Gia đình xào xáo, anh chị em trong nhà tính toán với nhau

(Minh họa: Inés Castellano/Unsplash)

Thưa cô, gia đình con có bốn anh chị em và con là chị cả trong nhà. Từ xưa nay con là người đứng ra lo toan cho gia đình mọi chuyện, kể cả chuyện bảo lãnh cả nhà qua đây. Vậy mà bây giờ con như chìm nghỉm trong nùi rối của gia đình.

Khi đưa được cả nhà qua, ba mẹ và bốn chị em con thuê một căn apartment hai phòng sống chen chúc. Con và ba mẹ đi làm đủ nghề, cực khổ nào kể xiết để cho ba em rảnh thì giờ theo đuổi học hành. Mấy năm sau, cả nhà hùn tiền mua được một căn nhà bốn phòng đổ nát ở một khu nghèo nàn. Dù vậy cả nhà đều vui và sống những ngày đầu thật hạnh phúc, mọi chuyện chín bỏ làm mười hoà thuận trên dưới. Tiền nhà cũng chia ra mà trả, ai đi làm cũng phải góp phần. Vui vẻ cả làng!

Nhưng “vui vẻ cả làng” đó dần dần bớt đi khi con lập gia đình rồi có con. Những xung đột nhỏ, tiêu hành mắm muối đã bắt đầu len vào đời sống. Đã có tiếng than của người này người kia, tiền chợ búa, tiền điện nước, tiền nhu yếu phẩm tăng, phân chia không công bằng, người xài nhiều kẻ xài ít. Tiếng cười dần dà được thay thế bằng những lời càu nhàu từ nhiều phía. Và gia đình con trở thành tâm điểm nhận những lời ta thán, đơn giản là vì nhân khẩu gia đình riêng của con tăng lên, các cháu chiếm lĩnh phòng khách để bày bừa, chơi đùa.

Nhiều lần con đề nghị được đóng góp nhiều hơn nhưng mẹ con không bằng lòng, mẹ bảo rằng nếu không có con thì làm gì có ngày nay, được sống trên đất Mỹ, được đi học trường Mỹ mà không tốn một xu, được hưởng mọi ưu đãi của chính phủ Mỹ. Mẹ con bảo vệ con nhưng không bịt miệng các em được, chúng ba đứa một phe chống đối đòi công bằng, vì nhà cửa là công góp của mọi người, ai cũng có phần hùn, không nhiều thì ít.

Các em nay lớn, đứa nào cũng có bạn trai bạn gái, chúng đòi đem người yêu về ở chung, hoặc trả tiền down (tính theo thời giá bây giờ) cho chúng để chúng ra riêng. Tiền đâu mà trả, con và ba mẹ buồn không kể xiết, không biết giải quyết ra sao, khi mà cuộc chiến càng ngày càng căng thẳng. Cả nhà không ai nói với ai lời nào, đến giờ cơm mạnh ai nấy ăn. Ba mẹ và con bất lực.

Thưa cô, con xin cô một lời khuyên, trong lúc này đầu con căng không nghĩ ra một điều gì cả. Con xin cảm ơn cô! (Nguyệt Thu)

GÓP Ý

-Bích Thuý
Em bảo em là người đứng ra lo toan cho gia đình mọi chuyện vậy thì quyền hành đó giờ đây ở đâu mà bị lép vế quá vậy!? Chẳng lẽ từ ngày lấy chồng có con rồi thì mất hết quyền uy của người chị cả, của người từng đứng ra bảo lãnh đưa cả gia đình đông đúc như thế qua Mỹ?

Qua việc em bảo lãnh được cả nhà qua Mỹ chứng tỏ em là người phụ nữ đảm đang, mạnh mẽ, giỏi giang. Tôi nghĩ em nên có một buổi họp gia đình và em là người chính trong buổi họp, và phải giành quyền được nói là người có quyền hành nhất trong gia đình.

Các em muốn ra riêng và đòi lại tiền down nhà thì em cứ để cho đứa nào muốn ra riêng thì ra. Còn việc đòi tiền down em cứ nói những người còn lại sẽ trả khi gom đủ tiền. Em không phải ngại ngần vì các em của em quá quắt, không nhớ ơn người chị đã từng cưu mang mình.

-Ngọc Linh
Theo em thì xung đột xảy ra phần lớn là do sự ăn đều chia không đều trong gia đình. Chị không thể nại cớ mẹ chị không bằng lòng mà chị đóng tiền cho sinh hoạt chung ít hơn những người khác.

Chị là chị cả, phải cư xử kẻ cả, như thế các em mới nể phục. Theo em thì chị cứ đếm đầu người mà chia tiền trong gia đình. Nguyên tắc là nguyên tắc, cứ gia đình bao nhiêu người thì đóng bấy nhiêu tiền. Khi chị lấy chồng thì đóng thêm phần chồng, sinh ra một đứa con thì đóng thêm phần con.

Còn các em nếu độc thân thì đóng theo độc thân, còn dắt thêm bạn trai về thì đóng thêm phần nữa. Thế là công bằng! Vì nhà quá đông người, em nghĩ trước khi quyết định gì nên có một buổi họp gia đình, mọi người có quyền nêu ra ý kiến, một khi cả nhà quyết thì cứ thế mà theo.

Phần gia đình chị thì cũng nên tiết kiệm, dồn tiền để lo chuyện ra riêng vì khi các con càng lớn thì không thể ở chung như thế mãi.

(Minh họa: cottonbro/Pexels)

VẤN ĐỀ MỚI

Thưa cô Nguyệt Nga, từ ngày em chia tay với người yêu đầu thì cũng đã ba năm, em cũng có cảm tình với vài người, nhưng em chấm dứt khi tình vừa chớm. Em quyết định chăm lo học hành cho xong và không tiến xa với bất cứ ai trong tình cảm.

Rồi thì em ra trường và xin được một việc làm hợp với ngành học của mình. Nhưng cũng từ khi đi làm thì em lại cảm thấy rất nhức đầu với việc bị theo đuổi ráo riết của một vài đối tượng. Từ trước tới giờ những người theo đuổi em toàn là bạn cùng trang lứa hoặc lớn hơn một vài tuổi, nhưng giờ đi làm thì lại rất khác.

Trong số những người theo đuổi em có một manager. Ông ấy có một con gái sáu tuổi và đang nuôi con sau khi li hôn. Lúc đầu em thấy dễ xử với người này nhất nên em cũng ít đề phòng nhất vì thấy khoảng cách tuổi tác khá lớn, nên không cảm thấy dễ bị xiêu lòng.

Nhưng rồi em cũng không biết do người đó có quá nhiều kinh nghiệm hay do người đó thực sự là một người hiểu biết, có cảm tình với em mà em bị xao lòng lúc nào không hay. Dù ngoài mặt, em vẫn rất bình thản và cũng đã từ chối tình cảm của người đó, nhưng thật ra trong lòng em vô cùng bất an và trí thì miên man nghĩ ngợi đến ông ta, em thấy rõ lòng mình thật ấm áp khi hình ảnh của ông ta hiện lên trong đầu.

Ban đầu, em lo sợ em sẽ rơi vào bẫy của một người đàn ông từng trải. Nhưng bây giờ, em lại sợ chính bản thân mình. Em sợ là em sắp sửa đi vào con đường đau khổ. Vì hơn ai hết, em biết chuyện này là không có kết cục tốt. Nhưng ra vào gặp mặt nhau mỗi ngày khiến em không sao bình an được. Em thấy mỗi lần vào sở sao em không được tự nhiên, làm cái gì cũng nhấp nha nhấp nhổm, đầu óc thì không tập trung vào công việc, làm trước quên sau, nói cười cũng giữ ý giữ tứ, lúc nào cũng cảm thấy như bị theo dõi.

Như vậy là em đang thế nào vậy cô? Có phải là em đang yêu hay em bị ám ảnh vì sợ cái kết? Em chẳng biết mình đang làm sao nữa, em chẳng dám hỏi mẹ hay các chị vì sợ mình lố bịch. Giờ em phải làm sao đây cô Nguyệt Nga ơi! (Diễm Nga)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected].

Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: