Minh họa: alex-talmon-unsplash

Nhung lặng lẽ theo Kỳ lẩn trong đoàn người ồn ào náo nhiệt bước xuống phà. Phà bắt đầu rời bến, Nhung tìm một chỗ vắng vẻ đứng tựa tay vào lan can phà, nét mặt dàu dàu, mắt mơ màng dõi nhìn dòng nước lững lờ trôi. Một chiếc bèo từ đâu, không biết xuất phát chốn nào đang lềnh bềnh trôi theo dòng nước tiến về phía Nhung. Nhìn chiếc bèo, Nhung chạnh lòng thương cho cái cảnh “bèo dạt mây trôi” chẳng biết nó sẽ dạt về đâu và sẽ tấp bến nào như đời nàng hiện tại.

Nhìn chiếc bèo trôi cám cảnh đời

Trời sinh ra chịu cảnh chơi vơi

Bềnh bồng trôi dạt theo giòng nước

Bến đỗ nơi nào hỡi người ơi?

Đừng trách, đừng than đời đã thế

Bình yên lặng lẽ chịu đi thôi

Phong ba bão táp còn chi sợ

Bởi đã thân bèo vốn nổi trôi.

Đúng rồi, chiếc bèo là hiện thân của đời nàng. Chính Nhung hiện giờ nàng không biết đời nàng sẽ đi về đâu, sẽ dạt bến nào khi bão táp phong ba đang ùn ùn kéo đến. Nhung mím chặt môi cố gắng chịu đựng cơn giông bão đang xâu xé trong lòng, mắt mơ buồn nhìn về cõi xa xôi, bất động.

Từ nãy giờ, Kỳ vẫn lặng yên đứng bên nàng. Chàng đưa mắt lấm lét nhìn sang Nhung, lòng chàng cũng buồn rười rượi khi thấy Nhung chỉ là cái xác không hồn, một cái xác biết đi, một cái xác biết buồn, hay nói cho đúng hơn, đấy chỉ là một bóng ma đang lờn vờn trước mắt chàng. Cả hai cùng yên lặng, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của chính mình.

Một lúc thật lâu, bỗng thấy Nhung khe khẽ quay mình, nhìn sang Kỳ mắt nàng buồn diệu vợi cất tiếng nói như thể phát ra từ cõi xa xăm nào:

-Dù gì Nhung cũng cảm thấy buồn và tủi, người ta ra đi được sự ủng hộ của gia đình, có kẻ tiễn người đưa, còn Nhung đây trốn nhui trốn nhủi ra đi với cõi lòng nát tan, hành trang mang theo chỉ toàn mặc cảm tội lỗi. Vui làm sao được hở anh, khi lòng Nhung ray rứt mãi.

Từng giọt nước mắt buồn tủi bắt đầu đọng quanh khóe long lanh sáng ngời như những giọt sương theo từng tiếng nói của nàng:

-Anh nghĩ xem, thiên hạ ra đi có chồng có con bên cạnh, có họ hàng thân thích, có ruột thịt anh em, có cha mẹ để trông cậy nương nhờ. Còn Nhung đây chỉ trơ trọi có mỗi một mình, chơ vơ giữa chốn này đây, vui sướng làm sao được, Nhung chỉ còn muốn chết.

Nói rồi, Nhung quay mặt nhìn ra sông khóc sướt mướt. Kỳ đứng nghe cũng chết lặng theo tiếng khóc của nàng. Rút khăn tay đưa cho Nhung lau nước mắt, Kỳ xiết nhẹ tay nàng, lời nồng nàn thiết tha an ủi:

-Thôi Nhung đừng buồn và khóc nữa. Anh rất hiểu lòng Nhung cũng như tâm trạng Nhung hiện tại. Song Nhung hãy an tâm, đã có anh luôn luôn bên cạnh, yêu thương Nhung, lo lắng cho Nhung chu đáo. Nhung đừng buồn làm anh cũng khổ lây. Nhung ơi, ra đi là chấp nhận tất cả, lìa bỏ tất cả những gì ở sau lưng. Dù có luyến tiếc, cũng hãy cố tìm quên. Quên để mà sống, Nhung ạ.

Nhung khóc òa sau lời nói của Kỳ:

-Quên làm sao được hở anh? Làm sao Nhung quên được một người chồng đáng yêu đáng kính. Chẳng biết giờ này, Lữ đang làm gì, chắc chắn là đang đói, luôn hy vọng ở Nhung và vẫn bình thản nghĩ đẹp về Nhung. Trời ơi, Nhung khốn nạn quá, Nhung tàn nhẫn quá, Nhung đã tạt nước lạnh vào mặt chồng, Nhung nhục nhã quá. Kỳ ơi, Nhung chỉ còn muốn chết!

Kỳ lắc nhẹ vai Nhung, nhìn thẳng vào mắt nàng:

-Không, Nhung. Nhung đừng nghĩ thế và nói thế. Nhung ra đi với anh, anh không bắt buộc Nhung phải lấy anh mặc dù anh rất yêu Nhung. Anh chỉ ao ước lúc nào cũng thấy Nhung, được thấy Nhung cười, thấy Nhung sung sướng. Ra đi, Nhung vẫn đợi được anh Lữ cơ mà. Tất cả vì cuộc sống. Ở lại Nhung sẽ khổ, khổ về mọi phương diện vật chất lẫn tinh thần. Như Nhung nói, trước 54, anh Lữ đã có vợ con ngoài Bắc. Người vợ đó vẫn thủy chung đợi chồng. Vậy sau bao năm xa cách họ gặp lại, đoàn tụ, rồi Nhung sẽ ra sao. Viễn ảnh cuộc đời Nhung mờ mịt quá, anh không muốn thấy Nhung khổ và như thế, Nhung có giúp gì được cho anh Lữ đâu.

Nhung vẫn thút thít khóc:

-Đã đành là thế, song Lữ vẫn buồn và đau đớn khi biết Nhung ra đi với anh, dù chỉ là cùng chuyến tàu. Rồi sau đó, Nhung có gởi về cả kho tàng của cải, lòng Lữ vẫn lạnh băng. Lữ chỉ cần tình yêu của Nhung thôi, anh ạ. Cứ hình dung ra nỗi đau khổ của Lữ lúc được về, Nhung chịu không nổi. Riêng anh, Nhung rất quí mến anh, rất cám ơn về lòng tốt cũng như tình cảm chân thành của anh dành cho Nhung. Nhưng biết sao giờ khi hoàn cảnh quá éo le ngang trái. Nếu mất Nhung, một người đẹp trai, hiền hậu, và thông minh như anh, sẽ thiếu gì người thay thế chỗ Nhung.

Kỳ lắc đầu buồn bã:

-Không. Sẽ không có người nào thay thế được Nhung ở trong anh.

Minh họa: jacob-townsend-unsplash

Phà bắt đầu cập bến cắt ngang câu chuyện của hai người. Kỳ và Nhung theo làn sóng người bước lên bờ. Nhung lau khô ngấn lệ, thầm lặng theo Kỳ bước lên xe. Biết lúc này mắt mình sưng vù và đỏ hoe, sợ mọi người, nhất là công an để ý, bất tiện, Nhung ngả đầu vào thành xe, ngồi bên Kỳ nhưng không nói gì nữa. Nhung nhắm mắt lại giả vờ ngủ say. Xe tiếp tục cuộc hành trình hướng về Rạch Giá. Gió thổi vù vù, ru Nhung vào giấc ngủ chán chường mệt nhọc.

Đến Rạch Giá thì trời cũng chạng vạng tối. Có những người lạ mặt, Nhung đoán là người trong tổ chức vượt biên ra đón Kỳ và Nhung. Họ sắp xếp chỗ ngủ nghỉ, gởi mỗi người về chỗ dân cư thích hợp sao cho công an không nghi ngờ, để ý. Nhưng trong bữa cơm tối hôm ấy, Nhung mới hay rằng, vì bãi không được an toàn, chuyến đi đành đình chỉ. Thoáng nghe, Nhung khấp khởi mừng thầm, nhìn sang Kỳ, miệng cười toe rạng rỡ:

-Ô, may quá. Nhung nhớ Sài Gòn quá. Nhớ từng rạp hát, nhớ từng lối đi, nhớ loanh quanh góc chợ mỗi ngày. Nhung chưa mất Sài Gòn và Nhung chưa mất Lữ. Thôi, chuyến này về, Nhung chả đi nữa đâu. Đi chẳng vui tí nào, mà chỉ thấy toàn buồn và nước mắt.

Nghe Nhung nói, Kỳ tiu nghỉu nhìn sang Nhung háy nàng, giận dỗi:

-Thôi, anh ghét Nhung thật rồi, không còn thương Nhung nữa. Nhung chỉ làm anh lo lo, sợ sợ. Lúc thì nói đi, lúc nói không đi. Làm cho anh mừng hụt. Ghét!

Nhung vẫn cười:

-Tại đi mà cứ thấy lòng ray rứt mãi chứ bộ.

Kỳ vẫn dỗi:

-Thôi, không nói chuyện với Nhung nữa.

Nhung cười:

-Nói thế chứ, để về còn xét lại.

Kỳ chụp ngay lấy tay nàng:

-Xét lại thì đi nghe.

Nhung gật đầu:

-Vâng.

Nhung đã thấy Kỳ cười tươi rạng rỡ.

Minh họa: jen-we-unsplash

Thế rồi Nhung lại chẳng đi, để 20 ngày sau, hát bài chia tay tiễn Kỳ lên đường… Khi chiếc xe chở Kỳ từ Xa Cảng Miền Tây bắt đầu chuyển bánh, Kỳ còn ngoái đầu nhìn lại, đưa tay vẫy vẫy chào Nhung. Tà áo tím ngày nào của buổi ban đầu mới gặp, rồi quen, đang lung linh trước gió. Áo tím sậm màu đậm nét buồn biệt ly. Kỳ bồi hồi xúc động thương Nhung ở lại lủi thủi một mình. Ngồi trên xe, lòng chàng ngổn ngang trăm mối, không biết đây có phải là lần cuối cùng để mãi mãi xa Nhung. Nửa hồn ra đi, nửa hồn ở lại, Kỳ thấy lòng se thắt xót xa.

Khi đến nơi, biết chắc đêm nay xuống tàu, Kỳ ngẩn ngơ đau đớn như muôn vạn mũi kim đâm thấu trái tim chàng. Kỳ muốn khóc nhưng không sao khóc được. Rồi nửa đêm hôm đó, Kỳ lẳng lặng theo người đàn ông chỉ đạo bước từ thuyền con sang tàu lớn. Tàu bắt đầu ra khơi, Kỳ chợt bàng hoàng khi biết thật sự đã rời xa đất liền. Đứng trên mũi tàu, nhìn biển nước mênh mông, những làn sóng lăn tăn vẫn vô tình nhảy múa, con tàu như một sinh vật nhỏ bé giữa biển khơi. Kỳ cảm thấy cô đơn lạ lùng.

Những nỗi nhớ niềm đau dày xéo tâm tư chàng. Quê hương ơi, nơi đó đang có mẹ già có lẽ giờ này đang lủi thủi một mình trông ngóng tin con, những người thân thương họ hàng quyến thuộc, những lối cũ đường xưa và… một người yêu dấu! Nghĩ đến Nhung, bao nhiêu kỷ niệm lại dội về. Từng kỷ niệm một từ từ ghi dấu lại trong tim. Từng chi tiết nhỏ từ lúc mới gặp và quen nàng trên tuyến đường ngày đó nàng ra thăm chồng “cải tạo” ngoài Bắc đến giây phút cuối cùng của buổi chia tay.

Cũng với tà áo tím ngày nào đánh dấu một cuộc tình và kết thúc một cuộc tình. Kỳ nhớ mãi, nhớ hoài, làm sao chàng quên được những giây phút bên Nhung. Nhớ từ nụ cười hồn nhiên của nàng, đến những câu nói duyên dáng vui tươi và nhất là ánh mắt hiền hòa chân thật. Nhớ, và nhớ mãi, nhớ hoài những kỷ niệm. Trời ơi, những kỷ niệm đang bao trùm quanh đâu đây. Kỳ khổ sở gục đầu vào giữa hai lòng bàn tay rên rỉ:

-Nhung ơi, anh yêu em nhiều lắm và anh cũng hận em nhiều lắm. Tại sao em cố chấp không chịu đi cùng anh để tình anh tan vỡ, để anh đau khổ cùng cực như thế này. Tại sao?… Tại sao?…

Trong khi đó, tại đất liền, Nhung cũng thấp thỏm chờ đợi tin tức Kỳ. Nàng ao ước cũng như lần rồi, Kỳ lại quay về vì lý do trục trặc nào đó. Hai hôm sau kể từ lúc Kỳ ra đi, Nhung vội đạp xe đến hỏi người chủ tàu, nàng chới với bàng hoàng như tiếng sét đánh ngang đầu khi hay tin tàu của Kỳ đã thực sự nhổ neo. Nhung lặng người một lát rồi đạp xe ra về. Những giọt nước mắt rưng rưng từ từ lăn dài xuống má. Nhung thấy bầu trời như sụp đổ tan tành. Về đến nhà, ném xe vào một góc, Nhung chạy vội về phòng úp mặt vào lòng gối nức nở:

-Trời ơi, anh Kỳ ơi, Nhung mất anh thực rồi, biết bao giờ mới gặp lại nhau. Tại sao em ngu quá, em tự giết đời mình để tình em tan vỡ cho cả hai đau khổ cùng cực như thế này. Kỳ ơi, thế là hết, hết thực rồi!

Những ngày buồn tẻ thoáng qua, lại một lần nữa Nhung sống trong nỗi đau khổ triền miên. Thời gian vẫn lặng lẽ trôi, thấm thoát mà đã hơn một tháng rồi kể từ lúc Kỳ ra đi. Mùa Đông ảm đạm lạnh lùng sắp chấm dứt để nhường lại mùa Xuân ấm áp trở về. Mùa Xuân đến chỉ gợi cho lòng người đầy nhung nhớ, chỉ làm cho những kẻ cô đơn càng thấy lòng hiu quạnh.

Nhung âm thầm trở lại với bổn phận của mình, chắt chiu, gói ghém làm quà tiếp tế gởi nuôi chồng, mặc dù lúc gần đây có tin đồn chồng Nhung đã bịnh chết trong tù. Dù tin đó đã có người từ trong trại được về cải chính, nhưng sáu tháng rồi, Nhung vẫn chưa được đọc thư chồng, Nhung sốt ruột đau buồn nhưng chả biết làm sao.

Chắt chiu với cụ bố chồng, ngày hai buổi lo cơm nước cho cụ Điềm – một bố chồng, một nàng dâu – hai thế hệ thật xa vời như hai thái cực. Cụ Điềm rất thương con dâu. Đằng đẵng nhiều năm rồi, con dâu giờ này vẫn còn đây, chờ đợi trong mỏi mòn tuyệt vọng, hy sinh cả cuộc đời son trẻ của mình cho cụ và cho chồng. Hằng ngày chỉ quanh quẩn bên cụ để hầu hạ cơm nước mà nhà đâu có tiền bạc, tài sản gì cho con dâu.

Còn Nhung cũng rất thương bố chồng, nàng không đành đoạn bỏ cụ, bỏ chồng khi gia đình cụ đang sa cơ thất thế. Nhưng nếp sống phong kiến và quan niệm cổ xưa của cụ, một nho học và một tây học rất khó để hiểu nhau, nên nỗi niềm riêng Nhung khép kín trong lòng, không biết than thở cùng ai. Một mình chịu đựng mọi dồn dập sóng gió của cuộc đời. Nụ cười đã tắt trên môi, Nhung cảm thấy cõi lòng trống trải như một bãi sa mạc quạnh hiu.

Nàng biếng ăn, mất ngủ. Có những đêm dài thao thức, ngồi ôn lại những quãng đời qua, nhớ lại những kỷ niệm đẹp nhưng buồn để rồi ôm mặt khóc. Nhung sống trong nỗi tuyệt vọng chán chường, hối tiếc những gì đã mất. Nàng ra ngẩn vào ngơ, lòng băng giá héo hắt úa tàn. Suốt thời gian như vậy, người Nhung gầy hẳn đi rồi trở bịnh nặng. Nhung miên man trên giường bịnh, miệng mê sảng lảm nhảm những gì mà không ai nghe rõ. Giấc ngủ chập chờn, không hiểu mơ gì mà lại thường nói mê:

-Có ai đi vượt biên, hãy dắt tôi đi với…

Hai hôm liền, cụ Điềm thấy Nhung nằm li bì, không ăn uống gì, cụ ngạc nhiên lo lắng hỏi:

-Vợ Lữ, con đau sao mà cứ nằm mãi thế?

Đang úp mặt vào tường, Nhung thoáng nghe lời ôn tồn, sốt sắng của bố chồng, nàng quay lại đưa ánh mắt âu sầu buồn bã nhìn cụ, nước mắt của bao ngày đau khổ chực sẵn tự bao giờ từ từ ứa ra lăn dài trên gối, Nhung thổn thức:

-Bố ơi, con không còn muốn sống!

Nói rồi, quay mặt vào tường úp mặt xuống gối, khóc òa.

Cụ Điềm chả hiểu ất giáp gì, cứ nghĩ con dâu buồn với những nỗi buồn thường lệ, vội lên tiếng an ủi:

-Con an tâm, nhà con cũng sắp về. Bố có nhìn qua tử vi, mạng nó còn vững lắm. Tháng tới đây, nó có sao “Thiên mã” ngộ “Tràng sinh, đế vượng” tốt lắm, nghĩa là… bước dài, nó… nhảy về đấy thôi.

Tháng tới… tháng tới… và… tháng tới… Cụ Điềm đã nói bao cái “tháng tới” như thế với Nhung rồi trong suốt gần sáu năm nay. Thiên mã, ngựa chạy, bước ngắn, bước dài, nhảy về, nhảy đi, nhảy tới, nhảy lui, rồi cuối cùng, Nhung chỉ thấy Lữ nhảy từ miền Nam ra tù miền Bắc.

Thất vọng, Nhung chỉ buông một tiếng thở dài não nuột.

Nỗi buồn nào rồi cũng phôi phai, thời gian vẫn là liều thuốc hay chữa lành mọi thứ tâm bịnh. Nhung đã cảm thấy nguôi ngoai mặc dù vết thương lòng đã để lại trong trái tim nàng một vết thẹo thật lớn.

Nhưng!

Hôm nay, khi điện tín của Kỳ đánh về báo tin “Đã đến bình yên” do người nhà Kỳ thông báo, vết thương lòng trong nàng như bị xé to. Cái điện tín như mũi dao sắc bén giải phẫu trái tim nàng, khươi lại những kỷ niệm êm đềm đã mất, Nhung ngơ ngẩn thẩn thờ luyến tiếc một chuyến đi. Lại những đêm không ngủ. Và đêm nay thao thức với canh dài, ngồi mơ màng nhìn bóng đêm đen qua khung cửa sổ, ánh trăng vằng vặc lạnh lùng âm thầm một bóng đơn côi như cảm thông nỗi lẻ loi đơn độc của nàng. Nhung cảm thấy buồn vô hạn. Với tay bấm ngọn đèn ba tấc, Nhung kéo hộc bàn, lôi ra cuốn nhật ký, nàng muốn gởi tâm sự qua giấy bút. Nhung bắt đầu viết:

“Anh Kỳ, thế là chúng ta đã mất nhau thực rồi. Người ở chân trời, kẻ cuối chân mây, cách nhau cả một đại dương. Nhưng dù sao nơi anh vẫn là thiên đường, còn nơi Nhung đây vẫn mãi là địa ngục. Nhung muốn chắp cánh bay cao, bay thật cao để lìa xa dĩ vãng, lìa bỏ tất cả, lìa bỏ cho thật xa những kỷ niệm đau buồn. Gặp lại Nhung, chắc anh vui lắm nhỉ, nhưng mất Nhung rồi, anh Lữ sẽ ra sao?!…”

Nhắc đến chồng, Nhung thừ người buông rơi viết xuống, gục đầu trên bàn với nỗi đau khổ ngấm ngầm. Đúng rồi, Lữ sẽ ra sao, hơn một năm nay, Nhung không ra Bắc thăm viếng tiếp tế cho chồng, không phải Nhung quên bổn phận hay ngại gian lao, nhưng dịp này nhiều người được về và đang chuyển trại vào Nam. Có lẽ giờ này Lữ đã hết đồ ăn, Lữ đang đói, đang ốm, đang bịnh và trông ngóng tin nàng. Nhớ lần cuối cùng vào thăm, một mình hì hục kéo cho chồng 90 ký lô quà, Lữ tươi cười hớn hở đón nàng:

-Anh sung sướng quá, các bạn anh luôn bảo, anh thật diễm phúc. Và Lữ tiếp:

-Em biết không, các bạn anh ở trại, vợ có ba con rồi mà cũng bỏ đi lấy chồng. Các anh ấy buồn lắm, có người thất vọng tự tử đấy em.

Nhung quay qua nhìn Lữ, cười, nheo mắt hỏi:

-Còn em đây chưa có con ràng buộc, anh có sợ không?

Lữ nói cứng:

-Không sợ!

-Chắc không?

-Chắc!

Nhung ỡm ờ vừa cười, vừa nói:

-Rồi sẽ cho biết… sợ!

Lữ vẫn cười tin tưởng, âu yếm nhìn Nhung:

-Các bạn cứ khen anh diễm phúc!

Nhung không đáp, một lúc Lữ lại chép miệng:

-Nghĩ những thằng nào khốn nạn thật, nó ở ngoài tự do, chẳng biết thương người tù, họ trong này khổ sở đến bực nào, có mỗi một cô vợ, nguồn an ủi cuối cùng mà nó cũng… cua đi mất.

Nhung binh vực:

-Vì họ không thấy nỗi khổ của… người tù, mà họ chỉ thấy nỗi khổ của… vợ tù!

Bây giờ ngồi nhớ lại lời chồng, đầu Nhung như nổ bùng ra. Thật diễm phúc không anh, khi em không theo Kỳ, xác thì còn đây mà hồn em thì mất. Hồn và tâm trí của em luôn hướng về bên kia đại dương, không hẳn vì Kỳ mà chỉ ở nơi đó, em mới có thể đổi đời, thoát khỏi cái địa ngục trần gian mà hiện nay ai ai cũng kinh khiếp. Người tù có cái khổ của người tù và vợ tù có cái khổ của vợ tù, anh có hiểu cho chăng. Em đã không muốn anh đau khổ, đành ở lại Việt Nam chịu kiếp sống đọa đày, tương lai mịt mờ không biết đến bao giờ. Càng nghĩ, Nhung càng điên cái đầu, khẽ buông một tiếng thở dài xua tan mọi ý nghĩ.

Gạt giấy bút qua một bên, Nhung đứng dậy chồm người nhấc cây đàn. Cây đàn guitar nàng mới mua khi ghi tên học âm nhạc. Chỉ có tiếng hát lời ca mới làm lòng Nhung khuây khỏa, quên đi những buồn phiền, đau khổ bấy lâu. Và trong đêm khuya thanh vắng, tiếng hát của Nhung được cất thật cao thánh thót êm đềm một bài ca “Ảo ảnh”.

Yêu cho biết sao đêm dài.

Cho vơi hết nồng cay.

Yêu cho thấy bao lâu đài.

Giờ chỉ còn trang giấy.

Dòng mực xanh còn đấy.

Hứa cho nhiều, dù bao lời nói.

Cũng phai tàn thành mây thành khói.

Cũng theo hư không mà thôi.

Vắng con tàu, sân ga buồn héo hắt.

Vắng bóng chàng, em thấy quạnh hiu.

Những nẻo thuyền yêu đương thường dễ đứt.

Khóc bao chiều trên bến tịch liêu.

Những ân tình em đong bằng nước mắt.

Khóc cho đầy hai chữ… tình yêu.

Nhung đã gục trên cây đàn nức nở. Cứ như thế không biết bao lâu, Nhung đã thiếp đi lúc nào không hay. Trong giấc ngủ chập chờn, mơ màng Nhung thấy nàng đang ngồi trong một chiếc xe đò, bên cạnh chính tay Kỳ đang lái. Chiếc xe lao vun vút trong màn đêm. Tiếng của Nhung thúc giục:

-Hãy đạp thêm ga nữa đi, chạy cho nhanh, cho mau đến Mã Lai.

Kỳ ra bộ phục tùng:

-Tâu vâng.

Và chiếc xe được nhấn thêm ga, lao vào đêm tối, gió thổi vù vù. Bỗng, một tiếng còi nổi lên. Một tay công an đang chắn ngang giữa đường:

-Hai người đi đâu, cho kiểm tra hành lý.

Nhung xuống xe, theo tay công an ra phía sau, lôi ra những bao lớn, vừa mở, vừa trả lời:

-Tôi đi thăm chồng học tập cải tạo ngoài Bắc. Này anh xem, nào bột đậu, bánh mì khô, cốm dẹp, mì ăn liền, đây là đường, thịt chà bông và hủ mắm ruốc xào xả ớt… Toàn đồ ăn tiếp tế thôi, anh ạ.

Anh công an gật đầu:

-Được, cho phép hai người đi.

Kỳ lên xe rồ máy cùng Nhung tiếp tục cuộc hành trình. Kỳ lấm lét nhìn Nhung:

-May quá, họ không biết chúng ta vượt biên.

Nhung thúc hối:

-Vậy đi mau lên anh, sắp đến Mã Lai rồi.

Kỳ hối hả nhấn thêm ga,… nhấn nữa,… thêm nữa,… xe lao vun vút và cuối cùng rơi… tõm xuống biển. Nhung hét lên: “Ôi, hãy cứu lấy tôi!

Giật mình, Nhung nghe tiếng gà nhà ai gáy sáng.

____________________

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: