15 nhà dân ở Thủ Đức bị nứt tường vì robot đào cống thoát nước

Sự việc nứt tường nhà dân xảy ra trên con đường lộ giới 7m, nối hai tuyến đường huyết mạch của TP.Thủ Đức là Lương Định Của và Trần Não – Đồ họa: Dân Trí

Dùng robot thi công đào cống nước hoạt động ngầm 10m dưới lòng đất, một công trình thi công cống thoát nước đã làm nứt tường, sụt lún 15 nhà dân ở đường số 18, phường An Khánh, TP.Thủ Đức (Sài Gòn).

Việc thi công ngầm cống thoát nước thuộc gói thầu XL07, dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2, do công ty Đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương thực hiện.

Quan sát của Tuổi Trẻ ngày 29 Tháng Chín ghi nhận 15 nhà dân đang bị nghiêng khoảng 20 độ, tường nhà xuất hiện vết nứt dài 2- 3m, giữa các bức tường xuất hiện khoảng hở 6-7cm, các khung cửa sắt bị xiêu vẹo, gạch ốp tường bị bong tróc, cửa hàng rào và cửa nhà không thể đóng chặt vì tường bị xô lệch. Bên phía ngoài, mặt đường và nền nhà bị sụt lún nhiều điểm.

Một người dân ở đây là ông Bình cho Tuổi Trẻ hay: “Tôi thấy tường nhà bị nứt, sau đó hỏi thăm thì nhiều nhà cũng bị như vậy mới tá hỏa. Tôi sống ở đây bao nhiêu năm, nay thấy vậy cứ tưởng có động đất!”.

Còn ông Dũng, hàng xóm ông Bình tỏ ra lo sợ: Nhà xây lâu rồi, rất vững chãi, tới hôm nay thấy bị nứt vách, sợ nhà bị sập quá.

Vết nứt tường ngay trong đêm 23 Tháng Chín ở xưởng sửa chữa xe hơi trên đường 18, phường An Khánh, TP.Thủ Đức – bên trên là nơi nhân viên sinh hoạt – Ảnh: Dân Trí

Dân Trí cùng ngày mô tả kỹ hơn: những vết nứt tường ở khu vực này bắt đầu từ đêm 23 Tháng Chín. Sáng 24 Tháng Chín, bà Thanh (chủ một căn nhà trên đường 18) bỗng dưng không mở được cổng để đi chợ, khớp khóa ở hai cánh cổng kẹt khít vào nhau, phải thuê thợ thay ổ khóa.

Nhưng đến sáng 25 Tháng Chín, tình trạng trên tiếp tục diễn ra, lúc này một cánh cổng bị xệ xuống, lệch so với cánh còn lại. Lúc đó, vợ chồng bà Thanh phát giác vết nứt trên tường nơi gắn cánh cổng.

Khoảng 22 giờ ngày 25 Tháng Chín, gia đình bà Thanh đang nằm trên giường coi tivi thì có cảm giác chao nhẹ, hỏi hàng xóm thì họ cũng có cảm giác giống vậy. Nghi ngờ có động đất, cư dân tại đây quyết định báo sự việc lên chính quyền.

Trong hai ngày này, có ba căn nhà trên đường 18 cũng không mở được cổng giống nhà bà Thanh. Bà chủ một trong ba căn nhà trên kể lại: “Nhà tôi thiết kế cho nước chảy vào ống cống bên trong nhà, sau khi xảy ra nứt lún, nước chảy ngược ra ngoài đường”.

Ông Trần Quang Liêm, một cư dân sinh sống ở đây lâu năm, đồng thời là kiến trúc sư xây dựng có thâm niên hơn 40 năm, cho biết ngôi nhà bốn tầng của ông được xây chưa đầy ba năm và kiên cố, thế nhưng người trong nhà cũng cảm nhận được sự rung và nứt gãy tối 23 Tháng Chín.

Ông Liêm chia sẻ: “Trước đây tôi đã yêu cầu đặt móng bê tông đến 28m, nhưng chỉ đóng được hết nấc 24m. Nhà tôi kiên cố nên không bị nứt vỡ như hàng xóm, nhưng căn nhà liền kề bị tách khỏi nhà tôi, mỗi ngày nghiêng ra một chút”.

Vết nứt lớn ở phía ngoài nhà, người dân có thể đưa cả ngón tay lọt vào trong – Ảnh: Lao Động

Với kinh nghiệm nghề nghiệp, ngay khi nhìn thấy vết nứt tách rời giữa hai căn nhà, ông Liêm đã đánh dấu lên tường để theo dõi mức độ xô lệch và nhận ra mỗi ngày tường bị lún 1cm, làm ông hoang mang. Ông nhận định: “Theo tôi tính toán toàn bộ căn nhà hàng xóm có mối nguy bị lún đến 5cm trong vài ngày, thực sự nguy hiểm”.

Với các nhà khác, hầu hết đều xây dựng cách nay vài chục năm, họ đều dùng móng cừ tràm đóng sâu dưới đất đến khoảng 5m, không kiên cố như nhà ông Liêm, do đó, sự nứt gãy của tường và mặt đường trong vài ngày qua trở thành nỗi lo “mất ăn mất ngủ” của người dân ở đây.

Ngay khi nhận được phản ảnh của người dân, UBND phường An Khánh đã mời đơn vị thầu công trình (công ty Đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương) và chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM đến kiểm tra.

Khi khám phá ra nguyên nhân là do robot đào đường, đơn vị thầu và chủ đầu tư sáng 26 Tháng Chín đã cho đặt mốc để quan trắc kiểm tra. Đến chiều 27 Tháng Chín, họ ghi nhận độ lún trung bình 1.2-1.3cm. Sáng 28 Tháng Chín, mức độ lún tăng thêm với con số trung bình 0.6cm trên đường 18.

Những vết nứt toác trong khu vực nhà vệ sinh của người dân – Ảnh: Lao Động

Theo chủ đầu tư, công trình khoan ngầm thuộc Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2, bắt đầu dùng robot khoan ngầm dưới đất từ ngày 22 Tháng Chín, đến đêm 27 rạng 28 Tháng Chín thì khoan đến đường Trần Não, đi dưới đường số 18,  nối đường Lương Định Của và Trần Não.

Đại diện nhà đầu tư giải thích với Dân Trí: “Chúng tôi sử dụng robot khoan dưới lòng đất ở độ sâu 25m, thực hiện vừa bơm hút bùn đất đồng thời bơm chất gia cố làm cứng thành vách tránh sụt lún. Hoạt động của máy khoan tạo ra sự xung chấn cho nền đất khu vực”.

Vị này nói thêm, đơn vị đã khảo sát địa chất khu vực trước khi thi công, nhưng tại một số vị trí địa chất có thể không ổn định, do đó dẫn đến tác động trên. Hiện tại, robot khoan đã hoàn thành nhiệm vụ, sự xung chấn mạnh đã không còn.

Kể từ buổi làm việc với người dân tại UBND phường An Khánh ngày 28 Tháng Chín, đơn vị thi công vẫn theo dõi quan trắc và trực tiếp xử lý những điểm nứt gãy trên con đường, chậm nhất đến ngày 2 Tháng Mười sẽ có kết quả quan trắc. Sau đó, đơn vị thầu đề xuất theo dõi thêm một – hai tháng cho đến khi ổn định không còn nứt gãy.

Lãnh đạo phường An Khánh khuyến cáo, trong khi chờ đơn vị thầu và chủ đầu tư công trình kiểm tra và đưa ra kết quả quan trắc, những cư dân sống trong căn nhà bị nghiêng nên tạm di dời để tránh rủi ro.

Đơn vị thi công và chủ đầu tư cũng đồng ý hỗ trợ kinh phí cho người dân di dời đến nơi ở khác trong vài ngày thực hiện kiểm tra (từ 28 Tháng Chín đến hết 1 Tháng Mười 2023).

Công trường thi công Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 nằm đối diện đường số 18 – Ảnh: Tuổi Trẻ

Hồi giữa Tháng Tám, dự án thi công bờ kè đóng cọc ở bến Phú Định khiến hơn 40 gia đình ở quận 8 bị nứt, đứt gãy, sụt lún do rung chấn, mất an toàn khi cư ngụ.

Nhiều người phải rời khỏi nhà trong những ngày mưa gió đề phòng đổ sập. Đến nay, một số gia đình vẫn chưa thể sửa lại nhà để ổn định cuộc sống.

Ngày 19 Tháng Tám 2023, ông Trần Anh Nghĩa, phó chủ tịch UBND phường 16, quận 8, cho VnExpress biết trong số các gia đình bị thiệt hại, có khoảng 30 gia đình đã đồng thuận nhận tiền bồi thường, số còn lại chưa đồng thuận.

Theo ông Nghĩa, khó có thể giải quyết rốt ráo do công trình vẫn còn thi công nên khi đóng cọc có thể gây nứt tường, sụt lún trở lại, đợi khi dự án hoàn thành (dự định cuối năm 2023) mới khắc phục xong hiện trạng cho toàn bộ số nhà dân bị ảnh hưởng.

Hiện phường 16 đã yêu cầu nhà thầu ký quỹ để bảo đảm việc bồi thường thiệt hại cho người dân, đồng thời, đơn vị kiểm định độc lập của Sở Xây dựng TP.HCM đã kiểm tra tình trạng của các gia đình bị ảnh hưởng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: