Chủ đầu tư homestay ở Đà Lạt tháo chạy vì ế ẩm

Từ “thành phố trong rừng” nay Đà Lạt bị biến thành “nhà lưới trong thành phố” hoặc “bê tông trong thành phố” với khí hậu ngày càng nóng – Ảnh: Tuổi Trẻ

“Ngày vui ngắn chẳng tày gang” là tình cảnh của chủ đầu tư homestay ở Đà Lạt hiện nay. Có thời họ từng hái ra tiền vì du khách đổ về Đà Lạt không ngớt, nhưng nay thì… tháo chạy vì không còn tiền bù lỗ để duy trì hoạt động.

Hơn ba năm trước, Ngọc Thảo (25 tuổi) bỏ việc văn phòng ở Sài Gòn để cùng vài người bạn hùn hạp đầu tư homestay ở Đà Lạt. Lúc đó, Đà Lạt là điểm đến đang hot trên mạng, ai cũng thích đi Đà Lạt, nên các homestay mà Thảo cùng bạn bè hùn hạp tha hồ lựa khách sang, chi đẹp. Kể với VnExpress ngày 27 Tháng Mười 2023, Thảo nhớ lại: Lúc đó mức lời lên đến 50%, tệ lắm cũng được 30%.

Thế mà giờ đây Đà Lạt vắng khách quá, đã ba tháng rồi Thảo chưa bán được phòng cho khách mới, chỉ có khách cũ quay trở lại.

Homestay của cô và bạn có giá phòng đôi 1.8 triệu đồng/đêm, giờ giảm chỉ còn 1.5 triệu đồng/đêm, ngày trong tuần chỉ còn 1.2 triệu đồng/đêm mà vẫn không có khách; còn phòng đơn giá 400,000 đồng/đêm giảm còn 300,000 đồng/đêm, thế mà khách vẫn eo sèo trả giá 250,000 đồng/đêm!

Thảo than thở: Chúng tôi chiều khách lắm, nhưng thấy khách trả giá mà muốn rớt nước mắt vì buồn.

TP.Đà Lạt vắng du khách trong dịp lễ 30 Tháng Tư và 1 Tháng Năm 2023 – Ảnh: Dân Trí

Nhìn lại nguyên do của sự ế ẩm du khách, Thảo cho rằng do khí hậu Đà Lạt ngày càng thay đổi, khiến khách chán. Ngày xưa Đà Lạt rất lạnh, sáng ngủ dậy là cảm giác sợ rờ vào nước vì lạnh, nhưng nay thông bị chặt gần hết, nhà mọc lên ngày càng nhiều, trong thành phố không còn lạnh như xưa.

Khách than phiền với Thảo hồi trước nhiệt độ Đà Lạt 9- 14 độ C, nay thấp nhất chỉ còn 17 – 18 độ C vào ban đêm, còn ban ngày nóng không thua Sài Gòn, nên đi Đà Lạt không còn thích nữa.

Điều này thì Thảo và những chủ homestay khác chịu thua, làm sao sửa chữa được? Vì không còn sức gồng gánh lỗ thêm nữa, cô và bạn phải bán bớt hai cái homestay, chỉ còn duy trì một cái. Cô chua chát: “Bỏ Sài Gòn lên đây làm việc, rồi trở về với… rất nhiều nợ!”.

Chủ một homestay rộng 6,000m2 ở Đà Lạt là anh Thành Luân (35 tuổi) cũng rơi vào cảnh đìu hiu ế ẩm. Thời gian lễ thì khách lấp đầy phòng, còn giờ lượng khách nhỏ giọt, chỉ được 30-50% là tối đa. Anh phải cho chạy quảng cáo trên các mạng đặt phòng Agoda, Booking… với giá giảm 30-40% nhưng không mấy khả quan.

Dân đầu tư homestay có nhà có đất ở Đà Lạt còn khó khăn huống hồ người ở Sài Gòn lên khởi nghiệp – Ảnh: Dân Trí

Để bù lỗ cho dịch vụ lưu trú, anh Luân phải mở thêm quán cà phê và nhà hàng, kết hợp việc tặng cà phê và bữa ăn dành cho khách lưu trú để lôi cuốn khách.

Khu tập trung nhiều homestay mà anh biết ở Đà Lạt hiện chỉ còn sáng đèn 60% so với năm ngoái. Theo anh Luân, những chủ đầu tư homestay muốn kiếm tiền nhanh, không có cách kiếm tiền khác bù vào thì chỉ có chết!

Anh Minh Long, chủ một homestay khác, cũng thổ lộ mới phải bán một homestay có bảy phòng, giá chỉ bằng 1/7 giá vốn nhưng cũng đành chịu, vì anh đã quá mệt mỏi khi phải bỏ tiền túi duy trì hoạt động mỗi tháng.

Phân tích về thị trường kinh doanh lưu trú ở Đà Lạt, anh Long cho rằng số nhà nghỉ và khách sạn của Đà Lạt mở ra ngày càng nhiều, tỷ lệ nghịch với lượng khách ngày càng giảm, cơ quan chức năng cấp giấy phép chả có quy hoạch gì cả.

Anh dự đoán: Rồi chẳng bao lâu, Đà Lạt cũng như Nha Trang, giá phòng chỉ còn 200,000 đồng/đêm thôi!

Hiện nay, những chủ homestay còn lại như anh phải giảm giá phòng, săn từng khách trên từng hội nhóm nhưng ba tháng gần đây không có khách mới. Nhiều người phải sang nhượng, thanh lý homestay trên các hội nhóm bất động sản nghỉ dưỡng với giá rất rẻ, nhưng cũng chả mấy ai hỏi.

Công suất phòng dịp lễ của Đà Lạt chỉ còn 50% nên nhiều homestay rơi vào tình cảnh ế ẩm, đìu hiu – Ảnh: Dân Trí

VnExpress bình luận: Các chủ homestay đã vỡ mộng làm giàu ở Đà Lạt, vì chẳng ai dự đoán được Đà Lạt tuột dốc nhanh thế.

Năm 2006, Đà Lạt chỉ có 1.3 triệu lượt khách và 538 cơ sở lưu trú; đến năm 2022 tăng vọt lên 7 triệu lượt khách – tăng lên hơn 6 lần, còn cơ sở lưu trú tăng gấp bốn lần, ồ ạt mọc lên đủ loại hình từ nhà nghỉ, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, resort & spa, homestay, các khu camping.

Doanh thu lưu trú ăn uống tại Đà Lạt năm 2022 tăng 54% so cùng kỳ 2021.

Thế nhưng đến sáu tháng 2023, doanh thu du lịch của Đà Lạt chỉ tăng 7.6% so năm 2022!

Dịp lễ gần nhất là 2 Tháng Chín vừa qua, Đà Lạt chỉ đạt 50% công suất phòng, không như kỳ vọng.

Bên cạnh đó là sự giảm sút của các giao dịch bất động sản. Trong Quý I/2023, chỉ có hơn 3,500 giao dịch thông qua phòng công chứng của Đà Lạt, giảm gần 9,000 giao dịch so năm ngoái.

Ông Đặng Hùng Võ, một chuyên viên kinh tế, cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận xét: Các homestay kiểu “mì ăn liền”, “ăn theo” phong trào, là tử huyệt của nhà đầu tư ở Đà Lạt.

Sự thật hình thức homestay, farmstay chỉ dành cho số ít người thích sự trải nghiệm mới lạ. Nếu chủ homestay chỉ thuê mướn đất mà không phải người chủ đất thực sự ở đó, họ không trồng trọt đặc sản địa phương hay không làm gì gắn với trang trại thì lần sau những vị khách đó sẽ không đến nữa.

Đầu tư homestay mà không có nghề chính, chỉ có nghề phụ là trông vào du khách là thua. Khi khách không đến, trắng tay là phải.

Chẳng hạn như các homestay, farmstay ở Pháp, họ chuyên trồng nho, làm rượu vang hoặc chuyên làm một thứ đặc sản địa phương nào đó thì khách đến nhiều hay ít cũng không ảnh hưởng đến họ, vì thu nhập từ du khách chỉ là phụ.

Dụng công đầu tư, chủ đầu tư homestay vẫn ê chề vì nhiều yếu tố khách quan, trong đó lỗi chính là do cách quản lý đô thị – Ảnh: Dân Trí

Dân Trí ngày 19 Tháng Mười 2023 cũng tường thuật sự ê chề vỡ mộng của vài chủ đầu tư homestay ở Đà Lạt. Một trong số đó là bà Trương Thị Nguyên Hân (36 tuổi), có homestay ở TP.Đà Lạt.

Bà kể từ đầu năm 2023 đến nay, lượng khách những ngày cuối tuần chỉ lấp đầy 50% số phòng. Các dịp lễ, tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%, dù bà đã cố giữ giá như ngày thường. Hơn bảy năm kinh nghiệm vận hành dịch vụ lưu trú trên mảnh đất của gia đình, có sẵn lượng khách quen, bà Hân đánh giá hiện nay là khoảng thời gian khó khăn nhất.

Từ tình cảnh của mình, bà Hân đánh giá những bạn trẻ ở xa đến Đà Lạt khởi nghiệp, phải thuê nhà đất làm homestay chắc chắn phải đối mặt với khó khăn gấp bội, buông tay là phải.

Ông Trịnh Ngọc Tiến (32 tuổi), chủ một homestay cũng rơi vào tình cảnh doanh thu chỉ đủ duy trì hoạt động, thậm chí một số tháng phải bù lỗ. Từ doanh thu 120 triệu đồng/tháng, nay homestay của ông chỉ vỏn vẹn 30-40 triệu đồng/tháng và ông đã nghĩ đến chuyện rút lui, làm chuyện khác.

Hầu hết những chủ homestay cùng khởi nghiệp với ông nay đã sang nhượng hoặc bán lại gần hết. Ông Tiến phân tích: “Khởi nghiệp ở Đà Lạt không giống như lời đồn “dễ dàng hốt bạc”. Thực tế, chi phí xây dựng tại đây rất đắt đỏ, có thể gấp ba lần so với những nơi khác. Ngoài ra giấy phép xây dựng, thủ tục hành chính rất phức tạp. Chủ doanh nghiệp cũng khó tiếp cận, kiếm được nguồn lao động có trình độ, tay nghề”.

Bên cạnh đó, theo ông Tiến, các loại hình dịch vụ khác tại Đà Lạt cũng ngày càng đắt đỏ nhưng không đi đôi với phẩm chất, khiến du khách chán nản.

Vốn gốc là “thành phố trong rừng” hay “rừng trong thành phố” rất đẹp và thơ mộng, chính quyền Đà Lạt đã không biết gìn giữ vẻ đẹp ấy mà xẻ thịt hết những cánh rừng thông trong thành phố, để cao ốc và nhà lưới mọc lên vô tội vạ.

Còn các khu du lịch ven ngoại ô Đà Lạt thay vì tôn tạo bảo tồn cảnh quan thiên nhiên thì lại xây dựng và bê về những kiến trúc ngoại lai chả ăn nhập gì với đất trời Đà Lạt.

Những tai nạn sạt lở đường, ngập lụt giữa thành phố, lũ quét cuốn trôi du khách… vừa qua càng khiến Đà Lạt mất điểm với du khách.

Trên cái nền nham nhở về sự quản lý đô thị yếu kém đó, sự thua lỗ của các nhà đầu tư đánh cược vào việc kinh doanh homestay ở Đà Lạt chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: