Côn Đảo – sự thật và những điều không thật (3)

Tư thất của Phụ tá Hành chánh, nơi người viết đã sống trong những năm 1971-1972 (file photo)

CÔN ĐẢO THỜI VIỆT NAM CỘNG HÒA

A-NHỮNG CHUYỂN BIẾN VỀ CƠ CẤU TỔ CHỨC

Từ thời nhà Nguyễn (1802-1945) đến trọn thời Pháp thuộc (1862-1954), Côn Đảo đơn thuần là nơi giam giữ tù nhân đã thành án. Song ngay từ thập niên 1830, dưới thời vua Minh Mạng, trở về sau, các quan chức, binh lính coi tù tại Côn Đảo được đưa gia đình ra đảo sinh sống, nên sau hơn một thế kỷ, số thường dân ngày một tăng, kể cả con cháu những người dân bản địa đã sinh sống tại đây trước khi nhà Nguyễn khẳng định chủ quyền của mình. Điều này cho thấy bên cạnh nhu cầu quản lý tù nhân, chính quyền miền Nam sau khi tiếp nhận Côn Đảo từ tay người Pháp, phải nghĩ tới vấn đề quản lý và phát triển đời sống của cả thường dân trên đảo.

Chính vì thế, ngay từ năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm đã nhanh chóng biến nó thành tỉnh Côn Sơn, với cơ cấu tổ chức như các tỉnh ở đất liền. Tỉnh trưởng Côn Sơn được sự phụ giúp của một Phó Tỉnh trưởng Nội An và điều hành nhiều Ty sở trong tỉnh như: Ty Ngân khố, Ty Tiểu học, Ty Thông tin, Ty Thanh niên, Phòng Viễn thông…

Trong những năm 1955-1965, từ Tỉnh trưởng đầu tiên là Thiếu tá Bạch Văn Bốn đến viên chức cuối cùng là Thiếu tá Nguyễn Thế Tỵ, Côn Sơn đã trải qua bảy đời Tỉnh trưởng.

Năm 1965, chính quyền VNCH thay đổi hẳn danh xưng lẫn tổ chức của quần đảo Côn Sơn. Cấp tỉnh bị bãi bỏ, từ “cải huấn” được sử dụng để chỉ việc giam giữ và tổ chức học tập cho các phạm nhân. Mặt khác, đảo được sự hỗ trợ và bảo vệ của các lực lượng quân sự từ đất liền. Từ mô hình này, việc điều hành trên đảo được giao cho ba tổ chức riêng biệt:

-Cơ sở hành chánh
-Bộ chỉ huy Đặc khu
-Trung tâm cải huấn.

Cả ba tổ chức này được đặt dưới sự thống nhất chỉ huy của một sĩ quan cấp Thiếu tá (trước 1970) hoặc Trung tá (từ thập niên 1970), với chức vụ chính thức là Đặc phái viên Cơ sở Hành chánh (gọi tắt là Đặc phái viên Hành chánh), trực thuộc Bộ Nội vụ, kiêm nhiệm chức vụ Đặc khu trưởng Đặc khu, trực thuộc Tiểu khu Gia Định (thập niên 1970), kiêm nhiệm Quản đốc Trung tâm Cải huấn, trực thuộc Nha Cải Huấn, Bộ Nội vụ.

Tư dinh Đặc phái viên HC Côn Sơn – Nguồn: dulichdisanviet.vn

*Trước năm 1970, tại Cơ sở Hành chánh Côn Sơn, Đặc phái viên hành chánh có sự phụ tá của một Phụ tá Nội an do sĩ quan Đặc khu phó Đặc khu Côn Sơn kiêm nhiệm. Tổ chức này có ba phòng: Văn phòng, Phòng Nội An và Phòng Hành chánh.

*Về mặt quân sự, tổ chức của Đặc khu tương tự Tiểu khu ở cấp tỉnh và Chi khu ở cấp quận, gồm năm ban: Ban 1 (quản lý nhân sự); Ban 2 (an ninh, tình báo); Ban 3 (hành quân); Ban 4 (tiếp liệu, quản lý kho); Ban 5 (chiến tranh chính trị). Từ nửa sau thập niên 1960, Tiểu khu Gia Định chịu trách nhiệm đưa các đại đội Địa phương quân (trước có tên Bảo An) luân phiên ra trú đóng tại Côn Sơn để bảo vệ an ninh-trật tự, ngăn chặn việc phạm nhân có thể đóng bè vượt đảo.

*Về mặt cải huấn (quản lý trại giam), Quản đốc (do Đặc phái viên hành chánh kiêm nhiệm) được phụ tá bởi hai Phó Quản đốc, bên dưới là các giám thị làm việc tại các trại, sở khác nhau… Họ nguyên là những quân nhân cấp thấp (subalterne) nhập ngũ từ thời Pháp thuộc hay thời đầu VNCH, được chuyển qua ngạch Giám thị cải huấn, phần lớn thuộc hạng C. Vì lương thấp, họ được nâng đỡ bằng cách cấp thêm hàng tháng một lượng gạo và thực phẩm bằng với tiêu chuẩn của các phạm nhân, cụ thể là 21 kg gạo/tháng và cá mắm hay cá khô.

Tổ chức của Trung tâm Cải huấn Côn Sơn bao gồm các ban (An ninh, Kế toán, Kho…), các Trại và các Sở (sở Rẫy, sở Lưới, sở Củi…), hầu hết do các giám thị cải huấn phụ trách.

B-CÁC THÀNH PHẦN TÙ NHÂN Ở CÔN ĐẢO

Số phạm nhân thụ hình tại Côn Đảo những năm 1971-1972 vào khoảng 7,000 người, gồm nhiều thành phần khác nhau, song có thể phân thành hai nhóm chính: Nhóm tù chính trị và nhóm tù không chính trị.

-Nhóm không chính trị gồm tù thường phạm có mức án từ năm năm trở lên, phần lớn phạm những tội cướp của, hiếp dâm, giết người…; tù quân phạm, phần lớn là “lao công đào binh tái đào” (những quân nhân đào ngũ bị bắt lại thì bị đưa đi làm lao công ở chiến trường, nếu tiếp tục đào ngũ và bị bắt lại lần nữa thì bị đưa ra tòa án quân sự lãnh 10 năm khổ sai).

-Nhóm tù chính trị gồm những người hoạt động trực tiếp hay gián tiếp cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (dưới đây viết tắt là MTGP), phần lớn không bị xét xử bởi các tòa hình sự mà bởi một tổ chức được gọi là Ủy ban An ninh tỉnh (sẽ trình bày ở phần sau).

Mỗi thành phần phạm nhân mang trước ngực áo một tấm thẻ bằng kim loại khoảng 1.5 cm vuông, tù thường phạm mang thẻ sơn toàn màu vàng, tù quân phạm mang thẻ màu xanh lá cây sẫm, tù thường dân hoạt động cho MTGP mang thẻ nửa vàng nửa đỏ, chia đôi bởi một đường chéo góc, tù quân nhân VNCH hoạt động cho MTGP mang thẻ nửa xanh lá cây, nửa đỏ; tù chính thức của MTGP mang thẻ màu đỏ hoàn toàn.

Thông thường các tù thường phạm và quân phạm (VNCH) chấp hành triệt để nội qui trại giam, tham gia các chương trình lao động sản xuất trên đảo như trồng cây, trồng rau ở các sở Rẫy, đi sở Củi, vào rừng lấy củi về nấu bếp, hoặc đi sở Lưới, đánh cá để có thêm chất tươi cải thiện bữa ăn, vì thức ăn chính chỉ gồm cá khô, cá mắm do Nha Cải Huấn, Bộ Nội vụ chở từ đất liền ra. Hàng ngày, buổi sáng, thành phần tù này được đưa ra khỏi trại, đến lao động tại các sở, và chiều lại xếp hàng nối đuôi nhau trở về trại. Cách hành xử duy nhất của họ là chấp hành đúng nội quy của trại để sớm được cứu xét ân giảm, ân xá.

Một tù “công nhân tư gia” làm tài xế cho một viên chức tại Côn Đảo (1971-1972) – (file photo)

Trong thành phần tù chính trị có hai dạng: Một dạng tuân thủ nội quy của Trung tâm cải huấn và một dạng chống đối triệt để, không tuân thủ hầu hết các quy định của trại. Dạng thứ nhất (tuân thủ nội quy trại giam), ngoài những người sáng xuất trại đi lao động và trở về trại vào buổi chiều như các tù thường phạm khác, còn có những người trình độ văn hóa khá, được sử dụng ở văn phòng trung tâm cải huấn, các ty, sở, nhất là ở hợp tác xã tiêu thụ, nơi mua hàng từ đất liền về phân phối cho cư dân trên đảo.

Những phạm nhân đặc biệt này được gọi là “công nhân văn phòng”, không phải ở trong trại giam đông đúc và tù túng, mà được ở trong một trại riêng gọi là Trại lá, là một dãy trại dài xây cất bằng vật liệu nhẹ, không người canh giữ. Họ sống khá thoải mái, như những công chức không lương, đi làm ở cơ quan, hết giờ hành chánh thì về trại lá, rủ nhau ra tắm biển, đi mua sắm ở hợp tác xã, đọc sách báo do thân nhân từ đất liền gửi ra…

Dạng thứ hai là số tù chính trị chống đối, hoàn toàn bất hợp tác với ban quản lý trại giam, dứt khoát không chào quốc kỳ VNCH trong các buổi chào cờ đầu tuần, không chịu đi lao động, thường xuyên truyền tai nhau tin tức bên ngoài thông qua các tù chính trị làm “công nhân văn phòng.

Số tù chính trị chống đối khoảng hơn một ngàn người, tất nhiên, theo nội quy trại giam, họ không được hưởng những tiện nghi tối thiểu như người tù bình thường, như ít được tắm rửa, phơi nắng, ít được tiếp tế từ bên ngoài, nước da họ xanh xao, tình trạng sức khỏe suy yếu… Cụm từ “địa ngục trần gian” ở đây xuất phát từ cảnh sống của những người tù này. Cũng cần nói thêm là tuy chống đối hoàn toàn, song thành phần tù chính trị này vẫn được nhận tiền do thân nhân từ đất liền gửi ra (chuyện này sẽ kể thêm ở phần sau).

Ngoài các thành phần tù trên, tại Côn Đảo vào nửa sau thập niên 1960 và nửa đầu thập niên 1970 còn có hai hạng tù khác. Loại đầu rất phổ biến tại các trại giam trong nước, kể cả các trại giam hay trại tù cải tạo sau 30 Tháng Tư 1975. Họ được gọi là “trật tự”, là những phạm nhân, phần lớn là quân phạm VNCH, được giao nhiệm vụ phụ giúp các giám thị trại trong công việc hàng ngày, nhất là việc giữ an ninh trật tự trong trại. Sự xung đột giữa thành phần tù này với các tù chính trị chống đối là một câu chuyện dài trên đảo.

Loại thứ  hai là “đặc hữu” của Côn Đảo, được gọi là “công nhân tư gia”, phụ giúp việc nhà cho các chức sắc trên đảo. Các chức phó của chúa đảo (Phụ tá hành chánh, Đặc khu phó, Phó Quản đốc) được cấp hai hay ba người (nếu có công xa), các trưởng ty sở, trưởng phòng độc lập, sĩ quan trưởng ban Đặc khu, các trưởng ban, trưởng trại thuộc Trung tâm cải huấn, mỗi người được cấp một công nhân tư gia. Đây là nghề mà các tù thường phạm và quân phạm rất mơ ước. Phục vụ tư gia, họ không phải làm việc nặng nhọc như đi lấy củi, đi sở lưới, được chủ nhà chia sớt thức ăn, cho tiền tiêu vặt, và đặc biệt, được nhiều cơ hội xét miễn giảm án tù.

Bản thân người viết bài này có ba công nhân tư gia, anh lái xe bị 20 năm tù khổ sai vì dính vào một vụ giết người, hai anh kia là lao công đào binh tái đào, mỗi anh lãnh 10 năm khổ sai. Trong một đợt cứu xét vả đề nghị ân giảm, ân xá, ba anh công nhân tư gia của tôi được giảm án mỗi người năm năm! Họ tất nhiên may mắn hơn nhiều công nhân tư gia khác, vì ở với giới chức càng có địa vị cao thì cơ may được giảm án càng nhiều.

Kỳ tới: Can cứu chính trị, họ là ai?

____________

Hồ sơ: Côn Đảo, những điều chưa kể

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: