Hình minh họa: Doi Kuro

Cuộc đời muôn nẻo, chắc cũng có một nẻo dành cho chuyện đi học chứ nhỉ. Nếu vậy thì thưa là có đây.

Chiều hôm trước ngày thi vào cấp 3, cả bọn đón xe lam xuống thị trấn. Nhà quê ra tỉnh, thấy gì cũng thích. Ăn chiều ở cửa hàng ăn uống của thị trấn xong thì kéo nhau vào tìm chỗ trọ ở trường Phan Bội Châu (PBC). Tối đó, sắp bàn học lại làm chỗ ngủ.

Muỗi vo ve cả đêm, chả buồn đuổi, cho cả dòng cả họ chúng nó đốt no thì đi chỗ khác chơi. Tôi với cu Vịnh cứ độ một tiếng là quay sang hỏi nhau “ngủ được không?”. “Được! ngủ ngon lắm”. Thì nói vậy để cố làm gương cho đứa kia ngủ, chứ nghe hơi thở biết ngay là chả đứa nào ngủ được.

Sáng ra đi thi cũng chẳng thấy mỏi mệt hay uể oải gì. Đứa nào cũng làm hết nắm xôi điểm tâm là sáng mắt liền. Nhưng mà, chắc tại ăn xôi nặng bụng nên làm bài lú quá. Lộn lung tung phèo. Khi có kết quả thi rớt, tôi tất tả nhảy tàu ra Nha Trang, nhờ một người Dì xin cho vào học trường “Vừa Học Vừa Làm” ở Suối Dầu. Dì này quen biết với một người nào đó trong Ban giám hiệu nên cũng hy vọng lắm. Đường sá xa xôi, liên lạc khó khăn, tôi về nhà đợi tin mà lòng nhấp nhổm khôn nguôi.

Một buổi trưa, bà Ngoại bán ở chợ về. Thấy mặt mũi rầu rĩ của tôi, bèn khuyên “thôi con, học hành chi cho cực, chuẩn bị vài năm nữa lấy vợ cho khoẻ”. Tôi chua chát hỏi lại “thi rớt thì biết lấy ai bây giờ?”. Mệ nói “cái đó tau lo”.

– “Ai rứa Mệ?”

– “Con H. đó”.

Cô H. này thì tôi biết. Nhà cổ ở cuối thôn Hiền Lương. Cô bằng tuổi với anh tôi, tức là lớn hơn tôi hai tuổi. Cũng bán gạo ngoài chợ như Mệ tôi vậy. Cô này ngoại hình bình thường nhưng ăn nói rất dễ thương. Đến Mệ tôi còn mê nữa là.

– “Nhưng mà cô ấy lớn hơn con tới hai tuổi?” – tôi băn khoăn.

– “Ui dào! mi không nghe người ta nói: ‘Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một’ à? Lấy vợ lớn hơn hai tuổi là sướng nhất trên đời”.

– “Rứa thì lấy cô ấy về, bữa sáng con ăn xôi chấm muối mè. Bữa trưa với tối con ăn cơm trắng với nước mắm ngon ngâm đậu phụng rang. Cuối tuần con ăn bún với mắm nêm. Ui chao là sướng”.

– “Trôốc cha mi! Tham bưa bưa (tham vừa vừa) á. Tau bán gạo đây mà còn chưa có cơm trắng ăn. Mi đòi ngày hai bữa cơm trắng rồi cuối tuần bún mắm nữa, e sướng còn hơn vua”.

Tại Mệ cho mơ thì tôi mơ chứ tôi cũng biết thân biết phận lắm chứ. Tôi tính rồi, vụng về thế này thì vài năm nữa lớn tướng lên, làm việc đã dở lại “dác” (nhác), mà ăn thì dữ. Cách gì Mạ tôi cũng đạp ra khỏi nhà. Tới khi đó thì bất kỳ cô nào thương mà ra lượm tôi về nuôi, tôi cũng ừ hết á. Sắn khoai rau cỏ gì cũng được, miễn có cái cho tôi nhét vô bụng là tôi sẽ thương cô ấy chết bỏ. Huống hồ là cô này, buôn bán gạo thì chắc phải có cơm ngon ăn dài dài chứ. Yên tâm đi.

Nhưng, tôi giật mình hốt hoảng. Số là cô này lâu nay bà Ngoại tôi đã nhắm cho ông anh. Nói ở chỗ kín đáo cũng có mà nói công khai cũng có. Nhiều lần nói ngay trước mặt cô ấy luôn. Mỗi lần cô gánh gạo từ chợ về cho Mệ là Mệ nói “giỏi, mai một Mệ gả thằng ni cho mi hí”. Vừa nói Mệ vừa chỉ vào ông anh. Cô cúi mặt cười e thẹn nói “dạ, con không dám mô Mệ”. Còn ông anh thì lầm bầm cái gì trong miệng rồi bỏ ra ngoài. Chẳng biết là ổng thích hay không thích nữa. Vậy mới kẹt. Bây giờ Mệ đòi gả cô ấy cho tôi. Ông anh không thích thì không nói làm gì. Chứ lỡ ổng thích thì ổng oánh tôi mất mạng như chơi. Giành gái của ổng đâu phải chuyện nhỏ.

Tôi nén tiếng thở dài nhưng cũng phải than “được có một cô mà Mệ đòi gả cho hai thằng”. Mệ nói “Ừ hè, thôi để Mệ kiếm con khác. Con ni nhỏ tuổi hơn mi. Hắn chỉ phụ Mạ hắn buôn bán nên chưa biết mần ăn ra răng”. Tôi cũng biết cô này nên reo lên “Nhưng mà cô ấy đẹp hơn cô H. nhiều, phải không Mệ?”. Mệ miễn cưỡng gật đầu rồi cằn nhằn “Ừ! đói tới nơi, đẹp với xấu”. Tôi biết cô kia không ngọt ngào như cô H., lại chẳng bao giờ gánh gạo cho Mệ nên mất điểm dữ lắm.

Một buổi chiều thứ Bảy. Tôi “ngồi vắt tay lên… rún, ta nghĩ đến chuyện cuộc đời”. Nghĩ đến “phận trai… mười hai bến nước. Bến nào trong thì nhờ”, trúng bến đục là bỏ mẹ. Xảy đâu có thằng cu Quý lững thững đi vào nhà tôi, miệng cười tủm tỉm. Quý học chung lứa và nhà nó ở phía sau lưng nhà tôi. Nó thi đậu điểm cao và đang học ở PBC. Lạ cái thằng cứ nhìn tôi chằm chằm vừa đi vào vừa giữ nụ cười tủm tỉm đó. Chừng bước tới thật gần, nó mới thỏ thẻ báo tin tôi được đậu vớt. Mất cả mấy phút sau hắn mới thuyết phục được tôi là đậu thật chứ không đùa. Tin vui quá khó tin.

***

Sáng thứ Hai, khi con gà trống bên hiên nhà cất tiếng gáy đầu tiên, hứa hẹn một ngày làm việc đầy khí thế mới với đàn gà mái, tôi bật dậy cặm cụi chuẩn bị cho hành trình hứng thú mà cũng lắm lo toan. Cái cặp giả da tôi dùng đi học suốt những năm cấp hai đã được để sẵn sàng trên ghế. Tôi thủng thẳng xúc sáu lon gạo đổ vào. Dùng một quyển vở mới để lót ngăn cách và bỏ lên trên đó một bộ áo quần. Mạ tôi đi buôn chuyến xa chưa về. Tôi xin ít tiền bà Ngoại ứng trước cho. Làm vội một chén khoai khô nấu lên cho chắc bụng rồi dấn bước trực chỉ Ba Ngòi.

Từ chỗ tôi vào tới chợ Đồng Lác, con đường ngắn nhất là đi theo đường sắt. Con đường này tôi đã từng đi qua không ít lần nên không coi là lạ. Ít nhất là cũng từng đi lao động hồi lớp 8, lớp 9 ở một thửa đất cạnh đường rầy, thuộc thôn Vĩnh Nam. Tuy nhiên, đi trong sớm tinh mơ khi sương đêm còn lãng đãng trôi với không khí yên tĩnh, một cảm giác tươi rói dậy lên rất lạ. Sự phấn khích cứ theo từng bước chân, nhưng lâu lâu một nỗi lo cứ chen vào, nhiều khi làm tôi ngơ ngẩn. Lo là không biết tôi sẽ ở chỗ nào, ăn chỗ nào. Củi lửa, bếp núc, chợ búa, nước nôi, tắm giặt…, nghĩ đến là ra đủ thứ mà chẳng có thứ nào tôi có thể hình dung ra được. Rất may, tuổi trẻ vốn vô tư lự, chỉ thích nghĩ đến cái vui mà mặc kệ mọi khó khăn đang chờ.

Vào tới chợ Đồng Lác, bóng nắng đổ dài. Vẫn còn sớm lắm. Mệt thì không mệt nhưng vẫn muốn tìm một cái gì đó để hưởng thụ. Coi, người ta thi đậu được mổ gà, nấu xôi ăn mừng. Tôi cũng đậu như ai chứ bộ, mà đã có cái đếch gì đâu? Nghĩ vậy nên mới bước thẳng tới quán nước mía ở chợ, vừa kéo ghế ngồi vừa nghĩ “kệ cha cố tổ, tới mô tới”, làm ly nước mía cái đã. Sau khi nhai cho đến viên nước đá cuối cùng, tôi thủng thẳng bước đến chỗ xe thồ. Xe đậu cả dãy, tíu tít mời chào. Tôi bước thẳng tới một xe, nhảy lên rồi bảo về ngã ba Đồng Lác, mà không thèm trả giá. Oai quá là oai! May sao anh ấy không “chém” cho một phát chứ không, chắc là hết tiền ăn cả tuần.

Từ chỗ ngã ba ấy đi bộ lên tới trường cũng gần. Chả đi đâu mà vội. Tôi cuốc bộ dọc theo Quốc lộ 1, phố xá hai bên đông đông. Mỗi lần xe tải, xe khách chạy ngang là đứng lại nhìn theo cho đến khi mất bóng mới thôi. Mơ sao một ngày tôi được làm tài xế lái xe ngày đêm thế kia.

Thật thà mà nói, trước 75, ông già tôi có xe Jeep. Tôi đi phố Đà Nẵng, Huế bằng xe Jeep hoài. Nhưng sau 75, mọi cái trở nên quý giá lạ lùng. Vào tới trường PBC khoảng 9 giờ sáng, tôi “trình diện” ở phòng Ban giám hiệu và được thầy Trong viết cho mảnh giấy vô học lớp 10B. Ngạc nhiên và thích thú vì cứ nghĩ lớp ấy toàn mấy anh mấy chị giỏi giang cao điểm chứ sao lại nhét thằng em này vào? Thầy Trong ra cửa ân cần chỉ cho tôi phòng nào là lớp 10B. Thầy còn nói em thuộc diện đậu đợt hai. Tôi dạ rối rít rồi xăng xái bước đi. Đi tới gần cửa thì dội lại. Cơ khổ, lớp đang học, tôi mà vào thì gần cả trăm con mắt đổ dồn vô, xấu hổ lắm, chịu không nổi. Ngán nhất là mấy ả trong lớp. Mấy ả mà soi thì e người tôi mục ra mất. Là tôi tưởng tượng vậy thôi chứ ai thèm để ý tôi làm gì. Nhưng ác một nỗi cái tưởng tượng ấy nó làm tôi hễ tới gần cửa là dội lại như cái lò xo.

Ra ngoài ngồi đợi buồn buồn thì lẩm bẩm hát nhạc Duy Khánh “hôm nay tôi trở về thăm trường cũ. Nhiều nét đổi thay tường mái rêu mờ”. Hát xong thì giật mình. Chưa học bữa nào mà đòi biến nó thành trường cũ rồi à, thôi xui lắm. Hát hò kiểu đó e bị đuổi học sớm, cho trường nó biến thành cũ thiệt luôn.

Tới cuối giờ học tôi mới vào lớp. Lúc này tan học nên tôi vào chẳng ai để ý. Cô Oanh chủ nhiệm hỏi tôi em xuống lâu chưa? Khi biết tôi xuống lúc 9 giờ, cô nhăn mặt trách sao em không vào lớp sớm, em đợi ở đâu? Lời trách làm tôi nhẹ nhõm vì có cảm giác như Cô đang chờ tôi vậy. Cả những lần sau đó, gặp Cô trên đường đi học, Cô đều hỏi han rất kỹ, rất quan tâm tới chuyện ăn ở của tôi. Tôi cũng nói qua loa như không có chuyện gì, chứ thực sự nhiều lúc rất khổ sở với cái vụ nhà ở này.

Con đường Lương Thế Vinh trên bản đồ bây giờ thì lúc đó còn chưa có. Thay vào đó là hàng rào ngăn cách Huyện đội với bên ngoài. Bọn tôi ở ngay bên ngoài hàng rào đó. Gần hàng rào này có một bếp ăn “đại táo” của Huyện đội, tức là bếp ăn dành cho lính tráng về tập huấn. Đây cũng là nơi bọn tôi chia phiên nhau xin nước mắm “bộ đội”. Cứ vài ba bữa, tới bữa ăn bọn tôi thay phiên nhau cầm cái xoong đứng bên này hàng rào. Nhìn sang mà thấy anh hay chị nào coi bộ dễ chịu thì réo “anh anh hay chị chị, cho em xin một chút nước mắm”. Nước mắm bộ đội khá hơn nước mắm của tôi ở chỗ là nó luôn luôn có chút mỡ bò. Đôi lúc còn có cả tóp mỡ. Và quan trọng không kém là không bao giờ mấy anh/chị ấy từ chối. Cho ít hay nhiều tuỳ vào số nước mắm ở bếp chứ họ đều dễ thương. Thường thì số lính này là lính đang học y tá.

Ở “xóm” này còn có một ông đang học 12, tên là Phương thì phải. Ông này khi ở khi đi, và đặc biệt, mắc cỡ hay sao mà chưa bao giờ xin nước mắm trực tiếp. Thay vào đó, ông đi xin lại bọn tôi. Mỗi lần múc nước mắm, miệng ổng luôn luôn nói đến định luật toán hay vật lý cùng với những kiến thức về khoa học giả tưởng. Tôi nể ổng lắm. Một lần tôi cho ổng nước mắm. Thấy ổng múc nhiều cũng xót nhưng phần vì nể ổng lớn tuổi phần sợ sự uyên bác của ổng nên im re. Tới lúc cả bọn chia nhau phần còn lại cho bữa ăn chiều, Phục hỏi lý do sao nước mắm còn ít, và tôi khai thiệt. Hắn cười gằn rồi mắng tôi một trận. Mắng xong, hắn dặn cả bọn là từ này về sau, ông kia xin nước mắm thì chỉ vô hắn.

Phục khá ở chỗ là tuy học 11 nhưng ông kia nói chuyện vật lý lớp 12 nó tiếp chuyện ngon lành. Trước khi cho nước mắm, Phục luôn hỏi ông ấy là xin mấy muỗng. Hắn nhìn số nước mắm, ước tính rồi mới cho theo số muỗng hắn ấn định, dĩ nhiên là “hẻo” lắm. Một lần, đang nói chuyện về mẫu nguyên tử của Bohr (đọc là Bo), thấy nước mắm ít quá, ông kia múc hai muỗng theo ấn định rồi mà thò tay định múc thêm thì Phục nạt liền “Đ.M Bo, ông múc vừa phải thôi chớ”. Tội nghiệp nhà bác học Niels Bohr, bị mắng oan vì một muỗng nước mắm. Phục biết nói sai mà vẫn không cười. Nó dám ăn thua đủ vì một muỗng nước mắm lắm a, khiếp thật.

***

Khẩu phần ăn mỗi ngày của tôi là một lon gạo. Đồ ăn hầu như chỉ có nước mắm. Phần vì đói phần vì cơm nóng ngon miệng nên buổi trưa phải cố gắng lắm mới để dành lại được phần cơm cho buổi chiều. Khi ăn đến một nửa số cơm là bắt đầu tới lúc phải đấu tranh tư tưởng. Cứ lấy muỗng nạo ngay cái mé cơm một đường thật mỏng, vừa làm vừa nghĩ chỉ thêm chút này nữa thôi. Lúc này thì váng hồ đóng ở nắp nồi đã được lột cẩn thận cho vào mồm hết rồi. Chỉ còn bám víu vào số cơm còn lại đó nữa thôi. Cầm lòng không đậu nên khi nào cũng vét đi vét lại đến 2/3 thì mới ngừng được. Cũng may buổi chiều cơm nguội, ít ngon hơn nên đỡ thèm thuồng hơn.

Buổi sáng đi học thì chẳng có gì trong bụng nên hôm nào có tiết thể dục mà nghe tới môn chạy bộ là bủn rủn cả tay chân. Bọn con gái còn ẻo lả chạy cầm chừng được chứ con trai gì mà chạy vài bước lại đi bộ? Nào có ai biết chỉ với vài bước chạy mà tôi đã lả người ra. Dạo đó, cư xá muỗi khủng khiếp. Nằm ngủ mà để tay cạnh mùng là sáng mai muỗi đốt đỏ dày như lên sảy. Cu Tân, Phục thường lấy nhang đốt để dưới bàn xông muỗi. Tôi mang quần dài, co chân xếp bàng trên giường để ngồi học.

Thỉnh thoảng nghe Phục kể về Trương Bá Hà. Ông này học hơn bọn tôi ba lớp nên tôi vào thì ổng đã đi. Chỉ năm trước đó, ổng vẫn thỉnh thoảng ở trọ lại chỗ này. Phục nói ổng có khi ôm quyển sách Toán hay Vật lý ngồi trong góc học cả đêm. Sáng mai lên lớp ngủ gật nhưng thầy gọi lên giải bài hay hỏi đâu trả lời đó ngon lành, kể cả những cái thầy chưa dạy. Nghe Phục kể, đôi lúc tôi nhìn xuống đám muỗi vo ve mà cứ muốn bảo chúng nó một tiếng là đứa nào từng đốt Bá Hà thì tao cho ưu tiên đốt tao thoải mái, may ra lây được chút thông minh nào từ Bá Hà chăng.

Tôi chưa thấy mặt ông này bao giờ. Nghe Quốc “ếch” kể là tại buổi lễ khai giảng năm đó, ổng có lên kể lại chuyến đi thi Vật lý quốc tế của ổng. Kể rằng anh bạn người Ý chỉ toàn lo ăn, hết xúc xích đến bánh ngọt, không chịu lo làm bài. Nghe thèm chết đi được. Vinh quang tôi cũng thèm, nhưng không thèm bằng cái xúc-xích. Năm đó Trương Bá Hà đứng thứ ba trong kỳ thi Vật lý quốc tế này cho nên trường PBC cảm thấy vinh dự vô cùng. Hình như thành tích này là có một không hai trong lịch sử trường PBC, từ khi thành lập cho đến tận bây giờ. Với dân PBC vào thời đó, cái tên này chỉ đứng sau một người duy nhất là Lê Bá Khánh Trình (giải nhất Toán quốc tế trước đó).

Học khuya thì thường có màn đi ăn trộm dừa hoặc mía. Về ăn trộm dừa có Bửu là khá nhất. Hắn vừa có sức, vừa có gan, nên khi nào cũng là người leo cây hái trái. Lúc thì cắn vào cuống hai trái dừa leo xuống thả rồi lại leo lên hái tiếp. Khi thì để hai trái vào lòng cho nó lăn theo người khi leo xuống. Cu Anh “xe thồ” có vẽ không mặn mà với chuyện ăn uống này nên ít tham gia. Tuy nhiên, khi hắn mà nổi hứng lên thì mới khiếp. Hắn đi nghênh ngang ra chỗ cây. Không cần núp bóng vào đâu cả. Cứ leo lên ào ào và dùng chân đạp cho trái rớt xuống rầm rầm. Đêm khuya yên tĩnh mà nghe dừa rớt trúng mặt đường nhựa, vang inh ỏi cả xóm. Tôi phát ớn luôn.

Ở yên yên đâu được chừng hơn tháng thì người ta bắt đầu rục rịch đuổi. Một lần tôi bị cảm nằm ở nhà. Bảo tụi nó khoá cửa từ phía bên ngoài cho chắc ăn. Nằm trong nhà nghe ông Lạc trưởng phòng thể dục thể thao đi đi lại lại bên ngoài miệng cằn nhằn rất to. Sau đó ông vào phòng oang oang gọi điện thoại cho ai đó mắng vốn quá chừng. Nào là “chị sang đây mà xem chúng nó ăn ở đây này. Dơ dáy bừa bộn, lại tự tiện phá mấy cái kho lấy giường ra nằm…”

Ở đời “nhất lý, nhì lì”. Tụi tôi thì về “lý” là sai lè ra rồi, vì có ai cho vào ở đâu? Nhưng khi “khó bó khôn” thì món “võ lì” chơi cũng tốt lắm. Đuổi cách gì cũng không đi. Bảo thì dạ để em đi, nhưng rán mà đợi tới “Tết Công-Gô” đi nhé. Còn khuya mới chịu đi. Cho tới một hôm, đi học về thì thấy đồ đạc người ta chất đầy trước sân, chỉ chờ tôi về dọn ra để người ta dọn vào. Đây là đồ đạc của các khoá sinh Trung Cấp Y Tế về thực tập. Tới lúc này thì chẳng cần nói, tụi tôi phải ba chân bốn cẳng dọn gấp đồ đạc ra khỏi phòng. Tài sản vài quyển sách và vở, một cái xoong, mùng mền chiếu là chấm hết, nên dọn nhanh thôi.

Lúc này, cả bọn tán loạn, mỗi đứa phải lo lấy thân nên tôi không nhớ mấy đứa kia xoay sở ra sao. Hình như Phục và Tân xin vào ở được tạm với Anh-Phi-Quyền. Tôi và Quý thì dọn vào ở tạm căn nhà chứa hòm của bệnh viện. Trước khi bị đuổi chừng một tuần, người ta đem nhiều hòm về chất đống ngay căn nhà trống hoác, có chung vách với nhà của Anh-Phi-Quyền (từ nay viết tắt là APQ). Cả bọn có vào phòng đó chơi. Cu Phi nằm vào hòm nhắm mắt bảo đậy nắp lại coi. Nằm cũng được một phút thì đập rầm rầm bảo mở ra. Cu bảo nằm trong này ấm lắm nhưng ớn thí mẹ.

Bữa bị đuổi đó, Quý và tôi vào nhà hòm, chất hòm lên cao hai bên và trải chiếu trên sàn ximăng ở giữa, rồi giăng mùng ngủ qua đêm. Đêm hôm đó, mưa to gió lớn, nhà của APQ chỉ với khe hở trên cửa sổ mà mưa tạt vào la oai oái. Trong khi đó, Quý và tôi nằm ngủ ở chỗ đó lại rất ấm, tuyệt nhiên không một giọt mưa, không một cọng gió nào lọt vào cả. Lúc đi học thì có thể gửi đồ đạc bên nhà APQ. Nấu ăn thì cũng dễ thôi, ở đâu nấu chả được. Chỗ ngủ qua đêm thì có nhà hòm rất ấm, vậy thì cũng tạm gọi là yên ổn. Ngặt một nỗi, lúc này ngày thi đang tới gần, tụi tôi rất cần ánh sáng ban đêm để học bài. Hơn nữa, người ta sẽ lấy hòm đi trong nay mai nên cần phải có một chỗ tá túc ổn định hơn.

Liên tiếp mấy buổi chiều sau đó, Quý và tôi đội mưa đi tìm chỗ ở. Cứ đi loanh quanh trong cư xá, gõ cửa đại nhà người ta rồi xin. Bọn tôi tính thế này. Nếu gõ cửa hai nhà liên tiếp nhau thì nhà bên cạnh có thể biết tôi xin ở, có thể họ sẽ không mở cửa. Cho nên, cứ đi zig-zag cách năm bảy nhà lại gõ cửa như vậy. Đi xong một con hẻm thì qua hẻm khác, rồi quày lại hẻm cũ đi tiếp kiểu đó. Đi như thế này quả là mất công.

Hầu hết các nhà, người ta chỉ trả lời bằng cái lắc đầu rồi đóng cửa. Khá hơn thì người ta nói không được. Chỉ duy nhất một lần gõ trúng nhà một ông đang học 10A. Biết mặt nhau có khác. Ông này có vẻ niềm nở trả lời là để tôi vào trong hỏi ý kiến của Mẹ xem sao. Đợi vài phút sau ổng quay ra nói lời từ chối, khuôn mặt cũng xìu xuống một chút cho đúng điệu. Dĩ nhiên là tụi tôi không lạ, nhưng cũng thấy biết ơn cái thái độ đó. Ông này hình như là con một, đi học có vẻ tươm tất lắm.

Vào buổi chiều cuối cùng trong các buổi đi xin nhà đó, hai đứa tôi đi nhiều nhất. Mà gõ cửa nhiều thì lại ê chề nhiều. Đi từ hai giờ chiều cho tới khi trời chạng vạng tối mới quay về. Mệt mỏi, bực bội, chán ngán, tôi muốn tìm một cái gì đó để đổ lỗi cho nhẹ bớt ưu tư. Mà biết đổ cho ai, hay cho cái gì bây giờ? Loa phát thanh thì, vẫn như mấy chiều trước đó, đang phát bài “Chiều Biên Giới”:

“… Chiều biên giới em ơi

Có nơi nào cao hơn

Như đầu sông đầu suối

Như đầu mây đầu gió

như trời quê biên cương

Em ơi có nơi nào đẹp hơn

chiều biên giới khi mùa đào hoa nở, khi mùa sở ra cây,

lúa lượn bậc thang mây, mùi tỏa ngát hương bay…”

(Thơ Lò Ngân Sủn, nhạc Trần Chung)

Cơn mưa chiều khi ngưng khi đổ, làm sũng nước cả hơi thở. Mà lời ca với giai điệu mượt mà cứ thấm vào từng thớ thịt, mềm cả tâm can. Bài ca quá hay. Tuy không đúng với tâm trạng của tôi, nhưng không thể làm cái cớ cho tôi chê trách hay trút nỗi bất mãn được. Liếc mắt sang phía Quý, thấy môi nó mím chặt, trán cau lại, đầu cúi gầm, bước từng bước nặng nề như muốn đạp bể trái đất.

Trong đầu tôi loé lên một suy nghĩ: “Nguyên nhân của thất bại là đây chứ đâu”. Đầu vừa nghĩ xong là bụng chửi liền: “Mẹ, cái mặt nhăn nhó, ngó như đống giẻ rách, xin với xỏ cái gì. Mặt đó mà để cho người ta thấy thì ai dám chứa chấp. Xin không được nhà là phải rồi”. Rủa xong thấy trong bụng nhẹ hẳn đi. Lại vui vẻ bước đi như không hề có một buổi chiều ê ẩm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: