Cách công nhân ở Fresno đối phó với ‘sức nóng chết người’

Leonila Alvarado đã làm việc trên cánh đồng ở Fresno trong hơn hai thập kỷ và nói rằng điều quan trọng là phải dừng công việc khi nhiệt độ lên quá cao. (ảnh: Manuel Ortiz)

Các công nhân nông trại ở Fresno sử dụng nhiều chiến lược khác nhau để quản lý rủi ro do nắng nóng quá mức, từ việc bắt đầu sớm hơn cho đến uống đủ nước và cảnh giác với các dấu hiệu say nắng.

“Thời tiết ở đây đã thay đổi đáng kể,” Martín Melchor, một công nhân nông trại làm việc trên cùng cánh đồng trồng nho, hạnh nhân và đào ở Fresno, California trong 34 năm qua, cho biết sức nóng ngày càng gay gắt hơn và điều này khiến họ gặp nhiều rủi ro hơn. “Chúng tôi phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt để bảo vệ chính mình.”

Xuất thân từ tiểu bang Jalisco, Mexico, Melchor là “mayordomo”- người quản lý của một nhóm công nhân nông trại. “Một phần công việc của tôi là theo dõi nhiệt độ thường xuyên. Khi biết hôm nào trời nóng, chúng tôi cố gắng bắt đầu công việc sớm hơn,” anh nói.

Fresno là nơi có khí hậu không mấy ôn hòa, với nhiệt độ – đặc biệt là trong những tháng mùa Hè – thường gần hoặc vượt quá ba con số. Nhưng với tác động của biến đổi khí hậu, sức nóng ngày càng gay gắt hơn, 10 năm qua diễn ra các kỷ lục nóng nhất, theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia.

Rủi ro về nhiệt độ rất cao đối với những người làm nông tại Fresno – nằm ở Central Valley của California, nơi trồng nhiều trái cây và rau quả của quốc gia – được phơi bày vào đầu tháng này sau cái chết đau thương của Elidio Hernández, người được cho là thiệt mạng khi làm việc ở nhiệt độ trên 1000F.

Một báo cáo pháp y xác định Hernández chết vì bệnh tim mạch, lưu ý rằng không có bằng chứng nào cho thấy nhiệt độ cực cao là nguyên nhân gây ra cái chết của ông.

Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cảnh báo rằng việc tiếp xúc với nhiệt độ cực cao có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của những người có vấn đề về tim mạch. Theo một báo cáo, “sự thay đổi nhiệt độ (những thay đổi lớn về nhiệt độ trung bình của một khu vực nhất định trong một khoảng thời gian cụ thể) cũng có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc bệnh tim mạch”.

Cái chết của Hernández đã thúc đẩy Liên minh Công nhân Nông trại Thống nhất (United Farmworkers Union) và Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Alex Padilla kêu gọi bảo vệ tốt hơn cho công nhân nông trại khi nhiệt độ tiếp tục tăng.

Melchor cho biết, làm việc ở nhiệt độ trên 900F là “không thể chịu đựng được… rất nguy hiểm”, anh thường khuyên mọi người dừng công việc ngay lập tức, nếu có biểu hiện say nắng.

Leonila Alvarado làm việc trên cánh đồng ở Fresno hơn hai thập niên qua, và cũng là người đến từ Oaxaca, Mexico, giống như Melchor, cô quản lý một nhóm công nhân nông trại và nói rằng điều quan trọng là phải dừng công việc khi nhiệt độ lên tới ba con số, do “có thể chết vì nóng”.

Lúc 6:15 sáng, bên đường trước một trang trại ở Fresno, Alvarado đang chất những thùng nước cồng kềnh lên chiếc xe bán tải của mình. Cô giải thích, nước dành cho những công nhân nông trại do cô phụ trách và lưu ý rằng với tư cách là người quản lý, trách nhiệm quan trọng nhất của cô là theo dõi sức khỏe của đồng nghiệp, thông báo kịp thời về những rủi ro của nhiệt độ cao, cung cấp đủ nước cho mọi người, và đưa ra các khuyến nghị để tránh những vấn đề nghiêm trọng.

Martín Melchor (trái) đã làm việc trên cánh đồng trồng nho, hạnh nhân và đào ở Fresno, California trong 34 năm qua. (ảnh: Manuel Ortiz)

Alvarado cho biết: “Thứ Hai hàng tuần, chúng tôi họp với đồng nghiệp và chủ đề chính thường là đề phòng nắng nóng. Chúng tôi khuyên người lao động nên uống nước sau mỗi 15 phút. Rất nhiều người nói rằng họ không khát, nhưng không khát cũng phải uống. Bạn phải làm ướt môi bằng một hoặc hai ngụm cũng được. Chờ cho đến khi bạn rất khát mới uống có thể dẫn đến mất nước, và thế là quá trễ rồi.”

Alvarado cho biết có những công nhân vì nóng quá nên uống nhiều nước tăng lực hoặc đồ uống có đường. Theo Alvarado, thức uống lành mạnh nhất để đối phó với sức nóng là nước thông thường, không có đường.

Khi nói đến quần áo, công nhân phải tự bảo vệ mình khỏi thuốc trừ sâu và các tác nhân hóa học phổ biến ở nhiều trang trại công nghiệp, “nhưng phải mặc quần áo nhẹ nhất có thể,” Alvarado nhấn mạnh.

Ngày làm việc của Alvarado thường bắt đầu vào khoảng 6 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 2 giờ 30 chiều. Cô cho biết khi biết trời sắp nóng, công nhân cố gắng hoàn thành những công việc khó khăn hơn, như xúc đất, càng sớm càng tốt.

Một vấn đề mà cô gặp phải liên quan đến việc công nhân uống rượu vào cuối tuần và đến làm việc vào Thứ Hai. “Điều này rất nguy hiểm vì họ đã bị mất nước. Tôi nhận ra điều đó ngay lập tức và nói với họ rằng nếu lỡ ‘quá chén’ vào tối Chủ Nhật và cảm thấy mệt vào sáng hôm sau thì cứ ở nhà nghỉ ngơi, chứ đừng ra nông trại làm việc mà lăn ra đó thì khổ.”

“Dấu hiệu của người không khỏe, là đổ mồ hôi, đỏ da, toàn thân run rẩy; cảm thấy buồn nôn, đôi khi còn nôn mửa,” Alvarado giải thích, nghe giống một chuyên gia y tế hơn là một nông dân.

Cô cho biết sự cảnh giác và quyết đoán là điều quan trọng khi một công nhân có dấu hiệu say nắng. “Việc đầu tiên là cởi bỏ bớt quần áo cho họ, rồi đặt người đó ở nơi mát nhất có thể. Chúng tôi có một cái lều để che nắng, nhưng đôi khi chúng tôi đưa người đó lên xe hơi, bật máy lạnh, tiếp tục theo dõi, và khi thấy không ổn, bạn phải gọi 911.”

Alvarado, một trong số ít nữ quản lý trong khu vực, thừa nhận sự khó khăn của công việc. Cô nói: “Chúng tôi cố gắng thực hiện tốt công việc được yêu cầu, thật khó nhưng không còn cách nào khác”.

Câu chuyện này được thực hiện như một phần của sự hợp tác với Văn phòng Quan hệ Đối tác Cộng đồng và Truyền thông Chiến lược cho chiến dịch tiếp cận và nâng cao nhận thức cộng đồng về Heat Ready CA.

(Theo EMS, Trang Nguyên chuyển ngữ)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: