Người Việt xưng hô loạn xạ

(Minh họa: Lisa Fotios/Pexels)

Thư này cháu muốn đề cập đến cách xưng hô quá phức tạp của người Việt Nam mình.

Nếu như theo Mỹ thì chỉ cần “I” và “You” là đủ, nhưng khổ là cháu làm ở một công ty Việt Nam nên nào là “Em, anh, chị, bà, tui, cô, chú, bác, cháu” không biết đường nào mà xưng.

Ngay lúc cháu mới vào làm, có một bác cũng trên 60 tuổi, trong khi cháu mới hơn 30 một tí. Khi cháu gọi là bác thì bác yêu cầu cháu xưng hô là “anh” với “em”! Thấy bác muốn “trẻ mãi không già” cháu cùng chiều ý, gọi anh và xưng em. Rồi khi cháu gọi CEO bằng chị (vì CEO chỉ khoảng hơn 50) thì mọi người nói không nên, phải gọi bằng cô cho lễ phép!?!? Thế là thế nào? Cô Nguyệt Nga có thể cho cháu một số ý kiến về chuyện này, cháu cảm ơn nhiều (Hoa Quỳnh)

GÓP Ý

– Nguyên

Trường hợp có 1 bác trên 60 tuổi mà muốn mình xưng hô “anh” với “em” thì mình làm theo ý ông ta vì dầu sao mình cũng là người “công nhân mới” để tỏ thiện chí mình cũng là người vui vẻ dễ hòa hợp.

Còn người CEO thì mình có thể hỏi riêng người CEO đó, muốn mình gọi là “chị” hay “cô” để xem người CEO muốn xưng hô ra sao, và cũng là một cách để cho họ thấy là mình tôn trọng người CEO đó, chứ mình không nên nghe theo ý kiến của ai khác.

Người ta hay nói, “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Vài hàng góp ý cho cô Hoa Quỳnh.

– Dan

Nơi tiểu bang tôi ở có ông bác sĩ khám phụ khoa người Việt, ông rất đông khách, phần đông là phụ nữ Á Châu, nhiều nhất là người Việt. Ngoài yếu tố tận tâm và đứng đắn tôi nghĩ thêm một yếu tố nữa mà ít ai để ý, đó là với tất cả các bệnh nhân ông đều gọi là “cô”.

Ông bác sĩ cỡ 60 tuổi, nếu gặp bệnh nhân cỡ từ 20 đến 30 thì bệnh nhân hiểu ngầm là “cô cháu,” nếu bệnh nhân từ 30 đến 50 thì nghĩ là “cô em,” nếu bệnh nhân từ 50 đến 60… ô hô! nghĩ rằng mình vẫn còn trẻ, dù có chồng hay chưa cũng chưa già lắm để người đối diện gọi là “bà,”vì đàn bà dù ở tuổi nào cũng muốn mình “hãy như là còn trẻ.” Đương nhiên cụ bà chống gậy thì bác sĩ phải gọi là “bác” hay “cụ,” nếu bác sĩ không muốn bị ăn gậy, hoặc bác sĩ có thể gọi là “cô” mà là cô lớn.

Như vậy danh xưng thế nào cũng được, miễn người đối diện hạnh phúc, cảm thấy trẻ mãi không già là được rồi, phải không quí bạn đọc!

– Kim

Chời ơi! Mấy ông già là chúa thích con gái trẻ gọi bằng anh, để làm chi vậy không biết. Thật là kỳ cục khi đáng tuổi cha chú người ta mà cứ bắt phải người ta gọi bằng anh mà không thấy chướng.

Có nhiều ông là bạn của ba mẹ cô gái, trước mặt ba mẹ của cô gái thì xưng bằng chú, mà sau lưng là len lén xưng bằng anh, làm như mỗi lần xưng bằng anh thì trẻ lại! Chướng không chịu được!

– T.

Trường hợp tui thì khác cô này, tại tui lấy chồng nghệ sĩ Mà không biết luật ở đâu ra, truyền rằng: Cứ là nghệ sĩ với nhau thì già mấy cũng xưng anh em, nghệ sĩ không có tuổi, nên không có màn bác-cháu.

Do như vậy nên dù tôi nhỏ tuổi hơn chồng tôi đến 10 tuổi, mà vẫn bị các nghệ sĩ nữ khác gọi bằng “cô,” trong khi gọi chồng mình bằng “anh.” Tức như bò đá!

Có nhiều người nhỏ hơn mình không bao nhiêu cũng lợi dụng chuyện nghệ sĩ không có tuổi để gọi chồng mình là anh và gọi mình bằng cô… cho bỏ ghét! Những trường hợp này tôi xưng cô và gọi lại bằng con, cũng cho… bỏ ghét!

Vì lấy chồng hơn mình 10 tuổi nên cũng lắm người gọi chồng mình bằng chú và gọi mình bằng cô, trong khi họ chỉ nhỏ hơn mình chừng năm đến bảy tuổi thôi.

Vậy là sao? Nhất là phụ nữ, họ ưa gọi người nhỏ hơn mình bằng chị, và lớn hơn mình chừng vài tuổi bằng cô.

– Cô 3

Vấn đề này không chỉ xảy ra với nam mà cả với nữ nữa đó. Có rất nhiều chị không bao giờ muốn già nên không có thói quen xưng chị hay cô. Trong tự điển của họ chỉ có ’em’ thôi. ‘Em’ nhiều khi lớn hơn ‘chị’ cả chục tuổi và lớn hơn ‘anh’ hai ba chục tuổi. Tui cũng có một số ’em’ như zậy đó, thích quá!

Nói thì nói vậy chứ về nhà hay soi gương lén tự nhìn mình xem các vết chân chim trên mắt làm sao mà xóa đây, cái tóc bạc thì dễ giải quyết rồi, phải đem vứt hết quần áo cổ điển thay bằng quần jean áo thun hoặc váy ngắn hai tấc trên đầu gối cho trẻ trung, sửa dáng đi lại, nhún nhẩy cho nhí nhảnh tí. Cái mục đích chỉ là để được xưng ’em’ với mọi người thôi mà.

Ờ thôi thì đời sống ngắn ngủi, trẻ dại yêu đời được bao nhiêu hay bấy nhiêu, miễn là mình zui là được rồi, phải không. Chấp làm chi một tiếng gọi.

– Cô Ng.

Trong cách xưng hô của người mình, ngay trong gia đình ruột thịt, còn rất nhiêu khê, huống chi xưng hô với nhau ngoài xã hội. Chồng dì thì khi kêu bằng “dượng,” khi kêu bằng “chú.” Vợ cậu thì khi kêu bằng “mợ,” khi gọi bằng “cô…”

Cách xưng hô trong xã hội Việt Nam còn tùy vào rất nhiều điều. Hơn mình 20 tuổi có thể gọi bằng “chú.” Tuy nhiên nếu mình là người đã có gia đình và có con nhỏ suýt soát bằng con của họ thì không nên gọi người ta bằng chú, mà chỉ nên gọi bằng anh. Cũng trong trường hợp này, nếu tuổi mình và tuổi con họ không cách xa bao nhiêu thì nên gọi họ bằng chú, xưng “con.” Đối với phụ nữ, nên ưu tiên du di, có thể gọi bằng “cô” và xưng “em” hay xưng “con” nếu thấy “cô” trẻ hơn mẹ mình nhưng lại có thể sinh ra mình được.

Nếu gặp một cô, mình không biết nhỏ, bằng, hay lớn tuổi hơn mình thì chớ bao giờ xưng “em” với họ. Vì sẽ có ngày bị nói thẳng vào mặt: “Chết cha, chị nhỏ hơn em 5 tuổi!” thì ê mặt lắm.

Có những “chú” xưng “chị, em” với đồng nghiệp nữ, nhưng lại cố tình xưng “anh, em” với con gái của họ. Mặc dù con gái của mình cũng suýt soát tuổi con gái của đồng nghiệp. Số phận của mấy “chú” này cũng chẳng khác mấy “bác” ở trên!

Thiết nghĩ, dù có kêu mình bằng “chú” thì mình cũng không già hơn, mà kêu bằng “anh” cũng không làm mình trẻ lại. Nên cách hay nhất là người ta kêu mình bằng gì thì mình xưng lại như thế, cho chắc ăn.

(Minh họa: Ott Maidre/Pexels)

VẤN ĐỀ MỚI

Kính chào cô Nguyệt Nga!

Con rất thích đọc mục của cô, nhất là nghe được nhiều độc giả chia sẻ rất chí tình chí lý cho hoàn cảnh của những người đang khổ tâm. Xem thấy người ta than thở, biết vậy thôi, nhưng không ngờ một ngày con cũng bế tắc và chỉ có thể mượn mục của cô để giải bày.

Con muốn chết mà chết không được cô ạ. Con có con nhỏ, hai vợ chồng làm trái giờ nhau để lo cho con. Con không rõ từ lúc nào thì chồng con sinh tật, nhưng con mới phát hiện ra sự việc từ đầu năm nay thôi. Đó là lúc chồng con đổi điện thoại, và điện thoại này có cách lưu lại hình ảnh với những lời chat trên mạng. Con tình cờ xem điện thoại chồng, thì phát hiện ra chồng tự chụp hình bậy bạ rồi chat chit với mấy con nhỏ Việt Nam, hoặc ở bang khác.

Lần đầu phát hiện, con khóc và chửi quá trời. Ảnh đòi tự tử, nói cũng tại con hờ hững và đối xử không tốt với chồng nên ảnh mới ra vậy. Con tức lắm, nhưng vì con cái, nên sau vài ngày thì mọi chuyện cũng nguôi đi khi hai đứa làm lành, con hứa sẽ nhẹ nhàng ý tứ hơn trong cách cư xử, ảnh thì hứa không chat chit bậy bạ nữa.

Nhưng rồi chứng nào tật nấy cô ơi! Chồng con lại phạm lỗi cũ, một lần, rồi hai, rồi ba…Lần nào cũng nói là lần cuối, nhưng chẳng thấy gì thay đổi.

Cả năm nay con sống trong đau khổ, vừa tức vừa khinh chồng. Con cũng tức bản thân. Con nghĩ cũng một phần tại mình, cứ nói mạnh miệng là nếu ảnh tái phạm thì sẽ bỏ đi luôn, nhưng chẳng làm được. Con cũng không có tiền hay người thân để bỏ đi, con con thì còn nhỏ không ai chăm.

Thầy bói nói số con khổ. Giờ con mới thấy khổ thật. Mà số khổ thì con sẽ chịu, nhưng con không muốn sống cùng loại chồng kiểu này nữa. Con muốn hắn đi theo người khác, khuất mắt con cho rồi đi. Giờ con phải làm sao đây.?(Th. Lương)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: