“Barbenheimer” tạo ra một mùa hè “không buồn ngủ” như thế nào?

“Oppenheimer” và “Barbie” ra mắt tại Colonial Theater, Phoenixville, Pennsylvania ngày 16 Tháng Bảy 2023 (ảnh: Mark Makela/Getty Images)

Một cuối tuần bùng nổ phòng vé với màn ra mắt ngoạn mục của hai bộ phim phát hành cùng lúc “Barbie” và “Oppenheimer” đã trở thành cái “thở phào” cho Hollywood trước mối lo một mùa hè mất doanh thu…

Khán giả New York xem “Barbie” với trang phục Barbie (ảnh: Stephanie Keith/Getty Images)

Làn gió mát trong mùa hè nóng bức

Người hâm mộ điện ảnh lũ lượt kéo đến rạp để không bỏ lỡ cơ hội thuộc “số người đầu tiên” xem “Barbie” và “Oppenheimer” trong không khí hội hè. Có người xem đến vài lần. “Barbie” (với sự tham gia của diễn viên đang lên Margot Robbie kể câu chuyện về những con búp bê đẹp như tượng và cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống) đã bán được nhiều vé hơn dự tính. Công ty Box Office Company cho biết nhiều người đi xem phim cùng nhau theo từng nhóm lớn, có khi đến 30 người.

Marine Suttle, giám đốc sản phẩm của công ty nhận định: “Chưa từng thấy vé bán sớm nhiều như thế cho một bộ phim hài. Sức hấp dẫn của nó giống như một bộ phim siêu anh hùng!”. “Barbie”, tác phẩm sáng tạo thông minh của biên kịch kiêm đạo diễn Greta Gerwig và đồng biên kịch Noah Baumbach, đã làm nên lịch sử khi kiếm được $155 triệu vào cuối tuần ra mắt ở Mỹ. Đây cũng là doanh thu tuần đầu tiên lớn nhất ở Bắc Mỹ cho một bộ phim do phụ nữ làm đạo diễn.

‘Oppenheimer’ tại Katowice, Ba Lan (ảnh: Beata Zawrzel/NurPhoto via Getty Images)

Các kỷ lục trước đó thuộc về hai bộ phim siêu anh hùng “Captain Marvel” (2019) do Anna Boden đồng đạo diễn với $153 triệu và “Wonder Woman” (2017) do Patty Jenkins đạo diễn với $103 triệu doanh thu tuần đầu tiên.

Phần còn lại của cơn sốt phòng vé hè 2023 là bộ phim “Oppenheimer” do Christopher Nolan đạo diễn với sự tham gia của Cillian Murphy, Matt Damon và Emily Blunt. Bộ phim tiểu sử dài ba giờ kể lại câu chuyện cha đẻ của bom nguyên tử đã vượt qua dự đoán của các nhà phân tích, thu về $80.5 triệu cuối tuần chiếu đầu tiên ở Bắc Mỹ.

Một cách tổng quát, hai bộ phim “Barbie” và “Oppenheimer” – hay “Barbenheimer”, theo cách gọi của báo chí Mỹ – đã biến ba ngày cuối tuần thành “cuối tuần có doanh thu phòng vé cao nhất của Hollywood kể từ sau đại dịch” và là cuối tuần đạt doanh thu lớn thứ tư từ trước đến nay, chưa tính lạm phát. Ba phim có doanh thu cuối tuần cao nhất là hai phần tiếp theo của loạt phim: “Avengers: Endgame” (2019), “Avengers: Infinity War” (2018) và “Star Wars: The Force Awakens” (2015).

‘Barbie’ tại Bangkok, Thái Lan (ảnh: Matt Hunt/Anadolu Agency via Getty Images)

Tin vui cho các rạp chiếu phim

Ngành công nghiệp điện ảnh Hoa Kỳ hy vọng thành công của “Barbenheimer” là liều thuốc kích thích mạnh khi các rạp chiếu phim vẫn chật vật phục hồi sau đại dịch và một số bộ phim “bom tấn” vẫn không kéo được nhiều khán giả đến rạp, trong đó có bộ phim được rất nhiều kỳ vọng là “Mission: Impossible – Dead Reckoning Part One” (chỉ đạt $19.5 triệu dịp cuối tuần thứ hai kể từ ngày ra mắt, giảm 64% so với doanh thu $56.2 triệu vào tuần thứ nhất trình làng) và cả “Indiana Jones And The Dial Of Destiny” với tuần ra mắt chỉ đạt con số khiêm tốn $60 triệu.

Cho đến gần đây, hiện tượng một bộ phim bom tấn thành công lớn vào cuối tuần dường như đã trở thành “dĩ vãng” trong một thời đại mà việc nằm dài trên ghế phòng khách hay trên giường đã trở thành “bình thường mới” thay vì đến rạp. Lượng khán giả xem phim tại rạp giảm kéo dài do hậu quả của Covid đã khiến các chuỗi rạp lớn nhỏ lao đao. Hệ quả, cụm rạp lớn thứ hai toàn cầu Cineworld đã đệ đơn xin phá sản vào năm ngoái.

Chủ sở hữu cụm rạp chiếu phim Regal than thở: “Quá trình tái cấu trúc gặp nhiều thách thức do thiếu phim bom tấn và tác động của các dịch vụ phát trực tuyến giữ chân khán giả ở nhà”. Nay nhờ luồng sinh khí mới từ bộ đôi “Barbenheimer”, Regal tin tưởng sẽ thoát khỏi nguy cơ phá sản trong tháng này. Doanh thu phòng vé nội địa trước cuối tuần công chiếu “Barbenheimer” đạt tổng cộng $5.1 tỷ, cao hơn 12% so với năm trước, nhưng thấp hơn 22% so với cùng kỳ năm 2019, trước đại dịch (thống kê của Comscore).

“Barbie” tại Hong Kong (ảnh: Sawayasu Tsuji/Getty Images)
“Barbie” tại Cinema Anteo CityLife, Milan, Ý (ảnh: Vittorio Zunino Celotto/Getty Images)

Thành công đến từ đâu?

Ynon Kreiz, giám đốc điều hành của công ty đồ chơi Mattel sở hữu bản quyền đối với “Barbie” và là đồng sản xuất bộ phim thông qua đơn vị Mattel Films, cho biết, bộ phim thành công là nhờ cách làm mới của công ty ông và hãng phim Warner Bros Discovery.

Mattel đã quảng bá bộ phim từ các cửa hàng bán búp bê Barbie và ký hợp đồng đối tác thương hiệu với 160 nhà bán lẻ trên toàn thế giới, gồm các công ty như Nestlé México và Krispy Kreme Philippines. Có cả món bánh rán chủ đề “Barbie” với lớp phủ màu ngọc lam và rắc hồng và đồ uống đông lạnh “Cotton Candy Chiller” có sọc xanh và hồng.

Mike De Luca, đồng chủ tịch hãng phim Warner Bros Discovery, nói: “Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một sự kiện văn hóa chứ không đơn thuần là tiếp thị một bộ phim”. Nhiều tháng trước, hãng phim đã xác định “Barbie” là cơ hội để các thương hiệu quảng cáo. Tại các cuộc họp hàng tuần ở Warner Bros, các giám đốc điều hành đã thảo luận về cách tạo ra “Mùa hè của Barbie” (Summer of Barbie).

Kết quả là chương trình “Barbie Dreamhouse Challenge” được phát trên kênh HGTV của Warner Bros Discovery; một đoạn giới thiệu ngắn về bộ phim trong chương trình NBA Conference Finals trên kênh TNT và chương trình “Barbie’s Dream Weekend” trên kênh TBS. Rồi một tập chủ đề Barbie của chương trình “Summer Baking Championship” phát trên kênh Food Network.

Nhiều rạp chiếu phim còn sáng tạo ra các loại cocktail theo chủ đề như chuỗi rạp chiếu phim MCS tổ chức các bữa tiệc “Barbie Blowout” và có cả hộp búp bê Barbie lớn cỡ người thực trong hành lang để khán giả chụp ảnh. Greg Marcus, giám đốc điều hành, đội một bộ tóc giả Barbie màu vàng trong một video TikTok quảng bá. Ông nói: “Tôi sẽ làm bất cứ điều gì để lôi kéo khán giả dù thú thật có hơi ngớ ngẩn!”

Cụm rạp B&B, trụ sở tại Missouri có món cocktail Maker’s Mark and Fireball chủ đề “the Bomb” dành cho khán giả xem phim “Oppenheimer”. Còn cụm rạp LOOK Cinemas có khoảng 120 rạp ở một số tiểu bang bán các loại cocktail chủ đề Barbie. Giám đốc điều hành Brian Schultz cho biết doanh số bán vé trước của LOOK Cinemas là cao nhất kể từ khi Covid-19 buộc đóng cửa rạp chiếu phim, phá vỡ thói quen xem phim tại rạp của hàng triệu người Mỹ.

“Barbenheimer” đã vực dậy sức sống cho các rạp chiếu bóng khắp nước Mỹ. Trong ảnh là rạp AMC tại New York (ảnh: Arturo Holmes/Getty Images)

Hiệp hội Các chủ rạp Quốc gia (National Association of Theatre Owners) cho biết khoảng 200,000 người đã mua vé “Oppenheimer” và “Barbie” trong cùng một ngày. Cố vấn trưởng của hiệp hội, bà Jackie Brenneman, gọi cơn sốt “Barbenheimer” là “một hiện tượng chưa từng có” vì chủ đề của hai bộ phim rất khác nhau.

Cần biết, số rạp chiếu phim hoạt động ở Mỹ đã giảm khoảng 5%, từ hơn 41,000 vào năm 2019 xuống chỉ còn hơn 39,000 vào cuối năm ngoái. Cơn sốt “Barbenheimer” hiện đã lan ra toàn cầu: “Barbie” thu về được $337 triệu trên toàn thế giới so với kinh phí sản xuất $145 triệu. “Oppenheimer”, thành công rực rỡ nhờ doanh thu phòng vé từ hệ thống rạp Imax và các suất chiếu khổ lớn khác cũng mang về $174 triệu trên toàn thế giới so với kinh phí $100 triệu.

_______________________

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: