Dự án ma ở Lâm Đồng chỉ được phát giác khi có tố cáo của người mua đất

“Dự án ma” Đà Lạt Pearl có nhà mẫu là nhà tạm, khung tiền chế – Ảnh: Tuổi Trẻ

Khi có tố cáo của người mua đất thì cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng mới phát giác dự án “Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl” chỉ là dự án ma, không có trong danh mục đã cấp giấy phép đầu tư.

Tuổi Trẻ ngày 2 Tháng Mười 2023 cho biết bà N. (ngụ TP.Thủ Đức, Sài Gòn) đã tố cáo ông N.A.T. (thành viên trong ban lãnh đạo công ty Phát triển bất động sản Thanh Niên Holdings, phường Cầu Kho, quận 1, Sài Gòn, chủ đầu tư “Đà Lạt Pearl”) lừa đảo, chiếm đoạt gần 2.6 tỷ đồng của bà, thông qua việc nhận đặt cọc chuyển nhượng thửa đất 218, tờ bản đồ số 63 thuộc tỉnh Lâm Đồng.

Bà N. cho rằng thửa đất 218 không thuộc sở hữu của ông N.A.T. mà là một trong các thửa đất đang được quảng cáo rầm rộ thuộc “Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl” của công ty Phát triển bất động sản Thanh Niên Holdings. “Dự án” được quảng cáo có quy mô 5ha, với 80 biệt thự, diện tích từ 200-700m2.

Từ bốn thửa đất, phân nhỏ hơn 70 lô diện tích từ 200-400m2 và rao đây là khu biệt thự nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl – Ảnh: Tuổi Trẻ

Nhận đơn tố cáo, Công an TP.HCM đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến thửa đất số 218, tờ bản đồ số 63 thuộc “dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl” để phục vụ điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong quá trình thẩm tra thông tin, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng mới phát giác đây là một “dự án ma”, địa chỉ tại xã Tu Tra (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), cách trung tâm Đà Lạt hơn 40km.

“Dự án” Đà Lạt Pearl được Thanh Niên Holdings rao báo rầm rộ trên mạng xã hội lẫn các website bất động sản không hề có trong danh mục đã cấp chứng nhận đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, cũng như không có hồ sơ đầu tư, cấp phép xây dựng tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Lâm Đồng,

Thực chất địa điểm gọi là dự án Đà Lạt Pearl chỉ là một khu đất trống gần 2ha, đã san bằng phẳng, có ba con đường nhựa đã hoàn thành, dài nhất là đoạn dọc sông Đa Nhim, bên trên có một nhà mẫu làm bằng khung sắt tiền chế.

Từ bốn thửa đất ban đầu, chủ đất đã phân lô thành 75 thửa nhỏ hơn, ranh giới các thửa đất được phân biệt bằng rào gỗ tạp.

Ngày 29 Tháng Chín 2023, Tuổi Trẻ ghi nhận ngoài chốt bảo vệ có một người thì cả khu đất không một bóng người.

Một người đàn ông tên M. (được cho là đang quản lý dự án) cho biết toàn bộ các thửa đất Đà Lạt Pearl  đã được chuyển một phần lên thổ cư và có thể lên thổ cư hết nếu khách có nhu cầu.

Ông M. khẳng định nếu khách hàng đặt cọc hoặc chuyển nhượng thì sẵn sàng làm hợp đồng ngay trong ngày tại huyện Đơn Dương, tại TP.Đà Lạt hoặc tại công ty ở Sài Gòn, tùy theo yêu cầu của khách.

Quảng cáo “dự án” ở trung tâm Đà Lạt nhưng thực tế khu đất cách Đà Lạt hơn 40km – Ảnh: Tuổi Trẻ

Huyện Đơn Dương nói gì?

Đại diện UBND huyện Đơn Dương nói với Tuổi Trẻ: “Chúng tôi đã rà soát, không có dự án bất động sản nào ở đây được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Do đó, Đà Lạt Pearl chào bán đất theo hình thức dự án địa ốc là tự nhận, không đủ cơ sở pháp lý”.

Tuổi Trẻ còn cho biết thêm hiện nhiều Fanpage (Facebook) chuyên mua bán bất động sản Đà Lạt – Lâm Đồng đăng thông tin: Đà Lạt Pearl thuộc trung tâm nghỉ dưỡng Đà Lạt, vừa giáp sông Đa Nhim, giáp suối, giáp hồ sinh thái Bồng Lai và giáp đường Bồng Lai dự kiến mở rộng lên 30m.

Một bức ảnh phối cảnh “dự án” còn ghép thêm hình ảnh cầu Vàng nổi tiếng ở Đà Nẵng vào khu vực sông Đa Nhim.

Toàn bộ các thông tin trên đều sai sự thật, chưa kể một phần khu đất trên đang dính tới tranh chấp, tố cáo – lãnh đạo UBND huyện Đơn Dương cho biết.

Người Lao Động cùng ngày đã đưa nhiều hình ảnh và video về khu đất được gọi là khu nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl và cho biết thêm: Khu đất “dự án” này nằm giữa hồ Bồng Lai (bên trái) và sông Đa Nhim (bên phải).

Những người rao bán bất động sản tại đây đăng tải thông tin rằng vị trí đất chỉ cách phi trường Liên Khương trong vòng 5-6 phút, đến hồ Xuân Hương khoảng 20 phút đi xe.

Thế nhưng phóng viên xác minh nơi này cách phi trường Liên Khương gần 10 km và cách hồ Xuân Hương khoảng 40 km, thời gian di chuyển sẽ lâu hơn quảng cáo.

Điện được kéo sơ sài trong khu đất. Một số người rao bán đã phóng đại: trong tương lai “Đà Lạt Pearl định hướng phát triển thành khu nghỉ dưỡng cao cấp nhất khu vực Lâm Đồng”!?

Khu vực được đăng tải trên mạng xã hội là công viên hiện còn ngổn ngang đất đá.

Biệt thự nghỉ dưỡng của Đà Lạt Pearl đây, một dự án không có trong danh mục đầu tư của tỉnh, khiến không ít người bị lừa – Ảnh: Người Lao Động

Dự án này vốn của ông T.V.Q.. Khi ông Q. nhận được giấy phép của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, ông Q. đã tách bốn lô đất 121, 143, 166, 122 – tờ bản đồ số 63 (diện tích khoảng 1.8 ha) thành 75 thửa đất.

Những thửa đất được tách, ông T.V.Q đã chuyển nhượng cho nhiều người.

Trên nhiều trang mạng xã hội, giá đất tại đây được rao bán trong năm 2022 từ 2.8 đến hơn 3 tỷ đồng/lô. Còn giá do Thanh Niên Holdings rao từ 10-15 triệu đồng/m2 tùy theo vị trí.

Tuy vậy, ngày 2 Tháng Mười, các quảng cáo về dự án ma “Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl” vẫn còn xuất hiện trên nhiều trang bất động sản Việt Nam, với đầy đủ thông tin và hình ảnh lung linh như thật, kiểu lừa được ai thì lừa!

The Tropicana 1 và 2 tại vùng sâu xã B’Lá (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) là dự án bất hợp pháp – Ảnh: Tuổi Trẻ

Trước đó, ngày 14 Tháng Giêng 2022, sau bài báo của Tuổi Trẻ về các dự án bất động sản “chui” (bất hợp pháp) tại huyện Bảo Lâm (TP.Bảo Lộc), UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu UBND huyện Bảo Lâm thực hiện việc ngăn chặn các hoạt động xây dựng tại hai dự án bất động sản Sun Valley (xã Lộc Quảng) với khoảng 41ha và Tropicana 1 (xã B’Lá) với tổ hợp nhà ở hơn 80 căn.

Cả hai dự án đều sai phạm trong thực hiện quy hoạch, chuyển đổi đất.

Ngoài hai dự án nói trên, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu áp dụng chỉ thị trên đối với những khu vực khác do các tổ chức, gia đình, cá nhân tách thửa, dám giới thiệu, quảng cáo láo là dự án bất động sản.

Trước đó, Tuổi Trẻ đã có nhiều bài viết thông tin về những dự án bất động sản “chui” chào bán rầm rộ ở huyện Bảo Lâm.

Trong các bài viết đó, Tuổi Trẻ nêu nhiều dự án không có giấy phép, trong đó có những dự án áp sát rừng thông, khu vực rừng bảo tồn của tỉnh Lâm Đồng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: