Costco bị cật vấn về nguồn hàng từ Trung Quốc

(Hình: Gabe Ginsberg/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Costco Wholesale đang đối mặt loạt câu hỏi từ các nhà lập pháp Mỹ về một số nguồn hàng được bán trong chuỗi siêu thị của họ.

Trong lá thư gửi Giám đốc điều hành Costco W. Craig Jelinek, Dân biểu Chris Smith (Cộng hòa, New Jersey) và Thượng nghị sĩ Jeffrey Merkley (Dân chủ, Oregon) nói rằng Costco cần phải giải thích lý do tại sao họ tiếp tục bán hải sản và sản phẩm camera an ninh bị cáo buộc có liên quan hoạt động sử dụng nguồn lao động vi phạm nhân quyền ở Tân Cương cũng như một số địa điểm khác ở Trung Quốc.

Chris Smith và Jeffrey Merkley đứng đầu Ủy ban Điều hành-Quốc hội về Trung Quốc (Congressional-Executive Commission on China), một nhóm các nhà lập pháp và quan chức ngành hành pháp chịu trách nhiệm giám sát tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc. Trong bối cảnh căng thẳng song phương leo thang với Trung Quốc, Washington tiếp tục săm soi các công ty Mỹ để tìm hiểu chuỗi cung ứng thị trường Mỹ liên kết như thế nào với các công ty Trung Quốc.

Trong lá thư gửi sếp Costco W. Craig Jelinek công bố ngày 1 Tháng Mười Một 2023, các nhà lập pháp cho biết Costco tiếp tục bán hải sản có nguồn gốc từ Trung Quốc, bất chấp nhiều báo cáo cho thấy Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức trong quá trình sản xuất. Smith và Merkley cũng đặt vấn đề tại sao Costco tiếp tục bán camera an ninh từ Lorex, trước đây là một công ty con của nhà sản xuất máy ảnh Zhejiang Dahua Technology (“Chiết Giang Đại Hoa kỹ thuật cổ phần hữu hạn công ty”). Hai nghị sĩ Smith và Merkley cho biết, Dahua, công ty Trung Quốc có sản phẩm máy ảnh bị cấm bán ở Mỹ, đã hỗ trợ Bắc Kinh đàn áp cộng đồng Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Phản hồi trước lá thư của hai nghị sĩ Smith và Merkley, một đại diện Costco nói rằng “chúng tôi đang xem xét bức thư và sẽ phản hồi sớm nhất có thể”. Sự chú ý liên quan Costco bắt đầu khi giới chức và các nhà lập pháp Hoa Kỳ tăng cường giám sát những mối liên hệ của doanh nghiệp Mỹ nói chung với Trung Quốc, đặc biệt những gì dính dáng Tân Cương. Washington nhấn mạnh rằng chính sách Bắc Kinh đối với Tân Cương là vô cùng tàn bạo và được thiết kế chỉ để nhằm diệt chủng các cộng đồng thiểu số tại khu vực này. Trung Quốc dĩ nhiên bác bỏ cáo buộc.

Theo một điều luật có hiệu lực vào năm 2022, các công ty Mỹ phải giám sát xem nguồn hàng nhập từ Trung Quốc có nguồn gốc từ Tân Cương hay không. Cũng trong năm 2022, Ủy ban Truyền thông Liên bang (Federal Communications Commission – FCC) đã cấm bán các sản phẩm mới do Dahua sản xuất với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ nói rằng sản phẩm Dahua đã được sử dụng để giám sát các nhóm thiểu số Tân Cương. Cần nhắc lại, trong luật cấm 2022 của FCC, ngoài Dahua, còn có Hikvision Digital Technology, Hytera Communications Corp, Huawei Technologies Co và ZTE Corp.

Dahua đã bán Lorex cho công ty Skywatch (Đài Loan) vào năm 2022 nhưng Lorex vẫn tiếp tục nhập linh kiện từ Dahua. Hai nghị sĩ Smith và Merkley nhấn mạnh, các nhà bán lẻ Best Buy, Home Depot và Lowe’s đã ngừng bán sản phẩm Lorex; và như vậy, việc Costco tiếp tục bán sản phẩm Lorex là “khó hiểu”.

Một nhóm nhà báo điều tra gần đây đã phát hiện việc Trung Quốc chuyển lao động từ Tân Cương sang các cơ sở chế biến hải sản ở những nơi khác trong nước họ nhằm tránh bị Mỹ cáo buộc các vấn đề liên quan nhân quyền. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Trung Quốc là nước sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới, với sản lượng ước tính đạt 67.5 triệu tấn vào năm 2022. Mặc dù Tân Cương chủ yếu cung cấp bông, cà chua và các thành phần pin mặt trời, nhưng các doanh nghiệp hải sản Trung Quốc cũng sử dụng nguồn lao động cưỡng bức với công nhân là người Duy Ngô Nhĩ.

Tháng Mười 2023, Ủy ban Điều hành-Quốc hội về Trung Quốc đã thúc ép Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia điều tra các nhà sản xuất được cho là có liên quan đến nguồn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ. Giới lập pháp Hoa Kỳ cũng nhiều lần đánh động nguồn lao động cưỡng bức liên quan những công ty có sản phẩm được bán trên các trang thương mại điện tử Shein và Temu của Trung Quốc.

Trong một động thái mới nhất, Ủy ban Tài chính Thượng viện Hoa Kỳ hiện bắt đầu điều tra nguồn cung ứng của một số nhà sản xuất xe hơi, trong đó có Tesla và General Motors (GM), xem họ có dùng nguyên liệu và thiết bị được sản xuất từ Tân Cương hay không. Ngoài Tesla và GM, các ông nghị Mỹ còn đang “liếc” về phía Ford Motor Co., Mercedes-Benz Group AG, Honda Motor Co., Toyota Motor Corp., Volkswagen AG và Stellantis NV (hãng sản xuất Chrysler và Jeep). Các nhà nghiên cứu tại Đại học Sheffield Hallam phát hiện rằng hơn 96 công ty khai thác hoặc sản xuất liên quan lĩnh vực xe hơi đang hoạt động tại Tân Cương.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác đang bị giam giữ trong khoảng 1,200 trại tập trung do nhà nước cộng sản Trung Quốc điều hành ở Tân Cương.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: