Không có Francis Ford Coppola đã không thể có phim Bố già!

Francis Ford Coppola, 1970 (Getty Images)

Trong nền công nghiệp điện ảnh, quyền hành thuộc về những nhà sản xuất chóp bu có tài khoản ở nhiều ngân hàng. Họ có quyền đòi hỏi đạo diễn cắt bỏ trường đoạn này, thêm chi tiết nọ, thu lại cảnh khác và chỉ có rất ít đạo diễn tài ba và rất uy tín mới được giữ cho mình đặc ân gọi là “Director’s Cut”, tức bản phim theo đúng ý thực hiện của chính mình.

Francis Ford Coppola “chiến đấu” với Paramount như thế nào?

Riêng với dự án phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết bán chạy The Godfather của Mario Puzo, những nhân vật quyền lực ấy không thích tài tử trẻ Al Pacino, cũng không thích cô nàng Diane Keaton và cũng chẳng muốn thấy mặt “lão già phì nộn” Marlon Brando. Không những thế, họ còn không muốn thu ngoại cảnh tại New York, thậm chí không muốn Bố Già là phim có nội dung xảy ra trong những năm xa xưa. Nói tóm lại, các “producers” không bằng lòng chút nào với hầu hết những gì họ được trình duyệt. Đạo diễn Francis Ford Coppola đã phải đấu tranh chống lại những điều ấy…

“Nếu không có Coppola thì họ đã phá tan tành Bố Già,” nay đã 89 tuổi nhưng ông Dean Tavoularis, Giám đốc nghệ thuật của phim này vẫn tức giận khi kể lại chuyện năm xưa. Sau nhiều năm sống ở California, gần đây ông đã dọn đến Paris hưởng tuổi già trong một căn hộ cùng người bạn đời lâu năm là nữ diễn viên Pháp Aurore Clément. Trên bức tường của căn phòng rộng lớn, có ảnh chân dung hai nhân vật lịch sử mà ông rất nể phục là Thủ tướng Anh Winston Churchill và mục sư Martin Luther King. “Tôi rất ngưỡng mộ những con người dám trả lời thách đố của định mệnh” – ông chỉ vào hai bức ảnh ấy và nói – “Francis Ford Coppola cũng thuộc những người can đảm, liều lĩnh nhưng có ý thức và hiểu biết tường tận những việc mình làm”.

Ông Dean Tavoularis kể nhà làm phim Coppola đảm nhận gần như tất cả phần dựng cảnh của tất cả phim mà ông thực hiện những năm 70 và 80, gồm đủ ba phim Bố Già. Và ở vai trò ấy, ông không khác gì một khán giả ngồi ghế VIP hàng đầu chứng kiến tất cả những cuộc xung đột giữa các nhà sản xuất. “Tôi thấy Coppola rất nhiều lần tranh cãi với họ, bảo vệ ý tưởng, hình ảnh của mình. Tôi thấy Coppola khôn ngoan tránh được những mưu mô mua chuộc, tinh ranh mà họ bày ra chỉ nhằm khiến Coppola làm phim theo ý họ!”. Ông Dean Tavoularis kể tiếp, “Năm 1972, khi phim này công chiếu, tôi đã không khen nó là một tuyệt tác vì theo tôi Tucker mới là phim hay nhất của Coppola (phim nói về nhà sản xuất xe hơi Tucker). Nhưng mới gần đây, có dịp xem lại Bố Già, dù thuộc lòng từng đoạn, từng cảnh, từng chi tiết, từng lời thoại của từng nhân vật, nhưng tôi vẫn không bỏ dở mà ngồi xem cho đến giây cuối cùng. Đó chính là dấu chỉ của những phim vĩ đại!”.

Al Pacino và Diane Keaton trong ‘The Godfather’ 1972 (ảnh: Paramount Pictures/courtesy of Getty Images)

Những cuộc tranh cãi quyết liệt

“Tôi tin vào nước Mỹ…”, ngay phần mở đầu phim, khuôn mặt trực diện với camera, ông chủ nhà đòn Bonasera nói như thế với Vito “Don” Corleone khi đến cầu cạnh Bố Già giúp đỡ. Lời thoại này như một bản tin mà nhiều nhân vật liên quan muốn gửi đi, từ tác giả Mario Puzo đến đạo diễn Francis Ford Coppola, các nhà sản xuất và các diễn viên. Nói thì dễ, làm mới khó. Dự án phim khởi đầu với kịch bản thứ nhất mà hãng Paramount đặt hàng với chính tác giả. Tuy cuốn Bố Già bán rất chạy hồi năm 1969 – tiêu thụ trên 9 triệu ấn bản trong vòng hai năm, 67 tuần hiện diện trên danh sách best-seller của tờ New York Times – nhưng hãng phim vẫn không dám liều lĩnh đầu tư, chỉ chấp nhận chi $6 triệu. Thất bại chua chát của phim Brotherhood (đạo diễn Martin Ritt, với tài tử thượng thặng thời đó là Kirk Douglas), cũng về băng đảng tội ác, vẫn còn dư vị khó chịu kéo dài.

Với kinh phí khiêm tốn, dự án Bố Già không có đạo diễn nào đủ liều mà nhận thực hiện, từ Arthur Penn, qua Peter Yates, Costa-Gavras đến Otto Preminger. Cuối cùng, họ đành tìm gặp Coppola vì nghĩ rằng, Coppola là người gốc Ý nên có thể hiểu, liên lạc và hòa nhập môi trường cộng đồng Mỹ gốc Ý từ cái thời mới di cư sang Mỹ. Ngoài ra, họ còn cho rằng sau thất bại thảm hại của phim Brotherhood, Coppola sẽ phải chấp nhận làm phim Bố Già với kinh phí thấp còn hơn là không có việc gì để làm.

The Godfather 1972 – trái sang: James Caan, Marlon Brando, Al Pacino và John Cazale (ảnh: Paramount Pictures/Fotos International/Getty Images)

30 tuổi, có trong tay một tượng vàng Oscar tác giả kịch bản phim về viên tướng Patton hào hùng thời Thế chiến thứ hai, Francis Ford Coppola nhìn dự án phim Bố Già với ánh mắt khác hẳn. Nói thẳng ra là lúc đầu, Coppola xem khinh loại tiểu thuyết băng đảng và ông xem đề tài băng đảng là một dạng phim nửa nạc nửa mỡ gần như chẳng ăn nhập gì đến những vấn đề gai góc có thực trong xã hội. Thế nhưng ông đang cần tiền. Và ông thoáng thấy chiều kích lớn của phim mà ông có thể khai thác ngon lành không khác gì con gấu to vớ được tổ ong đầy mật ngọt: Một ông vua không ngai, ba hoàng tử, một giang sơn ngầm với nhiều cơ hội bành trướng.

Giao vai Michael, con trai út của Vito Corleone, cho ai đây? Các nhà sản xuất muốn Robert Redford hoặc Warren Beatty, thậm chí Alain Delon (cục cưng của Giám đốc sản xuất Robert Evans) nhưng Coppola lại chọn Al Pacino, một tài tử trẻ không cao to cho lắm, tướng tá lù khù, tóc tai bù xù, vừa vào vai diễn thử đã quên cả lời thoại. Không ai ưa anh ta, kể cả tác giả Mario Puzo, vậy mà Coppola vẫn dứt khoát chọn “hắn”, tạo cơ hội cho “hắn” có thêm một tháng tập nhập vai Michael.

Ông trùm Don Corleone (Marlon Brando) bàn chuyện “gia đình” với consigliori Tom Hagen (Robert Duvall) – UPI/Getty Images

Khi còn bốn tuần trước ngày bấm máy, Bố Già vẫn chưa tìm ra người sẽ là Michael Corleone. Coppola đe dọa sẽ rút lui nếu như Al Pacino không được diễn. Nhà sản xuất quyền uy Evans đành buông thõng một câu, “OK, tôi sẽ thuê dụng thằng lùn ấy”. Mà nào đã hết, Coppola lại phải dùng nhiều phù phép khó tưởng tượng nổi để áp đặt bằng được vai Vito “Don” Corleone cho Marlon Brando, một đàn anh trong nghề nổi tiếng khó tính và đang ở cuối thời huy hoàng dù khi ấy mới 46 tuổi. Coppola thích Marlon Brando hơn hai tài tử nổi tiếng khác cũng được ướm cho vai Bố Già là George C. Scott và Laurence Olivier.

Tuy nhiên sau khi đã được như ý về casting và kịch bản thì Coppola vẫn tiếp tục “chiến đấu” với đủ đối thủ khác trong hãng phim ngay từ ngày bấm máy đầu tiên 29 Tháng Ba 1971 tại New York. Ba tuần sau, xem qua những thước phim mới thu, các nhà sản xuất bất mãn với Giám đốc hình ảnh Gordon Willis, cho rằng bầu không khí u ám quá và định sa thải luôn Coppola. Không khác gì một vụ ma nớp của mafia, họ kích động một nhóm kỹ thuật lên tiếng chỉ trích Coppola không đủ tầm, không ai muốn làm việc với một đạo diễn quá yếu kém.

Trên sàn quay, Coppola như sống trong hỏa ngục, rất dễ nổi cơn thịnh nộ, la mắng Gordon Willis vì làm gì cũng chậm chạp và càng nóng hơn khi nghe phong phanh tin đồn mình sắp bị đuổi. Giữa Tháng Tư 1970, sau một buổi nói thẳng rất căng thẳng với Charles Bluhorn, tay sếp lớn với tính tình nổi tiếng nóng nảy của tập đoàn Gulf & Western và chủ nhân chính của hãng Paramount, Coppola được giữ lại ở ghế đạo diễn.

Poster ‘The Godfather’ 1972 (ảnh: Movie Poster Image Art/Getty Images)

Khi đoàn phim đụng đến thế giới mafia thực

Những rắc rối nội bộ vừa tạm giải quyết xong thì xuất hiện một mối đe dọa lớn hơn, đáng sợ hơn, như bóng ma đè nặng lên tinh thần của ê-kíp làm phim. Những mafiosi thứ thiệt ở Bờ Đông rất thích cuốn Bố Già và không muốn hình ảnh trong phim chuyển thể làm khán giả hiểu sai về họ, có rủi ro dẫn đến những thiệt hại về làm ăn. Nhân vật thay mặt bóng đen đe dọa này là Joseph Colombo Sr., tuy mang chức danh tổng thư ký Hội đoàn bảo vệ quyền dân sự của người Mỹ gốc Ý nhưng lại là một mafiosi đích thực. Một mặt lên tiếng chính thức đề nghị hãng phim không làm bất cứ việc gì có thể xem là bêu riếu cộng đồng người Mỹ gốc Ý, mặt khác hắn cho tay chân gửi thư, gọi điện đe dọa đến tính mạng các thành viên trong đoàn làm phim. Ai cũng thừa hiểu rằng các tay anh chị cũng muốn được phần chia chác từ phim Bố Già.

“Tôi không trực tiếp bị đe dọa,” ông Dean Tavoularis kể, “Nhưng việc phải sống nơm nớp lo sợ ấy mang lại cảm giác rất ghê, khiến tinh thần lúc nào cũng bất an. Có lúc trên phim trường, một ai đó chỉ tay vào mặt tôi như kiểu bóp cò súng; lúc khác có ai khác nữa cứ rà rà đi theo. Bực nhất là những chủ nhà hàng, cửa tiệm hôm trước đồng ý cho thu hình, hôm sau lại từ chối chẳng có lý do chính đáng nào, chẳng qua vì họ cũng đã bị đe dọa, cấm hợp tác”. Tất cả trò mèo vờn chuột này bỗng kết thúc ngay sau ngày nhà sản xuất Al Ruddy bàn xong chuyện hợp tác với mafiosi Joseph Colombo Sr. Hãng phim phải nhượng bộ nhiều điều, trong đó có việc rút hết từ “mafia” ra khỏi kịch bản, nhận những tay chân băng đảng vào đóng các vai diễn viên kém quan trọng (điển hình là Lenny Montana vào vai sát thủ lì lợm Luca Brasi)… và dĩ nhiên là có chút điều khoản tài chánh nào đó được giữ bí mật suốt đến nay.

“Nhờ có sự giải căng này mà sau đó tôi đã có dịp đến thăm nhà của một mafiosi cấp đàn anh ở New Jersey, với ý là xem để lấy cảm hứng làm trang trí cho nhà của Don Corleone” – Tavoularis kể. Quả thật đừng bao giờ đùa với mafia vì thực tế sớm chứng minh: Ngày 28 Tháng Sáu 1971, một sát thủ đã tiến đến Joseph Colombo Sr. và nã ba viên đạn vào người ông ta trước khi bị các vệ sĩ của Joseph Colombo Sr. bắn gục. Joseph Colombo Sr. không chết ngay, chỉ bị liệt người vì vết thương nặng và chỉ qua đời bảy năm sau đó vì bệnh tim.

Từ một tấm trải nhựa đến đầu một con ngựa

Trong suối thời gian thu hình, ông Tavoularis còn phải nhiều lần cãi cọ với đại diện bên sản xuất mỗi khi có việc liên quan đến chi tiêu. “Khi chuẩn bị thu hình cảnh Michael bắn hạ tên mafia hèn mạt Solozzo và gã cảnh sát đồi bại McCluskey trong một nhà hàng ở khu Bronx, tôi phát hiện dưới tấm thảm bằng nhựa là một cái sàn gạch mosaique rất đẹp, tôi muốn lột tấm thảm ra để có hình ảnh thật độc đáo nhưng họ không chịu thanh toán chi phí tấm thảm $8,000. Sau nhiều lần tranh luận, viện dẫn đủ lý do, tôi mới được thích thú xé toang tấm thảm, bấm máy thu hình ảnh sàn gạch tuyệt đẹp!”.

Cảnh đầu ngựa trong The Godfather 1972 (ảnh: Silver Screen Collection/Getty Images)

Ở cương vị nhà thiết kế sản xuất, ông Dean Tavoularis phải cố gắng hết sức để thỏa mãn những yêu cầu của đạo diễn, đáng kể nhất là cái đầu con ngựa đua đắt tiền mà nửa đêm tay chân của Bố Già Corleone đã đặt lên giường ngủ của Jack Woltz (diễn bởi John Marley). “Coppola nhìn cái đầu ngựa giả mà nghệ sĩ hóa trang Dick Smith làm mà lắc đầu mãi,” Tavoularis nhớ lại, “Cuối cùng, chúng tôi cho người lái xe đến lò mổ gia súc bên New Jersey mua một cái đầu ngựa vừa mới hạ xong còn bê bết máu, bao bọc kỹ vào trong những tảng đá lạnh và chở gấp về sàn quay. Khi ấy Coppola mới cười”.

‘Sonny’ Corleone (diễn viên James Caan) bị bắn nát thây (ảnh: Sunset Boulevard/Corbis via Getty Images)

Sau đó có một cuộc phỏng vấn với cánh báo chí và một nữ phóng viên nọ đã phẫn nộ hỏi tôi, “Sao các ông dám giết cả một con ngựa cho một cảnh quay ngắn thế?”. Tôi hỏi lại cô ta có nuôi chó không và cô ta nói có. “Không hề có con con ngựa nào bị hạ sát vì phim này thưa cô, cái đầu ngựa trong phim là chúng tôi mua từ lò mổ gia súc, lấy thịt ngựa làm thức ăn nuôi cho những con chó kiểng. Con ngựa kia chết vì con chó cô nuôi đấy!”.

Ngày 14 Tháng Ba 1972, sau nhiều cuộc tấn công và phản công giữa cánh sản xuất và cánh làm phim, bản phim được duyệt thông qua. Bố Già lần đầu tiên ra mắt khán giả New York. Hôm ấy có bão tuyết ập xuống Manhattan nhưng rạp Loew’s Theatre ở Broadway không còn một ghế trống. Hai tạp chí thời sự nổi tiếng LifeNewsweek đều đưa Marlon Brando lên trang bìa. Cả thành phố chỉ bàn về phim này. Ngoại trưởng Henry Kissinger cũng được mời đến xem.

Trong khi đó, Francis Ford Coppola vừa hồi hộp vừa rầu rĩ vì lo lắng Bố Già có thể lại là một thất bại lớn trong đời mình. Vài tháng trước đó ông đã xem French Connection của William Friedkin và ngẫm thấy phim của mình u sầu hơn, khó hút người xem. Phim dần kết thúc, khán phòng im phăng phắc, Robert Evans tưởng như giây cuối đời mình đã đến. Nhưng nhìn kỹ lại thì ông muốn bật khóc như khán giả đang khóc. Kissinger nghiêng người nói vào tai ông, “Bob này, khi một phim về cái chết của một tên gangster mà có thể khiến người xem phải khóc thì chắc chắn đó là tuyệt tác rồi!”.

Dài 2 tiếng 56 phút, Bố Già trở thành hỏa tiễn bắn Coppola lên hàng ngũ ngôi sao đạo diễn tài danh bậc nhất cùng với tất cả những ai đã góp sức tạo nên nó. Marlon Brando, vốn gần như hết thời chẳng ai mời diễn nữa, đang rất cần cơ hội tái tỏa sáng; Al Pacino cầu mong được biết đến, James Caan cũng vậy… Bố Già là một thành công vang vọng khắp thế giới và còn vang mãi đến ngày nay, một tuyệt phẩm không phai mờ với thời gian, đạt được ba tượng vàng Oscar dành cho phim, kịch bản và nam diễn viên chính xuất sắc nhất (cho Marlon Brando).

_____

ĐỌC THÊM:

Nhân 50 năm tuyệt phẩm The Godfather, nhắc lại ba “Bố già”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: