Lai Châu: Nhốt hai công an, một cựu cán bộ xã bị bắt giam

Thủy điện Huội Quảng, Bản Chát ở Lai Châu có lẽ là nguồn cơn gây nên sự bất bình của người dân huyện Than Uyên, Lai Châu, trong đó có ông Hà Văn Giót – Ảnh: Báo Đầu Tư

Một ông cựu cán bộ xã ở Lai Châu nhốt hai công an xã trong nhà rồi gọi người dân đến xem ‘khoe chiến tích’.

Đó là ông Hà Văn Giót (68 tuổi, ngụ tại đội 11, xã Phúc Than, huyện Than Uyên, Lai Châu), cựu cán bộ lãnh đạo xã Pha Mu, huyện Than Uyên, đã nghỉ hưu năm 2000.

Ngày 22 Tháng Bảy 2023, chẳng biết hai cán bộ công an huyện đến nhà ông Giót để làm gì, báo chí trong nước chỉ cho biết sau khi làm việc xong, ông Giót yêu cầu xé biên bản ghi lời khai, đồng thời đóng cửa ra vào, đưa chốt cửa cho vợ là bà Lò Thị Lả và con dâu là cô Lường Thị Ngoại chốt ở bên ngoài.

Ông Giót còn dùng điện thoại di động gọi cho nhiều người dân thông báo: “Đang nhốt hai công an trong nhà và yêu cầu mọi người đến xem…”.

Khi người dân kéo đến đông, ông Giót yêu cầu hai cán bộ công an phải gọi lãnh đạo công an huyện đến nhà ông để trả lời dân về chính sách di dân tái định cư sau khi lấy đất lấy nhà dân xây thủy điện Huội Quảng, Bản Chát, thì ông mới thả cho họ về.

Có lẽ vì không còn cách nào để cán bộ lãnh đạo huyện trả lời dân nên ông Giót mới nhốt hai công an viên của huyện như thế.

Ông Hà Văn Giót lúc bị bắt – Ảnh: Pháp Luật Plus

Hai cán bộ công an bị nhốt đã giải thích việc đền bù giải tỏa mặt bằng đối với các dự án thủy điện không phải chức trách của lực lượng công an, việc ông Giót nhốt họ tại nhà không cho về là vi phạm pháp luật.

Ông Giót vẫn kiên quyết không mở cửa, đồng thời bảo vợ và con dâu đứng chặn ở bên ngoài không được mở chốt cửa ngoài khi ông chưa đồng ý.

Mãi đến khi công an và cán bộ xã Phúc Than đến rút chốt cửa bên ngoài và yêu cầu ông Giót mở cửa thì hai cán bộ công an huyện mới được giải thoát.

Tiếp đó, ngày 14 Tháng Tám, Công an tỉnh Lai Châu đã quyết định khởi tố và tạm giam ông Hà Văn Giót để điều tra hành vi đã chốt cửa và chỉ huy vợ con nhốt hai cán bộ công an.

Trước khi xảy ra vụ nhốt hai cán bộ công an trong nhà, ông Giót từng bị tù hai năm và mới trở về địa phương năm 2016 vì ngày 14 Tháng Bảy 2014, ông Giót đã dám lôi kéo hàng trăm người dân đến trụ sở Ủy ban huyện Than Uyên khiếu kiện nhà cầm quyền.

Công an khám xét nhà ông Giót sau khi bắt ông – Ảnh: Pháp Luật Plus

Việc khiếu kiện liên quan đến chính sách tái định cư, sau khi nhà cầm quyền ra lệnh giải tỏa dân để làm thủy điện Huội Quảng, Bản Chát.

Truyền thông trong nước cho rằng từ đầu năm 2023, ông Hà Văn Giót đã “kích động một số người kém hiểu biết pháp luật” dàn dựng những video clip xúc phạm nhà cầm quyền, đưa nội dung sai sự thật về việc giải tỏa mặt bằng, di dân, tái định cư thủy điện Huội Quảng, Bản Chát để đăng tải trên mạng xã hội.

Như vậy vấn đề ở đây là việc giải tỏa dân khỏi nơi cư trú lâu đời của họ để làm thủy điện Huội Quảng, Bản Chát đã khiến dân chúng (trong đó có gia đình ông Giót) bất bình.

Giống như các dự án khác, nhà đầu tư (thủy điện Huội Quảng, Bản Chát do Tập đoàn điện lực Việt Nam – EVN, đầu tư) và dân chúng (bị giải tỏa) đã không tìm được tiếng nói chung.

Thay vì lắng nghe dân, thì nhà cầm quyền địa phương luôn đứng về phía chủ đầu tư để áp đặt dân chấp nhận điều kiện đền bù mà họ đưa ra. Chính vì vậy, ông Giót đã nuôi sự uất ức trong lòng.

Một đội ngũ công an thẩm vấn ông Hà Văn Giót – Ảnh: Pháp Luật Plus

Từng là cán bộ xã, ông Giót biết việc nhốt hai cán bộ công an sẽ đem đến hậu quả thế nào nhưng ông vẫn làm, có lẽ cũng là đường cùng.

Nhìn ba tấm ảnh của Pháp Luật Plus chụp ông Giót và vợ ông đứng giữa vòng vây rất nhiều công an và cảnh sát cơ động vũ trang đầy mình mới thấy thân phận thấp kém của người dân xứ Đông Lào.

Hồi Tháng Bảy vừa qua, một người đàn ông dám nhốt hai cán bộ địa chính của xã đã bị Tòa án TP.Bạc Liêu xử phạt hai năm tù. Ông Đào Chí Tâm (34 tuổi, ngụ phường 8, TP. Bạc Liêu), chủ một ngôi nhà xây dựng không phép (đã xin phép nhưng không được nhà cầm quyền cấp vì cho rằng diện tích nhỏ) nhận bản án hai năm tù với vẻ mặt uất ức.

Tại phiên tòa, ông Đào Chí Tâm biện minh, hành vi chốt cửa nhốt hai cán bộ địa chính là xuất phát từ sự bộc phát, sợ mất tài sản và không thừa nhận hành vi trên là trái quy định của pháp luật. Nhưng Tòa án Bạc Liêu đã bác bỏ.

Không cần biết lý do, ở Việt Nam, cán bộ có thể đánh dân, nhốt dân nhưng nếu dân dám nhốt cán bộ thì… thành chuyện lớn, dân phải đi tù và không có tiếng nói bảo vệ mình trên truyền thông.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: