Tránh 7 sai lầm để luôn có những bông lan đẹp

(Hình: White.Rainforest 易雨白林/Unsplash)

Lan là một trong những loại hoa đẹp và quyến rũ nhất, cũng là loài hoa khó chăm sóc, nhưng khó không có nghĩa là không thể.

Là một người làm vườn dày dạn kinh nghiệm và đam mê hoa lan, Caroline Moran của trang web Plantingperfection chia sẻ bảy sai lầm phổ biến khi trồng lan và cách bạn có thể tránh để bảo đảm cây lan của bạn phát triển tốt.

Vì vậy, cho dù bạn là người trồng lan có dày dạn kinh nghiệm, hay mới bắt đầu, những lời khuyên dưới đây để bạn tránh khi chăm sóc lan, ít nhiểu cũng có ích.

1.Tưới nước quá nhiều

Một trong những sai lầm phổ biến phổ biến nhất mà Moran thấy những người mới trồng lan mắc phải là tưới quá nhiều nước. Hoa lan không giống những loại cây trồng khác trong nhà. Lan thích khô ráo. Khi bạn tưới nước quá thường xuyên, rễ lan sẽ bị úng, thối. Rễ hư, coi như “xong một đời lan”.

Để tránh điều này, bạn nên sử dụng hỗn hợp ruột bầu (potting mix) và chậu lan có lỗ thoát nước. Potting mix thường chứa vỏ cây, đá trân châu và các vật liệu khác giúp thúc đẩy thoát nước và luồng không khí.

Tưới nước thật kỹ cho cây lan của bạn, nhưng sau đó để khô hẳn rồi hẵng tưới lại. Một nguyên tắc nhỏ là kiểm tra độ ẩm bằng cách thọc ngón tay xuống đất, nếu cảm thấy khô dưới bề mặt một inch, thì đã đến lúc tưới nước.

(minh họa: Neslihan Gunaydin/Unsplash)

2.Không đủ ánh sáng

Hoa lan cần nhiều ánh sáng để phát triển mạnh nhưng việc tìm được sự cân bằng phù hợp có thể khó khăn. Cây đặt nơi nắng quá, lá bị cháy, còn thiếu sáng thì lại không nở hoa.

Để tránh sai lầm này, hãy chú ý đến các yêu cầu ánh sáng cụ thể của giống lan mà bạn trồng. Hầu hết các loài lan đều phát triển tốt trong ánh sáng gián tiếp, cửa sổ hướng về phía Nam hoặc phía Đông thường là lý tưởng.

Nếu bạn nhận thấy lá chuyển sang màu vàng hoặc xuất hiện các đốm nâu, đó có thể là dấu hiệu của ánh nắng trực tiếp quá nhiều. Mặt khác, nếu lá có màu xanh đậm và cây lan của bạn không nở hoa thì có thể lan cần nhiều ánh sáng hơn.

3.Sử dụng potting mix không đúng

Hỗn hợp đất phù hợp là điều rất quan trọng đối với sức khỏe của cây lan. Nhiều người mới trồng lan mắc sai lầm khi sử dụng potting mix thông thường, đất không cung cấp đủ độ thoáng khí và thoát nước mà lan cần.

Để tránh sai lầm này, hãy sử dụng potting mix dành riêng cho hoa lan. Bạn có thể tìm thấy những hỗn hợp này tại các vườn cây, ở Walmart, Home Depot hoặc mua online.

Ngoài ra, hãy nhớ thay potting mix cho cây lan của bạn một đến hai năm một lần để làm mới hỗn hợp bầu và đảm bảo cây của bạn tiếp tục phát triển mạnh.

4.Thiếu độ ẩm

Hoa lan là loài thực vật nhiệt đới nên phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt. Một sai lầm phổ biến mà Moran thấy là người trồng không cung cấp đủ độ ẩm dẫn đến lá khô, nhăn nheo, nên cây khó nở hoa.

Để tạo “ốc đảo nhiệt đới” hoàn hảo cho hoa lan của bạn, hãy chú ý mức độ ẩm khoảng 60-70%. Bạn có thể đạt được điều này bằng cách đặt một khay tạo độ ẩm dưới chậu lan, phun sương cho lá thường xuyên hoặc sử dụng máy tạo độ ẩm nhỏ trong phòng.

Ngoài ra, việc nhóm các cây lan của bạn lại với nhau có thể giúp tạo ra một vi khí hậu có độ ẩm cao hơn.

Chú ý độ ẩm của đất. (minh họa: Zoe Schaeffer/Unsplash)

5.Bón phân không đúng cách

Bón phân là một lĩnh vực khác mà người trồng lan thường mắc sai lầm. Hoa lan cần phân bón để phát triển mạnh nhưng chỉ cần ít thôi, chứ không nhiều như các loại cây trồng trong nhà khác. Bón phân quá mức có thể làm hỏng rễ, khiến cây sinh trưởng kém.

Để tránh sai lầm này, hãy sử dụng loại phân bón cân đối, hòa tan trong nước được pha chế dành riêng cho hoa lan. Thực hiện theo hướng dẫn trên bao bì về tỷ lệ và tần suất pha loãng, đồng thời tránh tích tụ muối bằng cách xả nước vài tuần một lần. Hãy nhớ rằng, khi bón phân cho hoa lan, càng ít càng tốt.

6.Bỏ qua sâu bệnh

Sâu bệnh có thể là một vấn đề nghiêm trọng đối với người trồng lan và việc bỏ qua chúng có thể dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho cây lan của bạn. Các loài gây hại phổ biến cho lan như vảy, rệp sáp và rệp, chúng có thể hút nhựa cây ra khỏi cây, làm cây yếu đi và có khả năng lây lan bệnh.

Để ngăn chặn sâu bệnh, hãy thường xuyên kiểm tra cây lan của bạn để tìm dấu hiệu phá hoại, chẳng hạn như cặn dính trên lá hoặc sự hiện diện của côn trùng nhỏ hình đĩa. Nếu phát hiện sâu bệnh, bạn có thể loại bỏ bằng tăm bông nhúng cồn hoặc dùng xà phòng diệt côn trùng.

Các biện pháp phòng ngừa, như giữ cho khu vực trồng trọt của bạn sạch sẽ cũng có thể giúp giảm nguy cơ bị sâu bệnh xâm nhập.

Cây lan không được chăm sóc tốt. (Hình: ML/SGN)

7.Lưu thông không khí không đủ

Hoa lan phát triển mạnh trong môi trường có không khí lưu thông tốt và việc không cung cấp đủ không khí có thể dẫn đến nhiều vấn đề, kể cả bệnh nấm và vi khuẩn. Một sai lầm phổ biến là đặt hoa lan trong những căn phòng tù đọng, ngột ngạt, có thể tạo môi trường thuận lợi cho bệnh tật phát sinh.

Để bảo đảm cây lan của bạn nhận được sự lưu thông không khí cần thiết, hãy đặt chúng ở vị trí mà chúng có thể nhận được chuyển động không khí nhẹ nhàng, như gần một chiếc quạt chạy chầm chậm, hoặc trong phòng có luồng không khí tự nhiên tốt. Tuy nhiên, tránh đặt cây lan ở nơi có gió lùa trực tiếp từ máy lạnh hoặc máy sưởi, vì điều này có thể gây căng thẳng cho lan.

Lan đẹp và hơi… khó tính thế đấy, nhưng nếu bạn biết cách chiều, lan sẽ ra cho bạn nhiều bông hoa vừa đẹp, vừa lâu tàn. Vì vậy, nếu không mắc những sai lầm trên, bạn sẽ luôn có những bông lan đẹp trong nhà để ngắm nhìn.

Chúc bạn thành công!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: