Nhà văn Văn Quang và bài hát Thương Về Quảng Ngãi

Nhà văn Văn Quang (21/9/1932-15/3/2022)

Trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam và về sau tại Hoa Kỳ cũng như Canada, Úc… qua suốt 60 năm, hàng vạn độc giả người Việt từng đọc và biết danh Văn Quang qua rất nhiều tác phẩm đủ mọi thể loại của ông, và một số đã được dựng thành phim.

Tuy nhiên, có lẽ không nhiều người biết rằng Văn Quang đã sáng tác cùng với nhạc sĩ Anh Đỗ, ít nhất là một nhạc phẩm nay còn lưu lại có tựa đề Thương Về Quảng Ngãi, trong thời kỳ vừa tốt nghiệp sĩ quan quân đội Cộng Hòa cùng đơn vị vào tiếp thu các tỉnh miền Trung năm 1956. Âm nhạc chắc chắn đã là một trong số những khả năng nổi trội của ông để được Nha Chiến Tranh Tâm Lý bổ nhiệm chức vụ Đại đội trưởng Văn nghệ thực hiện công tác lưu diễn khắp miền Trung. Năm ấy, chàng trai trẻ hào hoa Văn Quang tay đàn tay súng mới ngoài hai mươi tuổi.

***

Từ thời mới cắp sách đến trường, tôi đã thường được nghe bài hát Thương Về Quảng Ngãi trong các buổi trình diễn ca nhạc kịch ở địa phương, đôi khi do quân đội tổ chức, đặc sắc nhất là qua giọng ca truyền cảm của cô học trò Hồng Vân. Thú thật, ở tuổi thiếu niên lúc ấy, tôi chưa được biết gì nhiều về cảnh đẹp quê mình như được Văn Quang diễn tả.

Rất tiếc, từ năm 1969 tôi đã không có cơ hội thú thật với huynh trưởng Văn Quang về điều này, dù suốt gần bảy năm tôi thỉnh thoảng vẫn gặp ông vì văn phòng của ông chỉ cách sở làm của tôi không xa, gần doanh trại với Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương và Ban Văn Nghệ Hoa Tình Thương trong khu vực giữa các đường Hồng Thập Tự, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phan Đình Phùng gần cầu Thị Nghè. 

Tuy nhiên, tôi lại may mắn dễ dàng gặp nhạc sĩ Anh Đỗ đồng tác giả bài Thương Về Quảng Ngãi, và cả nhạc sĩ Đan Thọ tác giả của bài Tình Quê Hương (cùng với Phan Lạc Tuyên) cũng được viết vào năm 1956 khi vào tiếp thu Sa Huỳnh. Hai vị nhạc sĩ quân đội này đã vui lòng kể lại lai lịch các bài hát của họ giúp toán Văn nghệ Chính huấn của chúng tôi chuẩn bị chuyến công tác ra Quảng Ngãi vào dịp quân đội Việt Nam Cộng Hòa vừa tái chiếm Sa Huỳnh mùa Hè năm 1973.

Nhạc phẩm Tình Quê Hương dễ kiếm vì đã được nhà Tinh Hoa Miền Nam xuất bản và được nhiều ca sĩ nổi tiếng trình diễn, riêng bài ca Thương Về Quảng Ngãi tôi phải nhờ Anh Đỗ và cả Hồng Vân (lúc ấy đã là giọng hát thành danh trong ban tam ca Đông Phương) kiểm lại cả lời và nhạc để chúng tôi tập dượt.                                                                                                       

Bài ca này đã gây bất ngờ và thú vị cho các anh em binh sĩ của hơn mười đơn vị đóng quân tại các địa phương khác nhau. Riêng tôi lại vô cùng ngạc nhiên vì nhận ra Thương Về Quảng Ngãi từ lâu đã rất phổ biến ở tỉnh nhà. Khi tôi nhắc đến lai lịch của bài hát, nhiều người đã hỏi và cho đến bây giờ vẫn còn thắc mắc có phải Hồng Vân chính là cô gái trong câu “Về thăm Quảng Ngãi mây hồng”, như được trích trong bốn câu thơ mở đầu bài hát:

Tôi hẹn mùa thu nắng đổ,

Về thăm Quảng Ngãi mây hồng.

Có bông cúc vàng sắp nở,

Có nàng thiếu nữ chờ trông.

Câu trả lời của tôi là, mây hồng không phải là Hồng Vân vì lúc Văn Quang sáng tác nhạc phẩm này ca sĩ tương lai Hồng Vân chỉ mới được tám tuổi!

Nguyên văn bài thơ Thương Về Quảng Ngãi:

Dòng nước trong cuốn theo bóng mây về đâu?

Lặng lờ Trà Khúc nước trôi mau, nắng vươn qua nhịp cầu.

Người có nhớ lối đi Cổ Lũy cô thôn,

Dừa cuốn gió hoà nhịp đời, tình đẹp mãi trong lòng tôi.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                  

Mênh mông miền biển xanh muôn sóng trắng,

Trời nước vẫn êm đềm, tiếng ai hò câu tình ca.

Đường đồi lên Thiên Ấn dốc xa xa,

Lơ lửng áng mây vàng trên mái chùa xưa im vắng.

Quanh co đường bờ sông ven cát trắng,

Và khuất bóng tre mềm, khói vươn mình trong hoàng hôn.  

Dịu dàng theo hơi gió ngát hương cau,

Từng tiếng hát ân tình trong phố nghèo ướt màu trăng…

Trà Khúc ơi, nhớ thương đến bao giờ nguôi?                                  

Chiều chiều thường đứng nhớ thương nhau,

Luyến thương qua nhịp cầu.        

Rồi luyến tiếc giấc mơ ngày ấy xa xôi,

Quảng Ngãi có người đợi chờ,

Tình đẹp mãi trong lòng tôi.  

Bài hát Thương Về Quảng Ngãi (1956)

Chốn quê nhà của bất cứ ai có lẽ luôn là nơi đẹp hơn cả, nhất là đối với những người nhiều phen vì vận nước phải lìa xa. Những bài ca xa xưa như Hướng về Hà Nội, Nhớ về Hà Nội, Ai qua bến Đà Giang, Thương về Cố đô, Ai ra xứ Huế, Về miền Trung, Nhớ về Sài Gòn… luôn vẫn là những nhạc khúc làm xao xuyến lòng người.

Tình yêu dành cho quê hương, và một quê hương Việt Nam rộng lớn hơn chắc hẳn là một trong những lý do để Văn Quang đã chọn ở lại. Cũng như một vài nghệ sĩ lớn khác, chẳng hạn Nguyễn Văn Đông, Phạm Duy… đã chọn ở lại hoặc hồi hương để sống lúc cuối đời! Tuy Văn Quang vẫn ở lại Việt Nam nhưng sau 12 năm tù “cải tạo” trở về, chỉ vài năm sau ông lại cầm bút rồi chuyển sang viết bằng computer rất sớm ngay từ thời đầu những năm 1990.

Cứ thế, ông tiếp tục sáng tác và chỉ gác bút ở tuổi 85! Văn nghiệp, qua ngòi bút để truyền đạt thông tin, nhận thức và nhân sinh quan của Văn Quang chính là sứ mạng ông đã suốt đời thực hiện không hề gián đoạn. Chắc chắn, ông là nhà văn nhà báo gốc quân đội, cũng là giới chức truyền thông cao cấp Việt Nam Cộng Hòa duy nhất ngang nhiên viết lách chuyển ra ngoại quốc phổ biến qua nhiều sách báo. 

Sang Mỹ, tôi vẫn được đọc các tác phẩm mới của ông đăng trên báo Viễn Đông, Người Việt, Thời Luận… Với nhận thức tinh tường, qua văn phong giản dị nhưng lão luyện, Văn Quang đã đáp ứng được nhu cầu của độc giả hải ngoại muốn tìm hiểu về xã hội và người dân Việt Nam sau cuộc đổi đời, vì ông vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng kẻ sĩ đáng tin cậy. Tôi vẫn nghĩ rằng nhân cách và phong thái giản dị nhưng chững chạc và tự tin sẵn có của ông, dù ở trong tù hoặc ngoài đời hẳn đã khiến cho những người bên“ thắng cuộc” ít nhiều nể vì.

***

Tôi không còn có dịp nào gặp lại huynh trưởng Văn Quang kể từ cuối Tháng Tư năm 1975, sau khi những chiếc xe tăng Bắc Việt lăn bánh xích qua cầu Thị Nghè, qua sở làm bên đường Hồng Thập để vào chiếm dinh Độc Lập… Vào dịp Xuân Bính Thân 2016, tôi có viết bài về nhạc khúc Thương Về Quảng Ngãi  nhân dịp kỷ niệm bài hát này tròn 60 tuổi (1956-Bính Thân-2016) để đăng trên đặc san Quảng Ngãi Hải Ngoại, nên tôi đã email cho Văn Quang để hỏi thêm lai lịch của bài hát và gởi kèm theo bản sao; hôm đó (21/9/15) cũng là ngày sinh nhật của anh nên tôi đã chúc mừng anh. Vài giờ sau, tôi đã sớm nhận được hồi đáp từ Sài Gòn:

Thân gởi anh Quảng Nhân,

Cám ơn anh nhiều đã gởi lời chúc sinh nhật của tôi, và rất cảm động nhân được thư thăm hỏi cùng nhạc phẩm Thương Về Quảng Ngãi. Tôi bùi ngùi nhớ lại những ngày xưa thuở còn trai trẻ. Hồi đó, tôi ở Nha Chiến Tranh Tâm Lý được cử về Quân khu 3 thành lập Đại đội 3 Văn Nghệ.

Trong dịp khai trương đại đội, anh Anh Đỗ sáng tác bản nhạc này, tôi soạn lời, cảm hứng từ một người tình xứ Huế làm ở Ty Ngân Khố Quảng Ngãi. Chúng tôi quen nhau từ thuở em còn là nữ sinh Đồng Khánh và ở Thành Nội Huế, sau này cha mất, em mới cùng mẹ đến Quảng Ngãi làm ở Ty Ngân Khố. Tôi từ Pleiku ra Huế và Quảng Ngãi vài lần, và khi tôi là Đại đội trưởng Đại đội 3 Văn Nghệ đi trình diễn ở khắp 5 tỉnh trong Quân khu thì bản nhạc bắt đầu được trình bày.

Nhưng sau khi thành lập xong Đại đội 3 Văn Nghệ, tôi lại phải trở về Nha Chiến Tranh Tâm Lý làm Trưởng ban Báo chí rồi về làm Quản đốc Đài Phát Thanh Quân Đội cho đến ngày cuối cùng. Cuộc tình rất đẹp của tôi cũng chấm dứt khi tôi về Sài Gòn lập gia đình, bà già tôi là người Bắc chính cống và cũng nặng đầu óc phong kiến đã chọn cho tôi một cô gái người Hà Nội. Đó là tóm lược chuyện của tôi về bản nhạc.

Thân,

Văn Quang                                                                                                                                       

   ***

Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của Văn Quang, ông đã đi gần như khắp mọi miền đất nước, nhưng có lẽ tỉnh nghèo Quảng Ngãi là nơi ông đã sáng tác bài thơ được phổ nhạc duy nhất, cũng là nơi ông từng có một mối tình. Khúc ca Thương Về Quảng Ngãi, đối với tôi, lời hay ý đẹp và chan chứa nghĩa tình.

Nhạc phẩm này, là kỷ niệm một mối tình thơ mộng hẳn ông còn nhớ nhưng chắc chắn ông không hề tưởng tượng rằng người dân bản tỉnh đến nay vẫn còn nghe, còn hát… Bài hát, như là một tặng phẩm được Văn Quang để lạị, qua bao vật đổi sao dời đã trở thành vô giá, nhất là những người vì vận nước phải nước non ngàn dặm ra đi.                                                                                                     

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: