Xe hơi ngày càng hiện đại nhưng tại sao tỉ lệ tử vong đường phố vẫn tăng?

Minh họa: Unsplash

Số ca tử vong trên đường phố ở Mỹ đang tăng, dù dữ liệu của chính phủ cho thấy các phương tiện giao thông ngày càng an toàn hơn. Số ca tử vong liên quan xe hơi có xu hướng tăng trong thập niên qua và tỉ lệ tai nạn xảy đến cho người đi bộ và người đi xe đạp tăng mạnh nhất:

Hơn 60% trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2022, ngay ở thời điểm mà thị trường bùng nổ doanh số của xe SUV, xe bán tải và xe tải, chiếm 78% doanh số bán xe mới của Mỹ vào năm 2022, theo Motorintelligence.com – dẫn lại từ AP ngày 26 Tháng Chín 2023.

Hiện tại người ta vẫn có khuynh hướng xem xét sự an toàn của những người bên trong xe hơn là đánh giá yếu tố an toàn của phương tiện đối với người bên ngoài (người đi bộ và người đi xe đạp). Do vậy, hiệp hội ‘The National Association of City Transportation Officials’ đang nỗ lực yêu cầu giới chức liên quan vấn đề giao thông tính đến sự an toàn của những người bên ngoài phương tiện.

Jessica Cicchino, phó chủ tịch nghiên cứu của Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc (Insurance Institute for Highway Safety – IIHS) nói rằng có vẻ như sự gia tăng số lượng phương tiện lớn (chẳng hạn SUV hoặc xe bán tải) đang ảnh hưởng đáng kể đến tỉ lệ tăng các ca tử vong trên đường phố (đối với người đi bộ và người đi xe đạp). Một trong những lý do có thể là bởi thiết kế loại xe này gây ra vấn đề về tầm nhìn.

Một nghiên cứu của IIHS về những trường hợp va chạm với người đi bộ tại các giao lộ cho thấy những phương tiện có nhiều khả năng gây ra các vụ va chạm khi rẽ trái là xe SUV và xe bán tải. Năm 2021, Consumer Reports cũng phát hiện rằng thùng xe phía trước cao đã cản trở đáng kể tầm nhìn của tài xế đối với người đi bộ. Một báo cáo vào Tháng Giêng 2023 từ Trung tâm Volpe (Volpe Center) của Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ xác định rằng đó có thể được xem là khu vực điểm mù; và “vùng mù ngày càng lớn trên xe SUV và xe bán tải có liên quan các vụ va chạm chết người ở ‘phía trước’ (‘frontover’ crashes)”.

“Điểm mù” phía trước (ảnh: consumerreports.org)

Trung tâm Volpe, với hoạt động chủ yếu nhằm giải quyết những vấn đề an toàn giao thông quốc gia, gần đây đã hợp tác để tạo ra một ứng dụng web có tên VIEW, sử dụng nguồn lực từ cộng đồng để tạo cơ sở dữ liệu về các vùng mù của phương tiện. Ví dụ: ứng dụng cho thấy có tới tám học sinh tiểu học có thể đứng kề vai trước một chiếc Chevrolet Silverado 2016 mà người lái xe không hề thấy.

Nước Mỹ lần đầu tiên thử nghiệm va chạm xe hơi vào những năm 1970 và triển khai hệ thống xếp hạng 5 sao (về mức độ an toàn của phương tiện) vào năm 1993. Năm 2006, Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (National Highway Traffic Safety Administration – NHTSA) bắt đầu yêu cầu dán nhãn xếp hạng an toàn trên cửa sổ xe (window labels).

Nhờ công nghệ và kỹ thuật chế tạo xe hơi liên tục được cải tiến, cùng với luật thắt dây an toàn và những thay đổi khác, số vụ va chạm chết người ở Mỹ có xu hướng giảm trong nhiều thập niên, chạm mức thấp 29,867 trường hợp vào năm 2011. Tuy nhiên, tình hình bắt đầu đảo ngược. Khảo sát chính thức của chính phủ về số vụ va chạm chết người vào năm 2022 cho thấy mức tăng 43%, lên 42,795 vụ. Số vụ tai nạn chết người cũng tăng theo phần trăm trên tổng số dặm lái xe. Tỷ lệ tử vong của người đi bộ và người đi xe đạp tăng 64% kể từ năm 2011, ước tính có 8,413 người vào năm 2022.

Minh họa: ian-valerio-unsplash

Billy Richling, người phát ngôn của ‘National Association of City Transportation Officials’, cho biết NHTSA đã đề xuất các bài kiểm tra tránh va chạm cho người đi bộ, nhưng sẽ mang tính tự nguyện và không nằm trong hệ thống xếp hạng 5 sao của NHTSA. Tuy nhiên, với nhiều người, việc xếp hạng an toàn của xe đối với người đi bộ và người đi xe đạp (chứ không phải chỉ những người ngồi bên trong) phải nên bắt buộc chứ không phải tự nguyện.

John Capp, giám đốc công nghệ, chiến lược và quy định an toàn phương tiện của General Motors, nói rằng việc không có đủ dữ liệu về số ca tử vong đối với người đi bộ cho thấy vấn đề tìm hiểu nguyên nhân tai nạn thật ra không đơn giản và không thể đổ thừa cho thiết kế của xe hơi. Gần như tất cả xe đời mới của hãng GM cũng như nhiều hãng khác hiện đều được trang bị phanh khẩn cấp tự động, và camera cũng có khả năng quan sát người đi bộ tốt hơn vào ban đêm, thời điểm xảy ra phần lớn các vụ tai nạn chết người.

Trong thực tế, NHTSA đã yêu cầu xe hơi và xe tải nhẹ đời mới phải có phanh khẩn cấp tự động có thể phát hiện người đi bộ, kể cả vào ban đêm. Những tiến bộ trong công nghệ hứa hẹn sẽ giúp hỗ trợ các điểm mù nói chung, trước cũng như sau xe. Dù vậy, các chuyên gia an toàn cho rằng đó chỉ là một phần của giải pháp. Về tổng quát, người ta cần phải thay đổi cơ sở hạ tầng, kiểm soát nghiêm nhặt hơn giới hạn tốc độ và thậm chí thay đổi thiết kế phương tiện (vehicle design).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: