Phát súng “khu 10B” nhắm vào ai?

Sự nghiệp “cạp đất mà ăn”... của tỉnh Quảng Ninh
Máy móc đang thi công bờ kè. Kè vây đã được lắp đặt quanh dự án Khu Đô thị tại khu 10B, phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả của UBND tỉnh Quảng Ninh (ảnh chụp sáng 6/11). Nguồn: Vnexpress

Hình ảnh vịnh Hạ Long đang bị xẻ thịt, san lấp và phân lô xây biệt thự là tin tức được chia sẻ nhiều nhất mấy ngày qua. Tờ tienphong.vn nổ phát pháo đầu tiên trong việc đưa thông tin và hình ảnh dự án này vào ngày 5 Tháng Mười Một, 2023. Sau đó, hàng loạt báo chí chính thống, báo mạng cũng đăng tải, bàn tán thêm vào xôm tụ. Các Facebooker có tên tuổi giựt tít câu like kiểu như “Kinh hoàng, dã man, sửng sốt”. Các báo nước ngoài như AFP, Orange.fr, VOA… cũng có bài về dự án đang gây tai tiếng này. 

Rất nhanh chóng, ngày 6 Tháng Mười Một, UBND tỉnh Quảng Ninh có công văn số 3105/UBND-GTCN&XD gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Cẩm Phả về việc kiểm tra dự án Khu đô thị tại khu 10B, phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả. Trên cổng thông tin điện tử baochinhphu.vn cũng đăng tải nội dung này ngay khi có công văn. Truyền thông trong nước liên tục đăng tải những tin tức dồn dập. Vietnamnet.vn có bài “Chủ tịch thành phố Cẩm Phả: Dự án quây núi vịnh Hạ Long làm hòn non bộ đã đủ pháp lý”; và sau đó vài giờ tờ báo này lại có bài “Dừng thi công dự án đổ đất quây núi thành hòn non bộ ở Hạ Long”…

Dự án bị tuýt còi, tạm dừng thi công. Sở TNMT tỉnh Quảng Ninh ra quyết định xử phạt 125 triệu đồng chủ đầu tư do vi phạm về qui định theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo Quyết định số 1614/QQĐ- UBND ngày 15 Tháng Sáu 2023. Theo đó, chủ dự án phải có các biện pháp đảm bảo thủy triều và nước mưa không cuốn theo bùn đất, phế thải ra ngoài phạm vi thực hiện dự án. Tuy nhiên, chủ dự án đầu tư đang đổ đất đá trực tiếp xuống vùng nước biển ven bờ thuộc ranh giới quy hoạch dự án; chưa thực hiện nạo vét bùn trồi tại các vị trí đang đổ đất, thủy triều đang cuốn theo bùn đất ra ngoài phạm vi thực hiện dự án.

Mạng xã hội hân hoan việc dự án lấp biển bị dừng lại như một chiến thắng của tiếng nói cộng đồng, thậm chí ghi nhận sự nhanh chóng của bộ máy chính quyền tỉnh Quảng Ninh. Thế nhưng nếu khách quan xem xét lại diễn biến sự kiện và sự “nhanh nhạy” hiếm thấy của bộ máy công quyền, đặt trong bối cảnh chung, thì có thể nhận ra được những điều “trông vậy mà không phải vậy”.

Thứ nhất, tỉnh Quảng Ninh là tỉnh thành có những đại dự án lấp biển, lấp cửa sông để làm khu đô thị, cảng biển lớn nhất trên toàn quốc. Mỗi năm, Quảng Ninh lấp hàng ngàn hecta mặt biển để phát triển các dự án kinh tế suốt hơn 20 năm qua. Thành phố Hạ Long liên tục mở rộng, lấn biển để phân lô bán nền trong thời kỳ ông Phạm Minh Chính làm Bí thư ở tỉnh này.

Toàn bộ khu dự án BIM, Marina, Hùng Thắng, cả khu SUN World, khu bãi tắm ở Bãi Cháy, Vinpearl, Tuần Châu đều là diện tích lấn biển ở ngay khu vực vịnh Hạ Long. Toàn bộ khu đường bao biển bên Hòn Gai, khu vực bảo tàng Quảng Ninh, cũng là diện tích lấp biển. Quảng Ninh kéo dài đường bao ven biển từ Hạ Long, Bãi Cháy tới Cẩm Phả để lấy thêm hơn 10,000 ha diện tích mặt biển. Trong đó, phần diện tích của Hạ Long mở rộng hơn 6,000 ha, phần diện tích Cẩm Phả mở rộng hơn 5,000 ha.

Nhìn sơ đồ định hướng phát triển của thành phố Cẩm Phả, có thể thấy rằng việc lấn biển ở vịnh Bái Tử Long, chia lô bán nền là qui hoạch được phê duyệt, là định hướng của giới chức chính quyền các cấp ở đây. Điều này phù hợp quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Hạ Long – Cẩm Phả được xác định vùng đô thị trung tâm gắn kết 4 tiểu vùng đô thị vệ tinh (tiểu vùng các khu kinh tế cửa khẩu với Trung Quốc, tiểu vùng Khu kinh tế Vân Đồn và huyện đảo Cô Tô, tiểu vùng phía Tây, tiểu vùng khu vực miền núi phía Bắc).

Năm 2018, khi Luật đặc khu bị phản đối kịch liệt, các cuộc biểu tình diễn từ Bắc vào Nam. Hà Nội đã né tránh sự phản đối của nhân dân bằng việc trì hoãn, không thông qua dự luật Đặc khu. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng Vân Đồn vẫn tiếp tục và dự luật đặc khu được thay thế bằng “Khu kinh tế ven biển”. Hàng trăm hecta ở Vân Đồn được san lấp để phân lô bán nền, phục vụ cho các dự án xây resort, khách sạn, sòng bài, sân bay, khu chế xuất công nghiệp, khu miễn thuế… Nếu bạn đến thăm thành phố Hạ Long, hay Vân Đồn có thể thấy rất nhiều “hòn non bộ” khổng lồ giữa các khu dân cư mới xây dựng.

Thậm chí, để phục vụ cho việc san lấp, lấy vật liệu làm đường, Lữ đoàn 170 Hải quân đóng trên địa bàn đã phá tan ba quả núi ở khu vực Hà Tu, Hạ Long (nằm trong vùng đệm di sản), bán cho các nhà thầu xây dựng. Sự việc bị báo chí phản ánh, cũng chỉ tạm thời dừng lại một thời gian ngắn, sau đó vẫn tiếp tục.

Có thể nói, Quảng Ninh trong hai mươi năm qua đã thực sự “cạp đất mà ăn”. Tiền thu từ đấu giá, thuế chuyển nhượng đất chiếm trung bình 20% thu ngân sách. Đó là một con số rất lớn và rất quan trọng với bộ máy quan liêu tỉnh nhà. Và không có gì có thể ngăn cản tỉnh này quyết tâm “cạp đất” năm sau nhiều hơn năm trước. Bởi đó được coi là quyết sách, định hướng đúng đắn. Sự nghiệp “cạp đất” thật vĩ đại.

Sơ đồ định hướng phát triển của thành phố Cẩm Phả. Toàn bộ vùng màu tím và vàng dọc tuyến đường bao biển đều là đất mới lấn biển. Phần lớn diện tích được qui hoạch làm cảng đa dụng của TKV (màu tím) và khu đô thị mới (màu vàng)

Đỗ Gia Capital và dự án “khu 10B”: Nạn nhân hay quân cờ thí?

Quay trở lại câu chuyện “hòn non bộ 10B”. Về nguyên tắc, Đỗ Gia Capital xin được đầu tư, đấu giá… là hoàn toàn đúng luật. Dự án đầu tư do cơ quan chức năng cấp tỉnh phê duyệt và cấp phép. Công ty này đã nộp gần 1,200 tỷ vào ngân sách để thực hiện dự án. Vậy tại sao, chỉ một bài báo của tienphong.vn có thể thổi bùng lên phản đối dữ dội trên mạng xã hội, “truyền thông lề đảng” và cơ quan chức năng ngay lập tức yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công dự án? Chỉ một bài báo, doanh nghiệp này trở thành tội đồ, chịu mọi công kích của đám đông đầy phẫn nộ.

Vấn đề đáng lưu ý ở đây, là thông tin về dự án “khu 10B” bị tienphong.vn và báo chí dòng chính đăng tải rất mập mờ về vị trí địa lý. Dự án “hòn non bộ 10B” chưa đến 4ha này không phải nằm ở vịnh Hạ Long mà là phía bên vịnh Bái Tử Long. Nó thuộc phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Xét về khoảng cách thì nó cách khá xa vịnh Hạ Long dù nằm ở vùng đệm. Xét về qui mô thì nó cũng khá nhỏ. Cùng thời gian dự án này triển khai, hàng ngàn xe tải siêu trọng đang ngày đêm đổ đất đá, san lấp một diện tích mặt biển tới 4,109 hecta để xây biệt thự, nhà phố ở dự án Hạ Long Xanh của Vingroup, cũng thuộc vùng đệm của vịnh Hạ Long, thì chẳng thấy báo chí nào phản ánh.

Xét về vị trí và qui mô, dự án của Vingroup có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đối với vịnh Hạ Long rất lớn. Đó là chưa kể đến, nếu như anh Vượng thiếu tiền cho canh bạc VinFast, dự án rất có thể được sang nhượng cho “nhà đầu tư nước lạ” và cửa biển này nhanh chóng có thể trở thành một trung tâm logistic chiến lược cho “anh bạn bốn tốt”. Khi đó, thật khó hình dung hậu quả đối với an ninh quốc phòng cũng như nền kinh tế.

Phải chăng, vụ “hòn non bộ 10B” cũng giống như vụ bức tử nhà xe Thành Bưởi để cho Phương Trang có thể dễ dàng độc chiếm thị trường? Liệu có phải Đỗ Gia Capital làm ngứa mắt ngài tỷ phú Phạm Nhật Vượng? Nên nhớ ở hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, các doanh nghiệp phát triển BĐS nội địa đều phải nhận được cái gật đầu của anh Vượng mới mong có thể kiếm được miếng xương.

Ở Hải Phòng, trước nay chỉ có Vingroup và Hoàng Huy chia nhau thành phố cảng chiến lược này. Nhưng sau khi ông Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chết vì bệnh lạ và cựu Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca vướng vòng lao lý, không còn thế lực bảo kê, Hoàng Huy đã chịu thúc thủ trước Vingroup. Còn ở Quảng Ninh, Vingroup và Sungroup chia nhau địa bàn cát cứ. Kể như Đỗ Gia Capital đã không lượng sức mình khi giành ăn ngay trên địa bàn của hai con sói Nga?

Có ý kiến khác cho rằng đằng sau vụ “hòn non bộ 10B” là cuộc đấu đá trên thượng tầng quyền lực. Rất có thể sau đây sẽ có nhiều sai phạm về đất đai ở Quảng Ninh được phanh phui. Quảng Ninh là “căn cứ địa” của ngài Thủ tướng Phạm Minh Chính. Vụ án tham nhũng, vi phạm nguyên tắc đấu thầu ở bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Quảng Ninh liên quan tới tập đoàn AIC của Nguyễn Thị Thanh Nhàn – “người tình tin đồn” của ngài Thủ tướng Chính – vẫn đang bế tắc. Nếu bà Nhàn không về nước “đầu thú”, phe “đốt lò” khó có thể gây áp lực đối với ông Chính. Việc phanh phui sai phạm đất đai Quảng Ninh có phải là hướng tấn công mới của phe đốt lò?

Dù trong trường hợp nào thì Đỗ Gia Capital cũng chỉ là nạn nhân hoặc quân cờ thí mà “khu 10B” là phát súng lệnh đã nổ. Kịch hay sắp diễn!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: