Chợ nổi Cái Răng đầy rác, du khách châu Âu bất bình

Chợ nổi Cái Răng, điểm du lịch thu hút khách ở TP.Cần Thơ – Ảnh: Lao Động

Bỏ $50,000 (USD) để mua tour du lịch Việt Nam, đến chợ nổi Cái Răng (trên sông Cần Thơ, thuộc quận Cái Răng, TP.Cần Thơ), đoàn du khách châu Âu gồm 20 người chê chỗ này nhiều rác quá, nên công ty lữ hành đành ngậm ngùi chọn điểm tham quan ở tỉnh khác cho họ.

Thông tin này được ông Trần Minh Dễ, Trưởng văn phòng đại diện công ty NoVo JaPan tại miền Tây (trụ sở tại TP.Cần Thơ) đưa ra trong cuộc tọa đàm do Ủy ban TP.Cần Thơ tổ chức chiều 18 Tháng Bảy với chủ đề “Đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ”.

Trước phản ảnh của NoVo JaPan,  ông Nguyễn Thái Bảo, phó Chủ tịch Ủy ban quận Cái Răng thừa nhận là có rất nhiều rác ở chợ nổi Cái Răng, dù ngày nào (?) quận cũng có đội đi vớt rác ở chợ nổi, đem lên trạm dừng chân rồi đưa lên xe rác đi đổ, nhưng gom không xuể.

Ông Bảo biện minh là chợ nổi Cái Răng có lượng rác quá lớn, do nằm giữa dòng chảy quận Cái Răng và bến Ninh Kiều (trung tâm thành phố), thêm nữa dù quận có yêu cầu các thương hồ bỏ rác vào sọt và phân công người đến từng ghe thuyền gom lại, nhưng tình trạng rác lều bều trên sông và trên bờ vẫn không dứt.

Rác nhựa bám vào đám lục bình trôi lềnh bềnh trên sông Cần Thơ – Ảnh: Lao Động

Là một trong số ít chợ nổi còn lại ở miền Tây, chợ nổi Cái Răng với nhiều ghe thuyền mua bán nông sản và trái cây trên sông Cần Thơ (một phần của dòng sông Hậu); có các nhà nổi làm hủ tiếu, kẹo dừa, bán tạp hóa; nhiều vườn trái cây sinh thái ven sông, đã trở thành điểm du lịch “vàng” thu hút du khách khi đến Cần Thơ.

Theo thống kê, năm 2022, Cần Thơ đón 5.1 triệu lượt du khách; trong đó, hơn 70% đến tham quan, mua sắm ở chợ nổi Cái Răng. Dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023 đã có 30,721 lượt du khách đến đây.

Theo TS. Đào Ngọc Cảnh (khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường đại học Cần Thơ), chợ nổi Cái Răng hình thành đầu thế kỷ 20, nằm ở vị trí giao nhau giữa bốn con sông (Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn, Cái Răng Bé), liền kề với chợ Cái Răng trên bờ.

Đến thập niên 1990, do trở ngại về giao thông đường thủy, chợ nổi dời qua khỏi cầu Cái Răng về phía Phong Điền, cách vị trí cũ trên 1km.

Hiện tại, chợ nổi Cái Răng nằm ở phía hạ lưu sông Cần Thơ, cách cầu Cái Răng khoảng 600m với diện tích mặt nước khá rộng, từ 100-120m, chiều dọc sông khoảng 1,300-1,500m, thuộc địa phận quận Cái Răng, với khoảng 40 gia đình trên bờ và 300-400 ghe họp chợ mỗi ngày từ tờ mờ sáng đến khoảng 9 giờ mỗi ngày là tan.

Tuy được công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” của Việt Nam nhưng chợ nổi Cái Răng không được nhà cầm quyền bảo tồn cảnh quan cho sạch đẹp- Ảnh: Lao Động

Chợ nổi Cái Răng từng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” hồi năm 2016, và với danh xưng này, các tour du lịch đồng bằng sông Cửu Long đều đưa du khách đến tham quan chợ nổi Cái Răng. Tuy nhiên, với việc xả ra một tấn rác một ngày mà cách xử lý quá tệ, chợ nổi này đang kém sức thu hút.

Theo Thanh Niên ngày 9 Tháng Chín 2022, kết quả kiểm toán rác của dự án “Vì sông Mê Kông không rác – thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở Cần Thơ” tại khu vực chợ nổi Cái Răng cho thấy, có tới 37% rác ở khu vực chợ nổi Cái Răng là rác nhựa và hiện có khoảng 25% gia đình sống ở khu vực chợ nổi còn thải rác trực tiếp trên bờ hoặc xuống sông.

Bên cạnh đó, các chủ ghe, thuyền, vận chuyển khách du lịch chưa thể hiện trách nhiệm trong việc phổ biến cho du khách ý thức bảo vệ môi trường, nên cả du khách cũng xả rác bừa bãi xuống sông…

Rác trên bờ, chỗ đang xây dựng bờ kè ven sông chống sạt lở – Ảnh: Lao Động

Ngày 19 Tháng Bảy, Lao Động làm phóng sự ảnh về chợ nổi Cái Răng và xác nhận nơi này nhiều rác thật. Không chỉ rác đọng ven bờ mà còn rác trôi lềnh bềnh trên sông, quyện vào đám lục bình và bủa vây các ghe thuyền. Có thể thấy là việc vớt rác hay dọn rác trên sông mỗi ngày (hay mỗi tuần?) của nhà cầm quyền Cần Thơ không hiệu quả.

Ông Trí Nguyện (ngụ quận Cái Răng) cho biết, tình trạng lục bình và rác nhựa xuất hiện ở chợ nổi thường xuyên, dù hằng tuần chính quyền có đi gom nhưng vớt không xuể (ông này nói hằng tuần, còn ông Bảo phó chủ tịch quận Cái Răng nói hằng ngày?).

Đến tham quan chợ nổi Cái Răng lần 2, bà Nguyễn Thị Phi Hòa (46 tuổi, ngụ Hà Nội) cho biết bà du lịch theo đoàn 30 người đến miền Tây và so sánh: “Lần đầu tiên, tôi đi vào năm 2015, thuyền ghe rất tấp nập và rác thải không đến mức quá nhiều. Lần này tôi đi chợ nổi hơi có chút thất vọng vì lượng ghe thuyền giảm, cộng với rác thải quá nhiều, không chỉ ở dưới sông mà còn trên bờ!”.

Theo Lao Động, hàng quán ven bờ chợ nổi Cái Răng rất lộn xộn. Chưa kể dự án kè hai bên bờ sông đang được thành phố Cần Thơ thi công, vật tư xây dựng xếp ngổn ngang, trở thành chốn cho rác tụ lại. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan của chợ nổi mà còn khiến các thương hồ gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa.

Chèo ghe giữa đám lục bình quyện với rác thế này quá mệt mỏi – Ảnh: Lao Động

Do cách nhà cầm quyền quản lý và xử lý rác luẩn quẩn và lạc hậu (tất cả các bãi rác ở Việt Nam chỉ là chôn lấp và đốt), rác không chỉ là vấn đề cản trở du khách đến chợ nổi Cái Răng, mà hiện đang là vấn đề lớn chưa có cách giải quyết dứt điểm ở vịnh Hạ Long và các đô thị như Hà Nội hay Sài Gòn.

Điều lạ là thành phố nào cũng chỉ hào hứng xây dựng dự án đón khách du lịch cho nhiều, nhưng xử lý rác thế nào cho cảnh quan sạch đẹp thì không chú trọng. Thi thoảng có một ngày biểu diễn “vớt rác” hay “làm sạch rác” như Người Lao Động ngày 17 Tháng Bảy 2023 đưa tin thì cũng chả giải quyết được cái gốc của vấn đề.

Theo Báo Tin Tức (Thông Tấn xã Việt Nam) ngày 8 Tháng Chín 2022, hồi Tháng Tư 2022, Tổ chức Làm sạch biển của Hà Lan (The Ocean Cleanup) đã bàn giao cho TP.Cần Thơ sà lan gom rác tự động trên sông do tổ chức này sáng chế.

Sà lan dài gần 25m, bề ngang hơn 8m, cao trên 4m, vận hành bằng năng lượng mặt trời, tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng ($845,800), trong đó phía Hà Lan tài trợ 14.6 tỷ đồng ($617,142),  còn lại là vốn của địa phương. Mỗi tháng, sà lan tự động gom hơn 10 tấn rác nổi trên sông Cần Thơ.

Chả hiểu cái sà lan gom rác này giờ ở đâu (hay bị xếp xó rồi) mà để chợ nổi Cái Răng đầy rác bị du khách châu Âu chê!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: