Căn bệnh của Hà Nội: “Thích gần Mỹ và cấu xé Mỹ”

Người dân Việt Nam vui mừng chào đón Tổng thống Barack Obama trong chuyến công du của tổng thống Hoa Kỳ đến Hà Nội ngày 23 Tháng Năm 2016 (ảnh: Linh Pham/Getty Images)

Bất chấp sự hợp tác được coi là ngày càng hữu hảo với Washington, Hà Nội vẫn được cho là đẩy mạnh nhiều hơn chuyện “chửi Mỹ, đánh Mỹ”.

Cô Hạnh (nhân vật đổi tên) sống ở Hà Nội, kể lại câu chuyện xảy ra  vào 11 Tháng Giêng năm 2020, rằng cô không thể liên lạc với cha mẹ suốt cả ngày, mặc dù mọi người chỉ cách nhau khoảng 65 km. Cha mẹ cô là người làng Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Một ngày trước đó, tại Đồng Tâm, cụ Lê Đình Kình, trưởng thôn, cựu trưởng xã, và là đảng viên kỳ cựu của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), người lãnh đạo các cuộc biểu tình phản đối việc chính quyền địa phương tịch thu đất nông nghiệp, đã bị bắn chết một cách dã man trong phòng ngủ mình giữa đêm khuya.

Vài ngày sau, cô Hạnh bị gọi đi họp khu phố và các cuộc họp đảng địa phương, để nhận thông tin cập nhật về các chính sách quốc gia và địa phương, đã nghe lời buộc tội từ người của chính quyền rằng cụ Kình đã “nhận tiền của Mỹ để chống lại chính quyền”.

Ông Thành, 65 tuổi, là người cũng bị tuyên truyền như vậy, nói “Tôi không biết chú Kình có nhận tiền từ Mỹ hay không. Nhưng tôi cũng không biết tại sao chính quyền lại có quá nhiều thế lực thù địch vậy”.

Đối với những người thường xuyên theo dõi các phương tiện truyền thông Việt Nam, luận điệu này quá phổ biến, rằng: Hoa Kỳ đứng đằng sau “các thế lực phản động” hoặc “các thế lực thù địch” tạo thành các phong trào dân chủ phi tập trung… Bọn Hoa Kỳ tư bản là kẻ thúc đẩy trong những nỗ lực này, bởi sự xấu hổ sâu xa về thất bại trước Việt Nam, cũng như tham vọng lâu dài của Washington nhằm xóa bỏ các quốc gia xã hội chủ nghĩa còn lại khỏi bản đồ toàn cầu…

Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam, và 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ- Việt Nam Cộng sản. Bất chấp việc niềm nở mời chào, và là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ,  hệ thống tuyên truyền của Cộng sản Việt Nam (CSVN) luôn nhắc nhở người dân về lập trường ý thức hệ của mình, và ngay các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng hầu như không bỏ lỡ cơ hội để rao bán những câu chuyện chống Mỹ, cả trực tuyến và ngoại tuyến.

Thế nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy người Việt Nam nói chung vẫn nhìn nhận tích cực về Hoa Kỳ. Trong giới trí thức Đông Nam Á, Việt Nam có số ủng hộ Mỹ trong khu vực nhiều nhất. Giống như người anh cả Trung Quốc, một quốc gia cộng sản nhưng thích đi đường tắt đến kinh tế tư bản chủ nghĩa, Việt Nam giấu bàn tay ném đá sau lưng, và luôn khen ngợi quan hệ hai nước, ca ngợi các sản phẩm của Mỹ.

Hầu hết những người trẻ tuổi Việt Nam, đặc biệt, nhìn vào Hoa Kỳ với thiện cảm. Năm 2022, Việt Nam trở thành nguồn sinh viên du học Mỹ cao thứ năm. Theo báo cáo “Open Doors” do Viện Giáo dục Quốc tế công bố vào Tháng Giêng 2019, việc sinh viên Việt Nam nhập học vào các trường đại học Mỹ đóng góp khoảng $1 tỷ cho nền kinh tế Mỹ mỗi năm.

Tuy nhiên, mọi thứ giống như một cuộc hôn nhân giả tạo. Trong phòng riêng, cặp tình nhân Mỹ – Việt vẫn gay gắt với nhau về nhiều vấn đề, trong đó, hàng đầu là nhân quyền. Hoa Kỳ vẫn là nước chỉ trích thẳng thắn nhất hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.

Nhiều nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam, những người mà chính quyền Việt Nam gọi là “phần tử xấu”, đã bị ngăn cản không cho gặp gỡ các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ trong các chuyến đi đến Việt Nam. Ngoài ra, những người Việt Nam đoạt giải thưởng nhân quyền do chính phủ Hoa Kỳ trao tặng, không những không được tôn vinh mà còn bị tấn công ở Việt Nam là bọn “nói xấu chế độ Cộng sản”. Dù không nói thẳng, nhưng luận điệu phản pháo của Hà Nội luôn hàm ý, là bọn tư bản Phương Tây, hay Hoa Kỳ, là những kẻ “không chơi được”.

Khi Phạm Đoan Trang, một nhà hoạt động nổi tiếng của Việt Nam bị bỏ tù chín năm vì các hoạt động bị gọi là “chống nhà nước” của mình, được công bố là người chiến thắng giải thưởng Phụ nữ Can đảm Quốc tế của Hoa Kỳ, nhiều phương tiện truyền thông Việt Nam đã được huy động để bôi nhọ giải thưởng này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thu Hằng nói: “Việt Nam cho rằng việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao giải thưởng cho Phạm Đoan Trang, một người đã vi phạm pháp luật Việt Nam và đã bị đưa ra xét xử và đang thụ án tù, là một hành động chủ quan không phù hợp cũng như không có lợi cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ”.

Một nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu, nhận định rằng “Quan điểm Mác-Lênin mà tôi thường thấy ở báo Nhân Dân và các cơ quan chính thức khác, vẫn luôn cho rằng Hoa Kỳ về cơ bản thù địch với các chế độ xã hội chủ nghĩa vô sản, bằng chứng là họ ủng hộ ‘cách mạng màu’ cách đây 30 năm. ”

Đối với CSVN, việc Việt Nam được bầu nhiệm kỳ 2023-2025 tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào cuối năm 2022, được coi là một “cú tát” đối với Hoa Kỳ và các tổ chức Việt Nam có trụ sở tại Hoa Kỳ.

“Những người xuyên tạc và bác bỏ những thành tựu nhân quyền ở Việt Nam ngày nay hầu hết là các lực lượng cực hữu ở các nước phương Tây, chủ yếu ở Hoa Kỳ, các lực lượng cực hữu Việt Nam ở nước ngoài, và người Việt Nam địa phương bị các lực lượng cực hữu nước ngoài mua chuộc và sử dụng để phá hoại nền tảng tư tưởng và chế độ chính trị xã hội ở Việt Nam”, đó là phần trích ngôn luận từ bài viết có tên “Chống lại cáo buộc rằng hồ sơ nhân quyền của Việt Nam vẫn còn thảm khốc”, đăng trên tạp chí trực tuyến “Lý luận chính trị, ” một cơ quan ngôn luận cấp cao của CSVN.

Nhưng thật khó diễn tả, kể từ những năm 1980, Hoa Kỳ – nơi nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam gửi con cái của họ đi học hoặc lén lút định cư – thường được mô tả trong các bài diễn văn tầm quốc gia của Hà Nội là nơi “tiêu biểu cho chủ nghĩa tư bản trong cơn giãy chết”.

Phe thân phương Tây trong ĐCSVN đã suy tàn kể từ Đại hội toàn quốc lần thứ 12, và tiếp tục bị phe cầm quyền thân Trung Quốc áp đảo, bằng chứng là việc sa thải Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, người trước đây đã lấy bằng Thạc sĩ tại Trường Fletcher, Đại học Tufts. Và từ đó, những ngôn luận “chửi Mỹ, đánh Mỹ” công khai hoặc được thực hiện trung gian bởi các nhóm tuyên truyền mạng của chính quyền, ngày càng nở rộ.

Một số chương trình tập trung vào thanh thiếu niên do Hoa Kỳ tài trợ, như Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI), đã bị bôi đen trên các phương tiện truyền thông Hà Nội. Mặc dù đã trở thành một nền tảng phổ biến cho thanh niên ở các nước Đông Nam Á tham gia vào một loạt các vấn đề, bao gồm quản trị, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, giáo dục công dân, v.v. nhưng hoạt động này bị nhìn bằng con mắt nghi ngờ ở Việt Nam.

Cho tới nay, ít nhất ba người Việt Nam tham gia các chương trình YSEALI đã bị tù với cáo buộc điều 117 “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” hay điều 331 “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”.

Mặc dù câu chuyện Hoa Kỳ được ưa thích ở Việt Nam, nhưng đừng cho rằng Hà Nội thất bại khi không dựng được một lớp khán giả cho những câu chuyện chống Mỹ, bất chấp nghe như thần thoại. Các thế hệ lớn tuổi đã sống qua chiến tranh, và giới trẻ liên tục được nhắc nhở về “các mối đe dọa” của Mỹ như phương thức ám thị, mặc dù bây giờ họ đã sống một đời sống khác và không quan tâm đến chính trị.

Đối tượng thường được nhắm đến, để thông qua đó có thể dễ dàng “chửi Mỹ, đánh Mỹ”, là những cộng đồng người Việt đã ra khỏi đất nước, vì không chịu sống cùng cộng sản. “Bọn ba que”, “đu càng”, “bọn mơ phục quốc…” là ngôn ngữ quen thuộc thường thấy của giới dư luận viên.

Giọng điệu hằn học và căm ghét của những giới này không giấu nổi sự ganh tị về đời sống của những người sống ngoài chế độ cộng sản, và tức giận, vì nửa thế kỷ thống nhất đất nước bằng bạo lực, Hà Nội vẫn không đủ khả năng để trấn áp những người Việt bất đồng đang mở rộng ở khắp nơi trong nước.

Nỗi đau cá nhân của chiến tranh cũng không bị Hà Nội bỏ qua trong các đòn phép thao túng. Như Nick Turse đã giải thích trong cuốn sách năm 2013 của ông “Kill Anything That Moves: The Real American War in Vietnam”, cái chết lan rộng của thường dân dưới bàn tay của lính Mỹ ở Việt Nam là sản phẩm phụ hoàn toàn không thể tránh khỏi của một cuộc xung đột vũ trang kéo dài hàng chục năm. Trong số 65,000 người Bắc Việt và 3.8 triệu thường dân miền Nam Việt Nam thiệt mạng trong chiến tranh, hình ảnh người Mỹ được Hà Nội mô tả như những kẻ xâm lược tàn bạo để thao túng ở Việt Nam.

Rõ ràng Hà Nội đang mắc căn bệnh trầm kha khó chữa, như kẻ bạo dâm: Muốn gần Mỹ để hưởng lợi nhưng không thể ngừng “chửi Mỹ, đánh Mỹ”. Vấn đề rộng lớn hơn nếu nhìn đúng góc độ của nó: CSVN vẫn phải duy trì cuộc chiến tranh ý thức hệ với nỗi sợ hãi âm thầm rằng nếu không tạo ra một lớp người ghét Mỹ, cuộc diễn biến hoà bình tự nhiên của một đất nước cộng sản, nhưng toàn những người thích tư bản Mỹ, sẽ sớm đến.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: