Dân Trung Quốc phản đối, hãng thời trang Dior phải gỡ ảnh người mẫu “mắt hí”

Trần Mạn (phải) và bức ảnh Dior “gây sốc” dư luận Trung Quốc (chenman/Instagram)

Câu chuyện này một lần nữa cho thấy đối với Trung Quốc, đừng có mà mơ “sáng tạo đột phá” trong nghệ thuật. Một bức ảnh người mẫu “mắt hí” được chụp cho hãng thời trang Dior đã bị phản ứng dữ dội, khiến Dior phải gỡ ảnh và nhiếp ảnh gia chụp bức ảnh này phải rối rít xin lỗi.

Nhiếp ảnh gia thời trang Trung Quốc Trần Mạn (Chen Man) phải lên tiếng xin lỗi về sự “thiếu hiểu biết” sau khi bức ảnh cô chụp cho thương hiệu cao cấp Dior của Pháp gây làn sóng phẫn nộ từ Trung Quốc. Bức ảnh chụp một người mẫu gốc Á rám nắng, đầy tàn nhang, mặc trang phục truyền thống Trung Quốc và cầm chiếc túi Lady Dior màu xanh đen. “Tôi tự trách bản thân vì sự non nớt và thiếu hiểu biết của mình”, cô Trần, 41 tuổi, viết trên mạng xã hội Weibo.

Dior cho biết bức ảnh vừa được trưng bày tại một cuộc triển lãm ở Thượng Hải, đã bị gỡ bỏ. “Dior, như mọi khi, tôn trọng cảm xúc của người dân Trung Quốc… Nếu có bất kỳ sai sót nào xảy ra, [Dior] sẵn sàng tiếp nhận phản hồi và sửa chữa kịp thời”, Dior viết trên tài khoản Weibo vào tối Thứ Tư, cho biết thêm rằng bức ảnh là một tác phẩm nghệ thuật và không phải là một quảng cáo thương mại. Bức ảnh lần đầu tiên được trưng bày vào ngày 12 Tháng Mười Một, nhưng ngay lập tức đã gây ra phản ứng dữ dội từ một số cư dân mạng – và sau đó là các phương tiện truyền thông địa phương.

Với dân Trung Quốc, dù nổi tiếng với “mắt hí một mí”, làn da trắng như tuyết và mắt mộng mị như chim bồ câu luôn được coi là đặc điểm sắc đẹp lý tưởng. Các quảng cáo thương mại thường tung ra những người mẫu có đặc điểm như vậy. Trong khi đó, ngược lại, một bài chỉ trích trên Beijing Daily đã bực mình nói rằng người mẫu trong bức ảnh Dior có “khuôn mặt u ám” và “cặp mắt nham hiểm”. Tác giả bình: “Trong nhiều năm, phụ nữ châu Á luôn xuất hiện với đôi mắt nhỏ và tàn nhang theo quan điểm phương Tây. Nhiếp ảnh gia (Trần Mạn) đang đu theo theo các thương hiệu, hoặc cho thấy cô chỉ phục vụ thị hiếu thẩm mỹ của thế giới phương Tây”. Dân mạng Trung Quốc cũng lặp lại tương tự. Họ nói ảnh của Trần là sự miêu tả “xúc phạm” những gì mà phương Tây tin rằng phụ nữ Trung Quốc phải trông như thế. Châm dầu vào lửa, một bài bình luận của China Women’s News cho rằng hình ảnh người mẫu với “đôi mắt một mí sưng vù” khiến mọi người cảm thấy “khó chịu”.

Phần mình, Trần Mạn phải vuốt theo để dư luận hạ hỏa. Trần nói rằng cô “nhận thức sâu sắc” được sự việc và cảm thấy buộc phải đưa ra lời xin lỗi sau khi xem xét “gần như mọi nhận xét tiêu cực” về tác phẩm nghệ thuật của cô. “Tôi sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc. Tôi vô cùng yêu đất nước mình. Là một nghệ sĩ, tôi hoàn toàn nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc ghi lại văn hóa Trung Quốc và giới thiệu vẻ đẹp Trung Quốc thông qua tác phẩm mình” – cô nói – “Tôi sẽ tự học về lịch sử Trung Quốc, tham dự nhiều sự kiện phù hợp hơn và cải thiện hệ tư tưởng… Tôi sẽ cố gắng kể câu chuyện của Trung Quốc qua những tác phẩm của mình.”

Trần Mạn là nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong giới thời trang Trung Quốc. Cô chụp ảnh bìa cho các tạp chí lừng danh thế giới và từng chụp ảnh nhiều nhân vật nổi tiếng trong đó có David Beckham và Phạm Băng Băng. Năm 2019, tờ Hoàn Cầu Thời Báo từng hoan hỉ viết rằng Trần Mạn xứng đáng là nhiếp ảnh gia thời trang đủ tầm để đại diện Trung Quốc và là đối thủ của nhiếp ảnh gia lừng danh người Mỹ Annie Leibovitz.

Sinh năm 1980 tại Bắc Kinh, Trần Mạn học tại Học viện Mỹ thuật Trung ương và tốt nghiệp năm 2005. Ngoài việc thực hiện trang bìa cho tạp chí VISION, Trần Mạn còn chụp ảnh thời trang cho Vogue, Elle, Harper’s Bazaar, Marie Claire, i-D, Cosmopolitan Esquire. Studio riêng của cô, Studio 6, có trụ sở tại Bắc Kinh, đang sản xuất chương trình quảng cáo cho các thương hiệu L’Oréal, MAC, Dior, Canon, Guess, Hublot, Carl F. Bucherer, Sharp, Beats, Cadillac, Mercedes-Benz, Volkswagen, Motorola, Adidas, Puma, Converse, Uniqlo, Budweiser, Absolut Vodka, Shiseido, Maybelline… Trần Mạn đã kết hôn với Raphael Ming Cooper, người Mỹ, đồng sáng lập của Society Skateboards. Cô có hai con.

Đây không phải lần đầu tiên Trần Mạn “dính chưởng” dư luận bởi sự sáng tạo của mình. Năm 2012, cô từng bị chỉ trích khi tung bộ ảnh “12 sắc màu Trung Quốc” với những người đẹp “mắt lươn”, trong bộ ảnh các dân tộc thiểu số Trung Quốc. Với Dior, đây cũng không phải lần đầu tiên mà họ làm “buồn lòng” một thị trường khổng lồ như Trung Quốc. Năm 2019, một nhân viên của họ tại một sự kiện tuyển dụng của công ty đã sử dụng bản đồ Trung Quốc mà không có Đài Loan. Vụ này dĩ nhiên đã làm bùng lên làn sóng phẫn nộ tại Trung Quốc.

Bộ sưu tập “12 sắc màu” của Trần Mạn chụp các cộng đồng thiểu số Trung Quốc đã bị “chửi” là “không giống con giáp nào”

Với các hãng thời trang nói riêng và những tập đoàn đa quốc gia nói chung, những gì dính dáng địa chính trị liên quan Trung Quốc luôn gặp phản ứng tức thì. Đầu năm nay, nhiều công ty thời trang trong đó có H&M, Nike và Burberry đã đối mặt phản ứng dữ dội trên mạng xã hội và thậm chí loạt kêu gọi tẩy chay vì lập trường của họ đối với vải bông sản xuất ở Tân Cương, nơi sinh sống của người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Năm 2018, Dolce & Gabbana tung ra một video quảng cáo có hình ảnh một người mẫu châu Á hướng dẫn ăn các món ăn Ý như mì Ý và pizza và lại dùng… đũa. Chỉ vậy thôi cũng làm dân mạng Trung Quốc ầm ầm tức giận khiến sau đó video này phải được gỡ bỏ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: