Tha thứ có lợi cho sức khoẻ, nhưng không dễ!

(minh họa: Melanie Stander/Unsplash)

Một nghiên cứu mới cho thấy tha thứ và buông bỏ rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, tha thứ không hề là chuyện đơn giản mà phải có một quá trình!

“Nghiên cứu thực hiện tại năm quốc gia cho thấy khi chúng ta học được cách tha thứ, áp dụng nó và duy trì hành vi này lâu dài, sức khỏe thể chất và tinh thần sẽ được lợi rất nhiều và mọi thứ tốt lên thấy rõ,” nhà tư vấn hôn nhân và nhà tâm lý học Everett Worthington nhận định. “Khi mới bắt đầu hành nghề tư vấn, tôi phát hiện nhiều cặp vợ chồng thường tức giận vì thấy mình bị xem thường. Nhưng khi hiểu nhận thức như vậy là sai lầm, cuộc sống chung của họ tốt lên thấy rõ khi họ biết tha thứ cho nhau”.

Tha thứ mang lại nhiều lợi ích

Chính những hiểu biết sâu sắc về xung đột trong hôn nhân đã thúc đẩy Worthington bỏ ra hàng thập niên để nghiên cứu khoa học chuyên sâu về tác dụng của sự tha thứ. Trong khi hành động tha thứ rất phổ biến đối với các tôn giáo, Worthington nhận thấy tha thứ trong thế tục cũng là chiến lược hữu ích để cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng sống. Nghiên cứu gần đây của ông và các đồng nghiệp rút ra kết luận: khi sự tha thứ được hướng dẫn bài bản và được thực hành đúng, sức khỏe tinh thần và thể chất sẽ cải thiện rõ rệt.

Worthington, hiện là Giáo sư danh dự tại đại học Virginia Commonwealth University,  giải thích: “Sự tha thứ có thể thay đổi động lực của mối quan hệ và ngăn chặn những hậu quả tiêu cực và tốn kém cho xã hội. Có những bất công chúng ta trải qua hàng ngày. Tha thứ là một lựa chọn mà chúng ta có thể thực hiện hoặc không thực hiện. Nhưng thực tế cho thấy tha thứ mang lại rất nhiều lợi ích, thậm chí đã trở thành yếu tố cần thiết để nâng cao sức khỏe cộng đồng”.

Worthington soạn cuốn sách hướng dẫn cách tha thứ, gồm các bài tập và gợi ý để mỗi cá nhân tự khám phá cảm giác tức giận, oán giận tự thân và học cách buông bỏ chúng. Hướng dẫn cam kết ai cũng có thể trở thành một người dễ tha thứ hơn sau chỉ vài giờ học các bài tập khám phá những phạm vi cụ thể của cảm giác tức giận, oán giận và cách vượt qua chúng.

Nghiên cứu ngẫu nhiên 4,598 người sống ở Hong Kong, Indonesia, Ukraine, Colombia, Nam Phi, trong đó một nhóm 50% số người tham gia hoàn thành các bài tập tha thứ trong hai tuần. Nửa còn lại thuộc nhóm đối chứng. Sau hai tuần, số liệu thu thập được cho thấy nhóm được học các bài tập tha thứ đã giảm đáng kể những triệu chứng trầm cảm và lo lắng so với nhóm đối chứng. Nghiên cứu mới sẽ được trình bày vào cuối tuần này tại Đại học Harvard trong một hội nghị liên ngành về sự tha thứ, được xuất bản dưới dạng bản in giới hạn trong thời gian diễn ra hội nghị và đang được xem xét xuất bản trên một tạp chí y khoa.

Ông Tyler VanderWeele, giáo sư dịch tễ học tại trường y tế công cộng Harvard T.H. Chan School of Public Health kiêm giám đốc chương trình Human Flourishing Program, đồng tác giả của nghiên cứu mới và là người tổ chức hội nghị Harvard nhận định: “Tôi nghĩ số người từng bị đối xử tệ hiện nay là khá phổ biến. Tức giận và oán giận đang đè nặng lên cuộc sống của họ. Đó là lý do cuốn sách bài tập về sự tha thứ này có thể được sử dụng để lan toả thói quen tha thứ và cải thiện sức khỏe tâm thần. Nếu các bài tập được phổ biến rộng rãi, những ảnh hưởng đối với sức khỏe tâm thần của người dân sẽ giảm đáng kể”.

(minh họa: Felix Koutchinski/Unsplash)

Khi sự tha thứ là không thể

Các nghiên cứu tương tự ở Mỹ cũng cho thấy lợi ích của sự tha thứ. Một nhóm nghiên cứu do giáo sư tâm lý giáo dục Robert Enright tại Đại học Wisconsin ở Madison dẫn đầu cũng tập trung vào sự tha thứ trong các bài giảng dành cho giới trẻ. Sách bài tập và đào tạo chuyên viên về lĩnh vực này của nhóm đã được chia sẻ với hàng ngàn nhà giáo dục trên toàn thế giới.

Nghiên cứu của Enright phát hiện những đứa trẻ biết tha thứ sẽ học tập tốt hơn, thậm chí sự tha thứ có thể kéo huyết áp xuống thấp, ngủ ngon hơn, ít lo lắng hơn, cùng những lợi ích khác. Worthington thừa nhận là có một số trường hợp rất khó hoặc không thể tìm được sự tha thứ. Niềm tin vào sự tha thứ của chính ông cũng từng bị thử thách khi mẹ ông bị sát hại vào năm 1996 và ông trút sự tức giận không chỉ vào thủ phạm mà còn vào các cảnh sát điều tra sai lệch.

Ông tâm sự: “Đột nhiên một người từng học về giá trị của sự tha thứ như tôi phải đối đầu với một tình huống nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì mình tha thứ trước đây. Tôi có thể tha thứ cho kẻ giết mẹ tôi (thủ phạm là một người có chỉ số IQ dưới trung bình và có tiền sử bị lạm dụng lúc còn nhỏ) nhưng rất khó tha thứ cho các sĩ quan cảnh sát đã tiến hành một cuộc điều tra quá yếu kém. Kinh nghiệm của tôi cho thấy sự tha thứ và mong muốn công lý được thực thi không phải là hai mặt của vấn đề mà là đi song song với nhau”.

Kể lại một câu chuyện khác, Worthington nói: “Tôi cũng học được rằng đôi khi một tình huống nhỏ còn khó tha thứ hơn tình huống lớn. Không phải là loại siêu tha thứ nên tôi không bao giờ tha thứ cho vị giáo sư đã cho tôi điểm B ở trường đại học. Mất đến 10 năm mới có thể tha thứ cho ông ấy!”. Những người ủng hộ việc rèn luyện sự tha thứ nói rằng điều quan trọng là phải chọn đúng thời gian và vụ việc để tha thứ. Chẳng hạn, không nên tha thứ cho kẻ bạo hành mình trong gia đình vì bạn sẽ bị bạo hành nữa, nếu không tìm kiếm sự an toàn trước đã.

“Tính tích cực của tha thứ có lúc không hoạt động,” Andrew Serazin, chủ tịch Tổ chức Từ thiện Thế giới Templeton, nơi giúp trang trải tài chính cho cuộc nghiên cứu, giải thích. “Nó giúp ích cho những người tha thứ và sức khoẻ của họ nhưng không có nghĩa là bỏ qua công lý. Kẻ phạm tội phải bị xét xử về hành vi của mình và phải nhận hậu quả”.

Bước đầu tiên hướng tới sự tha thứ chỉ đơn giản là quyết định tha thứ cho ai đó. Để đạt được sự tha thứ về mặt cảm xúc, chúng ta cần phải buông bỏ và ngừng suy nghĩ mãi về việc bị đối xử tệ. Tha thứ đòi hỏi tâm trạng tỉnh táo để thay thế sự tức giận và hận thù bằng thiện chí và vị tha. Worthington nói: “Sự tha thứ về mặt cảm xúc cần nhiều thời gian hơn”.

Những nghiên cứu gần đây về tha thứ tập trung vào phương pháp REACH (viết tắt của: Recall: Recall the hurt – Triệu hồi sự tổn thương) trong đó nhìn nhận vụ việc một cách khách quan và không cố gắng gạt bỏ cảm xúc. REACH gồm bốn bước: thứ nhất là hiểu cho đối tượng (nhưng không bào chữa cho hành động của họ hoặc loại bỏ cảm xúc của mình về cách họ gây ra) vì có thể lúc gây ra vụ việc người đó có một ngày tồi tệ hoặc lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn. Thứ hai, xem tha thứ là “món quà vị tha” vì có lúc bạn cũng từng cư xử thô lỗ và mọi người đều có khuyết điểm. Thứ ba là viết một lá thư không gửi để ghi nhớ bạn “mình đã tha thứ rồi đó và không nghĩ ngợi gì đến nó nữa. Thứ tư là duy trì sự tha thứ thành lối sống, vì dù mọi nghiên cứu đều cho thấy tha thứ có lợi cho sức khoẻ nhưng chúng ta thường quên dần theo thời gian và sẽ quay trở lại con người thù hận.

Muốn duy trì tha thứ hãy tha thứ nhiều lần nữa trong đời. Worthington nói: “Sự tha thứ không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng tha thứ giải thoát cho chúng ta một gánh nặng không có lợi cho chính sức khoẻ của mình. Tha thứ luôn là phản ứng đúng đắn cho một tình huống bị đối xử xấu hay không công bằng”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: