Khác tôn giáo thì có làm bạn được hay không?

(Minh họa: Pixabay/Pexels)

Cô ơi, con mới chuyển đến California sinh sống. Con có một vài nhóm bạn mới nhưng chưa thấy hợp lắm.

Có một nhóm này, có vẻ dễ thương mà họ là người theo đạo Tin Lành. Dạo này con sinh hoạt với họ thường xuyên vì thực sự thì đi như vậy con bớt cảm giác cô đơn và rầu rĩ. Họ hay tổ chức gặp mặt nhưng lúc nào cũng xen với cầu nguyện đọc kinh. Con thì đạo khác, mà thực sự thì con không tin tôn giáo nào hết, kể cả đạo của con. Họ thì rất dễ thương, chưa kể có một cô mà con để ý, mà cô ấy cũng có vẻ quan tâm đến con.

Mà con có chút lo lắng là những người bạn này, và cả cô ấy nữa, không biết là có thực sự quý mến con không, hay chỉ muốn con theo đạo của họ. Con muốn tiến tới làm quen với cô ấy, nhưng không biết con có đang hiểu lầm sự quan tâm của cô ấy không. Con thật bối rối! (Toàn)

GÓP Ý

– Bác Tám

Như chú Toàn nói, “Con thì đạo khác, mà thực sự thì con không tin tôn giáo nào hết, kể cả đạo của con.”

Thì cho dù nhóm người theo đạo tin lành có đọc kinh cầu nguyện hay chứng đạo, truyền đạo là việc của họ. Vì phép lịch sự mình cứ lắng nghe và cũng có lời cám ơn họ đã có lòng tốt. Lòng mình vẫn giữ trước sau như một, để khỏi phải mang tiếng là bỏ đạo kia theo đạo này còn chuyện tin hay không là quyền của mình.

Cho nên việc sinh hoạt giao thiệp tình cảm với nhóm họ, vẫn cứ tự nhiên, vì đó là điều kiện tất yếu trong cuộc sống! Hoặc ngay cả cô bạn mà chú để ý cũng cứ làm quen bình thường, làm gì phải bối rối. Muốn biết hư thực ra sao phải tiếp cận mục tiêu chứ?! Nếu sau này “hai con tim thực sự là của nhau” thì vấn đề tôn giáo cũng phải du di thôi! Đạo ai người ấy giữ. Thời nay chuyện đó xảy ra hà rầm. Vì Đạo nào cũng tốt và vì đạo nào cũng dạy con người ta ăn hiền ở lành, làm lành lánh dữ.

Theo tôi, chú nên giữ vững lập trường của mình là hơn. Rồi chuyện gì tới nó sẽ tới. Chúc chú sớm tìm được sự bình an trong môi trường mới!

– Cô Thi

Theo tôi, quen thì cậu cứ quen, nghi ngờ chi cho nó mệt, thấy tốt hợp với mình thì chơi, không thì buông, không có gì là to tát cả. Cậu có tiếp tục hay không tiếp tục thì cuộc đời vẫn thế.
Nếu đã thấy thích thì chơi, đừng nghĩ ngợi, suy diễn lung tung nhiều khi trật lất!

– Mi

Tôi chẳng theo một đạo nào, nếu không muốn nói hơi bị dị ứng với những vị tu hành. Tôi không dám vơ đũa cả nắm, nhưng từ ngày qua Mỹ, tôi thấy những vị đi tu làm đều sai hơi nhiều.

Có một chị bạn nói với tôi rằng, “Em cái gì cũng được chỉ có thiếu niềm tin vào tôn giáo là rất đáng tiếc.” Tôi cho rằng mình ăn ở tốt là đủ, chẳng cần phải đến chùa, nhà thờ cúng bái.

Trở lại chuyện của chú. Nếu chú đi chơi với họ mà nghe những kinh kệ, lời rao giảng hay, hợp với mình, thì chú cứ tiếp tục. Còn nếu nó làm chú khó chịu quá thì thôi. Ngay cả cô gái, nếu thấy cô thật đáng yêu, và tôn giáo của cô không là điều quá khó chịu, thì đâu có gì mà phải bối rối.

Những người trong nhóm kia, họ cũng chẳng phải kề dao nơi cổ bắt chú theo đạo, nên quyết định cuối cùng vẫn là chú mà. Mình cứ chơi, cứ tiếp xúc, cái nào không hợp thì tránh, nếu điều không hợp nhiều quá thì chấm dứt, còn nếu điều hay, tốt nhiều quá và tôn giáo chỉ là điều nhỏ thì bỏ qua. Đừng quá cầu toàn mà khổ mình!

(Minh họa: Felipe Cespedes/Pexels)

VẤN ĐỀ MỚI

Thưa cô, tôi qua Mỹ được năm năm và hiện là một y tá. Tôi không có thân nhân bên này.

Chồng trước của tôi là lính trong quân đội VNCH, nay đã mất. Sang đây tôi có gặp một ông HO tên K., người Huế, sang Mỹ đã lâu, có tài sản nhiều và cũng goá vợ. Tôi sống chung nhà với ông ta hơn ba năm nay, nhưng ông không làm hôn thú, ông ăn chay trường và chúng tôi sống độc lập tiền bạc, nghĩa là tiền ai nấy giữ. Tôi làm hai công việc, thời gian còn lại tôi đến lớp học thêm tiếng Anh.

Từ lúc về với ông, tôi biết tính ông khó, nhưng lại rất lãng mạn nên có nhiều bồ bịch cũ mới. Trong đó có cô H. đã từng sống chung với ông trước khi ông qua Mỹ năm 1984. Cô H qua Mỹ gần 10 năm, không biết tiếng Anh, không biết lái xe, không biết đường xá, có hai con và đang làm thủ tục ly dị chồng. Trong lúc tôi đi làm, tôi biết ông K. vẫn đến nhà chở cô ta đi chơi, đi ăn, đi giữ trẻ. Hai người nói chuyện với nhau qua điện thoại hàng ngày gần như cháy máy. Nhiều lần tôi và ông K. gây gổ nhau vì tôi chỉ muốn ông nên rõ ràng giữa tôi và cô ta và không nên lén lút. Nhưng ông ấy vẫn khăng khăng nói, cô ấy chỉ là em gái, hoặc chỉ là bạn gái cũ mà thôi, không có gì cả.

Là phụ nữ với giác quan rất nhạy, cách nay vài năm khi cô H. cùng chồng (hồi đó chưa li dị) đến nhà ông K. chơi có gặp tôi. Ông K. và cô H. không hề biết lịch sự trước mặt tôi và chồng cô. Cô nắm tay ông K. ra garage ngồi ôm sát nhau nói chuyện thì thầm. Chính vì lý do đó mà tôi bắt đầu nghi ngờ, hỏi thì ông K. chối.

Cho đến tuần rồi, khi tôi vừa đi làm về, tôi nghe ông K. nói rất lớn trong điện thoại rằng, “Em đợi đó khoảng nửa tiếng, anh sẽ đến đón.” Tôi chạy đến hỏi ông ấy nói chuyện với ai và cho tôi xem điện thoại. Ông ta giật lại và tính tát tai tôi. Ông lên xe nổ máy, tôi cũng đòi đi theo.

Tôi nói, “Nếu anh đi rước cô H. cứ cho em đi theo, có gì mà phải giấu giếm.” Ông ta nói tôi ra phía ghế sau ngồi. Nhưng ông chỉ lái vòng vòng rồi đến nhà người bạn. Khi ở nhà bạn ông ta vào restroom gọi điện thoại cho cô ta cáo lỗi.

Sống với một người lúc nào cũng giấu giếm, điện thoại thì lúc nào cũng kè kè bên người, thậm chí cài cả password. Ông không bao giờ nhớ sinh nhật của tôi hay chở tôi đi ăn nhưng lại có thể chở cô H đi outlet, đi ăn, đi biển. Ngoài ra ông còn tằng tịu với cô J. làm địa ốc nữa.

Tôi đã quá chán nản, tôi chỉ ao ước có một chỗ dựa lưng sau những giờ đi làm mệt mỏi, muốn một bóng mát ở cuối cuộc đời mà không được! Xin cho tôi ý kiến, chân thành cám ơn. (Hằng)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: