Lật lại vụ án Đồng Tâm – lời kể của người trong cuộc (2)

BẢN KẾ HOẠCH MẬT SỐ 419A
Tác giả trong lần đến Đồng Tâm tiếp xúc bà Dư Thị Thành, vợ của nạn nhân bị sát hại Lê Đình Kình (ảnh: tác giả gửi)

Tròn ba năm ngày xét xử vụ án Đồng Tâm, tôi nhận được tin nhắn:

“Chào luật sư, dân oan Đồng Tâm rất mang ơn các luật sư, còn những người khác được về cùng tôi, thì tôi không biết trong tâm của người ta thế nào? Nhưng riêng tôi thì từng câu hỏi từng chi tiết của các luật sư tôi không bao giờ quên. Tôi vẫn hay kể cho vợ cụ Kình nghe từng câu, từng chi tiết của các luật sư hỏi từng người.

Nhưng tôi vẫn nhớ nhất là câu của luật sư Đặng Đình Mạnh hỏi “Ai không bị đánh thì giơ tay” và tôi cũng không giơ tay, vì tôi bị tra tấn sáu tiếng luật sư ạ. Chúng còn đổ cả nước vào vùng kín của tôi, rồi chúng chích điện, chúng nó tàn bạo lắm luật sư ạ. Nếu không có các luật sư và cộng đồng mạng vạch trần những thủ đoạn cướp giết người rồi dựng hiện trường giả đổ oan cho dân Đồng Tâm, thì mười mấy người chúng tôi cũng không được thả về đâu. Nên dân oan Đồng Tâm rất biết ơn đến các luật sư. Chúc luật sư Đặng Đình Mạnh và gia đình luôn khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc”.

__________

Tôi biết, mình vẫn còn món nợ công lý, công bằng rất lớn đối với người dân Đồng Tâm, khi ở nơi đó, họ vẫn còn phải sống chung với bất công hàng ngày…

Luật pháp quy định hai cấp xét xử, thì phúc thẩm là cấp thứ hai và là cấp cuối cùng. Bản án phúc thẩm tuyên xong thì có hiệu lực pháp luật tức thì. Tuy rằng luật pháp có quy định các thủ tục giám đốc thẩm (nếu xét xử sai lầm), tái thẩm (nếu có chứng cứ mới) sau cấp phúc thẩm. Thế nhưng, trong những vụ án có yếu tố chính trị, xác xuất khả năng giám đốc thẩm hoặc tái thẩm là bằng 0, trừ phi…

Chúng ta đang nói về phần “trừ phi” này.

Lúc 7h00′ tối ngày 9 Tháng Ba 2021, tòa án cấp phúc thẩm tuyên xong phán quyết y án bản án sơ thẩm vụ án Đồng Tâm. Xem ra, các thủ tục tố tụng đối với vụ án đã hoàn toàn khép lại, theo đó, sự kiện tấn công Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9 Tháng Giêng 2020 chính thức được hợp pháp hóa.

Nếu biết, bên cạnh phán quyết phúc thẩm thì trước đó, công tố và tòa án đã khước từ hầu hết các yêu cầu của luật sư nêu ra trong phiên tòa. Trong đó, đã phải lắc đầu đến hàng trăm lần trước hai yêu cầu chung, mà các luật sư dùng kỹ thuật “xa luân chiến” liên tục nêu ra hết lần này đến lần khác trong cả hai cấp tòa:

– Yêu cầu thu thập và bạch hóa bản Kế hoạch số 419A;

– Yêu cầu tiến hành thực nghiệm điều tra hình sự;

Với tôi, khi yêu cầu tòa án cho thu thập và bạch hóa bản Kế hoạch số 419A, tôi “dụ” rằng sẽ có hai lợi ích :

1/. Giúp chứng minh công vụ hợp pháp của các lực chức năng có vũ trang hiện diện tại xã Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9 Tháng Giêng 2020.

2/. Xóa tan các tin đồn ác ý về bản kế hoạch có nội dung tấn công vào nhà dân và bắt công dân.

Và, việc tiến hành thực nghiệm điều tra hình sự tại hiện trường hoặc với điều kiện tương tự cũng sẽ có hai lợi ích :

1/. Giúp khẳng định về nguyên nhân tử vong của ba cảnh sát đúng như kết luận điều tra, cáo trạng và bản án sơ thẩm đã xác định.

2/. Xóa tan, loại bỏ được các nghi vấn vô lý…

Việc công tố và tòa án kiên quyết khước từ yêu cầu của luật sư cũng làm bộc lộ rõ rằng, hai yêu cầu trên, về thu thập và bạch hóa bản Kế hoạch số 419A và tiến hành thực nghiệm điều tra hình sự chính là cái gót chân Achilles, là tử huyệt của cơ quan công an trong câu chuyện họ tổ chức tấn công dân làng Đồng Tâm.

Phiên tòa vụ án Đồng Tâm (ngày 7 Tháng Chín 2020) là một trong những phiên tòa ô nhục nhất lịch sử tư pháp Việt Nam (ảnh: TTXVN)

BẢN KẾ HOẠCH MẬT BÍ SỐ 419A

Hôm nay, lúc này, bản Kế hoạch 419A vẫn tạm nằm yên trong bóng tối mịt mù. Nhưng nó không phải là “thư tịch độc bản” chờ ngày trở thành thư tịch cổ. Khá nhiều người đang có nó trong tay đang chờ cơ hội được tung ra. Vào một thời điểm thích hợp nào đó, rất có thể nó sẽ được bạch hóa. Khi ấy, giả thiết nội dung của bản kế hoạch đúng như lời đồn đoán, thì “huyền thoại” về câu chuyện Đồng Tâm sẽ bị bóc trần từng mảng…

Về tố tụng, có lẽ thủ tục tái thẩm khi ấy sẽ được phát động vì xuất hiện chứng cứ mới. Mới mà không mới. Mới, vì lần đầu bản Kế hoạch 419A được lộ diện, bạch hóa dưới ánh sáng. Không mới, vì cái tên bản Kế hoạch 419A đã từng được các luật sư nhắc liên tục đến hàng trăm lần trong quá trình xét xử hai cấp.

Chỉ còn mỗi điều băn khoăn lớn nhất. Liệu bản Kế hoạch 419A sẽ được bạch hóa trước khi hai bản án tử hình được mang ra thi hành chăng?

Trả lời về điều này, trước khi có phiên tòa phúc thẩm, thì vào ngày 18 Tháng Chín 2020, đại tá Nguyễn Như Phong, nguyên Tổng biên tập báo điện tử Năng Lượng Mới (PetroTimes – đã bị cách chức, thu hồi thẻ nhà báo) đã viết bài “Hai sự thật về Nguyễn Đức Chung” đăng trên trang mạng cá nhân của mình. Trong đó, ông đã tiết lộ hai sự thật. Một về sức khỏe của ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hà Nội và hai là về kế hoạch tấn công vào Đồng Tâm.

Tôi xin trích một phần có liên quan đến kế hoạch tấn công vào Đồng Tâm, như sau:

“Sự thật thứ hai là: Trong vụ tấn công vào Đồng Tâm, chính Nguyễn Đức Chung là người không đồng ý với kế hoạch của Công an Hà Nội.

Sở dĩ tôi (Nguyễn Như Phong) dám khẳng định điều này là vì ngay sau khi có chuyện ba cán bộ công an hy sinh, tôi có gọi điện hỏi Chung: Tại sao lại để anh em hy sinh thế?

Chung nói ngay: Kế hoạch đó, trong cuộc họp duyệt ngày 7 Tháng Giêng 2020 (tức hai ngày trước vụ tấn công), em không đồng ý. Quan điểm của em là dân Đồng Tâm không phải là kẻ địch. Và mang quân tấn công vào làng là cực kỳ nguy hiểm, không đúng với quan điểm, chủ trương xử lý điểm nóng của Đảng… Em còn cẩn thận ghi vào góc bảng kế hoạch là “Tôi không đồng ý với kế hoạch này…”

Tôi rất ngạc nhiên khi nghe Chung nói vậy. Sau này, tôi có lần hỏi lại “Tại sao lãnh đạo TP không đồng ý mà Công an Hà Nội vẫn làm?” thì Chung chỉ lắc đầu: “Chuyện lằng nhằng lắm… Mà thôi, anh biết làm gì? Tổ bạc tóc!” (Hết trích).

____________

Tuy bản kế hoạch mật số 419A của công an chưa được chính thức bạch hóa, nhưng với tiết lộ của đại tá Nguyễn Như Phong về cuộc nói chuyện giữa ông ấy với ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hà Nội và là người từng phản đối bản kế hoạch vào thời điểm ấy, cho thấy: Việc các lực lượng công an Bộ và thành phố Hà Nội tấn công vào Đồng Tâm là một kế hoạch được dự mưu, tính toán từ trước, họ chủ động tấn công người dân Đồng Tâm chứ không phải họ bị người dân Đồng Tâm tấn công như từng rêu rao sau ngày 9 Tháng Giêng 2020.

Về phương diện pháp lý, không có quy định luật pháp nào cho phép cơ quan chức năng tấn công vào tư gia của người dân như vậy cả. Như thế, vụ tấn công của công an là hoàn toàn bất hợp pháp. Theo đó, chính lực lượng công an phải chịu trách nhiệm pháp lý một cách toàn diện về việc ba công an thiệt mạng trong vụ tấn công (nếu có) và một công dân khác là cụ Lê Đình Kình bị cố ý bắn tử thương chứ không phải người chịu trách nhiệm là người dân Đồng Tâm.

Đồng thời, việc người dân bị một lực lượng công an hùng hậu đến 3,000 người, được trang bị vũ khí hiện đại đến tận răng vô cớ tấn công, khiến họ phải tự vệ là hoàn toàn chính đáng.

VẤN ĐỀ TỪ CHỐI THỰC NGHIỆM ĐIỀU TRA

“Thực nghiệm điều tra” vô cùng quan trọng trong trường hợp để chứng minh một cách trực tiếp các cáo buộc trong một vụ án mà các tình tiết không rõ ràng, các lời buộc tội không hợp lý, các bằng chứng không thuyết phục, có biểu hiện lời khai không trung thực v.v…

Thực nghiệm điều tra hình sự không phải là một việc mới hoặc là một công cụ điều tra hiện đại, nó đã có từ lâu trong cổ sử. Trong tài liệu về “Khoa học hình sự” có nhắc đến một vụ án mạng xảy ra vào triều đại nhà Ngô (tại Trung Hoa – khoảng năm 220-280 sau Công Nguyên). Một người phụ nữ đã sát hại chồng rồi phóng hỏa thiêu rụi ngôi nhà. Sau đó, cô ấy khai man rằng chồng cô đã chết do hỏa hoạn.

Tuy nhiên, gia đình chồng nghi ngờ cô và tố cáo cô trước cửa quan. Người phụ nữ phủ nhận tội ác của mình. Quan cho bắt hai con heo, giết một con và để con còn lại sống. Sau đó, quan đốt cháy cả hai con heo trong một nhà kho với một đống củi. Khi khám nghiệm sự khác biệt giữa hai con heo bị đốt, cho thấy con heo bị giết trước đó không có tro trong miệng, trong khi miệng của con heo bị thiêu sống có đầy tro. Từ thực nghiệm điều tra này, đối chiếu với người chết trong vụ án mạng đã không thấy có tro trong miệng, có nghĩa là họ đã chết trước khi có hỏa hoạn. Thế nên, người phụ nữ đuối lý đã phải thú nhận tội lỗi của mình.

Trở lại vụ án người dân Đồng Tâm. Cáo trạng quy kết buộc tội người dân Đồng Tâm với câu chuyện hết sức ngây ngô, phi khoa học, rằng người dân Đồng Tâm đã đổ xăng vào một cái thau nhựa màu đỏ, châm lửa rồi dùng chân đẩy qua lại vào hố thiêu chết ba công an.

Với sự hiểu biết thông thường, công chúng đều biết xăng là chất rất nhạy bắt lửa. Nếu có việc châm lửa vào chậu xăng, tất nhiên, người châm lửa sẽ bị thiêu phỏng, thậm chí chết trước khi kịp đẩy cái thau ấy đi đâu. Mà cái chậu nhựa màu đỏ này, sau đó giám định lại cho kết quả không có chất xăng bám dính vào (?!). Và nó trở thành điểm mờ khó hiểu trong hồ sơ vụ án hoặc dễ hiểu hơn, chúng chỉ là câu chuyện do cơ quan cảnh sát điều tra thêu dệt một cách ngây ngô mà thôi.

Giả thiết ba công an nếu rơi xuống hố kỹ thuật là có thật thì ít nhất, đã có đến ba sự tác động xuống hố kỹ thuật có thể tích rất nhỏ này.

Tác động một là từ xăng đổ xuống theo quan điểm của cơ quan cảnh sát điều tra. Tác động hai là từ hai bình CO2 được xịt xuống để cứu hỏa; và tác động ba từ chính vũ khí, vật cháy nổ của chính ba công an.

1/. Tác động từ xăng đổ xuống thì chính người dân Đồng Tâm đã phủ nhận. Đồng thời, cũng chính sự mô tả phi lý như châm lửa vào thau xăng rồi tạt xuống dưới vốn là một hành vi bất khả thi, không thể nào thực hiện được.

2/. Tác động thứ hai là từ hai bình CO2 xịt xuống để cứu hỏa cũng đã có thể là nguyên nhân gây chết người. Vì lẽ, tuy CO2 có tác dụng cứu hỏa, nhưng bản thân chất CO2 cũng là chất thán khí gây ngạt với hô hấp của con người. Trong trường hợp xịt đến hai bình CO2 xuống một hố có thể tích quá nhỏ, cũng có thể làm ngạt thở ba người bên dưới, gây tử vong. Hơn nữa, theo kết quả giám định tử thi, thì trong khí quản bị hại có chất CO2, thì rõ ràng khí đó là từ bình xịt chất CO2 mà thôi.

3/. Tác động thứ ba là từ vũ khí của chính ba công an như súng, đạn, lựu đạn, chất gây nổ, gây khói, pin từ đèn pin… Tất cả chúng cũng đều có thể là tác động gây tử vong đối với những nạn nhân té xuống hố kỹ thuật.

Càng cho thấy, việc thực nghiệm điều tra hiện trường vụ án cần thiết đến mức độ nào, một mặt chúng giúp làm rõ nguyên nhân gây nên cái chết, mặt khác, nó giúp chỉ ra thủ phạm để bảo đảm việc khởi tố, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, không gây oan sai cho người dân vô tội.

Tuy nhiên, việc từ chối thu thập bản kế hoạch 419A của cơ quan công an cùng với việc từ chối thực nghiệm điều tra hiện trường, cơ quan cảnh sát điều tra đã cho thấy quan điểm điều tra hoàn toàn thiên vị, không khách quan là những yêu cầu mà Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định.

Rõ ràng, chính bản kế hoạch mật mang bí số 419A và sự thực nghiệm điều tra hiện trường vụ án đã trở thành điểm yếu, là gót chân Achilles làm lộ mặt trách nhiệm cơ quan công an trong vụ án Đồng Tâm.

Dĩ nhiên, người dân Đồng Tâm sẽ giành lại được công lý, công bằng cho mình, vấn đề còn lại chỉ là thời gian… Chúng sẽ đến bất ngờ như người dân Đông Âu bất ngờ được “giải phóng” thoát khỏi ách Cộng Sản vậy. Vì lẽ đơn giản, điều đó chẳng thể nào đảo ngược.

Tháng Chín 2023

Tròn ba năm ngày xét xử vụ án Đồng Tâm

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: