Cây dâu của Bụt

(hình minh họa)

Làng Hoàng Hạ có một khúc sông chảy ngang qua, chia làng thành hai phần. Phần bên Đông gọi là Hoàng Nội có làng mạc, quán xá. Phần bên Tây gọi là Hoàng Ngoại là đồng ruộng, bãi dâu.

Trên khúc sông ấy người ta thấy sáng sáng có thả một con đò. Những ngày sương mờ khói phủ, đò như lướt đi trong mây, lại vẳng có tiếng hát trong trẻo như tiếng của tiên nữ.

Con đò ấy của nàng Châu Anh, một thôn nữ làng Hoàng Hạ. Gia đình nàng làm nghề trồng dâu nuôi tằm, quay tơ dệt lụa. Châu Anh chăm chỉ lắm, sáng tinh sương đã chèo đò sang Hoàng Ngoại hái dâu. Những người cần sang Hoàng Ngoại thường được nàng Châu Anh cho quá giang mà không đòi tiền, ai cho bao nhiêu thì nhận, ai không có tiền cũng chẳng sao.

Châu Anh đẹp người đẹp nết, đàn ông con trai nào đã gặp một lần là sinh lòng quyến luyến không sao quên được. Bởi thế Hoàng Hạ có câu vè:

Muốn quên có được đâu nào

Nhớ người thục nữ má đào ươm tơ.

Không được ai dạy mà trẻ con hay hát câu vè ấy. Châu Anh không lấy làm điều. Tuy nhiên khi cánh đàn ông hát câu vè ấy có ý chòng ghẹo thì Châu Anh thẹn đỏ mặt.

Một hôm đã giữa giờ Mão mà trời còn đầy sương, Châu Anh bắt đầu đưa đò ra khỏi bến thì nghe có tiếng gọi:

– Đò ơi, cho quá giang với!

Giọng gọi in như của đàn ông con trai nhưng thanh lịch lắm, không giống những giọng Châu Anh đã nghe. Trời sương mù chưa tỏ mặt người nên Châu Anh hỏi:

– Ai gọi đò đấy?

Giọng kia đáp:

– Người không quen.

Tự nhiên Châu Anh đâm ra bạo dạn, nàng nói:

– Người không quen thì không cho quá giang!

Giọng kia đáp:

– Cho quá giang rồi sẽ đền công.

Châu Anh hỏi:

– Đền công bằng gì?

Giọng kia:

– Một bài thơ nhé!

Châu Anh lấy làm lạ quá. Để đền công cho quá giang, người thì mấy đồng, có người đãi hẳn một tiền. Cũng có người lên bờ để lại nải chuối, chục hồng, không có ai đền công bằng bài thơ. Tò mò cũng có mà phần nào cảm tình với giọng nói đó cũng có, Châu Anh trả lời:

– Chả biết bài thơ là làm sao, nhưng thôi, xuống đò đi.

Người kia xuống đò trong lúc Châu Anh chống sào giữ cho đò bớt tròng trành.

Đó là một thư sinh còn trẻ, đầu đội khăn đống chữ nhân, mình mặc áo lương đen, vai khoác tay nải; y phục đã cũ nhưng gọn gàng, tươm tất.

Đò rời bến. Châu Anh thong thả chèo, đôi cánh tay thật nhịp nhàng. Thư sinh yên vị, cất tiếng nói:

– Chắc còn lâu mới sang được bến bên kia. Đò hát một bài cho vui đi.

Châu Anh đáp:

– Đò không biết hát!

Thư sinh cười:

– Đò điêu lắm nhé. Hôm nọ đứng trên bờ người ta nghe Đò hát hay ôi là hay!

Châu Anh cúi mặt không nói gì. Thư sinh bảo:

– Hay để người ta làm tặng bài thơ, rồi Đò hát theo bài thơ ấy vậy.

Châu Anh đặt luôn cho thư sinh cái tên Người Ta, trả lời:

– Thì Người Ta làm bài thơ đi xem nó ra làm sao.

Thư sinh trầm ngâm một lúc như tìm tứ thơ rồi hắng giọng đọc:

– Cái con người ngọc kia ơi

Cho tôi vay một nụ cười được không?

Hẳn là người ngọc chưa chồng

Cho tôi trả một cành hồng làm thân.

Người đâu trong ngọc trắng ngần

Cái miệng thì ngọt, cái thân thì mềm

Má hồng nên lại xinh thêm

Đẹp sao cứ giống như tiên giáng trần

Tóc dài gần đến gót chân

Để tôi vấn giúp thêm phần duyên trang

Người ngọc ơi, ước có nàng

Để cho chẳng phải bẽ bàng tình ai.

Châu Anh nghe thơ, biết là thư sinh có ý tỏ tình, đỏ mặt chẳng nói chẳng rằng. Thư sinh nói:

– Đò ơi, thơ của Người Ta đấy. Đò hát lên đi.

Châu Anh trả lời:

– Thơ gì lạ thế. Đò xấu hổ, Đò không hát.

Để cho thư sinh năn nỉ ba bốn lần, Châu Anh mới theo vần theo điệu bài thơ mà hát lên. Nàng thêm vào những tiếng ối a, í i… làm cho câu hát thêm hay, thêm quyến rũ. Thư sinh ngẩn người ngồi nghe.

Ba hôm liền Châu Anh đưa đi đón về chàng thư sinh ấy. Đến ngày thứ ba, đang lúc chuyến về thì trời đổ mưa. Đò lạnh, run lập cập, để Người Ta choàng tay ôm vào lòng. Thế là hai người yêu nhau.

Yêu rồi, lúc nào Châu Anh cũng nghĩ đến chàng thư sinh mà nàng gọi là Người Ta. Thấy Người Ta ăn mặc đơn bạc, Châu Anh thương lắm. Nàng chăm chỉ kéo tơ, dệt một tấm lụa vàng óng, may cho Người Ta một cái áo. Áo may xong, Châu Anh gói kỹ trong tấm lá chuối đem theo lên đò, đợi hôm vắng khách quá giang, đưa cho Người Ta, giục vào khoang trong thay áo. Thư sinh mặc áo lụa vàng, xinh trai thêm bội phần. Đò nhìn Người Ta, yêu quá.

Ấy thế mà bẵng đi một tháng, thư sinh không quá giang nữa. Châu Anh nghĩ Người Ta bận việc, thế nào rồi cũng trở lại với Đò, nhưng rồi ba tháng, nửa năm, tròn năm… Người Ta mất dạng. Đò buồn thê buồn thảm.

Ba năm trôi qua, Đò vẫn nhớ Người Ta. Có đêm Đò thức giấc giữa canh khuya, ra bờ ao ngắm sao trên trời, tự hỏi rằng mình có nên đợi chờ nữa không.

Đêm đêm tưởng dải Ngân hà,

Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn… (*)

Để rồi cứ nhất định chờ:

Đá mòn nhưng dạ chửa mòn,

Tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ. (*)

Kịp đến khi cha mẹ giục lấy lẽ một phú hộ trong làng, Châu Anh dứt áo, bỏ nhà đi tu. Sư trưởng biết trước đây Châu Anh chèo đò từ bến bên này sang bến bên kia, mới đặt pháp danh cho nàng là Thích Nữ Từ Độ, có nghĩa là cái bến lành. Thế là từ đó ni cô Từ Độ cố quên mình là thục nữ Châu Anh, là cô gái chèo đò hái dâu mà có một người tên là Người Ta gọi nàng là Đò.

(ảnh: doantrang/SGN)

Vốn làm nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, ni cô Từ Độ gây một mảnh vườn dâu nhỏ ở hậu viên nhà chùa. Ngoài những lúc tụng niệm, ni cô chăm sóc vườn dâu, rồi cũng ươm tơ dệt lụa. Lụa của ni cô vàng óng, lấy ra may y cho sư trưởng và các ni cô trong chùa. Mỗi khi khoác y may bằng lụa vàng của ni cô Từ Độ, các ni cô giống như thần tiên rắc nắng vàng trên những lối đi.

Một đêm kia trong chùa chỉ một mình ni cô Từ Độ còn thức, quay tơ dệt lụa. Tự nhiên ni cô chợt nhớ mình vốn là Đò, có một người mình yêu tên là Người Ta. Ni cô thổn thức trong lòng. Ni cô lại nhớ trước đây mình đã dệt một tấm lụa vàng, may áo cho Người Ta mặc. Ni cô thắc mắc không biết bây giờ Người Ta ở đâu, có còn nhớ Đò không, có còn mặc áo lụa vàng Đò may cho không. Lòng ni cô ngổn ngang trăm mối, tơ cứ đứt mãi, nối rồi lại đứt, đứt rồi lại nối, cả đêm mà không dệt xong tấm lụa.

Đức Phật ở trên cao, nhìn ni cô và thấy rõ cõi lòng ni cô thì thương. Ngài lấy lượng cả từ bi mà độ ni cô. Ngài muốn ni cô hoàn toàn dứt bỏ lòng trần mà chuyên tâm giữ giới, tu trì cho đắc đạo.

Đến sáng, ni cô Từ Độ ra vườn dâu thì giật mình kinh ngạc: tất cả những cây dâu đã biến dạng. Vẫn là lá đó nhưng thu nhỏ lại và trên cây nở những bông hoa tuyệt đẹp, cây thì nở hoa đỏ như tấm lòng son của người quyết chí tu trì, cây thì nở hoa vàng như tấm y của các tỳ kheo. Những con tằm không dám ăn thứ lá dâu này nên lá xanh biêng biếc chen lẫn với những bông hoa đỏ thắm, vàng tươi.

Ni cô giác ngộ. Để tạ ơn Phật, ni cô đặt tên cho những cây dâu này là Dâu Bụt. (**)

Từ hôm ấy, ni cô Từ Độ hiểu theo một nghĩa khác hai câu thơ “Đá mòn nhưng dạ chửa mòn, Tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ.” Đây không còn là những câu Đò quyết tâm đợi chờ Người Ta, mà là những câu nói lên ý chí của người tu theo thiền học của Đức Lục Tổ Huệ Năng. (***)

Còn cây Dâu Bụt, người đời về sau không biết chuyện, gọi cây ấy là Râm Bụt hay Dâm Bụt.

________________

(*) Ca dao

(**) Người Trung Hoa gọi cây dâm bụt/râm bụt bằng nhiều tên: mộc cận (木槿), chu cận (朱槿), đại hồng hoa (大紅花), phù tang (扶桑), phật tang (佛桑)… PHẬT TANG có nghĩa là cây dâu Phật, mà người Việt mình phiên âm Phật (Buddha) là Bụt. Như thế, Phật Tang chuyển qua tiếng Việt là Dâu Bụt.

(***) Huệ Năng (638-713) được Đức Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát, trở thành Lục Tổ. Lục Tổ Huệ Năng chủ trương “đốn ngộ” tức là đột nhiên mà hiểu ra, mà ngộ đạo. Ngài dùng chùa Bảo Lâm ở Tào Khê làm trung tâm phát triển thiền học. Tào Khê nguyên là một con suối/sông ở tỉnh Thiều Châu, Trung Hoa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: