Có “đền thờ” nào cho ông chánh án?

Nếu phát động cuộc thi bài hát “đi cùng năm tháng” về dân oan và án oan, Nguyễn Hòa Bình sẽ được đồng bào hưởng ứng nhiệt liệt! (ảnh: VNE)

Bái vật là hiện tượng con người tin tưởng và tôn thờ những vật vô tri, vô giác rằng chúng có linh hồn, có quyền thuật hơn người. Với định nghĩa đó, tôi nhận thấy những người cộng sản có lòng nhiệt thành bái vật bậc nhất trong thế giới hiện đại. Cho dù, họ luôn miệng khẳng định mình vô thần và kịch liệt đả phá tất cả tôn giáo khác và cho rằng đấy là “thuốc phiện của nhân dân – Marx”.

Bằng chứng là họ xây dựng những tượng đài lớn nhỏ ở khắp mọi nơi và tôn kính như chúng có linh hồn. Đến nay, những tân đảng viên, khi gia nhập đảng Cộng sản vẫn phải đứng trước tượng bán thân Hồ Chí Minh để vung tay tuyên thệ trung thành với đảng mà ông ấy du nhập về Việt Nam và với tư tưởng mà ông ấy từng minh định chưa bao giờ có…

Nhưng đó chưa phải là điều tệ hại duy nhất. Thực trạng xử án oan, án bất công tràn lan khắp nơi là điều đáng xấu hổ của ngành tòa án. Nhưng điều đó không lấn át được căn bệnh kiêu căng vô lối, cho dù không có gì đáng để kiêu căng cả đã trở thành căn bệnh chung của cả chế độ. Chưa hết, họ còn muốn công chúng biết ơn về mọi sự tồi tệ họ đã từng làm.

Ông Nguyễn Hòa Bình, quan chức cao cấp nhất trong hệ thống tòa án, đương nhiên, cũng là một đảng viên cộng sản, cho nên, ông ấy cũng không ngoại lệ. Năm 2020, Nguyễn Hòa Bình từng đề xuất xây dựng tượng đài vua Lý Thái Tông như biểu tượng của ngành tòa án. Khi ấy, bị công luận phản ứng quyết liệt, ông ta xoay qua đề nghị xây dựng tượng đài các cố chánh án tòa án miền Bắc trong giai đoạn nghị quyết được áp dụng thay thế luật pháp.

Thực tế, các cố chánh án được nêu tên chưa từng được công chúng biết đến danh tính hoặc ghi nhớ như những người có sự đóng góp sâu sắc cho sự giữ gìn công lý ở chốn pháp đình, đến mức phải dựng tượng để vinh danh. Nếu không muốn nói, sự thiếu vắng công lý trong các bản án tòa tuyên ngày nay, một phần, đều là di sản đáng xấu hổ của các cố chánh án đời trước để lại.

Chưa hết, kệch cỡm hơn, như gần đây, ông Nguyễn Hòa Bình mở hội nghị để thông báo về đề xuất sáng tác nhạc phẩm ca ngợi ngành tòa án, ngành mà phải xin phép Quốc hội cho xét xử oan sai lên đến con số kinh hoàng: 19 nghìn vụ án/năm (?!)

Thật ra, nếu nghiêm túc, họ có thể dựng tượng các ông Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Thêm, Lê Bá Mai, hay tử tù oan Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải hoặc tập thể dân oan Thủ Thiêm, Tiên Lãng, Đồng Tâm, Dương Nội, Vườn rau Lộc Hưng… tại các sảnh chính của tòa án thì chắc chắn có ý nghĩa hơn. Hằng ngày ra vào trụ sở tòa án, nhìn các bức tượng tử tù oan, dân oan bị mất trắng cuộc đời, tài sản… vì sự sai lầm của các thẩm phán tiền nhiệm, sẽ nhắc nhở các thẩm phán đương chức về món nợ công lý mà ngành tòa án chưa từng trả được cho người dân nuôi cơm ngon, áo đẹp, nhà sang, cửa rộng cho mình.

Thật vậy, điều mà ngành tòa án thiếu hiện nay là công lý, chứ không phải là thiếu tượng đài, thiếu nhạc phẩm ca ngợi. Làm tròn thiên chức của pháp đình là ban phát công lý, thì mỗi thẩm phán sẽ đều được hãnh diện khắc tượng trong lòng nhân tâm, chứ cần chi đến những nhạc phẩm tâng bốc xảo trá hoặc những bức tượng vô tri vô giác, làm ông phỗng bị chê trách giữa chợ đời muôn trùng oan khuất…

Chắc ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao từng nghe câu ca dao của vùng Thanh-Nghệ:

Thương dân dân lập đền thờ
Hại dân dân đái ngập mồ thối xương

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: