Xu hướng tiết kiệm của Gen Z

Gen Z. (minh họa: Omar Lopez/Unsplash)

Ngày nay, dường như các thế hệ lớn tuổi hơn đang học hỏi Gen Z ở nhiều lĩnh vực và giờ đây, họ đang nhắm đến một xu hướng mới mà giới trẻ đang thực hiện được gọi là “soft saving” (tiết kiệm mềm).

Xu hướng này liên quan đến việc mọi người thích chi tiền hơn cho những trải nghiệm hiện tại, những điều giúp thúc đẩy sự phát triển cá nhân và sức khỏe tinh thần.

Tiết kiệm mềm là một kỹ thuật quản lý tiền nhằm giúp bạn tiết kiệm tiền mà không phải cắt giảm nhiều chi phí trong lối sống hoặc tước đi những tiện nghi nhỏ nhặt của bản thân.

Tiết kiệm mềm bao gồm việc thực hiện những thay đổi nhỏ, tăng dần trong thói quen chi tiêu của bạn để giải phóng một lượng tiền mặt nhỏ có thể đưa vào tiết kiệm. Khía cạnh “mềm” xuất phát từ cách tiếp cận được thực hiện: Dần dần và linh hoạt, thay vì cắt giảm ngân sách một cách khắt khe.

Điều đáng giá nhất về xu hướng này là tiết kiệm mềm có thể mang lại lợi ích gì cho mối quan hệ của bạn với tiền bạc: Tư duy tiết kiệm mềm thừa nhận rằng, giống như ăn kiêng cấp tốc, những thay đổi lớn về lối sống thường không bền vững. Vì vậy, thay vì hạn chế ăn uống bên ngoài, giải trí, mua sắm không cần thiết,…, bạn hãy tìm những cách nhẹ nhàng để giảm bớt quy mô mà bạn có thể gắn bó lâu dài.

Nghe có vẻ là một cách tiêu tiền khá hợp lý, tuy nhiên, vấn đề mà một số người đang băn khoăn, là Gen Z đang tiêu tiền quá nhiều cho niềm vui và hưởng thụ hiện tại, mà quên đi việc dành dụm cho tương lai.

Theo CNBC, một nghiên cứu mới về Gen Z ở Mỹ cho thấy thế hệ người trưởng thành mới trong độ tuổi từ 18 đến 25 đang tiêu tiền cho những khoản chi trước mắt, thay vì giữ lại với hy vọng được nghỉ hưu sớm.
Du lịch và giải trí là hai lĩnh vực chính mà lượng tiền của thế hệ trẻ này đổ vào. Xu hướng ‘tiết kiệm mềm’ có vẻ trái ngược với phong trào F.I.R.E. (Financial Independence, Retire Early – Độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm), liên quan đến việc mọi người phải hết sức cẩn thận với số tiền của mình với hy vọng có được nguồn tài chính an toàn và ổn định cuộc sống sau này.

Theo Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ, người Mỹ đang tiết kiệm ít hơn vào năm 2023. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân – phần thu nhập khả dụng mà người ta dành để tiết kiệm – thấp hơn đáng kể ở mức 3.9% trong Tháng Tám, so với mức trung bình 8.51% trước đó.

Ryan Viktorin, Phó Chủ tịch phụ trách tư vấn tài chính tại Fidelity Investments, một tập đoàn dịch vụ tài chính, cho biết một trong những nguyên nhân xuất hiện xu hướng giảm tiết kiệm cá nhân là từ hậu đại dịch COVID-19.

Bà nói với CNBC rằng vì người Mỹ đã chi tiêu thấp hơn đáng kể trong thời gian xảy ra đại dịch trong hai đến ba năm qua, nên giờ đây mọi người có xu hướng chi tiêu nhiều hơn để bù đắp cho khoảng thời gian đã mất.

Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân giảm cũng phản ánh sự thay đổi trong mục tiêu tài chính của người lao động ngày nay. Viktorin cho biết, khi những người trẻ tuổi gia nhập lực lượng lao động, họ có những ưu tiên tài chính mới và có nhiều khả năng thực hiện “cân bằng giữa sự hối hả truyền thống là tiết kiệm từng xu và sử dụng một phần thu nhập tăng thêm của mình để tận hưởng cuộc sống hiện tại”.

Nghỉ hưu là chặng đường cuối của người lao động, nhưng nhiều người lo ngại rằng họ có thể phải làm suốt đời.

Báo cáo của Blackrock cho thấy vào năm 2023, chỉ có 53% người lao động tin rằng họ đang có kế hoạch nghỉ hưu với lối sống mà họ mong muốn. Tiền hưu quá thấp, lo lắng về biến động thị trường và lạm phát cao là một số lý do khiến người lao động thiếu niềm tin vào việc nghỉ hưu.

Những người lao động trẻ hơn cũng có chung quan điểm, Gen Z không chắc liệu họ có đủ tiền để nghỉ hưu hay không.

Gen Z thích trải nghiệm. (minh họa: Fredrik Öhlander/Unsplash)

Trung tâm Nghiên cứu Hưu trí Transamerican phát hiện ra rằng gần một nửa dân số đang làm việc, dự kiến sẽ vẫn đi làm sau 65 tuổi hoặc không có kế hoạch nghỉ hưu. Khoảng 41% Gen Z và 44% thế hệ Millennials – những người hiện ở độ tuổi từ 27 đến 42 – vẫn muốn đi làm để được trả lương khi đến tuổi hưu.  Tỷ lệ này là 31% ở Gen X (những người sinh từ 1965 đến 1980) và 21% Thế hệ Baby Boomers (sinh từ 1946 đến 1964).

Tuy nhiên, 73% Gen Z muốn có chất lượng cuộc sống tốt hơn ở hiện tại, hơn là gửi tiền vào ngân hàng sau này và 53% trong cùng nhóm cho biết rằng họ nhận thấy những cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt là rào cản cho thành công về tài chính.

Chi phí hàng ngày đang tăng lên cùng với giá của các khoản mua sắm quan trọng trong đời sống như xe hơi, nhà ở, trong khi những người trẻ tuổi đang được trả mức lương thấp hơn so với thế hệ trước.

Thực tế là những thứ quan trọng trong cuộc sống đắt đỏ và nằm ngoài tầm với, không có gì lạ tại sao Gen Z lại coi ‘tiết kiệm mềm’ là một xu hướng nên áp dụng.

Hàng thập niên tằn tiện, tiết kiệm và lên kế hoạch cho “một tương lai tươi sáng,” có thể không bao giờ đến, dường như không mấy hấp dẫn.

Sẽ thật khốn khổ nếu trải qua nhiều thập niên mà không chi tiêu cho những trải nghiệm thú vị chỉ để nhận ra rằng bạn không đủ khả năng để nghỉ hưu.

Một số người đang cảnh báo Gen Z rằng họ nên xem xét lại và từ bỏ ‘tiết kiệm mềm’, nhưng thật khó để khiến Gen Z từ chối tận hưởng niềm vui hiện tại trong điều kiện kinh tế khá khó khăn và có thể trong suốt cuộc đời của mình.

Có thể sẽ khôn ngoan hơn nếu biết tiết kiệm cho tương lai, nhưng cuộc sống có rất nhiều khó khăn và việc muốn tận hưởng nó khi tuổi còn trẻ và sức khỏe còn dồi dào cũng không phải là một điều đáng trách.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: