Truyền thông Mỹ tụt view “thê thảm” vì… thiếu Trump

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có một “sức hút” đặc biệt đối với truyền thông. Kể từ khi ông rời Tòa Bạch Ốc, báo chí Mỹ trở nên “nhạt nhẽo” hẳn vì dường như chẳng có gì để nói. “Báo chí, truyền hình, tất cả các hình thức truyền thông sẽ sụp đổ nếu tôi không có mặt” – Trump từng nói vào năm 2017 – “vì thiếu tôi, chỉ số theo dõi họ sẽ giảm tuột luốt”.

Khi đời vắng Trump

Hai tháng sau khi Trump ra khỏi Tòa Bạch Ốc, các hãng tin đang thực sự tụt view. Fox News thậm chí dùng từ “xuất huyết” để nói về tình trạng giảm độc giả của CNN. Washington Post ngày 22-3-2021 cho biết, sau tháng 1-2021 với tỉ lệ view cao kỷ lục, lượng truy cập vào các trang tin tức chính thống phổ biến nhất nước Mỹ, trong đó có Washington Post lẫn New York Times, đã giảm mạnh vào tháng 2-2021, theo công ty theo dõi khán giả ComScore. Các trang web hàng đầu nhìn chung hoạt động “bi đát” hơn so với tháng 2 năm ngoái, khi đại dịch trở thành đề tài thời sự đáng quan tâm nhất.

Cụ thể, Washington Post đã chứng kiến ​​lượng truy cập giảm 26% từ tháng 1 đến tháng 2-2021; và giảm 7% so với một năm trước. New York Times hiện mất 17% so với tháng 1 và 16% so với tháng 2-2020. Theo Fox News, CNN có trung bình 2,5 triệu người xem vào giờ vàng từ ngày 4-11-2020, một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống, cho đến Ngày nhậm chức 20-1-2021. Nhưng từng “người tình” bắt đầu lặng lẽ bỏ đi. CNN chỉ có trung bình 1,6 triệu người xem vào giờ vàng từ ngày 21-1-2021 đến ngày 15-3-2021.

Lượng người xem CNN trong khung giờ vàng từ 8-11 giờ tối ET đã giảm 36% kể từ khi Biden nhậm chức, sau khi tăng đột biến sau Ngày bầu cử. Lượng người xem giờ vàng của CNN sụt giảm thậm chí rõ hơn trong nhóm 25-54 tuổi: giảm đến 47% trong cùng thời kỳ. Cần nhắc lại, CNN có trung bình 2,2 triệu người xem từ ngày 28-12-2020 đến ngày 20-1-2021 – phần do người ta đổ xô theo dõi diễn biến cuộc bạo động Capitol ngày 6-1 và hậu quả của nó. Tóm lại, theo Nielsen Media Research, sau khi vượt qua các đối thủ Fox News MSNBC vào tháng 1-2021, CNN đã mất 45% lượng khán giả xem giờ vàng trong năm tuần qua. MSNBC giảm 26% trong cùng kỳ. Fox News lấy lại vị trí dẫn đầu nhờ thời gian qua vẫn đứng yên trên bảng tổng sắp. Xếp hạng của Fox chỉ giảm 6% kể từ những tuần đầu tiên của năm.

Câu hỏi đặt ra ở đây là có phải “yếu tố Trump” thật sự là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng độc giả giảm sự quan tâm tin tức? Thật ra, Trump chỉ là một phần. Chỉ hai tháng sau khi Joe Biden nhậm chức, nước Mỹ ngày càng trở nên “bình thường”. Tòa Bạch Ốc không còn là nơi tung ra các tweet nhốn nháo, kinh tế phục hồi một phần, việc triển khai vaccine coronavirus được thực hiện mạnh mẽ và quyết liệt cũng làm dấy lên hy vọng chấm dứt đại dịch…

Tất cả cho thấy xã hội lẫn chính trị Mỹ đang vận hành trơn tru và suôn sẻ. Báo chí chỉ tường thuật những gì xảy ra và “những gì xảy ra” lại không có gì “hấp dẫn” – hiểu theo nghĩa, nói theo ngôn ngữ của Howard Polskin (người chuyên theo dõi các trang tin tức cánh hữu và bảo thủ thông qua trang web TheRighting của ông), là không còn các tình tiết gây cấn đầy “bi hài”. Khi thiếu một “đạo diễn” với kỹ năng tung ra drama, “phim trường” báo chí trở nên “buồn tẻ”. Khi thiếu những mẩu tweet gây hấn và chửi bới loạn xạ, dư luận trở nên chán ngắt vì chẳng còn đề tài để mang ra bàn luận. Các buổi họp báo Tòa Bạch Ốc giờ đây trở nên quá “bình thường” thời Joe Biden. Chẳng phóng viên nào bị chỉ thẳng vào mặt và bị chửi để sáng hôm sau báo chí lại nhốn nháo rần rần. Cần nhắc lại, năm 2014, một năm trước khi Trump tuyên bố tranh cử, ba mạng tin tức truyền hình cáp hàng đầu nước Mỹ đã thu hút trung bình 2,8 triệu người xem mỗi đêm trong giờ vàng. Năm 2019, năm thứ ba Trump ngồi ghế tổng thống, con số đó đã tăng gần gấp đôi, lên 5,3 triệu mỗi đêm!

Trump và truyền thông – ai mang lại lợi ích cho ai?

Truyền thông, khi khai thác Trump, thật ra cũng góp phần, về góc độ nào đó, làm tăng sức ảnh hưởng của nhân vật này. Nếu nói Trump là con ngỗng đẻ trứng vàng cho truyền thông thì sự nổi lên của Trump cũng có phần nhờ vào truyền thông. Nói cách khác, trong câu chuyện này, cả hai bên đều có lợi. “Fake news” – từ mà Trump dùng để mắng nhiếc gần như tất cả cơ quan truyền thông Mỹ – đã giúp Trump xây dựng thành công một lực lượng “fan khủng” và “fan cứng” (hardcore fans); trong khi đó, Trump đồng thời cũng mang lại view và doanh số quảng cáo cho các hãng truyền thông.

Chủ tịch CNN, Jeff Zucker, từng bày tỏ tiếc nuối vào cuối chiến dịch năm 2016 về mức độ “phủ sóng Trump” của CNN, sau này cũng thừa nhận rằng chính điều đó đã thu hút người xem. Ông nói vào năm 2018: “Chúng tôi thấy rằng, bất cứ khi nào bạn thoát khỏi câu chuyện Trump để nói về những sự kiện thời sự khác thì khán giả biến mất”. Năm năm qua, “nhờ” Trump, những tờ báo lớn đã tăng lượng độc giả đăng ký dài hạn. Khi Trump bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, New York Times có ba triệu người đăng ký; khi Trump kết thúc nhiệm kỳ, số độc giả đăng ký dài hạn của tờ báo này vọt lên 7,5 triệu. Washington Post cũng tăng gấp ba số người đăng ký, đạt hơn ba triệu người trong bốn năm mà Washington Post gọi là “nền dân chủ chết trong bóng tối” (Democracy dies in darkness).

Không chỉ những tờ báo và các hãng thông tấn khổng lồ, những tờ báo nhỏ hơn cũng “ăn đậm” nhờ nấu các món liên quan “công thức Trump”. Cũng bị gọi “kẻ thù của nhân dân”, Vanity Fair hay Rolling Stone đã nhiệt tình… chọc giận Trump. Vanity Fair đã lập tức có được 13.000 người đăng ký mới vào năm 2016, sau khi Trump tung ra một tweet giận dữ phản ứng trước việc tờ báo này dám chê cái nhà hàng bít tết ở New York của ông. The Atlantic cũng kéo vào được một làn sóng người đăng ký mới, sau khi Trump hể hả trước việc tờ báo này cho nghỉ việc loạt phóng viên vào tháng 5 năm ngoái. Tháng 9-2020, The Atlantic “kiếm” thêm được một mớ người đăng ký, sau khi họ tường thuật chuyện ông tổng thống gọi những người lính thiệt mạng là “bọn thảm hại” (“losers”) và “những thằng tởm lợm” (“suckers”).

Báo chí thời “hậu Trump” nên như thế nào?

Những vụ bê bối và những cơn bột phát bất thường của Trump đã giúp một số phóng viên trở nên… nổi tiếng. Không chỉ trên mặt báo, họ còn viết sách, tham gia các chương trình truyền hình với những hợp đồng béo bở và thậm chí giành được giải thưởng. Các nhà báo đã giành được hàng chục Giải Pulitzer cho đề tài Trump từ năm 2017 đến năm 2020, trong đó có các hồ sơ điều tra thuế của Trump, mối quan hệ chiến dịch tranh cử Trump với Nga, các tổ chức từ thiện đầy mờ ám của Trump, và vụ Trump dùng tiền bịt mõm hai phụ nữ trước cuộc bầu cử năm 2016…

Biên tập viên hàng đầu New York Times, Dean Baquet – dù thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng Trump mang lại lợi nhuận cho tờ báo mình – nhấn mạnh rằng không có Trump thì New York Times cũng có những phóng sự điều tra “bom tấn” để thu hút độc giả, chẳng hạn cuộc điều tra về ông trùm điện ảnh Harvey Weinstein với những vụ gạ gái gây ồn ào (phóng sự này giúp New York Times đoạt Pulitzer). Dean Baquet nhận định rằng, “vết sưng của Trump về cơ bản là lành mạnh”. Ông nói: “Độc giả chúng tôi tăng lên trong bốn năm qua vì mọi người hiểu rằng báo chí độc lập là quan trọng đối với nền dân chủ”, đặc biệt khi “nền dân chủ đang bị thách thức”.

Tất nhiên vẫn còn nhiều thách thức trong một nền dân chủ thời hậu Trump. Tòa Bạch Ốc-Biden quá êm ắng. Họ không tạo ra những lời xúc phạm hàng ngày, không mang lại những cuộc tranh cãi bất tận tràn ngập các cột báo và bản tin truyền hình… Làm thế nào để lấp khoảng trống Trump để lại? Cameron Barr, quyền tổng thư ký tòa soạn của Washington Post, nói rằng báo chí cần đi theo con đường tác nghiệp thuần túy báo chí một cách rõ hơn (“more journalism”).

Washington Post đang bắt đầu đợt tuyển dụng lớn nhất trong lịch sử, với hơn 1.000 phóng viên và họ cũng có kế hoạch bổ sung 150 nhân viên. Cameron Barr cho biết việc mở rộng sẽ mang lại nhiều tin bài hơn về các vấn đề chủng tộc cũng như tin tức liên quan kinh doanh, kinh tế và quốc tế, cùng lúc với việc xây dựng các trung tâm tin tức nóng hổi ở Seoul và London. Đối với tin tức liên quan Tòa Bạch Ốc: “Chúng tôi sẽ tường thuật ông tổng thống này (Biden) một cách mạnh mẽ như chúng tôi từng tường thuật những người tiền nhiệm của ông ấy” – Barr nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: