Trăm năm Văn Cao (1923-2023)

Nhạc sĩ Văn Cao dưới nét vẽ của họa sĩ Trần Thế Vĩnh

Những ngày này, trên các trang báo và mạng xã hội, tin, bài kỷ niệm ngày sinh lần thứ 100 của nhạc sĩ Văn Cao (15-11-1923*15-11-2023) chiếm một tỷ lệ đáng kể.

Điều đó đương nhiên xứng đáng với một trong vài tên tuổi quan trọng nhất của nền tân nhạc Việt Nam, người mà con số các sáng tác không nhiều nhưng đa phần đều là những viên ngọc bích quý báu, và chính những năm tháng chật vật, có lúc bi thảm trong cuộc đời càng khiến ông có được sự xưng tụng về sau này.

Trong số những bài viết và nhận định về Văn Cao, cá nhân tôi rất thích và đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần những dòng của Phạm Duy, con người vẫn bị coi là kiêu bạc, “không coi ai ra gì”, nhưng khi cần đánh giá về các đồng nghiệp thì lại có những ý kiến đẹp nhất, công bằng và ân tình nhất với phong thái của một nhà phê bình tài ba, một cây bút thượng thặng về sử nhạc. Tôi cho là về Văn Cao, có lẽ ít ai có thẩm quyền như Phạm Duy, tác giả của hơn ngàn ca khúc.

Phạm Duy đã dành sự trọng thị ở mức độ cao nhất mỗi khi có dịp nhắc đến bạn cũ mà theo ông, là “người viết Tình ca số một”, “người đẻ ra thể loại Hùng ca và Trường ca Việt Nam”. Chừng 35 năm trước, trong chuyên khảo “Lược sử Tân nhạc Việt Nam”, Phạm Duy đã dành những lời lẽ ưu ái nhất để nói về Văn Cao: “Nói tới nhạc tình thì… Văn Cao là nhất! […] Văn Cao đã đưa nhạc tình tiền chiến lên tới một cao độ vượt khỏi những khuôn sáo cũ mèm”.

Cũng khoảng 25 năm trước, trò chuyện với các bạn trẻ Đông Âu, Phạm Duy lại khẳng định: “Nếu so sánh Văn Cao và tôi thì phải công nhận là anh Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều lắm. Về nhạc. Về họa. Về thơ. Đủ mọi phương diện”.

Đoạn Phạm Duy trả lời khi bị “cật vấn” về Văn Cao và ông, rất “kiểu mẫu”: “Vào lúc nước Việt Nam, từ nền Dân chủ Cộng hòa biến thành chế độ Cộng sản, cả hai chúng tôi đều đã chọn đất đứng một cách rất rõ ràng, minh bạch”.

“Ông ấy đã chọn con đường của ông ấy: Ở lại. Thành quả là tuy Văn Cao có ít tác phẩm nhưng ông lại có một vinh quang lớn: Ông là tác giả bài Quốc ca của nước Việt Nam. Tại sao đã là công dân nước Việt, quý vị cứ luôn luôn buồn phiền hộ ông mà không hãnh diện vì ông? Tôi cũng chọn con đường của tôi: làm một người tự do tuyệt đối. Vào thời điểm 1951, tôi cũng được chính quyền và nhân dân yêu lắm. Nhưng tôi muốn tự do, để sáng tác, vâng, thế là tôi đi”.

“Đi, cho tới lúc này, ngồi cạnh anh em ở Hannover, vẫn chưa ngừng nhé (cười). Việc đánh giá Văn Cao, cũng như những kết quả đến với ông ấy ra sao thì tôi không dám nói. Văn Cao có cái vinh và cái nhục của Văn Cao. Tôi cũng thế. Văn Cao được chết ở đất quê. Chứ còn tôi, nay mai chết sẽ được chôn ở Bắc Cực chăng? (cười)”. Cần nhớ là Phạm Duy đã nói những lời ấy khi còn ở mảnh đất tạm dung, chưa biết ngày nào mới có dịp về thăm quê, nói chi đến hồi hương?

“Tôi không dám đem mình so với Văn Cao, nhưng tôi xin nói là nếu anh Văn Cao có được một – đời – sống – được – làm – việc như mình muốn, nghĩa là tự do chọn lựa, tôi chắc anh ấy còn làm được hơn tôi. Còn tôi, từ khi đã chọn làm người hát rong tự do và độc lập, nếu chỉ vì tôi không phục vụ cho một chế độ nào cả cho nên tôi có bị lịch sử (!) gạt đi và coi như không có một sự nghiệp nào ở nước Việt Nam hiện nay… thì đó là cái giá mà tôi vui lòng móc túi ra trả”.

Không phải ngẫu nhiên, những dòng viết và diễn ngôn của Phạm Duy về Văn Cao trong suốt thời gian ông ở hải ngoại thấm đượm nỗi buồn “quê hương khuất bóng hoàng hôn”, nhất là khi ông đặt câu hỏi: “Ai là người sẽ nhỏ lệ lên trái tim Văn Cao?”. Nhưng với Phạm Duy, con người hành động, hỏi cũng là trả lời. Ngay khi mới trở về, ông đã viết về Văn Cao, đã có mặt và phát biểu trong Đêm nhạc Văn Cao tổ chức nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của “chàng Văn”.

Đặc biệt, vào năm 2007, Phạm Duy đã tổ chức chuỗi các đêm nhạc “Văn Cao trong tôi” theo cách “rất Phạm Duy”, do chính ông làm MC: vinh danh người bạn thân thiết trong dịp sinh nhật thượng thọ của mình! Nội dung của ba đêm Nhạc thoại “Văn Cao trong tôi” dạo đó, mà Phạm Duy đã cung cấp cho mình và đôi ba anh em trong nhóm tìm hiểu sự nghiệp âm nhạc của ông, tôi nghĩ là những phân tích, nhận định đẹp và chí tình nhất viết về nhạc tình của Văn Cao.

Không biết chuỗi bài viết kể trên – nhằm “công khai tỏ lòng biết ơn thiên tài Văn Cao” theo chính lời Phạm Duy – có được đưa vào những tuyển tập kỷ niệm một thế kỷ Văn Cao hay không?

Về phần mình, đương nhiên vẫn thích “Thiên Thai”, “Trương Chi”, “Buồn tàn thu”, “Bến xuân”…, những tuyệt phẩm của Văn Cao mà nhiều bài tôi đã nghe từ nhỏ, nhưng tất cả đều không khiến tôi cảm động và đau xót như khi nghe bản “Mùa xuân đầu tiên” kèm hình ảnh tác giả liêu xiêu những năm cuối đời…

Tuy nhiên, “Mùa xuân đầu tiên” không chỉ đơn thuần là một trong số những ca khúc của Văn Cao, người được coi là “một viên ngọc trên bức khảm văn hóa – nghệ thuật của dân tộc Việt Nam” (Đặng Thai Mai): khúc ca mang âm hưởng khải huyền ấy, có thể là sự chiêm nghiệm đau đớn, là ước mơ nhân bản của cả một đời người nghệ sĩ…

Sau biến cố Nhân văn Giai phẩm 1956, trong vòng 20 năm ròng, Văn Cao buộc phải im lặng. Ông âm thầm làm thơ, nhưng thơ ông không được in. Nhiều khi, ông vẽ bìa sách, minh họa, vẽ nhãn tem hay tem thư… để kiếm sống, hoặc dưới tên người khác, hoặc chỉ ký một chữ “Văn” khiến không mấy ai biết đó là tác phẩm của người nghệ sĩ lớn.

Và, Văn Cao không bỏ âm nhạc, nhưng ông chỉ viết nhạc phim, khí nhạc chứ không hề viết ca khúc. Lý do ở đây, phải chăng, như lời ông tâm sự với Hoàng Phủ Ngọc Tường, về sau được nhà văn thuật lại trên tạp chí “Hợp Lưu” (Hoa Kỳ):

“Hồi nhận viết “Tiến Quân Ca” tôi không hề chuẩn bị trước để làm một bài hát mà một đặc nhiệm nguy hiểm của đội biệt động. Tôi là đội viên biệt động vũ trang. Nhiệm vụ của tôi là trong một đêm, cầm một khẩu súng vào một thành phố để giết một người. Tôi đã làm xong việc ấy. Đó là chiến tranh và căm thù, đơn giản thôi.

Những ngày đầu sau chiến tranh, tôi đã trở lại căn nhà ấy. Thấy còn lại một gia đình mẹ góa con côi. Làm sao tôi có thể nói điều cần thiết nhất đối với tôi trong những bài hát sau đó? Nói về chiến công hay phải nói một điều gì khác? Nên tôi im lặng và chỉ viết nhạc không lời.”

Trong cuộc chiến khốc liệt huynh đệ tương tàn, khi con người phải trực diện với cái chết và với những bổn phận nhiều khi tàn ác, tính nhân bản đã mất đi như thế, nhưng không phải ai cũng ý thức được điều này…

Cho nên, đầu năm 1976, khi chứng kiến hình ảnh người cha héo hắt lướt tay trên những phím dương cầm với bài hát “Mùa xuân đầu tiên” – theo yêu cầu của “Sài Gòn Giải Phóng” (muốn có một bài hát mới trong số báo xuân), phản ứng của Văn Thao, con trai ông, là một câu hỏi được thốt lên: “Vậy là bố lại sáng tác ca khúc?”.

Trong một hồi tưởng, Văn Thao đã thuật lại giây phút động lòng ấy như sau:

“Tôi tập tễnh bước một leo lên cầu thang ngôi nhà 108 phố Yết Kiêu vào một ngày giáp Tết năm 1976. Đã sang tiết xuân, trời nắng nhẹ mà vẫn lạnh. Tiếng đàn dương cầm vọng ra. Một điệu valse. Giai điệu của bản nhạc mượt mà, lấp lánh như những hạt nắng xao động trên vòm cây. Một giai điệu mà tôi chưa nghe bao giờ.

Văn Cao ngồi bên đàn. Đôi bàn tay khô gầy của ông đang lướt trên những phím đàn ố vàng, loang lổ. Tiếng đàn ấm áp, ngọt ngào âm vang đầy ắp căn phòng. Tôi sẽ ngồi xuống đi văng, lặng nhìn đôi vai gầy guộc của ông phủ xuống cây đàn. Mái tóc bạc dài xõa phất phơ, theo tiếng dương cầm thánh thót. Những vệt ánh sáng hắt qua ô cửa lấp lánh chuyển động trên đôi bàn tay.

Tiếng nhạc nhẹ dần, chầm chậm tan vào không gian mênh mông. Đôi bàn tay gầy khẽ nâng lên khỏi bàn phím và bất động trong không trung. Lát sau Văn Cao lặng lẽ đứng dậy, nhẹ nhàng rời khỏi cây đàn khuôn mặt ông bất động. Hình như tâm hồn ông vẫn còn bồng bềnh trôi theo những âm thanh của bản nhạc.

… Ông ngồi lặng nhìn theo tôi, đôi mắt ánh lên niềm vui. Từ trong khóe mắt, một giọt lệ lăn từ từ trên đôi gò má.

… Văn Cao ý thức được sâu xa cái giá của cuộc chiến, khi ông ước mơ về “một cuộc đời êm ấm”, “giờ phút trong tay anh đầu tiên”, với tâm nguyện “người biết quê người – người biết thương người – người biết yêu người”…

… Già nửa cuộc đời, Văn Cao đã sống những tháng ngày nặng nề như thế. Giống như nhiều văn nghệ sĩ khác, ông đã phải dựa vào lời thơ, tiếng nhạc, đã níu vào nghệ thuật để tìm sự nâng đỡ tinh thần.

Phải chăng, cũng chỉ vì niềm tin mạnh mẽ vào một tương lai khi mùa xuân dập dìu theo én về, để người với người biết thương nhau, yêu nhau, biết thương quê hương đã chịu bao nỗi khổ đau, mà người nhạc sĩ tài ba ấy của Tân nhạc Việt Nam thế kỷ 20 mới vượt qua được tất cả, để sống và sáng tạo, cho đời?

Như thế, “Mùa xuân đầu tiên” không chỉ là một ca khúc mừng xuân, mà còn mang thông điệp khải huyền của tương lai một dân tộc mà chúng ta hằng mong mỏi…

Đọc thêm:

Tác phẩm “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao từng bị “giết” như thế nào?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: