Giải Nobel Kinh tế cho lý thuyết về đấu thầu

Hai nhà kinh tế học Wilson và Milgrom được giải Nobel Kinh tế 2020

H.C.

Hai giáo sư Paul Milgrom và Robert Wilson – cùng làm việc tại Đại học Stanford, California và là hai thầy trò – được tặng giải Nobel Kinh tế học vì công trình nghiên cứu lý thuyết về đấu thầu của họ đã mở ra một lĩnh vực mới và hữu ích.

Hai kinh tế gia người Mỹ Paul R. Milgrom và Robert Wilson được công bố được giải Nobel về Kinh tế học – tên chính xác là giải thưởng kinh tế học tưởng nhớ nhà bác học Alfred Nobel – vì lý thuyết của họ cải thiện hoạt động đấu thầu, và họ phát minh ra những hình thức đấu thầu mới có ứng dụng thực tế rất lớn trong việc phân bố những nguồn tài nguyên quý hiếm của xã hội. Nhiều chính phủ đã áp dụng các hình thức đấu thầu của họ để phân bố hệ thống tần số viễn thông, đem lại nhiều lợi ích.  

“Hai nhà khoa học không chỉ làm thay đổi một cách sâu sắc hiểu biết của chúng ta về đấu thầu mà họ còn thay đổi cách thức tài nguyên, tài sản được đấu thầu. Họ là hai trong số ít các nhà kinh tế học lý thuyết vĩ đại nhất còn sống ngày nay,” giáo sư Alvin E. Roth, giải Nobel Kinh tế học và cũng là một trong các sinh viên bậc tiến sĩ của giáo sư Robert Wilson, nhận xét. 

Đấu thầu sao cho mọi người đều có lợi

Ngày nay, phương thức đấu thầu được áp dụng rộng rãi trong việc mua bán rất nhiều tài sản khác nhau, từ nhà cửa, tác phẩm nghệ thuật, mỏ khoáng sản, thậm chí cả không gian quảng cáo trực tuyến. Những tài sản này có nhiều đặc tính khác nhau: có tài sản có giá trị chung như dầu mỏ và các loại thương phẩm, có tài sản có giá trị riêng mà mỗi người dự thầu có sự đánh giá khác nhau như tranh nghệ thuật. Người dự thầu có thể biết chính xác giá trị của tài sản mình định mua, hoặc có thông tin không đầy đủ. Khi cuộc đấu thầu mở ra, tất cả mọi người đều có quyền tham gia dự thầu; cũng có những cuộc đấu thầu khép kín trong một phạm vi thành phần nào đó.

Giáo sư Wilson “ là người đầu tiên tạo ra một khung khổ (framework) cho hoạt động đấu thầu những tài sản có giá trị chung, theo đánh giá của Ủy ban Nobel. Trong công trình của mình, giáo sư Wilson giải thích, người dự thầu có thể bỏ giá thấp hơn giá trị của tài sản mà họ xác định bởi vì họ sợ bị “mua hớ” – thuật ngữ kinh tế học gọi là “vận rủi của người trúng thầu”. Tâm lý sợ bị hớ này càng hiện rõ khi người mua không có đầy đủ thông tin.

Nhưng trong phần lớn các cuộc đấu thầu, người dự thầu mua những tài sản vừa có giá trị chung  vừa có giá trị riêng – chẳng hạn như khi mua một ngôi nhà, người mua vừa tính tới giá trị thị trường của ngôi nhà, đồng thời quan tâm cả tới sự thích/không thích của cá nhân mình tới các đặc điểm của ngôi nhà đó.

Giáo sư Milgrom phát triển một lý thuyết để xử lý việc đấu thầu các tài sản có giá trị hỗn hợp như vậy. Ông nghiên cứu cách mà tâm lý sợ bị hớ thể hiện trong các trường hợp như vậy. Ông phát hiện ra rằng, trong phương thức đấu thầu kiểu Anh – đặt giá khởi điểm thấp, người dự thầu bỏ giá cao dần lên – thì người mua ít đặt giá thấp hơn giá trị của tài sản so với phương thức đấu thầu Hòa Lan – giá khởi điểm cao, người dự thầu bỏ giá thấp dần.

Nhưng “đóng góp nổi tiếng nhất” của hai nhà khoa học này, theo Ủy ban Nobel, là công trình của họ thiết kế ra những phương thức đấu thầu mới cho các tình huống phức tạp, kể cả phương thức mà hiện nay các chính phủ sử dụng để phân bố tần số vô tuyến điện cho các công ty viễn thông.

Tần số vô tuyến điện trước đây thường được phân bố theo kiểu “thi sắc đẹp”, trong đó các công ty phải trình bày cho chính phủ lý do tại sao họ cần phải có một tần số nào đó. Phương thức này dẫn tới việc các công ty ra sức vận động các quan chức chính phủ có thẩm quyền. Vào thập niên 1990, Ủy ban Viễn thông Liên bang (FCC) Hoa Kỳ thúc đẩy và Quốc hội chuẩn y cho phép chuyển việc phân bố tần số sang phương thức “xổ số”. Ngay từ đầu, phương thức mới này đã tỏ ra kém cỏi: việc xổ số được tổ chức ở các địa phương, một công ty giành được tần số ở tiểu bang này có khi lại thất bại ở tiểu bang khác, làm cho mạng lưới viễn thông bị phân mảnh cho nhiều công ty khai thác khác nhau, và nhiều trở ngại khác nữa.

Hai giáo sư Milgrom và Wilson đưa ra một phương thức mới, cho phép chính phủ đấu thầu phổ tần số vô tuyến điện đồng thời ở nhiều khu vực địa lý khác nhau cho nhiều công ty viễn thông dự thầu, bắt đầu từ giá khởi điểm thấp và giá bỏ thầu cao dần lên, mỗi công ty có thể bỏ thầu nhiều lần theo tình hình thực tế của cuộc đấu thầu. Ủy ban FCC áp dụng cách thức này từ năm 1994 và nhận thấy nó cho phép chính phủ phân bố hợp lý nguồn tài nguyên vô tuyến điện đồng thời thu về nhiều tiền hơn cho ngân sách.

Phương thức đấu thầu này cũng được áp dụng cho các tài sản công khác như hạn mức đánh bắt cá, chỗ đậu phi cơ… Trong khi các chính phủ và người đóng thuế muốn tài sản công được bán với giá cao nhất, mang về số thu ngân sách cao nhất thì người dự thầu gặp rủi ro “mua hớ”: họ trả giá quá cao cho tài sản hoặc dịch vụ mà họ được phân bố; và điều đó là bất lợi. Hiểu rõ cách thức xử lý các tình huống đấu thầu phức tạp có thể giúp tránh những kết quả bất lợi đó. Lý thuyết đấu thầu của hai nhà khoa học có lợi “cho người mua, người bán, người đóng thuế, người sử dụng cuối cùng và xã hội nói chung,” ông Tommy Anderson, thành viên Ủy ban Nobel về kinh tế học, nhận xét.

Phương thức đấu thầu của hai ông Milgrom và Wilson thành công tới mức nhiều nước khác như Anh quốc, Canada và Tây Ban Nha sau đó đều áp dụng vào thực tế của nước họ.

Hai nhà kinh tế học “đã khởi sự một lý thuyết nền tảng và sau đó sử dụng kết quả nghiên cứu của họ trong các ứng dụng thực tế, lan rộng ra toàn cầu,” ông Peter Fredriksson, chủ tịch Ủy ban Nobel, nói trong thông cáo báo chí phát hành khi công bố giải thưởng. “Những khám phá của họ có lợi ích rất lớn cho xã hội”.

Chân dung người được giải

Giáo sư Wilson sinh năm 1937 tại Geneva, tiểu bang Nebraska. Ông nhận bằng đại học và tiến sĩ tại Đại học Harvard. Bây giờ ông là giáo sư danh dự (professor emeritus) tại Đại học Stanford.

Giáo sư Milgrom sinh năm 1948 tại Detroit, bang Michigan. Ông hoàn tất bậc cao học tại Đại học Stanford, nhận bằng tiến sĩ năm 1979 và hiện là giáo sư của trường. Ông, cũng như giáo sư Roth nhận giải Nobel Kinh tế học trước ông, đều là sinh viên bậc tiến sĩ của giáo sư Wilson – một bậc trưởng lão (patriarch) của đế chế Nobel vì đã có công đào tạo nhiều nhà kinh tế học đạt giải này, như lời nói đùa của giáo sư Roth.

Cả hai nhà khoa học được giải, giáo sư Wilson và giáo sư Milgrom cùng sống trên một đường phố ở California và được biết tin vui khá trễ vì Ủy ban Nobel Kinh tế học công bố quyết định trao giải cho hai ông vào lúc nửa đêm giờ California. Khi được hỏi, đã bao giờ ông tham gia đấu thầu chưa, giáo sư Wilson lúc đầu trả lời là “chưa”, nhưng sau đó vợ ông nhắc rằng ông đã từng mua một đôi giày trượt tuyết trên eBay – trang mạng đấu giá trực tuyến phổ thông. “Tôi đoán đó cũng là một cuộc đấu thầu”, ông nói.

Giải Nobel Kinh tế học năm ngoái 2019 cũng được trao cho ba nhà khoa học Mỹ: giáo sư Abhijit Banerjee và Esther Duflo của Viện Công nghệ Massachusettes và giáo sư Michael Kremer của Đại học Harvard do thành tích 20 năm nghiên cứu kinh tế để phát triển những phương pháp nghiên cứu mới và giúp đỡ người nghèo trên thế giới.

Mùa giải Nobel năm 2020 đã khép lại. Các khoa học gia và công trình được giải Nobel năm nay là:

  • Giải Nobel Y khoa thuộc về ba nhà khoa học Harvey J. Alter, Michael Houghton và Charles M. Rice do công trình khám phá virus gây bệnh Viêm gan C.
  • Giải Nobel Vật lý học trao cho ba nhà khoa học Roger Penrose (một nửa giải), Reinhard Genzel và Andrea Ghez (một nửa giải) do nghiên cứu sự hình thành hố đen và khám phá vật thể siêu khối lượng tại trung tâm dải Ngân Hà. 
  • Giải Nobel Hóa học được trao cho hai nữ khoa học gia Emmanuelle Charpentier và Jennider A. Doudna do công trình phát triển công cụ chỉnh sửa gene, có thể thay đổi DNA của động thực vật và vi sinh vật với độ chính xác cao. 
  • Giải Nobel Văn chương được trao cho nữ thi sĩ Louise Gluck – một trong các nhà thơ Mỹ được hâm mộ nhất. 
  • Giải Nobel Hòa Bình được trao cho Chương trình Lương Thực thế giới (World Food Program) – một cơ quan thuộc Liên hiệp quốc do những nỗ lực chống lại nạn đói trên toàn cầu. 
  • Giải Nobel Kinh tế học được trao cho hai giáo sư Mỹ Robert Wilson và Paul R. Milgrom.

(theo NYT)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: