinh thép để có thể vượt qua bốn kỹ năng sống còn: “SERE” (survival, evasion, resistance, escape – sống sót, lẩn trốn, đối kháng và đào thoát).

Cần nhấn mạnh, chừng nào còn ở trong Team 6, thành viên đội đặc nhiệm tinh túy này vẫn phải tập luyện mỗi ngày. Đó là điểm khác biệt giữa Team 6 với những đội biệt kích khác của quân đội Mỹ. Mỗi ngày với biệt kích Team 6 đều là một “sứ mạng” phải hoàn thành. Do vậy, khi được đưa ra trận thật sự, họ không hề lúng túng bỡ ngỡ. Chẳng phải tự nhiên mà quân đội Mỹ khẳng định, một khi Team 6 đã đánh thì phải thắng; và chỉ duy nhất biệt kích Team 6 chứ không phải team nào khác trong Navy SEAL mới được giao nhiệm vụ truy lùng và trừ khử các mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: