‘Cung Đàn Việt Nam’ của Đoàn Lạc Hồng đậm nét truyền thống dân tộc

Kayla Trần độc tấu tỳ bà bài “Về Miền Sông Nước” sáng tác Nguyễn Châu, với phụ đệm của Ban Nhạc Thanh Thiếu Niên Lạc Hồng. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Sau bốn năm vắng bóng vì đại dịch COVID-19, Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng trở lại trình diễn tại Little Saigon với chủ đề “Cung Đàn Việt Nam,” và các thành viên trẻ đã cống hiến đến cộng đồng một chương trình mang nhiều thể loại âm nhạc của cả ba miền Bắc, Trung, Nam cùng những vũ điệu đặc sắc qua 15 tiết mục trình diễn.

Các tiết mục âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam đặc sắc này của Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng (thuộc Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống Việt Nam) trình diễn tại thính phòng Rose Center, Westminster, chiều Chủ Nhật, 27 Tháng Tám, cũng nhằm mục đích gây quỹ giúp cho Ban Nhạc Thanh Thiếu Niên Lạc Hồng, giúp các em tiếp tục duy trì và phát triển những dự án của mình.

Tiếng sáo trúc do Kim Sơn hòa tấu cùng dàn nhạc Thanh Thiếu Niên Lạc Hồng mở màn với bài “Cung Đàn Việt Nam” do Giáo Sư Nguyễn Châu sáng tác cho sáo, hòa tấu cùng dàn nhạc, nhận được tràng pháo tay không dứt. Tiếp nối là tiết mục độc tấu đàn tỳ bà “Về Miền Sông Nước” cũng do Giáo Sư Nguyễn Châu viết khi thăm chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ, được Kayla Trần đàn tỳ bà hòa cùng Ban Nhạc Thanh Thiếu Niên Lạc Hồng.

Tiết mục thổi sáo “Cung Đàn Việt Nam” do Kim Sơn (bìa phải) cùng Ban Nhạc Thanh Thiếu Niên Dân Tộc Lạc Hồng trình diễn. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nhạc chèo cổ truyền trong tiết mục kế tiếp là một thể loại tương đối khó trình bày, là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam. Chèo phát triển mạnh ở phía Bắc Việt Nam với trọng tâm là vùng đồng bằng sông Hồng, được coi là loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình, đủ các thể loại như anh hùng ca, sử thi, thơ ca giáo huấn, thơ ca văn học trữ tình, lãng mạn… Trong nhạc phẩm “Đào Liễu,” bài hát chèo diễn tả một người con gái xinh đẹp, do Emily Nguyễn đơn ca.

Sân khấu sôi động trở lại với điệu múa “Vũ Triều Đình” do vũ sư Lưu Hồng biên soạn, Ban Vũ Lạc Hồng trình diễn, phát triển từ vũ điệu triều đình của nhà Nguyễn vào thế kỷ 19.

Ca sĩ Thúy Anh (bìa phải) đơn ca “Cổ Bản,” Giáo Sư Nguyễn Châu (bìa trái) đàn nguyệt, cùng Ban Thính Phòng Huế trình bày. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Thính giả tạm dừng chân ở Huế để thưởng thức bài “Cổ Bản” do ca sĩ Thúy Anh hát trong không khí trang trọng của nhạc thính phòng Huế, mở đầu là câu hò mái nhì, với sự phụ họa của Ban Nhạc Thính Phòng Huế. Đặc biệt, Giáo Sư Nguyễn Châu đệm đàn nguyệt cho nhạc phẩm này.

Vừa rời khỏi Huế, thính giả lại lên thăm các liền anh liền chị của vùng Bắc Ninh với câu Quan Họ “Cái Hời Cái Ả” giữa những liền anh, liền chị khác làng hát đối đáp với nhau, do Hội Ái Hữu Đồng Hương Bắc Ninh trình diễn. Quan Họ là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng, được Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Trong nhạc phẩm “Mùa Hoa Anh Đào” của nhạc sĩ Thanh Sơn, mang hơi hướng giai điệu ngũ cung của Nhật Bản, gợi nhớ tiếng đàn koto vang lên bên những cánh hoa đào phất phơ trước gió Thu. Giáo Sư Nguyễn Châu soạn cho đàn tranh hòa tấu cùng Ban Trống Lạc Hồng.

“Xuân Thanh Bình” sáng tác Nguyễn Châu, với tiếng đàn bầu của Luke Trần (bìa trái, hàng đầu), cùng Ban Hòa Tấu Thanh Thiếu Niên Lạc Hồng. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Không khí rộn ràng sôi nổi hẳn lên trong bản hòa tấu “Lý Ngựa Ô Huế” và “Lý Ngựa Ô Nam” (Dân Ca Miền Trung và Miền Nam), do Kayla Trần biên soạn cùng Ban Hòa Tấu Thanh Thiếu Niên Lạc Hồng trình diễn. Cả hai bài đều mang tiết điệu vui tươi trẻ trung, diễn tả khung cảnh đám cưới, với tiếng lục lạc rộn ràng, phơi phới, mừng chú rể đưa cô dâu về nhà mới.

Tiết mục song ca Trưng Vương-Trưng Nhị, nhạc tài tử miền Nam, do Giáo Sư Phạm Văn Nghi và Nguyễn Châu biên soạn, Kim Oanh và Thanh Vy trình diễn, Ban Nhạc Tài Tử Lạc Hồng đệm phụ họa. Đây là thể loại đờn ca tài tử Nam Bộ khoảng cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Để kết thúc chương trình, Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng dành một tác phẩm bất hủ của nhạc sĩ Lê Thương, gồm ba bài “Hòn Vọng Phu I, II và III.” Giáo Sư Nguyễn Châu soạn hòa âm cho hòa tấu hợp xướng. cùng toàn ban Lạc Hồng.

“Múa Dù” sáng tác vũ sư Lưu Hồng, Ban Vũ Lạc Hồng trình bày. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Thấp thoáng trong “Hòn Vọng Phu” là những câu thơ, điển tích của “Chinh Phụ Ngâm” như “Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mù/ Bên Tiêu Tương còn thương tiếc bao ngàn trùng.” Với nguyên tác của “Chinh Phụ Ngâm” thì chuyện người thiếu phụ vì bồng con chờ chồng chiến chinh trở về mà hóa đá là một câu chuyện bi thảm, nhưng qua âm nhạc Lê Thương, lại mang tính vừa bi ai vừa hùng tráng.

Trong “Hòn Vọng Phu 1,” “Đoàn Người Ra Đi,” người chồng theo lệnh vua tòng quân với lời hẹn ước chỉ một thời gian sẽ trở về. Nhưng ai ngờ vợ chồng, “Người đi ngoài vạn lý quan san/ Người đứng chờ trong bóng cô đơn.”

Sang “Hòn Vọng Phu 2,” “Ai Xuôi Vạn Lý,” thời gian cứ trôi. Người vợ chờ đợi mãi vẫn không thấy chồng về. Chiều nào nàng cũng bồng con ra ngóng tin chồng, ngày tháng dần trôi, nàng và con dần hóa đá vì mòn mỏi chờ chồng.

Hợp xướng trường ca “Hòn Vọng Phu I, II, III” do Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng trình diễn. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong “Hòn Vọng Phu 3,” “Người Chinh Phu Về,” người chồng sau khi vượt qua biết bao gian khổ, hiểm nguy nơi chinh chiến, trở về với vợ con nhưng chỉ còn “vết bước đi trên phiến đá mòn còn in dấu” và nỗi tiếc thương còn lưu truyền mãi đến muôn đời sau.

Phải nói màn hòa tấu “Hòn Vọng Phu” là một tổng lực hài hòa đưa đến thành công trong tiết mục này, với tất cả các loại nhạc cụ cùng ban hợp xướng Lạc Hồng đã đưa người thưởng thức đến cực điểm của một thiên bi hùng ca tráng lệ của âm nhạc Việt Nam.

Trong việc tiếp nối truyền thống của Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, những thế hệ trẻ đã sẵn sàng tham dự vào công việc điều hành, tự tổ chức những khóa học đào tạo về cách trình diễn nhạc cổ truyền, cùng tập luyện, học hỏi lẫn nhau.

Nhạc sinh Kim Sơn đã tốt nghiệp Cal State Fullerton, học đàn nguyệt (đàn kìm) nơi Giáo Sư Nguyễn Châu từ hơn năm năm nay, cho hay: “Việc học thì luôn học mãi chứ không dừng. Vừa rồi có một đoàn làm phim đến nhờ đánh đàn, và thầy Châu tin tưởng giao nhiệm vụ này nên em càng tự tin hơn.”

Gia đình Nha Sĩ Mộng Lan đi ủng hộ con gái trong buổi trình diễn “Cung Đàn Việt Nam.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Ở Mỹ nếu mình chơi nhạc cụ Tây phương cũng rất hay nhưng cho dù có chơi giỏi cách mấy cũng không sao nói lên được ngôn ngữ của mình. Mà âm nhạc dân tộc chính là hồn dân tộc, nhạc cụ cổ truyền Việt Nam chắc chắn sẽ nói lên được tiếng lòng của mình, đó chính là hồn dân tộc, là văn hóa của mình,” em Kim Sơn chia sẻ.

Giáo Sư Monte Ung cho hay: “Tôi rất thích Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, nơi đây như một đại gia đình quy tụ nhiều tài năng trẻ gốc Việt, cùng chọn cho mình những nhạc cụ cổ truyền Việt Nam để học và biểu diễn nơi xứ người, giữ vững truyền thống văn hóa Việt, thật đáng khâm phục!”

Nha Sĩ Mộng Lan, đi theo ủng hộ con gái học đàn tranh, đàn bầu, và đàn tỳ bà nơi Giáo Sư Nguyễn Châu, cho hay các em sinh ra và lớn lên ở Mỹ vẫn biết tìm về quê hương trong chính mình qua những âm điệu nhạc cổ truyền Việt Nam.

Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống Việt Nam, từ phải, Giáo Sư Nguyễn Châu, giám đốc, trưởng Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng; bà Michelle Nguyễn, phó chủ tịch nội vụ hội; Giáo Sư Nguyễn Mai, cố vấn, nguyên chủ tịch hội; bà Băng Tâm, chủ tịch kiêm tổng giám đốc hội; nhạc sinh Kayla Trần, phụ tá đoàn; ông Tạ Trung, phó chủ tịch ngoại vụ của hội. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Các em đã biết tự quay về với quê hương đất nước, với ông bà tổ tiên của mình, đó là sự tiếp nối cội nguồn của mình, không mất đi. Cứ tưởng ở hải ngoại không được tiếp xúc nhiều với văn hóa Việt Nam, nhưng văn hóa ấy lại chính ngay trong từng tế bào con người, mà âm nhạc Việt đã nằm sẵn trong những yếu tố di truyền ở các bạn trẻ lâu đời, khi gặp đúng thời đúng duyên sẽ phát triển, âm nhạc cổ truyền đánh động ngay hạt giống có sẵn trong từng tế bào, tự bản thân các em sẽ biết đi đúng hướng,” cô nói.

“Bài ‘Lý Ngựa Ô Huế và Nam’ do em Kayla biên soạn cho Ban Nhạc Thanh Thiếu Niên Lạc Hồng, muốn giới thiệu đến người Mỹ và các cộng đồng bạn thấy được sức sống mãnh liệt của dân tộc, cũng chính là những âm điệu trong ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam. Tôi nghĩ rằng những dòng huyết quản chảy trong từng em gốc Việt sẽ không bao giờ ngừng, chỉ gặp thời đúng lúc với đầy đủ những nhân duyên sẽ phát huy, điều đó thể hiện qua lớp trẻ hiện nay, là sự tiếp nối của dòng máu Việt trong văn hóa nước nhà,” cô chia sẻ.

Em Kayla Trần học nhạc với Giáo Sư Nguyễn Châu đã 15 năm và đều thành thạo những nhạc cụ cổ truyền Việt Nam. Em thường tổ chức những khóa học về cách trình diễn nhạc cổ truyền, cùng nhau tập đàn, học hỏi lẫn nhau.

Toàn thể dàn nhạc Thiếu Niên Dân Tộc Lạc Hồng trong buổi trình diễn “Cung Đàn Việt Nam.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Ban đầu do gia đình khuyến khích, nhưng sau này do em tự tìm tòi học hỏi và học đàn nơi thầy Châu. Em nghĩ rằng khi em sinh ra và lớn lên ở Mỹ mà nói được tiếng Việt và chơi được nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, vẫn có nhiều ưu điểm hơn đối với các bạn gốc Việt khác, và rất hãnh diện khi mai sau ra đời,  em chính là người Việt Nam. Em cũng thường nhắc nhở bạn bè rằng hãy yêu tiếng Việt và văn hóa Việt, em làm được thì bạn mình cũng sẽ làm được, mặc dù em chưa bao giờ về Việt Nam,” em Kayla hãnh diện nói.

Với 15 tiết mục trình diễn, chương trình “Cung Đàn Việt Nam” mang hơi thở hồn dân tộc đã qua những dư âm vẫn vang vọng mãi trong từng nhịp đập con tim người dân Việt xa xứ, với ước vọng nước Việt mãi trường tồn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: