Khi “hồ sơ Google” của bạn trở thành “bằng chứng” của cảnh sát

Minh họa: Solen Feyissa/Unsplash

Phương cách mới sử dụng dữ liệu của Google đang giúp ích cho hoạt động điều tra của cảnh sát. Trong khi đó, những người ủng hộ quyền riêng tư công dân khẳng định làm thế là vi phạm quyền Hiến pháp của người Mỹ.

Nếu bạn tình cờ ở gần nơi xảy ra một vụ cướp ngân hàng thì khả năng cảnh sát thẩm vấn bạn là rất cao nhờ “chỉ điểm” của Google! Nếu bạn bị phát hiện tìm kiếm trực tuyến một địa chỉ cụ thể nào đó, tìm tên của nạn nhân, nhờ Google, cảnh sát sẽ biết và tìm đến bạn dù bạn vô tội. Bạn hỏi, bằng cách nào? Thì đây, cứ vào Google, kho lưu trữ dữ liệu cá nhân người dùng, những thứ rất đáng để tò mò, kể cả những nơi chúng ta di chuyển và bí mật riêng tư.

Một phán quyết gần đây của tòa án ở Colorado đã nêu bật cách thức tính năng “theo dõi vị trí” và “tìm kiếm” trên web của Google đã giúp cảnh sát tìm ra nghi phạm khi họ có rất ít manh mối trước đó.

Tuy nhiên, phương pháp điều tra mới này cũng đồng nghĩa với việc nhiều người vô tội bỗng nhiên vướng vào một cuộc điều tra mà họ không hề muốn! Dù Google luôn cam kết: “Chúng tôi có các quy trình bảo vệ quyền riêng tư của người dùng bên cạnh việc hỗ trợ những yêu cầu quan trọng của các cơ quan thực thi pháp luật” nhưng các luật sư quyền công dân và những người ủng hộ quyền tự do dân sự vẫn khẳng định: “Google là mỏ vàng cho phương pháp điều tra mới nhưng vi hiến. Google nên thu thập và lưu ít dữ liệu người dùng hơn để tránh bị lạm dụng”.

Ngay cả khi bạn tin rằng mình không có gì phải che giấu trước cơ quan pháp luật thì việc theo dõi không ngừng của Google vẫn có nguy cơ thông tin cá nhân của bạn bị bọn tội phạm khai thác. Trở lại Colorado, năm 2020, cảnh sát thành phố Denver xin lệnh toà yêu cầu Google cung cấp thông tin về bất kỳ ai đã tra cứu địa chỉ ngôi nhà bị đốt cháy giết chết năm người bên trong.

Theo các công tố viên vụ án, “lịch sử tìm kiếm” trên Google là đầu mối quan trọng giúp phát hiện nghi phạm giết người. “Có một người tìm kiếm địa chỉ này đến… 14 lần trong những ngày trước vụ cháy” – một công tố viên nói. Nhưng cảnh sát cũng làm phiền nhiều người không liên quan đến tội phạm chỉ vì họ đã tra cứu địa chỉ đó với những lý do khác nhau. Đa số thẩm phán tại tòa án tối cao Colorado đồng ý cách làm việc của các công tố Denver là “hợp pháp trong các trường hợp cụ thể”.

Hiện Tòa án Tối cao Colorado vẫn chưa trả lời câu hỏi: Lệnh đòi cung cấp thông tin trên web có vi phạm quyền tự do ghi trong Hiến pháp? Không ai biết loại “lệnh khám kỹ thuật số” được sử dụng thường xuyên như thế nào, nhưng các chuyên gia pháp lý cho rằng chúng sẽ vi hiến nếu đi quá giới hạn. Trong một vụ án ở Florida cách đây vài năm, một người đàn ông phàn nàn anh ta trở thành nghi can chỉ vì đã đạp xe đến gần địa điểm xảy ra một vụ trộm. Cảnh sát điều tra anh ta sau khi họ được phép xem các dữ liệu Google ghi lại gần ngôi nhà vào khoảng thời gian xảy ra vụ trộm.

Theo Google, khoảng 18 tháng qua, họ đã phản đối thành công hơn 2,000 lệnh khám xét dữ liệu. Còn theo các quan chức thực thi pháp luật, dữ liệu của Google về vị trí và lịch sử tìm kiếm đã giúp giải quyết nhiều vụ tội phạm, kể cả cuộc bạo loạn ở Điện Capitol năm 2021, đồng thời minh oan cho những người vô tội. Thông lệ, khi nhận lệnh cung cấp thông tin tìm kiếm do tòa án gửi tới, Google thường chỉ cung cấp cho cảnh sát những thông tin không liên quan đến danh tính cụ thể. Chỉ sau khi cảnh sát lọc ra những thông tin đáng ngờ, họ mới quay lại để lấy dữ liệu nhận dạng cá nhân.

Tuy nhiên, các luật sư quyền công dân và những người ủng hộ quyền riêng tư cho rằng cách điều tra mới này đã đảo lộn công việc bình thường lâu nay của cảnh sát và đe dọa quyền lợi của người Mỹ.

Khi xin lệnh khám xét kho dữ liệu kỹ thuật số quy mô lớn, cảnh sát biết một tội ác đã xảy ra nhưng lại không biết ai phạm tội. Họ đưa ra những gì có thể là bằng chứng tiềm năng, như những người lảng vảng gần nơi xảy ra vụ án hoặc cụm từ tìm kiếm “bom ống” và xin thẩm phán lệnh buộc Google cung cấp các dữ liệu liên quan.

Jumana Musa, Giám đốc Fourth Amendment Center of the National Association of Criminal Defense Lawyers cho biết:

“Đó không phải là cách điều tra tội phạm nên diễn ra. Lệnh khám xét Google cho thấy các công ty lưu dữ liệu của công dân là trung gian vi phạm các quyền theo Hiến pháp. Không ai trao cho Google, Apple hoặc nhà cung cấp điện thoại di động quyền này, nhưng họ vẫn thường xuyên tự quyết định cảnh sát được hay không được phép lấy thông tin của ai đó”.

Trước mắt, để tự bảo vệ mình, trong cài đặt “Kiểm soát hoạt động” (Activity controls) của tài khoản Google cá nhân, bạn có thể bật hoặc tắt tùy chọn cho hay không cho Google lưu hồ sơ về những nơi bạn đến, thông qua điện thoại hoặc thiết bị di động khác. Nếu “Lịch sử vị trí” (Location History) được bật lên, Google có thể ghi lại vị trí điện thoại của bạn cứ vài phút một lần, dù bạn có dùng ứng dụng Google lúc đó hay không.

Google sử dụng “Lịch sử vị trí” cho một số tính năng như khảo sát một nhà hàng có đông không trong danh sách Google Maps. Thông tin được lưu trong kho dữ liệu của Google và cung cấp cho cơ quan thực thi pháp luật khi có lệnh toà.

Để giảm thiểu lượng dữ liệu Google lưu giữ về những gì bạn tìm kiếm, hãy mở “Kiểm soát hoạt động” và nhấp vào “tắt” (turn off) trong mục “Hoạt động web và ứng dụng” (Web & App Activity).

Khi đó, bạn có thể sử dụng Chrome và tìm kiếm trên web của Google mà không cần đăng nhập vào tài khoản Google. Cách khác là tìm kiếm trên web bằng công cụ DuckDuckGo hoặc sử dụng mạng riêng ảo (virtual private network-APN) để Google hoặc nhà cung cấp dịch vụ Internet gặp khó khăn hơn trong việc liên kết hoạt động web của bạn với thiết bị hoặc danh tính của bạn, dẫn lại từ The Washington Post.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Matcha
Trong những năm gần đây, một loại trà xanh đặc biệt, được gọi là matcha trở nên phổ biến, một phần vì loại trà rất có lợi cho sức khỏe.…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: