Lẩm cẩm tuổi già

Hình minh hoạ: Pexels

1/

Lúc còn thiếu nữ, tôi nhớ ông ngoại sau khi ăn cơm chiều xong là ngoại uống trà và hút một điếu thuốc. Trời chạng vạng ngoại đã vào mùng đánh giấc Nam kha trong khi con cháu mới bắt đầu tụ lại xem phim trên truyền hình. Có những đoạn tếu gây nên trận cười nghiêng ngửa bể nhà mà ngoại vẫn phớt lờ, ngủ một cách bình yên tự tại. Đến lúc sắp hết phim, ai nấy ngáp dài ngáp vắn chuẩn bị chun vô mùng thì ngoại mới lọ mọ vạch mùng ra ngoài, lại vấn điếu thuốc rê bập bập trên môi, rót trà uống tiếp. Hỏi han con cháu mỗi đứa một câu với giọng sang sảng tỉnh táo của một lão ông khí chất cường tráng. 

Ngoại tôi mất năm 91 tuổi. Sinh thời thể lực rất khoẻ, ngoại hút thuốc lá tự vấn ngày vài điếu, thỉnh thoảng tôi còn thấy ngoại uống rượu đế hoặc rượu nếp than một ly nhỏ mỗi bữa ăn cho tới ngày ngoại mất. Các nhà khoa học nói mỗi một điếu thuốc hút vào phổi là giảm đi 14 phút tuổi thọ. Ngoại tôi ngày nào cũng hút thuốc đen tự vấn không đầu lọc, đã vậy mỗi bữa ăn còn uống một ly rượu đế thế mà sống đến 91 tuổi. Nếu ngoại không hút thuốc, không uống rượu chắc sẽ sống đến 150 tuổi hay là ngang với ông Bành Tổ nhỉ.

Thôi không châm biếm các khoa học gia nữa, ý tôi kể về ngoại là người rất siêng năng chăm chỉ, thích hoạt động chân tay chứ không chịu ngồi yên một chỗ như các đấng nam phụ nữ ấu thời nay lúc nào cũng châu đầu vào màn hình ipad, iphone, smartphone để chơi game hoặc Facebook–bảo sao mà không đau lưng, đau cổ, đau cột sống, thấp khớp, mỏi mắt. Hết mùa lúa thì ngoại xoay qua đan bẫy bắt tôm hùm, trồng rẫy, ủ nấm rơm.

Nấm ngoại ủ bằng chính rơm vừa tuốt hết hạt lúa xong nên ăn vào có vị thơm và ngọt, ngon đến nỗi đôi khi gặp ngày mưa không đi chợ được chỉ đem nấu nồi canh nấm xuông không cần thịt, tôm gì nhưng chị em chúng tôi vẫn chan vào chén ăn hết chén này qua chén kia vậy. Giờ nấm rơm có bán nhiều ngoài chợ nhưng không có chút hương vị thơm ngọt như nấm ngày xưa nữa.

Càng nhắc đến việc ăn uống càng nhớ ngoại tôi da diết. Rồi tôi sẽ có dịp kể về ông ngoại của tôi trong bài khác mới đủ tả được phần nào hình ảnh của ngoại.

Hình minh hoạ: Pexels

Ngoại tôi có bàn tay xanh. Hễ cây gì, hạt gì đụng vào tay ngoại là y như rằng sẽ đơm hoa kết quả tươi non mơn mởn. Nhìn giàn bầu, bí, mướp, dưa leo, khổ qua lúc la lúc lỉu những trái là trái mà ham vô cùng. Ngoại phải bao lưới canh phòng kỹ lắm chứ không thì thiên hạ có tật lạ là không chịu làm lụng trồng trọt gì hết, chỉ chực ngoại tôi trồng gì ngon mắt là táy máy chân tay lợi dụng trời tối giở nghề đạo chích giỏi quá trời giỏi.

Tuy hai bàn tay ngoại tôi sần sùi chai sạn cục mịch vì lao động với cuốc cày, dao phay… nhưng trồng hoa gì cũng nở đẹp tuyệt, ngay cả hoa huệ trắng. Trước ngôi mộ bà ngoại đất khá khô cằn, thế mà với sự chăm sóc bằng tình yêu thương của ông, cây mọc thành cụm và từng cánh hoa trắng mướt hương thơm nhẹ nhàng tinh khiết lan toả trong không gian. Những buổi hoàng hôn còn vương trên ngọn dừa sau hè chúng tôi ra mộ ngoại ngắm nhìn thành quả của ông, một cách bày tỏ chân tình dành cho bà mà sinh thời ông không biểu lộ qua lời nói. Cánh hoa rung nhẹ theo làn gió như thể linh hồn bà hiện về chứng giám tấm lòng của ông vậy.

Chúng tôi tự hào về ông ngoại của tôi lắm.

Hữu xạ tự nhiên hương

Hà tất đương phong lập

 Chính do mùi hương huệ trắng lan toả xa quá nên lôi kéo đạo chích đến bẻ sạch cả cụm. Ngoại tôi như chết đứng trước ngôi mộ của bà mà mới hôm qua những chùm hoa tinh khiết đài các còn vươn mình trong nắng, nay trơ trọi tận gốc. Ăn trộm ơi là ăn trộm, sao táng tận lương tâm đến độ chỉ có mấy nhánh hoa trước phần mộ người yên nghỉ cũng không chừa !

2/

Lúc chúng tôi sửa soạn ngủ thì ngoại đã xong được một giấc. Lúc chúng tôi còn khò khò thì ngoại đã xong giấc kế tiếp, lại rót trà uống khi gà chưa gáy báo sáng. Hồi ấy đã mấy chục năm nước chảy qua cầu rồi, Má nói người già nào cũng vậy, chỉ ngủ ngon lúc đầu hôm, tới khuya là tỉnh táo tới sáng.

Bây giờ tôi cũng thế. Hoảng hồn nhận ra chân lý trên. Thôi chết rồi, mình già rồi à. Vì mình cũng ngủ sớm lúc 8g tối (có khi đang xem thời sự mà đầu đã gật gù từ trước ra sau, nếu các nhân vật trong màn hình mà thấy thì tưởng là tôi lễ phép hoặc có quen biết nên mới gật đầu chào họ). Đến hơn 3, 4 giờ sáng là thức tỉnh queo. 

Rồi suy luận: Cơ thể già thì trí óc cũng già theo. Trí óc già đồng nghĩa với chứng quên, nói văn chương là đãng trí, nói trần tục là lú lẫn, nói theo danh từ khoa học là Alzheimer. Đây mới là con quái vật đáng sợ hơn cả cái chết. Có phải con quái vật Alzheimer bắt đầu lẽo đẽo theo tôi rồi ư?

Trên chuyến bay về thăm nhà hồi mấy năm trước, tôi có một kỷ niệm khó quên– lại kỷ niệm khó quên, hình như tôi có duyên với các chuyến bay hay sao ấy– Khi về nhà kể lại cho mọi người nghe, ai nấy đều cười theo cách của họ: Có người bị ứ nghẹn tưởng hết thở nổi, có người cười ha hả ha hả từng tràng như súng liên thanh, có người cười mà nước mắt chảy ràn rụa, có người há to mồm mà chả phát ra âm thanh nào hai tay ôm lấy bụng gập người xuống tưởng bao tử có vấn đề. Tôi là nhân vật chính của câu chuyện, thế mà cũng không nén được tiếng cười lúc khúc khích lúc ha ha đến đau điếng cả cơ hàm tưởng không khép môi lại được.

Số là khi về gần tới quê hương chùm khế ngọt của chúng mình thì mỗi hành khách được cô tiếp viên phát cho tờ giấy để khai báo về sức khoẻ gì đó. Tôi cũng lục tìm cây viết, passport, vé máy bay để điền các thông tin cá nhân vào câu hỏi. Khi bắt đầu viết thì mới nhớ là không mang kính nên lại mở xắc tay ra lục lọi, lần giở từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, bên phải bên trái… ủa cái kính đâu mất tiêu rồi, mới để chỗ nầy mà. Tôi kéo cái mền họ phát cho để đắp chân, kéo cái gối dựa sau lưng ra, giũ giũ áo thử xem có mắc kẹt, mò tìm cả trong đôi giầy cởi ra để chân được thoải mái. Chả ăn thua. Tôi mở dây thắt lưng an toàn, quì gối ở lối đi giữa lom khom nhìn xuống sàn ghế xem có lọt đó. Nhìn lung tung vẫn biệt tăm biệt tích cái kính của tôi. 

Hình minh hoạ: Pexels

Cậu thanh niên trẻ trẻ ngồi cạnh hỏi tôi tìm chi đó, tôi nói tìm cái kính mắt tôi cởi ra giờ đâu mất rồi. Thế là cậu cũng phụ với tôi tìm dáo dác qua cả bên ghế của cậu. Tôi leo lên ghế ngồi tiếp tục tìm, không tăm hơi. Lại quì gối ở lối đi nghiêng ngó vào sàn ghế thêm hai lượt nữa. Cái kính nầy giúp hai con mắt cận tôi nhìn nhân gian mới rõ. Không có nó thì kể như Soi bóng đời bằng gương vỡ nát/ nghe xót xa ngời lên tròng mắt…(Thói Đời, nhạc sĩ Trúc Phương ) chắc tôi chả thấy lối ra cửa hải quan mất.

Cả 10 phút trôi qua. Đang vừa bối rối vừa ngạc nhiên không hiểu cái kính bự tổ chảng vậy mà biến đi đàng nao thì nghe cậu thanh niên nói tỉnh queo:

-Cái kính ở trên mắt của chị ấy.

Tôi nghe rõ lời cậu nói từng chữ mà vẫn không hiểu ý cậu định nói gì hết. Ngẫm nghĩ :

– Cậu ta nói gì mà cái kính trên mắt mình, mình đang đi tìm tự nãy giờ bộ không thấy sao mà nói kính nằm trên mắt mình, vớ vẩn quá.

Thế là tôi cứ tiếp tục tìm. 

Lát sau, thấy tôi vẫn quờ quạng lặng lẽ trong ánh sáng tranh tối tranh sáng, cậu nhắc :

-Kính ở trên mắt chị ấy.

Kính? Kính nào trên mắt tôi chứ? Ngạc nhiên tôi hỏi lại:

-Em nói sao?

Cậu chỉ lên mắt tôi:

-Em nói cái kính ở trên mắt chị.

Lần nầy thì tôi hiểu ý nghĩa lời cậu nói (!). Đưa tay lên ngang mắt . Aaaaaaa cái kính nằm nghênh ngang trên sóng mũi như vốn đã có tự thuở nào đây mà. Tôi cười chữa thẹn:

-Trời vậy mà chị cứ tìm nãy giờ tưởng nó rơi đâu mất, đúng là già lẩm cẩm.

Cậu tỉnh bơ không cười, hoặc cố nhịn cười hoặc chờ về nhà kể lại cho ba mẹ cậu rồi mới cười, đáp lời:

-Quên là chuyện bình thường thôi chị à.

May là chỉ có mỗi mình cậu biết tôi bò càng bò niểng dò tìm cái kính đang nằm chễm chệ trên mặt, chứ nếu những người chung quanh mà biết nữa thì …. Ơ mà cái cậu nầy cũng lẩn thẩn chẳng kém gì tôi đâu. Khi tôi báo mất kính, cậu cũng nhanh nhẩu đoảng sốt sắng ngó quanh ngó quất tìm giúp. Phải chi cậu chịu khó nhìn lên gương mặt tôi ngay từ đầu thì có phải đỡ mất công cho cả hai không chứ (cái này là ăn nói ngang ngược đây, kính của mình mà trách người ta không chịu coi giùm).

Nghe tôi kể xong, mọi người cười lăn cười lóc, cười rung rinh cả toàn thân, sau mệt quá mới dần dần lấy lại nhịp thở đều đặn thì em tôi hỏi :

-Vậy khi cậu này nói cho chị hay cái kính mang trên mắt, chị có thấy mắc cỡ không ?

Tôi trả lời:

-Ngộ cái là chị không mắc cỡ mới lạ chớ, chỉ nói một câu chữa gọn thế thôi.

-Há há há, há há há…

 Em tôi và mọi người lại phá lên cười âm vang chấn động cả trần nhà ấy. 

Ừ nhỉ. Sao tôi không hề thẹn chút nào hết. Đúng là mặt dạn mày dầy mà.Tôi phân tích trạng thái chai lỳ của mình như sau: Có lẽ vì tôi xem cậu trẻ này chỉ là hàng em út nhỏ hơn mình nên không xấu hổ, chứ nếu ngược lại là một đàn ông từ bằng tuổi tôi trở lên thì chắc quê lắm lắm.

Hình minh hoạ: Pexels

3/

Đây là một trong nhiều lần chạy đôn chạy đáo tìm những món đồ tưởng thất lạc như cây bút, chìa khoá, điện thoại di động, quyển sách đang đọc… mà thật ra nó nằm trên tay, trong ví, trong hộc bàn, bên cạnh… kiếm hoài không được rồi la toáng lên hỏi sao kỳ quá, nó biến đi đàng nào. Hoặc đi vào bếp hay vào phòng bên cạnh để lấy gì đó, nhưng vào rồi thì khựng lại chả nhớ mình định tìm cái chi. Hay ra chợ định bụng mua món đồ đang cần, thế mà khi đến nơi thì chẳng nhớ món ấy là chi. Rốt cuộc mua bánh mì, trái cây, rau cải rồi về nhà thì mới nhớ. Thật là tình. 

Nghe các nhà khoa học (lại khoa với học) khuyên mình nên vận động trí óc giống như tập thể dục thân thể bằng cách chơi đố chữ, học ngôn ngữ ngoại quốc, đọc sách báo… cho các neurone hoạt động để giảm hoặc ngừa chứng quên, tôi liền áp dụng ngay.

Được cái may mắn tôi rất thích đọc. Tôi vẫn học và đọc mỗi ngày. 

Nhưng dù đã thực hành mọi điều như trên, thế mà trong chuyến bay vừa rồi khi từ nhà ra phi trường Tân Sơn Nhất để trở về Thuỵ Sĩ, lúc lôi valise từ xe xuống tôi mới chợt nhớ là… quên cái xách đựng áo manteau, khăn quàng cổ, nón len, bao tay mà tôi sợ quên nên đã đặt kề cạnh với hành lý để về bên nầy thì có mà mặc (vì Thuỵ Sĩ đang mùa Đông tuyết rơi dầy đặc). May có các cháu tiễn nên tôi nhờ một cháu chạy về nhà lấy mang ra giùm, chứ đợi đến lúc phi cơ cất cánh mới nhớ là mình… quên thì sang đây sẽ rét cóng trước khi mò về đến nhà. Hú hồn. 

Dec. 2022

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: