Sài Gòn Chợ Lớn đìu hiu lạ thường

Đường Trần Hưng Đạo, Quận 5 xưa vốn rộn rịp, nay đóng cửa im ỉm (ảnh: SGN)

Bất chấp nhà nước Việt Nam vẫn lớn tiếng nói rằng kinh tế đang phát triển và có những dấu hiệu phát triển vượt bậc, những con số thống kê, và sự thật ở đời sống mỗi ngày cho thấy mọi thứ không phải như vậy. Một vài tờ báo trong nước đưa tin một cách miễn cưỡng, tiết lộ một con số đáng sợ: Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước đã có hơn 100.000 doanh nghiệp đóng cửa, phá sản hoặc tạm dừng hoạt động.

Sài Gòn, vùng đất của những công dân hạng 2 kể từ sau năm 1975, nhưng lại là nơi phải cống nạp hàng đầu trong cả nước suốt nửa thế kỷ qua để xây dựng “xã hội chủ nghĩa”. Có đến 25.000 doanh nghiệp phải tháo chạy, chiếm 1/5 tổng số của cả nước.

Khắp nơi ở thành phố, các cửa hiệu đóng cửa, trả mặt bằng.

Bình quân mỗi tháng có khoảng gần 17.000 doanh nghiệp đóng cửa. Chỉ cần đi dọc con đường Trần Hưng Đạo ở từ quận Năm ra đến quận Một, ai cũng có thể thấy nhan nhản hình ảnh các doanh nghiệp đóng cửa, trả lại mặt bằng, dán bảng cho thuê… Nhưng mọi thứ vẫn im ỉm mệt mỏi. Nhiều công ty nói họ không còn đơn đặt hàng để làm. Hàng trăm ngàn công nhân bị cho nghỉ việc. Người có tiền thì lo lắng giữ chặt, chuẩn bị cho một giai đoạn khó khăn sắp tới, đặc biệt là vào lúc gần Tết.

Chị T., một người bán hủ tíu trên lề đường Lý Thái Tổ, cho biết, thời gian gần đây khách đến ăn thưa dần. Đời sống ngày càng vắng vẻ. Chị phải đóng cửa sớm hơn thường lệ, bớt nhân viên… Cuối cùng thì chị phải trả mặt bằng để xin người chủ nhà chỉ cho thuê lề đường của chính ngôi nhà đó, nhằm tiết kiệm tiền, cố gắng bán lây lất cho đến mùa Tết.

“Mấy tháng trường như vậy, em không thể nào gánh nổi. Tiền thuê mặt bằng thì 45 triệu/tháng. Rồi còn ba nhân viên phục vụ nữa. Giờ thì em xin thuê lề đường trước này, 7 triệu/tháng, bán từ 5g cho đến hơn 10g tối thôi. Để tiết kiệm, em và chồng cùng mẹ ra bán luôn”, chị T. kể.

(ảnh: SGN)

Những trường hợp như chị T. không phải là ít. Trên Facebook, người ta thấy rất nhiều câu chuyện kể về những người mới ngày hôm qua là CEO của một công ty, chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp… nay phá sản phải chuyển qua chạy xe ôm kỹ thuật số để lo cho gia đình. “Từ đầu năm đến nay khó khăn lắm anh ơi. Hầu như mọi người làm ăn đều chỉ cầm chừng để đợi lúc kinh tế trở lại”, chị T. nói.

Công ty Garmex Sài Gòn – một doanh nghiệp xuất khẩu dệt may có tiếng ở thành phố – nhưng doanh thu trong quý III vỏn vẹn có 73 triệu đồng, còn trước đó cũng không nhận được đơn hàng nào. Từ một hệ thống công ty có 4.000 công nhân viên làm việc ngày đêm, giờ đây chỉ còn 37 người làm việc trong sự tuyệt vọng.

Sự suy thoái kinh tế, ế ẩm và thiếu thốn hiện rõ trên các đường phố. Những tiệm buôn bán, chỗ làm ăn… vụt mở, vụt đóng không còn lại dấu vết trở nên rất thường tình ở Sài Gòn-Chợ Lớn. Thấy vắng, người qua lại hỏi nhau tiệm A, cửa hàng B… mới đây đâu rồi. Nghe đóng, chỉ biết lắc đầu, thở dài: “Sắp Tết tới, khổ rồi đó nha”.

Số công ty, xí nghiệp đóng cửa dừng hoạt động, đẩy ra đường lúc này nửa triệu người thất nghiệp. Đứng đầu vẫn là miền Nam như Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai… Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong nước mới đây cho biết, trong nửa đầu năm 2023, Việt Nam có khoảng hơn 500.000 người (khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp) không có hoặc thiếu việc làm. Trong số này, 54% lao động bị thôi việc, mất việc. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cảnh báo tình trạng lao động thất nghiệp vẫn không giảm vì lúc này, gần 100.000 hồ sơ doanh nghiệp nộp đơn xin đóng cửa và cho người lao động nghỉ việc, vẫn đang chất chồng chờ giải quyết.

Đèn năm ngọn – chợ vải Soái Kình Lâm lừng danh nay thưa thớt người qua lại. (ảnh: SGN)

Chỉ còn một tháng nữa là vào mùa Giáng Sinh, rồi Tết Tây… nhiều công nhân không còn biết làm gì, đành ráng cầm cự chờ lúc có thể tìm cách mua bán chút gì đó, ngóng người thuê làm việc thêm cho chuyến về quê đón Tết Âm lịch. Còn không biết đi đường nào thì ngày nào cũng đi ra ngoài, quơ quào có việc gì làm việc nấy.

Hai vợ chồng bà M. công nhân ở Bình Dương vì bị cho thôi việc, nói “Mỗi tuần ổng làm 2-3 ngày công. Ngày trước mỗi ngày ăn 50 ngàn thì nay mình ăn chỉ 20-30.000. Lãnh lương ra mình để lại 500.000 phòng thân, lỡ khi bị bệnh còn xoay xở kịp. Nếu tháng đó không bệnh thì xem như mình còn 500.000, còn bệnh thì coi như mất. Ở quê mình còn đi bắt cua bắt ốc được, còn ở đây chỉ đi làm như vậy thôi chứ đâu còn làm gì được nữa”, bà M. tâm sự.

Nhiều cửa hàng mở, cố gắng từng ngày, vì mất hẳn lượng khách như năm trước (ảnh: SGN)

Từ gần 50 năm nay, dân miền Nam vẫn cầm cự lây lất qua những ngày tháng khó khăn trong chế độ mới, nhờ vào sự tiếp sức của gia đình, người thân ở hải ngoại. Tới cuối tháng Chín 2023, lượng kiều hối chuyển về riêng Sài Gòn đạt $6,687 tỷ, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 101,3% so với cả năm 2022.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Sài Gòn, nói như trúng số: “Kiều hối chuyển về tăng trưởng tốt có tác động tích cực đến nền kinh tế trên nhiều phương diện. Đây là nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế xã hội nói chung và thành phố nói riêng, tạo điều kiện cho người dân”. Chưa năm nào như năm nay, quan chức cộng sản phải nói thật về sự túng thiếu của nền kinh tế, đồng thời mừng ra mặt khi thấy số tiền như trên trời rớt xuống của người dân hải ngoại gửi về nước.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: