Việt Nam: Cử nhân, thạc sĩ giấu bằng đi làm công nhân

Nhiều sinh viên tìm cơ hội việc làm tại các hội chợ việc làm – Ảnh: Lao Động

Có 84.42% người tìm việc ở Việt Nam có bằng cử nhân, thạc sĩ, trong khi nhu cầu tuyển dụng của thị trường chỉ có 19.73% công việc dành cho họ.

Trong khi đó, các công ty lại dành đến 80.27% công việc cho người lao động phổ thông, sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nhưng tuyển không ra người.

Bức tranh thừa thầy, thiếu thợ ở Việt Nam đang hiển thị rõ nét hơn bao giờ hết.

Dân Trí ngày 22 Tháng Bảy cho biết các công ty có nhu cầu tuyển dụng 21,198 lao động phổ thông nhưng chỉ có 601 người đăng ký; cần tuyển 28,970 lao động sơ cấp, nhưng chỉ có 258 người đăng ký; cần tuyển 37,511 lao động trung cấp nhưng chỉ có 1,346 người đăng ký; cần tuyển 35,621 lao động cao đẳng thì chỉ có 6,640 người đăng ký.

Thống kê trong sáu tháng đầu năm 2023 của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố (Falmi, trực thuộc Sở Lao động thành phố) cho thấy, công ty cần hơn 23,000 chỗ làm việc (chiếm 15.01% tổng nhu cầu nhân lực) ở nhóm lương thấp (dưới 5 triệu đồng/tháng), chủ yếu là lao động phổ thông. Tuy nhiên, chỉ có 0.68% người tìm việc chọn mức lương này.

Hầu hết lao động phổ thông đều tìm việc ở mức lương 5-10 triệu đồng/tháng, nếu không đạt được mức lương này, họ sẽ chuyển sang tìm kiếm các công việc tự do, với mức thu nhập theo ngày, chứ không tìm việc ở thị trường lao động chính thức.

Nhu cầu tuyển dụng lớn nhất của các công ty Việt Nam là bằng trung cấp và cao đẳng nghề nhưng kiếm không ra người – Ảnh: Dân Trí

Tính theo ngành nghề, hai nhóm ngành mà công ty có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất là kinh doanh thương mại (38,000 chỗ làm việc) và dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ (cần hơn 14,000 chỗ làm việc).

Hầu hết các vị trí tuyển dụng ở hai nhóm ngành này đều là lao động phổ thông như: Nhân viên bán hàng và tư vấn bán hàng; nhân viên kinh doanh; cộng tác viên bán hàng trên mạng; bảo vệ; nhân viên đóng gói hàng hóa; nhân viên dọn dẹp vệ sinh…

Tuy nhiên, cả hai nhóm ngành này đều khó tuyển được người làm. Như nhóm ngành dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ, công ty cần hơn 14,000 người nhưng chỉ có 251 người ứng tuyển.

Ngoài nhóm lao động phổ thông, các công ty tại Sài Gòn còn cần tuyển dụng gần 36,000 lao động trình độ cao đẳng, gần 38,000 lao động trình độ trung cấp và gần 29,000 lao động trình độ sơ cấp.

Thế nhưng, chỉ có gần 7,000 lao động trình độ cao đẳng, gần 1,400 lao động trình độ trung cấp và 258 lao động trình độ sơ cấp đăng ký tìm việc!

Ngược lại, hơn 64,000 người có trình độ từ đại học trở lên tham gia tìm việc làm nhưng số chỗ việc làm dành cho họ chỉ có hơn 30,000.

Lao Động ngày 24 Tháng Bảy 2023 cũng cho biết nhiều người tốt nghiệp đại học đành chấp nhận đi làm việc như công nhân, thậm chí có trường hợp phải giấu bằng đại học, chỉ dùng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông để đi xin việc.

Như trường hợp của anh Nguyễn Tuấn An (quê Trà Vinh) sau khi tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành công nghệ in (ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật thành phố) đã xin vào làm công nhân tại công ty In số 7 (KCN Tân Tạo thành phố) và được bố trí học việc trên dây chuyền máy in.

Nói về vấn đề này với Lao Động, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn công ty Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao thành phố) cho biết, trên thực tế, nhiều cử nhân, kỹ sư sau khi tốt nghiệp đại học đã phải giấu bằng cử nhân hay kỹ sư, chỉ lấy bằng tốt nghiệp THPT để xin việc trong các nhà máy, công ty, vì nhu cầu tuyển dụng của họ không cần nhân lực có trình độ đại học.

Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và nguồn cung của thị trường đang có sự chênh lệch về mức lương, trình độ chuyên môn – Nguồn: Falmi

VietnamPlus ngày 24 Tháng Bảy dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết có 100,000 công ty ngừng hoạt động trong sáu tháng đầu năm 2023, một dấu hiệu đáng lo ngại về “sức khỏe doanh nghiệp” khi chỉ còn hơn 5 tháng nữa là hết năm 2023.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, đại diện Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, phản ảnh nhiều công ty trong ngành đang đuối sức, không đủ sức gồng nữa. Thế nhưng thủ tục phê duyệt một dự án bất động sản vẫn hành công ty.

Để thực hiện một dự án bất động sản, doanh nghiệp phải cần tới 40 con dấu phê duyệt của bộ, ngành. Doanh nghiệp nào làm nhanh thì mất 2.5 năm, còn doanh nghiệp chậm mất từ 5-10 năm mới xong thủ tục, vì mỗi địa phương quan niệm thủ tục đầu tư dự án bất động sản khác nhau, vì văn bản pháp luật chưa rõ ràng, ai hiểu như thế nào cũng được!

Bên cạnh đó, cán bộ, công chức đang có hiện tượng né tránh, đùn đẩy công việc, vì sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền, đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh ngày càng khó khăn hơn. Điều đó khiến nhiều công trình, dự án bị kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, doanh nghiệp mất cơ hội đầu tư.

Đồng quan điểm, TS. Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa có ba khó khăn dai dẳng: Một là thiếu vốn; hai là khó tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ; ba là thiếu mặt bằng sản xuất và vướng mắc trong thủ tục hành chính.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: