Đài Loan xuất bản tập nhật ký Tưởng Giới Thạch

Trong 5 nhiệm kỳ tổng thống Đài Loan, Tưởng Giới Thạch tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Trung Quốc cho đến khi qua đời vào năm 1975. (Ảnh: Keystone/Getty Images)

Hôm Thứ Ba, 31 Tháng Mười, Viện Academia Historica tại Đài Bắc đã tổ chức một sự kiện ra mắt tập nhật ký của cựu Tổng Thống Tưởng Giới Thạch (蔣介石) từ những năm 1948-1954, nhằm xoa dịu sự chia rẽ xã hội giữa những người xem ông là kẻ độc tài và những người coi ông là vị cứu tinh của hòn đảo.

Tập nhật ký gần đây đã được trả lại cho Đài Loan sau một cuộc chiến pháp lý kéo dài một thập kỷ. Chủ tịch Academia Historica Trần Nhất Thâm (Chen Yi-shen) cho biết ấn phẩm này như một hình thức “hòa giải và tiến bộ xã hội”, đề cập đến những vết thương lịch sử của vụ thảm sát ở Đài Loan năm 1947, khi Tưởng Giới Thạch bị cáo buộc đưa quân từ đại lục giết hại hàng trăm người dân địa phương sau một cuộc nổi dậy.

Trần Nhất Thâm kêu gọi độc giả tiếp cận tập nhật ký của Tưởng Giới Thạch, vẫn là một nhân vật gây nhiều tranh cãi ở Đài Loan, bằng đôi mắt bối cảnh lịch sử: “Thành thật, tôi sẽ nói rằng nếu ông ấy đã làm điều tốt, chúng ta nên ghi nhận công lao của ông và nếu ông ta đã làm điều sai, chúng ta có quyền chỉ trích.”

Tập nhật ký Tưởng Giới Thạch 1948-1954. (Ảnh: Facebook Republic of China History and Culture Society)

Tập nhật ký gồm bảy phần do Hiệp hội Lịch sử và Văn hóa Trung Hoa Dân Quốc xuất bản. Nhật ký ghi lại cuộc đời của Tưởng Giới Thạch từ lúc ông lên nắm quyền lãnh đạo Quốc Dân Đảng, Chiến tranh Trung – Nhật 1937 – 1945, cuộc nội chiến với phe cộng sản của Mao Trạch Đông, và chạy trốn sang Đài Loan thành lập chính phủ lâm thời. Nhật ký cũng đề cập đến Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhất vào năm 1954 – 1955 và lần thứ hai vào năm 1958; liên minh quân sự Hoa Kỳ và  Đài Loan những năm 1950 – 1970; và việc loại bỏ Đài Loan với tư cách là đại diện của Trung Quốc tại Liên hợp quốc vào năm 1971.

Tưởng Giới Thạch sinh ngày 31 tháng Mười năm 1887 ở Chiết Giang, cách Thượng Hải khoảng 100 dặm về phía Nam và Đài Bắc 300 dặm về phía Bắc. Cha của ông là một người buôn muối, chết khi Tưởng Giới Thạch mới 8 tuổi. Sau đó, Tưởng Giới Thạch được đào tạo trường quân sự ở Nhật Bản, nơi ông phục vụ trong quân đội triều đình từ năm 1909 đến năm 1911. Khi trở về Trung Quốc, ông tham gia nhiều hoạt động cách mạng khác nhau, cho đến năm 1918, ông gia nhập Quốc Dân Đảng của Tôn Trung Sơn, lúc đó đang tìm cách lật đổ các lãnh chúa và thống nhất Trung Hoa.

Tôn Trung Sơn qua đời năm 1925, và để lại một khoảng trống quyền lực. Năm 1926, Tưởng Giới Thạch đã trở thành lãnh đạo của Quốc Dân Đảng, kiểm soát các lực lượng cách mạng, và tiếp tục chiến dịch chống lại các lãnh chúa. Tuy nhiên, ông đã phải chiến đấu trong một trận chiến đẫm máu chống lại phe Cộng Sản nằm len lỏi trong Quốc dân đảng. 

Để củng cố hơn nữa quyền lực của mình, Tưởng Giới Thạch chấp nhận ly dị vợ, theo đạo Kito giáo, để kết hôn với Tống Mỹ Linh, em gái ruột của góa phụ Tôn Trung Sơn. Chính phủ Tưởng Giới Thạch đã đạt được nhiều tiến bộ trong thập kỷ tiếp theo, kinh tế, xã hội, công nghiệp, nhưng liên tục bị phá hoại bởi các lãnh chúa còn sống và những người Cộng sản bị lật đổ.

Tưởng Giới Thạch và phu nhân Tống Mỹ Linh tham dự lễ kỷ niệm quốc khánh tại Tòa nhà Văn phòng Tổng thống, Đài Bắc, Đài Loan, ngày 10 tháng Mười năm 1968. (Ảnh: Authenticated News/Archive Photos/Getty Images)

Từ năm 1937 và trong Thế chiến thứ hai, Tưởng Giới Thạch tập trung nỗ lực đẩy lùi và ngăn chặn cuộc xâm lược của Nhật Bản. Với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ và đồng minh, Nhật Bản cuối cùng đã đầu hàng và rút khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, sự cai trị của Tưởng Giới Thạch đang bị suy yếu nặng nề, do tham nhũng và lạm phát kinh tế. Cho nên, cuối thập niên 1940, đồng minh chính Hoa Kỳ, thời Tổng thống Franklin Delano Roosevelt, đã quyết định chấm dứt viện trợ cho chính phủ Tưởng Giới Thạch, vì Washington đã ngao ngán với chế độ chuyên quyền, tham nhũng, và các sai lầm quân sự của ông.

Vào mùa thu năm 1949, chính phủ Tưởng Giới Thạch bị phe Cộng sản đánh bại và phải chạy tới hòn đảo Đài Loan sống lưu vong. Vào ngày 7 Tháng Mười Một năm 1949, Tưởng Giới Thạch chính thức thành lập chính phủ lâm thời tiếp tục hoạt động ở Đài Loan và trở thành tổng thống từ 1950 – 1972. Trong năm nhiệm kỳ tổng thống Đài Loan, Tưởng Giới Thạch tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Trung Quốc cho đến khi qua đời vào năm 1975. 

Tưởng Giới Thạch là một người đam mê viết nhật ký. Ông viết về đời sống thường ngày, bạn bè, đối thủ, và triết lý cuộc sống, từ 1917 tới 1972. Những cuốn nhật ký viết tay dày đặc, một số bị hủy hoại theo thời gian, đã được Elizabeth Tưởng Phương Trí Di (Chiang Fang Chih-yi), vợ góa của Tưởng Hiếu Dũng (Chiang Hsiao-yung) là con trai út của Tưởng Kinh Quốc, đã cho Viện Hoover mượn bộ nhật ký của ông Nội, Tưởng Giới Thạch, và cha mình vào năm 2004, để giám tuyển và nghiên cứu học thuật trong 50 năm. 

Tuy nhiên, một số thành viên trong gia đình họ Tưởng, trong đó có Chiang Yo-mei, cháu gái của Tưởng Kinh Quốc, lập luận rằng bộ nhật ký, bao gồm những bài viết cá nhân và riêng tư, không nên công khai trước công chúng. 

Sau khi nhận được những tuyên bố mâu thuẫn về quyền sở hữu nhật ký, Đại học Stanford đã đệ đơn “can thiệp” ở California vào Tháng Chín năm 2013, nhằm xác định ai có quyền hợp pháp đối với chúng. Thỏa thuận cuối cùng của các bên là sẽ chuyển quyền sở hữu của tập nhật ký cho Academia Historica, là một cơ quan có thẩm quyền đối với các hồ sơ và vật dụng riêng của tổng thống và phó tổng thống.

Theo Viện Hoover, nhật ký viết tay của Tưởng Giới Thạch là “những tài liệu được các nhà nghiên cứu yêu cầu nhiều nhất” vì chúng “chứa đựng những hiểu biết sâu sắc về chính sách đối ngoại và chính trị có giá trị hàng thập kỷ của các nhà lãnh đạo Đài Loan lịch sử này”.

Các học giả sử dụng nhật ký đã sửa đổi và mở rộng hiểu biết về Trung Quốc hiện đại, Chiến tranh Lạnh và lịch sử toàn cầu theo những cách mà trước đây không thể thực hiện được,” Viện Hoover tuyên bố sau khi trả lại 59 thùng nhật ký cho Đài Loan vào Tháng Chín năm nay.

Một trong những đoạn nhật ký đầu tiên của Tưởng Giới Thạch là ký ức năm 1916 khi ông thăm Nhật Bản:

Tôi đến Nhật Bản (lúc 19 tuổi) ban đầu có ý định học trường quân đội. Tuy nhiên, vì các hạn chế rất nghiêm ngặt, tôi sẽ không được nhận vào trường nếu không có thư giới thiệu của người đứng đầu quân đội Trung Quốc. Năm đó tôi được Chen Qimei (Trần Kỳ Mỹ) giới thiệu với Sun Zhongshan (Tôn Dật Tiên, tên thật Tôn Trung Sơn) tại nhà của Miyazaki Tōten. Tôi cũng làm quen với các nhà cách mạng Trung Quốc đang hoạt động ở Tokyo. Tình cảm của tôi đối với đất nước Trung Hoa ngày càng sâu đậm; hơn nữa tôi không thể kìm được mong muốn đánh đuổi Mãn Thanh và khôi phục Trung Quốc.”

Trong nhật ký ngày 1 Tháng Giêng năm 1948, Tưởng Giới Thạch ghi lại thái độ vừa yêu, vừa ghét đối với Hoa Kỳ. Tưởng Giới Thạch ngưỡng mộ “sự tiến bộ” trong lĩnh vực sản xuất phim của Mỹ, nhưng vài giờ sau đó lại nổi cơn thịnh nộ, khi biết rằng Mỹ sẽ chỉ cung cấp cho chính phủ ông 20 triệu viên đạn, kém xa những gì Washington đã hứa. Những viên đạn này có lẽ được Quốc Dân Đảng sử dụng để chống lại phe cộng sản, vốn đã kiểm soát phần lớn đất liền, giai đoạn 1948-1949.

Trong nhật ký năm 1944, trận chiến Hoành Dương (Hengyang, Hồ Nam), “Tưởng Giới Thạch đã mặc cả với God, hứa rằng sẽ dựng cây thánh giá lớn nhất thế giới, nếu God giúp ông bảo vệ thành phố thành công.”

Theo cơ quan lưu trữ Đài Loan, nhật ký của Tưởng Kinh Quốc dự kiến sẽ được xuất bản trong năm nay và phần còn lại của Tưởng Giới Thạch dự kiến sẽ được xuất bản vào năm tới.

Tượng đài Tưởng Giới Thạch (Ảnh: SAM YEH/AFP via Getty Images)

Năm 2016, khi Quốc Dân Đảng bị loại khỏi lực lượng cầm quyền ở Đài Loan, đông đảo người dân yêu cầu chính quyền phá hủy tượng đài Tưởng Giới Thạch vì những bắt bớ, chết chóc mà ông đã gây ra trong suốt hơn 40 năm của thời kỳ “Khủng bố Trắng” (White Terror) và “thiết quân luật”. Hàng chục nghìn người đã bị bắt giữ và ít nhất 1200 người bị tử hình trong những năm từ 1949 đến 1992 chỉ vì bị tình nghi là chống chính phủ Tưởng Giới Thạch. 

Tưởng Phương, người phát biểu tại buổi ra mắt tập nhật ký, cũng kêu gọi công chúng xem xét bối cảnh khi phê phán cố lãnh đạo. Bà cho biết Tưởng Giới Thạch không hoàn hảo, nhưng mong những người chỉ trích ông hãy xem xét hoàn cảnh mà ông phải đối mặt, trước và sau khi Quốc Dân Đảng rút lui về Đài Loan. Bà nói rằng người Đài Loan đang tận hưởng những lợi ích từ những nỗ lực quá khứ, thì nên biết ơn những tiền nhân.

Ký giả nổi tiếng, Sheila Melvin, nhận định rằng Tưởng Giới Thạch có thể không phải là một anh hùng đối với nhiều người vì những sai lầm to lớn của ông. Nhưng có lẽ một ngày, nhờ những trang nhật ký mà ông để lại, Tưởng Giới Thạch sẽ được xem là một người đàn ông bình thường, đã làm hết khả năng, như chính ông đã viết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: