(Minh họa: Askar Abayev/Pexels)

Thưa cô, gia đình tôi mới qua Mỹ do chú em chồng tôi bảo lãnh. Chồng tôi là anh cả, nhà có bảy anh chị em, tất cả họ qua Mỹ từ sớm theo đường vượt biên. Tôi rất cảm kích là họ đã chịu cực khổ suốt bao năm qua ở xứ Mỹ, nay vẫn thương gia đình tôi để bảo lãnh qua và cho hai đứa con tôi có cơ hội được vào đại học bên này.

Cô em chồng tôi thương ông anh sức yếu không đi làm được nên cho gia đình tôi ở chung. Cổ tốt với chồng tôi lắm. Anh em nhà họ thương nhau, đoàn kết, thân thiết với nhau. Ngày nào cổ và mấy anh chị em khác cũng nói chuyện với nhau, bàn ra tán vào chuyện gia đình của nhau, dĩ nhiên không loại trừ gia đình tôi, nếu không muốn nói, gia đình tôi là tâm điểm! Vì là nhà của cô nên cô rất tự nhiên, câu chuyện nhiều lần lọt vào tai tôi.

Tôi nghe mà buồn tủi khi họ thương mến, kính trọng chồng tôi bao nhiêu thì họ chê trách gièm pha tôi và hai con tôi bấy nhiêu. Tôi là chị dâu, người ngoài máu mủ đã đành, nhưng hai con tôi là cháu họ, họ gần như không có chút tình gia đình nào dành cho hai đứa con tôi mới qua. Họ luôn trách hai đứa hư đốn và cư xử như đồ nhà quê. Tôi tủi thân vô cùng, họ cho tụi nhỏ hư là do tôi không biết dạy. Lúc thì họ nói tôi không biết dạy con, lúc thì họ gọi con tôi là “cháu ngoan bác Hồ” nên hư hỏng.

Tôi thì tôi thấy con tôi đúng là có lúc không ngoan, nhưng tụi nó cũng đi học, đi làm cố gắng cho bằng bạn Mỹ. Nói chung, tôi biết con tôi không thuộc loại ngoan ngoãn giỏi giang hơn người, nhưng cũng như bao đứa thanh thiếu niên khác mà thôi. Con họ cũng vậy, đâu phải đứa nào cũng xuất sắc đâu. Tôi thấy tủi thân cho con mình lắm, mà không biết phải làm sao. Rồi nhiều chuyện nữa, ăn uống, tiền bạc, sinh hoạt, tiếng ồn, thói quen khác nhau, khiến nhiều vấn đề xảy ra.

Nhiều lúc tôi quá phẫn uất, nhưng nuốt nghẹn vì nhớ rằng mình được ngày nay là do nhà chồng bảo lãnh qua. Họ thương tình cho ở chung nhà không lấy tiền, tôi chịu đựng họ thì họ cũng chịu đựng tôi, cứ nghĩ thế mà sống qua ngày. Nhưng không phải dễ để kéo dài cuộc sống từ ngày này sang ngày nọ. Tôi muốn dọn đi lắm, tôi và hai con đi làm nếu nhịn ăn nhịn mặc thì cũng trả được tiền nhà. Nhiều lần tôi bàn với chồng ra riêng, nhưng chồng tôi nhất định cản. Ổng vì thấy mình không lo được cho gia đình, nên muốn tận dụng sự giúp đỡ của các em (trước đây có thời gian dài, ổng là người nuôi họ khôn lớn), để các con tôi học hành cho xong.

Tôi buồn quá cô ơi. Vừa giận con, vừa thương con mà cũng vừa giận vừa thương chồng. Lòng buồn nên mệt mỏi, bệnh hoài, cô ơi! (Cháu Phượng)

(Minh họa: LinkedIn Sales Navigator/Pexels)

GÓP Ý

– Cô Ng

“…Họ thương tình cho ở chung nhà không lấy tiền, tôi chịu đựng họ thì họ cũng chịu đựng tôi, cứ nghĩ thế mà sống qua ngày….”

Em nghĩ được như vậy là tốt, vì không thể dễ dàng ở chung với một gia đình lạ từ năm này sang năm khác mà lòng thoải mái. Một lúc nào đó em cũng nên đặt mình trong hoàn cảnh họ xem sao? Khi ấy em sẽ dễ dàng thông cảm hơn.

Những lời ra tiếng vào của cô em, em đừng nghe nữa, nó chỉ làm em mệt thêm, tại sao hoàn cảnh sống của em đang vướng bao nhiêu phiền phức, em không gỡ bớt lại cột thêm vào?

Theo cô, khi nào thoáng nghe những điều chướng tai, em nên tìm cách ra khỏi nhà, đi một vòng, ra sân coi cây cỏ. Nếu trường hợp cô em có ý cố tình muốn em nghe, vài lần thấy chị dâu ra khỏi nhà khi mình nói, lòng cô ấy cũng thấy nhột mà xét lại.

Về chồng của em, theo cách nói thì không phải anh cố tình muốn sống trong gia đình đó mà không quan tâm gì đến những khó chịu của vợ con. Anh chỉ cố chịu vì thương con, thương vợ, muốn cho em không quá bôn ba công việc kiếm tiền nếu phải ra riêng.

Một khi em nghĩ được rằng, họ cũng chịu đựng em, thì em sẽ nhẹ lòng, khi nào những ý nghĩ tiêu cực đến với mình, em nên chuyển sang những dự định về tương lai, khi mà gia đình em có một nơi chốn riêng, em sẽ nhẹ người đi.

Một điều mà em cũng còn nên nhớ là bảo lãnh một gia đình bốn người rất khó khăn, hãy nghĩ những lúc anh em họ chạy đôn chạy đáo lo giấy tờ, lo tiền bạc, lo vé máy bay hay mua sắm những vật dụng đón gia đình em.

Cô thật mong em mau qua giai đoạn khó khăn này.

– Minh

Vì đã từng lâm phải hoàn cảnh tương tự nên tôi xin có ít đóng góp với cô Phượng như thế này, tuy sự thương yêu và ràng buộc về gia đình rất đáng quý nhưng chỉ nên có một giới hạn về thời gian nào đó thôi vì các cụ ta ngày xưa đã từng nói, “Sống mỗi người một nhà, Chết mỗi người một mồ.”

Thế cho nên xin đề nghị gia đình nên tìm một chỗ ở riêng để tránh những phiền toái sau này càng sớm càng tốt

– Hoàng Thy

Hoàn cảnh của cô cũng giống như hoàn cảnh của gia đình tôi 20 năm về trước, vì vậy tôi xin góp ý sau đây:

Đúng như cô nghĩ đám em chồng giúp đỡ gia đình cô là vì họ thương anh của họ chứ không phải họ thương mẹ con của cô. Vì anh em của họ có nhiều kỷ niệm khó quên. Khi một gia đình đang sống yên vui, quen với nề nếp cũ, tự nhiên có gia đình khác xen vào thì bực mình vô cùng, giả thử chuyện xảy ra ngược lại cho gia đình cô thì tâm trạng của cô cũng giống vậy thôi, mình phải thông cảm và không nên trách họ.

Theo thiển ý của tôi, cô hãy mạnh dạn ra riêng đi, cô không chết đói đâu mà sợ, còn ông chồng cô có theo cô và các cháu hay không thì tuỳ ổng. Nhưng tôi nghĩ là ổng sẽ theo thôi, nhưng cô phải quyết tâm là ra riêng đi, có mắm ăn mắm, có muối ăn muối, tôi biết chắc là cô sẽ khoẻ lắm, cô sẽ tự quyết định cho đời sống riêng mình, không phải nghe lời ra tiếng vào… nhức đầu lắm, cô có đi làm, con cô cũng đi làm thì lo gì không kham nổi cuộc sống của ba mẹ con. Ở chung kiểu ấy cũng không chắc gì giữ được tụi nhỏ, có khi tụi nó quá bực mình lại muốn đi ra khỏi nhà đó.

Ông chồng cô thì có sẵn người lo nên ngày dài tháng rộng sinh ra dựa dẫm các em của ổng, cô không có ý dựa dẫm thì ở chung làm gì, tôi đã từng ở trong hoàn cảnh y như cô, tôi đã quyết định ra đi, ông chồng tôi phải đi theo để gần vợ con, cô hãy sắp xếp xong rồi mới cho ông biết, chứ cho biết trước thì sẽ bị cản ngăn. Xin chào, chúc cô tròn ước nguyện!

– Tám

Ông bà mình nói không sai: Chung thì đụng!

VẤN ĐỀ MỚI

Thưa cô Nguyệt Nga, vợ chồng tôi hiện sống ở Việt Nam, sống với nhau được 10 năm thì ly hôn. Suốt 10 năm bên nhau, lúc nào chúng tôi cũng gấu ó lẫn nhau, một phần do cả hai vợ chồng quần quật mà cuộc sống vẫn thiếu đầu này hụt đầu kia. Phần thì lấy nhau rồi mới thấy tính tình hai đứa khác nhau quá.

Khi có đứa con, tình trạng gia đình chúng tôi càng tệ hại hơn, vì chỉ còn một đầu lương, vợ tôi phải ở nhà trông con. Không có ngày nào chúng tôi không cãi nhau, nguyên nhân thường rất lãng xẹt, nhưng những điều lãng xẹt ấy vẫn lặp đi lặp lại như cơm bữa.

Ly hôn là giải pháp cả hai vợ chồng đều đồng ý sau 10 năm chung sống. Sau khi ly hôn vài năm chúng tôi đều có gia đình mới. Vợ tôi gặp được một thương gia giàu có và không con cái. Cuộc sống mới khá hơn gấp trăm ngàn cuộc sống với tôi. Người cha mới vì không có con nên thương và chăm sóc đứa con trai của chúng tôi rất chu đáo. Ông ta đưa đón cháu đi học, mua sắm cho cháu bao nhiêu thứ đắt tiền mà ngày xưa có nằm mơ cũng không có. Thỉnh thoảng nhớ con, tôi cũng tìm đến trường nhìn lén cháu, thấy mỗi lần xuống xe, “hai cha con” họ ôm nhau thương mến mà lòng mình tủi thân. Đôi khi cũng gặp vợ chồng con cái họ đi vào những nơi sang trọng, mà thấy giận người và giận luôn cả mình.

Tôi cũng có liên lạc với con trai, và những điều cháu kể tôi cũng mừng cho cháu dù trong lòng không giấu được sự ghen tức và tủi phận. Mới đây cháu khoe với tôi, “Bố” cháu đang lo hồ sơ cho cháu đi du học ở Mỹ, sở dĩ hồ sơ chậm vì người bố mới của cháu muốn cháu học một trường tốt nhất ở Mỹ!

Thưa cô Nguyệt Nga, chắc cô cũng đoán ra tâm trạng của tôi lúc nghe.

Những ngày sau đó, tôi miên man suy nghĩ, dứt không ra nỗi ám ảnh chuyện con. Tôi phân vân không biết mình có nên đến cám ơn người bố của con tôi đã lo cho cháu, vì quả thật ông ấy đã quá tốt với con trai tôi hay là lơ đi như người vô tình. Nếu lơ thì tôi cũng sợ người vợ cũ trách cứ rằng đã không nuôi mà không biết nói lên tiếng cám ơn, và tôi sợ nhất là nếu không nói gì thì càng ngày con tôi càng xa tôi và cái ngày mất con càng cận kề.

Thêm một điều là tôi cũng sợ người vợ hiện tại của tôi buồn nếu biết tôi liên lạc nhiều với con riêng.

Lòng không yên, xin cô Nguyệt Nga có thể giúp tôi được gì không? (Phúc Trần)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: