Trung tâm Sài Gòn có những ngôi nhà ổ chuột

Toàn cảnh khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh trong đó có khu dân cư Mả Lạng lụp xụp tăm tối giữa những cao ốc rực rỡ ánh đèn xung quanh – Ảnh: Vnexpress

Hình ảnh những ngôi nhà ổ chuột chỉ rộng 4 – 5m2 (43-53 square feet) ở trung tâm Sài Gòn tràn ngập các báo trong nước hôm 16 Tháng Ba 2023.

Đó là khu Mả Lạng (thuộc khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, giới hạn bởi 4 tuyến đường gồm Nguyễn Trãi – Trần Đình Xu – Nguyễn Cư Trinh – Cống Quỳnh, thuộc phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) bao gồm 1,424 căn nhà mái tôn lụp xụp, trong đó có 530 căn nhà dưới 20m2 (215 square feet). Khu vực này chỉ cách chợ Bến Thành chưa đến 1km (0.6 miles).

Điều này được nhắc lại sau khi có quyết định của Ủy ban thành phố (Sài Gòn) mới đây từ chối cho Bitexco tiếp tục đầu tư dự án xây dựng khu khách sạn – cao ốc văn phòng – trung tâm thương mại tại khu vực này. Như vậy sau 23 năm, chủ trương giải tỏa khu dân cư Mả Lạng với tổng diện tích 6.8 ha (16.8 acres) nhằm chỉnh trang đô thị của nhà cầm quyền thành phố đã thất bại. Năm 2000, dự án chỉnh trang đô thị khu vực này được giao cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn thực hiện, đến năm 2006 đã được chuyển giao cho Bitexco, nhưng từ đó đến nay, dự án này chỉ là “bánh vẽ” và công ty này không làm gì cả, khiến việc sửa chữa – xây dựng mới – mua bán nhà cửa ở đây hoàn toàn bị “treo”.

Trước 1975, nơi này là nghĩa địa với hàng chục ngôi mộ nằm xen lẫn nhà dân. Những năm 1977-1982, các ngôi mộ được dời đi, nhường chỗ cho những người dân vốn gốc ở đây, bị đuổi đi “kinh tế mới” thất bại trở về, làm nghề tự do như chạy xe ôm, bán hàng rong, phụ hồ, nhặt ve chai, phế liệu. Hơn 20 năm, nhiều gia đình phải chen chúc trong không gian chật hẹp, ẩm thấp vì thiếu ánh sáng, chỗ ngủ chỉ là nơi ngả lưng giữa đống đồ đạc lộn xộn vây quanh. Có nhà phải cơi nới thêm gác, nhưng cầu thang phải đưa ra đường hẻm. Còn đường hẻm chỉ hơn 1m (39 inches) là nơi đậu xe gắn máy, xe đạp, thậm chí làm nơi nấu nướng, cất trữ đồ đạc, trông rất bừa bộn, tối tăm và nhếch nhác.

Gia đình ông Nguyễn Quang Hải có 4 người đang thuê căn nhà 4m2 với giá 2 triệu đồng/tháng để sinh sống – Ảnh: Vnexpress

Phóng sự ảnh trên Vnexpress, kể về gia đình bà Võ Thị Cẩm Thoa gồm 12 người chui ra chui vào trong căn nhà 15m2 (161 square feet) với hai gác tạm, phải leo cầu thang ở hẻm 245/69 Nguyễn Trãi. Bà Thoa làm nghề buôn bán, theo chồng về khu Mả Lạng sinh sống từ năm 1986. Bà than: “Lúc tôi 19 tuổi đã nghe có tin di dời, giải tỏa khu này mà giờ tôi 56 tuổi vẫn chưa thấy đâu. Nhà cửa cũng không dám xây mới hay sửa sang nên cứ lụp xụp”.

Gia đình ông Nguyễn Quang Hải (51 tuổi) có 4 người, sinh hoạt trong căn nhà 4m2 (43 square feet) chỉ vừa lối đi với giá thuê 2 triệu đồng/tháng ($84/tháng). Hàng ngày, ông Hải chạy xe ôm và phụ vợ chở rau đem bán. Mỗi ngày, hai vợ chồng kiếm được 300,000-400,000 đồng ($12.7 – $16.9), vừa đủ tiền trọ, xăng xe và tiền ăn học cho con.

Nhà của bà Trần Thị Lan (70 tuổi) ở gần đó cũng chỉ có 6m2 (64 square feet). Bà Lan phụ con cháu làm cải để bán mì xào, ngoài bà còn có sáu người con/cháu, cùng với bà chị gái đang bệnh nằm một chỗ.

Thảm nhất là ông Nguyễn Ngọc Tấn, 67 tuổi, ngồi một chỗ giữa đám đồ dùng lỉnh kỉnh vì sau trận đột quỵ, ông không còn sức lao động. Do mất giấy tờ trong chiến tranh, đến nay ông vẫn chưa có căn cước hay hộ khẩu, dù cũng làm đủ thứ đơn trình báo. Ông buồn bã nói: “Tôi chỉ muốn có một tờ giấy chứng minh mình là công dân mà cũng không được, cứ chờ hoài”. Là dân sống ở đây từ nhỏ, khi nơi này từng là khu nghĩa địa, với vài dãy nhà tường, sau năm 1975, ông đi kinh tế mới, không làm ăn gì được ở rừng đành phải quay về chốn cũ và được cấp cho căn nhà ở đến nay.

Thế nhưng tại sao dù sống khổ như vậy, người dân vẫn không đi tìm nơi sống khác mà vẫn chịu đựng ở đây? Chia sẻ với ZingNews ngày 16 Tháng Ba, một cư dân là ông Đỗ Văn Sỹ (74 tuổi) cho biết dù sống chui rúc, chật chội nhưng mãi rồi cũng thành quen; đa số người dân ở đây làm nghề tự do, làm ngày nào ăn ngày nấy nên không có dư để lựa chọn chỗ ở tốt hơn; mặt khác ông cho rằng sống ở đây vẫn tốt hơn là bị di dời, do công việc tự do hàng ngày của họ đã có nhiều mối quen ở khu trung tâm, dễ làm ăn, chứ đi xa thì trắng tay!

Đường hẻm khu Mả Lạng trở thành chỗ để xe và nhà kho chứa các vật dụng của mỗi nhà – Ảnh: Tuổi Trẻ

Theo báo Đầu Tư ngày 16 Tháng Ba, cuộc họp ngày 20 Tháng Hai 2023 của nhà cầm quyền thành phố với người dân đã nói rõ tuy bỏ nhà đầu tư Bitexco nhưng lại sẵn sàng đón nhận nhà đầu tư khác, có nghĩa là  người dân vẫn phải tiếp tục chờ đợi (không biết đến bao giờ), còn trước mắt, cuộc sống của họ vẫn không có gì thay đổi.  Điều này, với không ít người đang sống ở Mả Lạng, có khi lại là may mắn.

Ngoài khu Mả Lạng, Sài Gòn còn 5 dự án cũng “treo lơ lửng” vài chục năm nay. Lao Động ngày 16 Tháng Bảy 2022 đã điểm tên 5 dự án đó là: Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa (quận Bình Thạnh), dự án phê duyệt từ 1992, đến nay hàng ngàn gia đình không được sửa nhà, xây mới và cũng không được mua bán có giấy tờ đàng hoàng; Khu  đô thị Tây Bắc ở hai huyện Củ Chi và Hóc Môn, dự án phê duyệt từ 1998, với khoảng 50,000 người dân sống trong khu quy hoạch treo; Công viên Sài Gòn Safari (xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi), dự án phê duyệt từ năm 2004; Ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức) được duyệt quy hoạch từ năm 2002, với hơn 3,000 gia đình bị vướng quy hoạch treo; Rạch Xuyên Tâm dài 8km (4.9 miles), đi qua hai quận Gò Vấp và Bình Thạnh, được phê duyệt làm sạch và khơi thông dòng chảy từ năm 2002, đến nay vẫn là dòng kinh ô nhiễm nhất Sài Gòn vì chứa đủ loại rác của người dân xả xuống đó.

Những dự án hình thành khu đô thị mới ở Sài Gòn bị “treo lơ lửng” là do không có nhà đầu tư, hoặc có… rồi sau thoái lui, hoặc “án binh bất động”. Nghĩa là dự án trên giấy thì vẽ ra đủ thứ, nghe có vẻ hấp dẫn nhưng sau khi khảo sát thực tế thì cuối cùng chả có ai chịu bỏ tiền ra. Đấy, ngay như dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh quận 1, tưởng ngon nhất rồi mà 23 năm sau, vẫn chỉ là khu ổ chuột.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: